Thánh Phêrô và ông Giuđa

Thái Hà (23.03.2016) –  Bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta sẽ được nghe trình thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Cụ thể là Chúa nhật Lễ Lá và thứ Sáu Tuần Thánh. Hai ngày đó, chúng ta sẽ được nghe trình thuật thương khó, bắt đầu từ biến cố Đức Giêsu chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua của người Do Thái cho đến khi ngài bị treo trên thập giá, trút hơi thở cuối cùng.

Trong các trình thuật trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt, Mc, Lc), chúng ta sẽ thầy hành trình như sau: Tại nhà Tiệc Ly – Vường Ghetsemani (núi Oliu) – Thượng tế Caipha – Philatô – Vua Hêrôđê (Lc) – Philatô – Đồi sọ.
Đối với Tin Mừng Gioan: Tại nhà Tiệc Ly – Vường Ghetsemani (núi Oliu) – Thượng tế Khana – Thượng tế Caipha – Philatô – Đồi sọ.

Trong trình thuật, dù là các Tin Mừng Nhất Lãm hay Tin Mừng Gioan thì ngoài Chúa Giêsu ra, có hai người được đề cập song song với nhau, khá nổi bật. Đó chính là Phêrô và Giuđa Ítcariốt. Hai vị Tông Đồ này có những hành động khá tương đồng, nhưng kết cục lại khác nhau.

ph--r---v---giu--a_result

1. Được Yêu Thương

Yêu thương vì được chọn làm Tông Đồ

Phêrô và Giuđa đều là những người được Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt. Nhiều người đi theo Đức Giêsu, nghe Ngài giảng dạy và trong số họ có người muốn trở thành môn đệ của Ngài, nhưng Ngài không cho (một anh mù được Ngài chữa cho khỏi, một người được trừ quỷ, một anh thanh niên muốn theo Ngài…). Phêrô và Giuđa đã được Chúa Giêsu chọn vào Nhóm Mười Hai – nghĩa là nhóm môn đệ thân tín luôn đi bên cạnh Ngài, ở với Ngài, được Ngài dạy dỗ cách đặc biệt. Hai ông thuộc vào số những người Ngài muốn.

“Đức Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu gọi các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13)

“Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao ? (Ga 6,70)

Yêu thương qua việc được trao nhiệm vụ

Các ông là những người được Đức Giêsu yêu mến không chỉ qua việc Ngài chọn, gọi các ông làm Tông Đồ nhưng còn chính trong việc Ngài tin tưởng, yêu mến các ông. Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy, Phêrô là người được Đức Giêsu yêu mến hơn nhiều Tông Đồ khác. Trước khi chối thầy 3 lần thì nhiều chỗ Tin Mừng đề cập đến Phêrô như là một trong những môn đệ thân tín nhất của Ngài. Khi Đức Giêsu lên núi biến hình, Ngài cho Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo. Trước khi bị bắt, Đức Giêsu cùng các môn đệ tới vườn Ghetsêmani cầu nguyện thì 3 môn đệ này cũng là người được Ngài mang đi theo: “Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ : “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.” Rồi Người đưa ông Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo.” (Mt 26,36)

Phêrô được coi là Tông đồ trưởng trước khi Chúa Giêsu phục sinh. Ông thường đại diện 11 Tông đồ khác trả lời những câu hỏi của Đức Giêsu, như khi Đức Giêsu hỏi: Anh em bảo Thầy là ai? thì Phêrô đã đại diện trả lời. (Mt 16,15).

Đối với Giuđa, ta không thấy ông trổi vượt trong nhóm Mười Hai hay được Đức Giêsu yêu mến riêng. Nhưng có chi tiết làm cho chúng ta tin rằng, ông được Đức Giêsu tin tưởng, yêu mến đó là Đức Giêsu đã đặt ông làm người giữ tiền cho nhóm. Ông giữ túi tiền (Ga 12.13). Ông trở thành người thủ quỹ, quản lý của nhóm. Trong Hội thánh bây giờ, ông tương đương với vị Hồng y lo về kinh tế tài chính…to lắm.

Được trao cho một chức vụ quan trọng như vậy, chắc chắn ông phải là người có uy tín trong nhóm và được Đức Giêsu tin tưởng.

2. Phản Bội

Phản bội vì không xứng với tình yêu của Thầy

Phêrô và Giuđa đều là những môn đệ phản bội trước tình yêu Thầy dành cho mình. Sự phản bộ trước tiên đó là các ông không đáp ứng những kỳ vọng của Thầy.

