Tiếng nói của lương tâm chống lại “Quái vật Formosa”: Tổng hợp chuyến vận động đấu tranh pháp lý tại Đài Loan cho nạn nhân của Cty Formosa Hà Tĩnh

Năm 2009, Tổ chức Bảo vệ Môi trường Đức (Ethecol) đã “bêu dương” Công ty Formosa của Đài Loan khi trao giải “Hành tinh đen” cho công ty này vì những “thành tích” tàn phá môi trường tại nhiều nơi trên thế giới. Có lẽ đối với nhiều người Việt Nam, thông tin này như một thứ biếm họa để giải trí cho đến khi Formosa thực sự đã biến cả một dãi bờ biển xinh đẹp, trù phú của miền Trung Việt Nam thành “bờ biển đen” trong thảm họa năm 2016.

Thái độ coi thường pháp luật, môi sinh và hòa bình, lợi ích cộng đồng và quyền con người, cộng với sự dung túng, tham ô và vô trách nhiệm của giới chức cầm quyền Việt Nam, tính ích kỷ, lòng tham lam vô độ, bất chấp cả luật pháp và đạo đức của Formosa lại càng khủng khiếp hơn.

Đứng trước thảm trạng này, đầu năm 2017, Ban Hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm biển Giáo phận Vinh đã khởi xướng Kiến nghị thư về việc giải quyết thảm họa môi trường do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra. Kiến nghị đã được sự ủng hộ đông đảo đồng bào trong nước cũng như hải ngoại, nạn nhân trực tiếp, gián tiếp và những ủng hộ viên với gần 200.000 chữ ký. Đầu tháng 8/2017, Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp và phái đoàn đã có chuyến công du Đài Loan – quê hương của Formosa, để chuyển Bản kiến nghị đến Bà Tổng thống và nghị viện của Đài Loan đồng thời để nói lên tiếng nói bênh vực cho nạn nhân của Formosa tại Việt Nam và nói cho người dân Đài Loan biết nỗi thống khổ mà các nạn nhân này đang phải gánh chịu.

Ngày 04/8, Phái đoàn, với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự tại Đài Loan, đã có cuộc họp báo ngắn trước Phủ tổng thống Đài Loan và trao Kiến nghị thư cho đại diện Tổng thống. Phía chính quyền Đài Loan hứa sẽ trả lời Kiến nghị thư này. Sau đó, một cuộc họp báo chính thức được diễn ra tại Quốc hội Đài Loan, rất đông các hãng thông tấn báo chí đã đến tham dự. Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã công bố những bất công mà nạn nhân đang phải gánh chịu và yêu cầu Formosa phải giải quyết, ngài cũng đưa ra một số đề nghị bổ sung “Chính sách Hướng Nam Mới” mà Chính phủ Đài Loan đang thực hiện. Giám mục cũng đã trả lời nhiều câu hỏi mà báo chí đưa ra liên quan đến thảm họa như việc bồi thường cho nạn nhân, khôi phục môi trường biển và phương án ngăn chặn, chữa trị bệnh tật cho người dân trong vùng thảm họa.

Bên lề cuộc trao thỉnh nguyện thư và họp báo, Phái đoàn cũng đã tiếp xúc với một số tổ chức luật sư bảo vệ môi trường và nhân quyền, nhiều tổ chức xã hội dân sự, các chuyên gia trong ngành xử lý chất độc để tham vấn về luật pháp cũng như tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong công cuộc đấu tranh bảo vệ môi sinh và nhân quyền.

Phái đoàn cũng đã đến thăm “làng ung thư” tại Vân Lâm, nơi mà Nhà máy lọc dầu của Formosa đã gây thảm họa cho chính đồng bào nơi quê hương của họ. Điều ngạc nhiên là nhiều người dân và cả một số phóng viên báo chí cho rằng: Nạn nhân ở Việt Nam được chính phủ Việt Nam bảo trợ và dường như mối liên minh này đã “tống tiền” Formosa để lấy 500 triệu USD, trong khi đó các nạn nhân tại Đài Loan lại bị Chính phủ Đài Loan bỏ rơi vì các vụ phản đối, kiện cáo của họ đến nay vẫn chưa có kết quả nào. Một người dân nói rằng: Khi nghe tin Formosa đã bồi thường 500 triệu Mỹ kim cho các nạn nhân tại Việt Nam, ông đã nghĩ rằng, tính mạng của người Đài Loan không bằng con cá ở Việt Nam!

