NĂM DÀNH CHO ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN: Thư của cha Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế nhân dịp lễ Thánh Anphongsô năm 2023

Những thừa sai của niềm hy vọng, theo bước chân của Chúa Cứu Thế

NĂM DÀNH CHO ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Hiến Pháp. 21-75; Tông Huấn Evangelii Gaudium 026-049; Lc 6,12-16

Anh em tu sĩ DCCT, các thầy trong giai đoạn đào tạo, anh chị em giáo dân thừa sai và toàn thể gia đình DCCT thân mến,

1. Vào ngày 1 tháng 8 năm 1787, tại thị trấn Pagani, thánh Anphongsô Maria de Liguori rời thế giới này để gặp Chúa Cứu Thế mà ngài hằng mến yêu. Anphongsô không cần giới thiệu thêm. Cuộc đời và câu chuyện của ngài nói lên tất cả.

2. Đã 236 năm kể từ ngày thánh nhân ra đi. Trong bối cảnh này, khi suy ngẫm về đời sống cộng đoàn, tôi thấy có những câu hỏi cơ bản là: cuộc đời và lịch sử của thánh Anphongsô nói lên điều gì với chúng ta ngày hôm nay, và điều đó có thể truyền cảm hứng cho chúng ta như thế nào? Tôi cho rằng có một số điểm quan trọng mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc đời và lịch sử của thánh tổ phụ, những điều mà chúng ta không thể quên:

a) Kinh nghiệm về Thiên Chúa là trung tâm và nền tảng của đời sống cá nhân và cộng đoàn, truyền giáo và hành động luân lý.

Ngay từ khi còn rất trẻ, Anphongsô đã chọn Chúa Cứu Thế làm trung tâm của cuộc sống của mình. Điều này không có nghĩa là trong suốt cuộc đời của mình, ngài không phải đối diện với sự hoài nghi và nản lòng. Thánh nhân đã biến tất cả những điều này thành sức mạnh để ngày càng gần gũi với Chúa Giêsu Kitô hơn và yêu mến Người mãnh liệt hơn. Kitô học của ngài bắt nguồn từ kinh nghiệm sống động này. Đó không phải là một cái gì đó lý thuyết, một bài tập mang tính hàn lâm, nhưng là một thứ sinh ra từ kinh nghiệm cụ thể của mình. Điều này hướng dẫn thánh tổ phụ trong đời sống cá nhân và đời sống cộng đoàn, nghiên cứu thần học, và hoạt động truyền giáo hướng tới những người đơn sơ. Nếu không xuất phát từ trải nghiệm tình yêu của Chúa trong tính cụ thể của lịch sử nhân loại, thì không thể hiểu được thần học, Kitô học, Thánh mẫu học,linh đạo và luân lý của Anphongsô, và hệ quả của điều này thể hiện trong việc từ bỏ chính mình(kenosis), tách xa (distacco), lòng thương xót, sự cứu độ, lòng trắc ẩn, và lòng nhân ái trong mục vụ.

b) Tình yêu dành cho những người bị bỏ rơi nhất và ý thức sâu sắc về công bằng xã hội.

Nơi Thánh Anphongsô, kinh nghiệm về Thiên Chúa được diễn tả thành những thực tại cụ thể: tình yêu thương tha nhân, được thúc đẩy bởi gia đình và sự đào tạo trí thức mà ngài đã nhận được và hoàn cảnh của người nghèo vào thời của ngài. Ngàibiết cách đọc thực tế của thời đại ngài đang sống và phân định đâu là nơi nên đặt mình trong bối cảnh giáo hội và mục vụ này. Lối nhìn nhận này của thánh Anphongsô phải thường xuyên kích thích chúng ta, với tư cách là một Dòng tu, phân định xem chúng ta nên ở đâu (x. Const. 4-5). Đối với chúng ta, người nghèo không phải là một phạm trù xã hội học nhưng là một vùng ngoại vi địa lý cũng như hiện sinh, mà chúng ta phải yêu thương và phục vụ.

c) Đời sống cộng đoàn từ viễn tượng sứ vụ truyền giáo.

