Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Không gì bi đát và thê thảm khi phải chịu cảnh giam cầm. Đã hẳn, bị giam cầm vì vi phạp pháp luật là phải chịu mất đi quyền tự do, phải chấp nhận hình phạt cách ly với cộng đồng để sám hối tội lỗi, nhưng có loại hình giam cầm vì bị hãm hại, oan ức hoặc bị khép tội một cách bất công, bị xử án cách bất minh, bởi đã có những hành động và lời nói làm mất lòng chính quyền, dù đó là lên tiếng cho sự thật, cho công lý, chỉ ra những bất công sai trái, những tệ nạn tham những, vạch trần những nguy cơ mất sự độc lập dân tộc, mất quyền tự quyết và chủ quyền…
Trong các loại hình phạm tội hiện nay, tội chống phá chính quyền, hoặc bị gán ghép cho tội này là cao nhất, cao hơn cả tội phản quốc. Bị kết án phạm tội này, không chỉ quyền tự do, mà mọi quyền con người đều bị tước đoạt, bị hành hạ và đày đọa cả tinh thần lẫn thể xác, để trừng phạt và răn đe.
Luật an ninh mạng đã được Quốc hội thông qua, đồng nghĩa với việc người dân phải “tự cột miệng” mình, nếu không muốn bị gán ghép cho thứ tội kinh khủng nhất: chống phá chính quyền hoặc có âm mưu lật đổ chính quyền.
Lời thúc giục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Giáo hội hãy đi đến những vùng ngoại vi…đến những giới hạn của cuộc sống con người và đến với chính sự nghèo khó” (Docat, số 313), là một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu.
Chính những chuyến “đi ra vùng ngoại biên” và chạm đến những bất công, bất minh, bất chính của trần thế, để từ nơi đó, thắp lên ánh sáng của Tin Mừng, của lẽ phải và công lý cho những người “còn ngồi trong bóng tối sự chết” (Lc 1,70). Một Giáo hội dấn thân cho công lý và hòa bình theo những chỉ dẫn của ĐGH Phanxicô đã để lại những ấn tượng tốt lành trong tâm hồn nhiều người những kỷ niệm đáng nhớ.
Có những lãnh vực mà Giáo hội không thể tiếp cận, như những trại giam những tù nhân lương tâm, những người dấn thân cho tự do, cho công lý, cho những quyền của con người, Giáo hội vẫn có cách để đến với những người khốn cùng ấy và chạm vào những tổn thương của họ để chữa lành, là những buổi lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình.
Chính quyền sợ những buổi cầu nguyện này, vì cứ đinh ninh như cách họ vẫn hành xử, công lý là trừng phạt, là báo thù, là đấu tranh bạo động, mà không chịu bỏ đi những ngộ nhận về công lý Kitô giáo, là công lý của sự thật đánh động lương tri, thức tỉnh tiếng lương tâm trong con người. Công lý ấy bắt nguồn từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vì “Phúc thay ai biết xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).
ĐGH Phanxicô còn dạy: “Sứ mệnh của kitô hữu là không mệt mỏi cầu nguyện cho thế giới, cầu bầu cho tha nhân, loan báo, làm chứng cho Chúa Kitô và noi gương Chúa nối liền đất với trời.” Nối liền đất với trời là phá đi những hàng rào thép gai của những nghi kỵ, hằn học, giận dữ của chính quyền với những người dân yêu chuộng hòa bình trong tự do, mong muốn một cuộc sống xứng với phẩm giá con người.
Tự do là thoát ra khỏi những tư tưởng lầm lạc, để biến mình thành công cụ cho sự dữ, cho cái ác và những sự giả dối, mị dân trong một “nhà tù lớn”, chứ không chỉ là ra khỏi một nhà giam nhỏ khỏi chiếc gông cùm chân.
Không mệt mỏi cầu nguyện cho công lý và hòa bình, để những tiếng kêu than thống thiết của những tù nhân lương tâm ấy được vang đến tai người và vọng tới tận ngai của Thiên Chúa. Không cô độc trong những buổi cầu nguyện cho công lý và hòa bình, vì chính những buổi lễ này mà những người Kitô hữu vẫn liên đới với những người khác, dù không cùng niềm tin, nhưng cùng mục đích hướng đến những con người bị áp bức bất công, bị đày ải trong chốn lao tù, vì không có gì xảy ra cho con người, mà người Kitô hữu không cảm thấy chạm vào chính bản thân mình. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian này đến nỗi đã ban chính Con của Người (x. Ga,16) nên Giáo hội cử hành lễ tế Cứu Chuộc của Đức Giêsu trong tư cách là Đầu của Giáo hội và Thủ lãnh của nhân loại; Người đang cùng chịu đau trong những nỗi đau thể xác và tâm hồn của những con người đang bị áp bức, vì chính Người cũng đã từng bị kết án oan sai; Người thấu hiểu những nỗi oan ức, sự hành hạ và trên thập giá, trước lúc lâm chung, Người đã kêu lên Chúa Cha những lời cầu xin thống thiết bi ai (x.Mt 27,46).
Đương đầu với sự dữ lớn nhất, Đức Giêsu từng dạy các môn đệ là chỉ có ăn chay và cầu nguyện mới trừ được (x.Mc 9,29). Ăn chay là thứ chay tịnh về phần xác để được an thái trong tinh thần, là kiêng khem những yếu tố gây xung đột, những tác nhân tinh thần bạo động trong mọi hình thức; và cầu nguyện dựa trên những giá trị chân thật của Tin mừng, trong tinh thần thánh thiện, ôn hòa và tôn trọng sự thật.
Lời cầu nguyện không thay thế cho hành động, nhưng là nguồn khởi hứng nhiệt thành, duy trì niềm hy vọng, tăng cường tình bác ái và sự liên đới với những nạn nhân của chế độ vô pháp, của thể chế quyết tồn tại bằng sự bạo tàn.
Lời cầu nguyện hòa quyện với những sự khắc khoải của những tù nhân lương tâm, như vọng lại lời cầu chốn lao tù, là lời Kinh Hòa Bình được cất lên hùng tráng, thay cho những tiếng kêu uất nghẹn, những lời nguyền rủa, trong những hoàn cảnh bi thương vang dội tiếng cười ngạo mạn, đắc thắng của nhà cầm quyền cộng sản.
Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình diển ra trong những cơn gian nan khốn khó, để lấy lại sự can đảm, giúp cho mọi người cậy trông vào Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng thế gian (Ga 16,33) Giữa hoàn cảnh bi đát của tổ quốc, vì sự tham lam, nhà cầm quyền đang bán dần quê hương, vì sự độc ác, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn và bạo lực để trấn áp, giam cầm những người xả thân, báo đáp tình nước non, nghĩa đồng bào, cần lắm những lời cầu nguyện cho những kẻ đang bách hại mình, biết hổ thẹn với lương tâm về những hành vi phá hoại đất nước, hủy hoại giống nòi, để trở về với chính nghĩa.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT