Mảnh đất vườn rau – nỗi đau còn đó

 

Đã hơn bốn tháng trôi qua, kể từ ngày Vườn Rau Lộc Hưng bị cưỡng chế bất hợp pháp, những cư dân ở đây đã trưng những bằng cứ xác nhận mảnh đất hơn 48.000m2 họ đang xử dụng và canh tác từ những năm sau cuộc di cư 1954 không phải đất công, không có tranh chấp, vẫn đóng thuế đầy đủ, dù nhiều lần họ đã có đơn xin chính quyền cấp quyền sử dụng đất, nhưng đã không được giải quyết, dù nhà cầm quyền ra thông báo chỉ cưỡng chế những căn nhà xây dựng trái phép từ thời điểm ngày 1.1.2018 về sau, nhưng thực tế, họ cưỡng chế toàn bộ khu Vườn Rau, với nhiều căn nhà đã được xây dựng từ nhiều năm trước.

Những cư dân Vườn Rau, được sự hỗ trợ pháp lý của nhiều luật sư đã có đơn gửi lên Trung ương can thiệp để chính quyền thành phố phải có câu trả lời dứt khoát. Nhưng chính quyền quận Tân Bình vẫn không trưng ra được những bằng cứ pháp lý xác thực khu đất thuộc quyền quản lý trực tiếp của nhà nước, không dám gặp gỡ để đối thoại trực tiếp.

Đã hơn bốn tháng trôi qua, kể từ ngày Vườn Rau Lộc Hưng bị nhà cầm quyền cưỡng chế bất hợp pháp, ngày nào họ cũng cầu nguyện với Đức Mẹ Vườn Rau, xin cho công lý được sáng tỏ, công bằng được tôn trọng trước những ánh mắt soi mói, những lời lẽ hăm doạ và cả những hành vi khiêu khích của đám thuộc quyền.

Sự khốn khổ, nỗi oan khiên của cư dân Vườn Rau đã nhận được sự đồng cảm và đồng hành của một số mục tử “mang mùi của chiên”, bất chấp những thái độ hằn học, những tiếng gầm gừ của sói dữ rảo quanh, nhe nanh đe doạ, để hiện diện và cùng với cư dân ở đây, dâng lời nguyện cầu tha thiết lên Đức Mẹ Ban Sự Bình An.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ sức mạnh, tạo nên sức ép buộc nhà cầm quyền phải ra mặt đối thoại để giải quyết vụ “đánh úp” Vườn Rau Lộc Hưng những ngày trước tết vừa qua, làm bao gia đình khốn khổ và nỗi đau vẫn còn đó trên mảnh đất hoang tàn, đã từng là “vườn rau.” Sự liên kết của “những hạt muối” để cho “mặn đời”, sự góp phần của những “đốm lửa” để tạo nên “những ánh lửa” soi sáng cho thế gian đang bị bóng đêm gian dối và độc ác bao phủ, để tạo nên “ngọn lửa” để thiêu rụi những “rác rến, cặn bã” của xã hội, xem ra còn thưa thớt và rời rạc, vì thiếu sự dấn thân cho công lý, chịu tiêu hao chính mình cho công bằng.

Mảnh đất hoang tàn từng có tên là “vườn rau”, hàng ngày vẫn thổn thức trong nỗi đau: Ai là người thân cận rung cảm trước những tổn thương về tinh thần và thương tích ngoài thể xác của tôi?

Ai là bạn bè, đồng hương, quan tâm tới hoàn cảnh sống khó khăn của của tôi? Ai là người anh em trong cùng một đức tin với tôi? Ai là người yêu thương, chăm sóc và bảo vệ, bênh vực những quyền lợi chính đáng của tôi?

Mảnh đất “khóc” ấy hàng ngày vẫn rên rỉ, song song với nỗi đau bị nén chặt của cư dân ở đây. Cần lắm những tấm lòng trìu mến cúi xuống trên những nỗi đau, diễn tả sự thương cảm được chia sẻ, bảo rằng “sỏi đá cùng cần có nhau”… Con người vô cảm chỉ có thể trở nên thân cận với những kẻ dửng dưng, hoặc trở nên “thân cận” với những kẻ quyền thế. Họ sẽ “tránh qua một bên mà đi”.

Tránh khỏi phải nhìn mảnh đất hoang tàn để bị hạch hỏi, tránh khỏi phải nghe những tiếng nỉ non, để vùi dập lời nhắc nhở của lương tâm, và biện minh bằng sự an toàn của bản thân, vì lợi ích của gia đình. Không cứu giúp những người cùng khốn trong hoàn cảnh cơ cực là đồng lõa, là vô tình ủng hộ những kẻ gây ra những cảnh tang thương ấy.

Thánh Giacôbê bảo: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gcb 2,17). Đức tin ấy chết khi nó chọn lựa: Không Làm, nhưng rúc trong “tháp ngà” an toàn vẫn hơn, mặc cho ai đó bảo là mù, điếc, câm.

Mảnh đất vườn rau – nỗi đau còn đó, như thách thức cho những ai là con cái, biện phân ai là môn đệ Đức Giêsu, khi dám chọn người nghèo, đứng về phía người cùng khốn, binh vực người khổ đau, phục vụ những người bị tổn thương (Lc 4, 16-21), để khẳng định và xác minh tôi “là” hay “không là” người thân cận với những cư dân Vườn Rau.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.