Thánh Anphongsô thành lập Dòng Chúa Cứu Thế gồm các linh mục và tu sĩ. Cộng đoàn đã luôn luôn có chức năng của sứ mệnh. Tôi nghĩ rằng Anphongsô đã có sẵn trong đầu cái mà Hiến pháp của chúng ta gọi là một cộng đoàn có tổ chức (Hiến pháp 44). Anphongsô nói: “Một cộng đoàn không có người lãnh đạo sẽ giống như một con tàu lênh đênh trên biển cả mà không có người lái; một nhóm người không có luật lệ, một Ba-by-lôn lộn xộn và rối loạn. “Các quy định cần thiết, tự nhiên trong mọi tụ tập và gia đình gắn kết, về bản chất là liên quan đến hòa bình, trật tự tốt và ý đồ của mỗi cá nhân hợp tác cho mục tiêu mà họ đã đề ra vì lợi ích của Nhà nước hoặc Tôn giáo” (Sant’Alfonso, Lettere, ngày 9 tháng 12 năm 1759).). Tuyên bố này của Anphongsô thách thức chúng ta đọc và suy ngẫm về Hiến pháp 21 – 76 và hãy tự hỏi: chúng ta đang sống đời sống cộng đoàn của mình như thế nào, và chất lượng của đời sống ấy ra sao? Thực sự, điều này có tác động đến sứ vụ của chúng ta. Cộng đoàn không nên là nơi mà chúng ta không muốn ở, mà là một nơi mà chúng ta hoàn thiện bản thân và sứ mạng. Điều này quả là một thách thức không ngừng đối với chúng ta; chúng ta không nên nản lòng trong nhiệm vụ này!

d) Đào tạo thường xuyên vì lợi ích của công việc truyền giáo và hướng tới sự thay đổi não trạng về Giáo hội, thiêng liêng và luân lý-thần học.

Thánh Alfonso nhắc nhở chúng ta rằng tiến trình đào tạo của chúng ta không bao giờ kết thúc. Chúng ta đang trong quá trình đạo tào liên tục kể từ thời điểm chúng tôi bước vào quá trình đào tạo, là thứ sẽ tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta. Đào tạo nhằm mục đích giúp chúng ta ngày càng trở nên nhân bản hơn, cung cấp cho chúng ta những công cụ để chúng ta hoán cải liên tục và làm việc với Dân Chúa. Như thánh Anphongsô, chúng ta không thể thay đổi não trạng giáo hội, mục vụ, thiêng liêng và luân lý nếu chúng ta không cập nhật bản thân và không quan tâm đến việc đào tạo cá nhân và cộng đoàn. Bối cảnh xã hội thay đổi liên tục phải kích thích chúng ta tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi mới của những người đối thoại với chúng ta. Cũng chính sự đào tạo liên lỉ đó cho chúng ta sự khiêm tốn cần thiết để ý thức rằng chúng ta không có câu trả lời cho mọi thứ và loại bỏ chúng ta khỏi sự dễ dãi của những câu trả lời mang tính giáo điều không còn thuyết phục được con người của thời đại chúng ta. Vì lý do này, cuộc đời của Anphongsô khuyến khích chúng ta, với tư cách là những thành viên có lời khấn và những giáo dân thừa sai, hãy chú ý đến việc đào tạo hàng ngày.

e) Kiên trì khi gặp những vấn đề khó khăn.