Điều này cho thấy Formosa đã có cả một chiến lược tuyên truyền để chuyển từ vai trò của kẻ thủ phạm thành nạn nhân trong dư luận của Đài Loan. Với những giải thích và chứng cứ mà Phái đoàn đưa ra, người ta mới ngộ ra rằng, vấn đề không phải là như vậy. Đức Giám mục đã ứng khẩu một câu rất dí dỏm: “Nếu nạn nhân ở Đài Loan bằng con cá thì nạn nhân ở Việt Nam may lắm chỉ bằng cái đuôi cá!”. Có nhiều tiếng cười vang lên nhưng đó là tiếng cười chua chát, buồn thảm của những người cùng cảnh ngộ.

Cũng cần nhắc lại rằng, “lý lịch đen” về việc hủy hoại môi trường của Formosa đã nổi tiếng khắp thế giới với vụ gây ô nhiễm tại bang Texas và Louisiana ở Mỹ, vụ bị “bắt quả tang” khi định xả 3.000 tấn rác độc tại vùng cảng biển Sihanoukville của Campuchia.

Formosa đang là một cơn ác mộng của nhiều người, tại quê hương của họ, tại Việt nam và nhiều nơi khác trên thế giới. Nó thực sự là con “quái vật” khủng khiếp điển hình cho lòng tham lam ích kỷ, vì đồng tiền mà bất chấp luật pháp và đạo đức, môi sinh và nhân quyền. Cần có những tiếng nói ngay thẳng của lương tâm, sự can đảm, chấp nhận nguy hiểm khi đối đầu với bạo quyền mới mong buộc tập đoàn Formosa phải trả giá về các tội lỗi phá hủy môi trường, đe dọa dân chủ, hòa bình, tính mạng và quyền con người.

Sau đây là toàn văn của bức thư của Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp gửi bà Tổng thống Thái Anh Văn và Bài phát biểu trong cuộc họp báo tại Nghị viện Đài Loan:

Kính gửi:  

– Tổng thống Thái Anh Văn;

​- Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan;

– Các Dân biểu Su Zhi Feng, Wu Kun Yi, Chen Man Yi;

– Các cơ quan chính phủ có liên quan.

Chúng tôi là Giám Mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp và Linh Mục Đoàn Giáo Phận Vinh, đại diện cho gần 600,000 giáo dân trong Giáo Phận; bao gồm các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Chúng tôi là nạn nhân trực tiếp của thảm trạng gây ô nhiễm của công ty Formosa Hà Tĩnh vào ngày 6 tháng 4 năm 2016.

Sau biến cố ô nhiễm khủng khiếp này, Giáo Phận chúng tôi đã thành lập Ban Hỗ Trợ Nạn Nhân Ô Nhiễm Môi Trường Biển ngày 13 tháng 9 năm 2016 với mục đích hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân Formosa Hà Tĩnh đòi lại công bằng, công lý.

Chúng tôi được biết Tổng Thống rất quan tâm đến sự hội nhập và phát triển kinh tế của nước Đài Loan. Chính sách Kinh Tế Hướng Nam mới (KTHN) đã được soạn thảo và công bố. Sau khi đọc qua và tham khảo tài liệu này, chúng tôi nhận thấy Tổng Thống đã bỏ qua 1 vài giá trị phổ quát và quan trọng mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới vô cùng quan tâm đó là BẢO VỆ NHÂN QUYỀN và BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.

Theo điều 3 của Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền mà Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948: Ai cũng có quyền được sống, tự do và an toàn thân thể. Formosa Hà Tĩnh đã vi phạm nghiêm trọng những quyền lợi này của người dân bốn tỉnh miền Trung Việt Nam nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Cụ thể là:

Chúng tôi không dám ăn cá hay tắm biển vì không được biết chất độc giết chết hàng loạt cá là gì, có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người hay không.

Người lớn thất nghiệp, trẻ em thất học.

Chúng tôi không được kiểm tra sức khỏe toàn diện để biết được rằng sức khỏe chúng tôi có bị ảnh hưởng gì sau thảm họa này không.

Việc phục hồi môi trường biển còn chưa thực hiện.

Nạn nhân vẫn chưa nhận được bồi thường thích đáng.