Cũng như các môn đệ khác, chắc các ông cũng ta từng tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Tin Mừng Lc còn cho chúng ta biết, ngay trong bữa Tiệc Ly, những giờ phút cuối cùng khi Đức Giêsu chuẩn bị bước vào cuộc thương khó thế mà các Tông Đồ vẫn còn tranh luận xem ai là người lớn nhất (Lc 22,24).

Phêrô tỏ ra yêu mến Thầy nhưng không đúng cách. Khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó và phục sinh lần thứ nhất (Mt 16, 22) thì ông nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”. Tuy nhiên Đức Giêsu đã nói với ông là “Satan lui lại đằng sau Thầy vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người.”

Phản bội vì chối và bán Thầy

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu thông báo là các ông sẽ vấp ngã vì Ngài thì Phêrô hùng hổ tuyên bố cách xác tín: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.”. Đức Giêsu bảo ông : “Thầy bảo thật anh : nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông Phêrô lại nói : “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” (Mt 26, 30-34).

Chúng ta biết, Phêrô hùng hổ và tỏ ra là người can đảm: Khi quân lính đến bắt Chúa Giêsu, ông là người đã rút gươm ra chém đứt tai một tên đầy tớ của Thượng tế (Mt 26,51).

Mặc dù đã tuyên bố hùng hồn về việc sẽ trung tín với Thầy đến cùng nhưng Phêrô cũng trở thành kẻ phản bội Thầy: Phêrô đã trối Thầy tới 3 lần trong sân nhà vị thượng tế Khana (Caipha) khi người ta chất vấn ông có phải là môn đệ Đức Giêsu không.

Tin Mừng Mt cho chúng ta biết, Phêrô chối thầy 2 lần trước câu hỏi của 2 người đầy tớ gái, chối 1 lần trước câu hỏi của một người khác. Không những Phêrô chối Thầy mà thánh Matthêu còn nói là Phêrô đã thề, thề độc mà chối là không thuộc nhóm Đức Giêsu, không quen biết Ngài.

Đây là sự phản bội thật ghê gớm. Ta tưởng tượng, nếu ai đó mình yêu thương hết lòng, mình nhận làm con, nhận làm môn đệ. Mình đã dạy dỗ người đó. Người đó luôn đi theo, được mình huấn luyện dạy dỗ ấy vậy mà khi gặp khó khăn người ấy lại sợ liên lụy nên trối là không biết, không quen mình.

Phêrô không những chối thầy mà con thề, thề độc để trối thầy. Trối trước một người có quyền lực, một thế lực có thể tống giam mình ngay lập tức còn có thể hiểu được nhưng trước những câu hỏi của những người đầy tớ gái cho thấy Phêrô đã phản bội thầy như thế nào.

Trước khi chối Thầy, Phêrô đã được Thầy cảnh báo, nhưng vì quá tự tin vào lòng trung thành nơi bản thân nên Phêrô đã vấp ngã: “Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu. Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông : “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy.

Ông Phê-rô liền thưa : “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.” Đức Giê-su bảo ông : “Thầy bảo thật anh : nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông Phê-rô lại nói : “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” (Mt 26, 30-35).

– Giuđa thì rõ ràng rồi. Ông Tin Mừng cho biết, ông đã chủ động gặp đi “gặp các thượng tế mà nói : “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” (Mt 26 ,15). Nếu như Phêrô rơi vào tình cảnh bị ép cách gián tiếp, không được hoàn toàn tự do vì bị đe dọa thì Giuđa hoàn toàn tự do. Ông đi gặp những người đang thù nghịch với Đức Giêsu để bán Thầy cho họ kiếm chút tiền. Giuđa đã phản bội thầy.

Trước khi phản bội Thầy, Giuđa cũng đã được Thầy nhắc nhở. Chúa Giêsu nói rõ với Giuđa trong bữa Tiệc Ly rằng ông đã phản thầy, đã nộp thầy. Tuy nhiên, trước lời nhắc nhở ấy, khi đã bị bại lộ kế hoạch thì Giuđa vẫn tiếp tục hành động. Giuđa không dừng lại. Ông ra đi trong đêm tối.

Giuđa nộp Thầy khi hoàn toàn tự do và lý trí sáng suốt.

3. Sám Hối và Kết Cục

Cả hai đã sám hối

Tin Mừng cho chúng ta thấy, sau khi Phêrô và Giuđa đã phản bội thầy hai ông đều tỏ ra sám hối, ăn năn vì hành động mình làm.