Thánh Anphongsô truyền cảm hứng cho chúng ta kiên trì. Từ khi rời gia đình và tham gia vào các tòa án, công việc của Bệnh viện Incurabili, khi thành lập Dòng, ngài đã phải sống với những căng thẳng của thời đại mình: chính trị, kinh tế, xã hội, giáo hội, ngay cả sự khó hiểu của các anh em trong cùng Dòng. Bất chấp tất cả, ngài không bỏ cuộc vì ngài tin vào Chúa, tự tin vào bản thân và không bao giờ mất hy vọng vào con người. Ngài không chỉ kiên trì trong mọi việc mình làm, mà còn thiết lập lời khấn kiên trì cho các Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế. Lời khấn ấy vẫn rất quan trọng không những đối với người tận hiến mà còn đối với đời sống gia đình. Đã đến lúc chúng ta với tư cách là một Dòng tu bắt đầu suy ngẫm về sự kiên trì của mình. Mỗi năm không ít các thành viên rời khỏi Dòng. Một số vì lý do giáo luật, những người khác quyết định ra đi quá nhanh, và những người khác gia nhập các giáo phận. Thực tế này không thể không được chú ý. Chúng ta cần thảo luận về vấn đề này trong hành trình đào tạo của mình và trong các cộng đoàn địa phương. Chúng ta đang nhập thể đoàn sủng trong con người chúng ta như thế nào? Cảm thức thuộc về Nhà Dòng của chúng ta như thế nào? Chất lượng cuộc sống cộng đoàn của chúng ta như thế nào? Mối quan hệ của chúng ta với lời khấn vâng lời và việc thi hành quyền bính như thế nào? Những câu hỏi này và những câu hỏi khác liên quan đến lời khấn và lời thề kiên trì bền đỗ của chúng ta.

f) Đời sống và ngôn ngữ bình dân.

Một đặc tính khác của Thánh tổ mà chúng ta phải duy trì, đó là sự giản dị trong đời sống và ngôn ngữ. Nó được liên kết với sự sẵn sàng cho sứ sự và phục vụ tha nhân. Theo nghĩa này, nó giống như một “liều thuốc giải độc” chống lại sự ích kỷ, tự quy chiếu và luôn ở trong “vùng thoải mái” của chính mình.

Thực tế này cũng đi đôi với sự đơn giản của ngôn ngữ của chúng tôi. Tin Mừng mà chúng ta truyền đạt không chỉ phải được chuyển thành những khái niệm có thể tiếp cận được đối với những người mà chúng ta đối thoại trong công việc mục vụ mà còn phải cộng hưởng với lối sống bình dân của chúng ta.

g) Sứ vụ của chúng tôi đòi hỏi sự lên đường (exodus) và tách rời (distacco).

Lịch sử của Đấng sáng lập của chúng ta được đánh dấu bằng nhiều cuộc lên đường khác nhau để đáp ứng các yêu cầu của sứ mệnh. Anphongsô đã phải tổ chức lại cuộc sống cá nhân và sứ vụ của mình để trung thành với đặc sủng nhận được từ Chúa Thánh Thần và do đó hướng dẫn sứ vụ và Nhà Dòng. Bằng cách này, ngài thúc đẩy chúng ta mở rộng tầm nhìn và đón nhận những điều mới mẻ của tái cơ cấvì sứ vụ như một cách đáp trả trung thành với đoàn sủng và các dấu chỉ thời đại.

3. Cuối cùng, giống như Thánh Anphongsô, chúng ta phải nhớ đến Đức Maria Rất Thánh trong cuộc đời của chúng ta (Hiến pháp. 32). Đối với Đức Maria, Thánh Anphongsô dâng lên những bài viết, lời cầu nguyện, âm nhạc và hội họa. Đức Maria không chỉ là Mẹ Đấng Cứu Thế mà còn là người bạn đồng hành, cố vấn và truyền cảm hứng cho ngài, vì sự kiên trì của Mẹ trong sứ vụ dưới chân thập giá và sự ra đời của các cộng đoàn mới (x. Ga 19:25-27; Cv 2:1-12). Xin Mẹ Maria và thánh Anphongsô, với lòng nhiệt thành tông đồ của ngài, khuyến khích chúng ta trở thành những Thừa Sai của Niềm Hy Vọng, bước theo dấu chân của Đấng Cứu Thế.

Trong Đức Ki-tô Cứu Thế,

P. Rogério Gomes, C.Ss.R.

Tổng Quyền

Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