Những việc mà công ty Formosa đã, đang và sẽ tiếp tục làm không những vi phạm nghiêm trọng những quyền lợi trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của Chính Sách Hướng Nam Mới là hợp tác song phương, hai bên cùng có lợi. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài việc đền bù số tiền 500 triệu đô cho chính phủ Việt Nam thì hậu quả nghiêm trọng của thảm họa này vẫn chưa được xử lý một cách thỏa đáng làm cuộc sống của những nạn nhân nơi đây vô cùng thống khổ và họ luôn mang tâm trạng bất an khi phải tiếp tục sống chung với Formosa. Nếu cứ để sự việc này trôi qua một cách dễ dàng như vậy thì sẽ còn nhiều doanh nghiệp Đài Loan khác noi theo tấm gương xấu của Formosa Hà Tĩnh. Theo quý vị, mục tiêu chung của Chính Sách Hướng Nam Mới là khẳng định lại vị thế của Đài Loan trên trường quốc tế và việc đánh giá thực hiện hai công ước quốc tế về Quyền Công Dân & Chính Trị và Quyền Kinh Tế, Văn Hóa, Xã hội của Đài Loan có bị ảnh hưởng bởi những sai lầm tương tự hay không?

Hiện tại, Việt Nam dưới sự lãnh đạo độc tài của Đảng Cộng Sản đã bị Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ USCIRF xếp vào Cấp 1, tức là thuộc Các Quốc gia cần phải Quan tâm Đặc biệt – CPC. Theo một khảo sát do Tổ chức Minh bạch Thế giới thực hiện cuối tháng 3/2017, Việt Nam xếp thứ 2 Châu Á về vấn nạn tham nhũng. Với một đất nước có sự quản lý và luật pháp lỏng lẻo như Việt Nam hiện nay thì chắc chắn sẽ còn gặp nhiều bất cập và bất công trong việc đầu tư, quản lý môi trường và thực hiện luật pháp trong tương lai. Chúng tôi biết rằng chính phủ Việt Nam mới là người cần phải thay đổi đầu tiên. Tuy nhiên trên tinh thần là chính phủ đại diện của nước đầu tư và là người đưa ra chính sách KTHN mới cho các nhà đầu tư Đài Loan thì chính phủ Đài Loan cũng cần phải chịu một phần trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát kĩ càng các kế hoạch đầu tư, đánh giá tác động môi trường của các kế hoạch này để đảm bảo sự minh bạch trong việc đầu tư và tránh xảy ra thảm họa ô nhiễm môi trường như Formosa Hà Tĩnh đã gây ra.

Thảm họa Formosa không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến Đài Loan và các nước khác trong khu vực theo cách gián tiếp thông qua việc nhập khẩu lao động Việt Nam ồ ạt tạo ra tình trạng lao động bỏ trốn vì thiếu việc làm, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội, và an ninh lương thực thông qua việc nhập khẩu hải sản và các sản phẩm từ biển (cá, nước mắm,..).

Do đó, chúng tôi tha thiết mong bà Tổng Thống Thái Anh Văn, các vị dân biểu, các bộ ngành có liên quan hợp tác với Liên Hợp Quốc, các tổ chức Xã hội Dân sự, chính phủ của các nước nhằm mang lại công lý cho các nạn nhân Formosa và người dân Việt Nam chúng tôi nói riêng, Đài Loan và những nước khác trong khu vực và trên thế giới nói chung.

Đồng thời, chúng tôi hi vọng rằng quý vị sẽ xem xét sự nghiêm trọng của vấn đề này nhằm đảm bảo các quyền con người và tránh tình trạng ô nhiễm môi trường khi thực hiện Chính Sách Hướng Nam Mới thông qua việc thay đổi luật pháp tương ứng để chế tài các công ty Đài Loan đầu tư ở nước ngoài gây ô nhiễm môi trường trong trường hợp chính phủ và luật pháp nước sở tại bất lực, còn nạn nhân thì kêu cứu sự hỗ trợ pháp lý từ Đài Loan – mẫu quốc của công ty đầu tư.

Chúng tôi rất mong nhận được sự hồi âm sớm từ quý vị.

Chân thành cảm ơn.