Tin Mừng cho chúng ta thấy, sau khi chối Thầy, Phêrô đã sám hối, ông khóc lóc thảm thiết vì hành động của mình.
Tin Mừng Thánh Matthêu viết rằng, sau khi gà và gáy thì: ” Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói : “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết “.

Đạo diễn bộ phim nổi tiếng Passion – Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu diễn tả đoạn này: Khi Phêrô chối Thầy lần thứ ba, Đức Giêsu ghé mắt nhìn Phêrô. Phêrô đã trạm ánh mắt thầy và nhận ra tội lỗi của mình. Ông đã sám hối vì hành động phản bội đó.

Cũng như Phêrô, Giuđa đã sám hối. Thánh Matthêu nói rằng: “Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói : “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” Nhưng họ đáp : “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh !” (Mt 27,3). Nói đúng hơn Giuđa đã hối hận vì hành động mình bán thầy lấy 30 đồng bạc. Có lẽ khi cố ý định nộp Thầy Giuđa nghĩ các Thượng tế và nhóm Biệt phải chỉ đánh đòn hay có hình thức trừng phạt Đức Giêsu ở mức độ nào đó, chứ Giuđa không nghĩ họ sẽ đẩy Đức Giêsu vào con đường chết. Nên khi thấy Đức Giêsu bị kết án chết,Giuđa đã hối hận.

Cách sám hối khác nhau

Phêrô và Giuđa đều sám hối vì hành động mình làm. Giuđa bán Thầy, Phêrô chối Thầy, nói rằng không quen biết Thầy vì sợ liên lụy. Và rồi cả Phêrô và Giuđa đều sám hối nhưng kết cục lại hoàn toàn khác nhau.

– Chúng ta biết, sau cái chết của Chúa Giêsu, Phêrô về nhập đoàn cùng với các Tông Đồ khác. Và sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Phêrô đã chạy ra mộ cùng với Gioan để xem xem xác của Thầy đã bị ai đó lấy đi. Rồi chính Phêrô đã được Chúa Giêsu hiện ra tại bờ biển hồ Galilê. Lúc này, Phêrô đã tuyên xưng 3 lần rằng, mình yêu mến Thầy và Chúa Giêsu đã đặt Phêrô làm người đứng đầu. Sau khi Chúa Thánh Thần được ban xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô là người đã giảng bài đầu tiên làm cho 3 ngàn người tin vào Thầy.

– Ngược lại với Phêrô, sau khi hối hận vì hành động bán Thầy, Giuđa đã đi thắt cổ tử tử chết. Sách Công Vụ Tông Đồ còn nói rằng, ông bị lộn cổ xuống đất và ruột lòi ra ngoài. Nghĩa là Giuđa đã chết cách đáng thương.

Vì sao lại có sự khác nhau như vậy? Liệu có phải do Giuđa tội lớn hơn Phêrô chăng? Có thể là tội Giuđa lớn hơn Phêrô nhưng dẫn đến hậu quả như vậy không phải vì tội ông quá lớn.

Điều làm nên khác biện giữa hai vị Tông Đồ này là cách họ sám hối:

Phêrô là người sám hối vì tội mình đã xúc phạm đến Thầy, nhưng bên cạnh việc sám hối ấy, ông tin vào tình thương, lòng thương xót của Thầy. Ông tin vào sự tha thứ của Thầy để có thể làm lại, để có thể tiếp tục cùng với anh em đi nốt cuộc hành trình theo Thầy.

Ngược lại, Giuđa sám hối vì tội đã phạm, nhưng hình như sự sám hối của Giuđa là sự sám hối trong tuyệt vọng. Ông tuyệt vọng vì Đức Giêsu phải chết, nằm ngoài dự định của ông và ông không còn tha thức cho chính bản thâm mình nữa. Ông không thấy lòng thương xót, tình yêu, sự tha thứ của Thiên Chúa. Có lẽ Giuđa đã không nhìn thấy ánh mắt yêu thương, ánh mắt tha thứ của Đức Giêsu như Phêrô đã nhìn thấy. Do đó, từ sự tuyệt vọng dẫn Giuđa tới cái chết. Cái chết thê thảm. Cái chết mà như tác giả sách Tin Mừng Matthêu ghi lại lời của Đức Giêsu nói về Giuđâ: “thà nó đừng sinh ra thì hơn”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.