Phaolô Nguyễn Thái Hợp

BÀI PHÁT BIỂU TẠI CUỘC HỌP BÁO TRONG NGHỊ VIỆN ĐÀI LOAN

Xin cảm ơn quý vị và quý bạn không những đã từng quan tâm đến thảm hoạ môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, mà còn tham gia buổi họp báo này.

Tôi, Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, thuộc giáo phận Vinh, và đại diện Ban Hỗ Trợ Nạn Nhân Ô Nhiễm Môi Trường Biển.

Hôm nay, sau hơn một năm xảy ra thảm hoạ môi trường do Ct TNHN Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, tôi xin tường trình vắn tắt mấy điểm sau đây:

1) Gần một năm rưỡi đã qua đi, nhưng dân chúng Việt Nam vẫn chưa nhận được những báo cáo khách quan và khoa học của nhà nước về nguyên nhân, diễn tiến và hậu quả của thảm họa môi trường Formosa Hà Tĩnh.

2) Nhà cầm quyền đã đi đêm với công ty Formosa Hà Tĩnh để tiên thiên xác định bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên được bồi thường với số tiền 500 triệu Mỹ kim, nhưng hoàn toàn không hỏi ý kiến các nạn nhân và cũng không dựa trên phân tích khách quan về thiệt hại mà thảm hoạ này đã gây ra. Vì vậy, tỉnh Nghệ An, chẳng hạn, bị loại khỏi danh sách các tỉnh được đền bù. Hơn nữa, những thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu thì lớn hơn nhiều so với số tiền đó.

3) Nhà cầm quyền Việt Nam không những không cho phép các nạn nhân sử dụng quyền pháp lý của mình để khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh, mà còn dùng bạo lực để đàn áp, một cách thô bạo và phi nhân, các cuộc đấu tranh ôn hòa của người dân Việt Nam trên toàn quốc.

4) Cho đến hôm nay, Nhà cầm quyền Việt Nam và công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chưa sử dụng bất cứ biện pháp khoa học nào để khôi phục hệ sinh thái, làm sạch môi trường biển, cũng như đánh giá chính xác về mức độ nguy hiểm và tác động của thảm họa này đối với sức khỏe của người dân trong vùng.

Chúng tôi vui mừng khi biết Bà Tổng Thống Thái Anh Văn rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế Đài Loan và có tầm nhìn xa khi đưa ra “Chính sách Hướng Nam Mới”. Chúng tôi mong rằng chính sách kinh tế này sẽ là một đòn bẩy không những để thúc đẩy nền kinh tế Đài loan, mà còn để đẩy mạnh phát triển kinh tế của các nước Đông Nam Á.

Chúng tôi kêu mời nhân dân Đài Loan, các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan quốc tế mạnh mẽ kiến nghị chính phủ Đài Loan thực hiện “Chính sách Hướng Nam Mới” dựa trên nền tảng phát triển bền vững và toàn diện: không những thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đồng thời phát triển xã hội, thực thi nhân quyền và bảo vệ môi trường. Điều đó buộc các nhà đầu tư Đài Loan phải có trách nhiệm với người dân, cũng như môi trường sinh thái nơi họ đầu tư. Như vậy sẽ tránh được những thảm hoạ môi trường tương tự như những gì mà công ty Formosa đang gây ra trên chính mảnh Đài Loan này, cũng như tại các tỉnh Miền Trung Việt Nam.

Nhiều năm trước đây, trong con mắt của nhiều người dân Việt, Đài Loan được biết đến như một vùng đất an lành, một Quốc gia độc lập, tự do ngôn luận, dân chủ, hoà bình và hiếu khách. Chúng tôi nghĩ rằng nếu “Chính sách Hướng Nam Mới” cũng coi trọng phát triển xã hội, thực thi nhân quyền và bảo vệ môi trường thì sẽ góp phần tích cực giúp người dân Việt Nam tiếp tục giữ hình ảnh đẹp về đất nước Đài Loan. Nhất là sẽ phân biệt được sự khác biệt trong đường lối kinh doanh, cách thức quản lý, kỹ thuật sản xuất, mô hình phát triển giữa công ty Đài Loan với công ty Trung Quốc. Từ đó, sẽ tránh được những hiểu lầm đáng tiếc và đồng hoá oan uổng như trong trường hợp xua đuổi doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam vào năm 2014.

Chân thành cảm ơn quý vị và quý bạn.

Nguồn: giaophanvinh.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.