Tìm Chúa

Ảnh chụp chị Vinh mặc áo xanh ở Phòng Khám HIV/AIDS
Ảnh chụp chị Vinh mặc áo xanh ở Phòng Khám HIV/AIDS

Thái Hà (19.04.2017) – Trong một con hẻm gần ngã ba Ông Tạ, quận Tân Bình, Sàigòn, căn nhà khá khang trang đã ít nhiều thay đổi công năng, để làm phòng chăm sóc dã chiến cho người nhiễm HIV, chị Maria Nguyễn Thị Vinh, thuộc Giáo Xứ Nam Thái, Giáo Phận Sàigòn, vừa bước vào tuổi 60, mà nhiều người hay gọi là “Vinh Sida,” vẫn chưa thôi trăn trở về những người đang đối mặt với căn bệnh bị xã hội xa lánh.

Chị tâm sự rằng, khi người ta gọi mình như vậy nghĩa là mình đã thành công, vì có thể hòa nhập với người nhiễm HIV và giữa chúng tôi không có khoảng cách, dù tôi không hề nhiễm HIV. Tại các bệnh viện khi chúng tôi thăm, tắm rửa và gội đầu cho người đó, nhiều người xầm xì: “Cùng bọn với nhau, nên chăm sóc nhau thôi.” Điều đó không làm chúng tôi buồn, vì niềm vui của người bệnh là hạnh phúc của chúng tôi.

Năm 1998, khi dự tĩnh tâm tại Dòng Chúa Cứu Thế, Linh Mục hướng dẫn mời gọi chúng tôi giúp đỡ bệnh nhân AIDS. Tôi biết về AIDS rất mù mờ, nhưng vì tò mò nên đã đăng ký tham dự một khóa học chăm sóc người có HIV cùng hơn 300 người khác. Nhưng khi nhập cuộc chỉ còn khoảng chục người và chúng tôi lập nhóm Tiếng Vọng để đi tìm người nhiễm HIV, chăm sóc, tắm rửa, ủi an, giúp thuê nhà, liên hệ với một số bác sĩ khám chữa bệnh và trung tâm cai nghiện, giúp chữa trị để sớm hòa nhập với cộng đồng.

Cho đến nay, những người của Tiếng Vọng ngày ấy, giờ chỉ còn mình tôi. Tôi may mắn được một số Linh Mục và bác sĩ hỗ trợ, nên có một cơ sở chăm sóc người có HIV, chủ yếu là giai đoạn cuối. Tôi cũng quy tụ được hơn 10 thành viên mới vào Nhóm Tiếng Vọng ngày nay, gồm một số anh chị em HIV. Sau khi được chữa trị, thuyên giảm bệnh tật, tình nguyện ở lại giúp những người nặng hơn. Buổi sáng, chúng tôi chăm sóc các bệnh nhân ở cơ sở. Chiều và tối chúng tôi đến với các bệnh nhân không di chuyển được, để chăm sóc, tắm rửa và vệ sinh vết thương cho họ. Mọi thành viên trong nhóm đều làm việc thiện nguyện vì chúng tôi không có nguồn thu… ( Theo Bích Thuỷ, Người phụ nữ tắm rửa, gội đầu cho bệnh nhân AIDS, báo Tuổi Trẻ ).

Gần 20 năm, chị Vinh vẫn đang còn mải miết đi tìm Đức Kitô bị bỏ rơi, qua hình hài những người nhiễm HIV. Chính nhờ Tình Yêu Chúa thôi thúc, chị luôn mãi tìm kiếm, đem về chăm sóc, phục vụ. Hôm nay, hai bà Maria Magđala và bà Maria khác cùng ra huyệt mộ tìm Chúa. Họ đã không phải thất vọng, mà hân hoan, hạnh phúc, vinh dự tìm thấy Chúa Phục Sinh.

Kính mến tìm Chúa

“Khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Magđala và bà Maria khác đến thăm mồ.” Một tình yêu nồng nàn, thắm thiết đã thôi thúc hai bà ra đi tìm Chúa ngay từ sáng sớm tinh mơ. Trong lòng khắc khoải, nóng ruột, khôn nguôi kính nhớ Đức Giêsu, khiến họ không thể nào chờ đến sáng hẳn mới đi ra mộ.

Caritas Christi urget nos. “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi.” ( 2Cr 5, 14 ). Hai bà đạo đức chẳng còn quan tâm đến điều gì khác, ngoài Đức Giêsu Kitô đã an táng trong mồ. Họ tha thiết mong được gặp Người và chiêm ngưỡng Người. Không điều gì có thể ngăn cản, cấm đoán hay chia cách Người được.

Nhiệt thành tìm Chúa

Trong khi các môn đệ Đức Giêsu cửa đóng then cài, náu mình trốn kỹ, kẻo quân dữ bắt bớ liên luỵ, thì hai bà đạo đức chẳng ngại, chẳng sợ Biệt phái, quân quan Philatô, lẫn những tay quá khích, quý bà vẫn can đảm đi tìm Chúa.

Dẫu vẫn biết bao gian nguy chờ đợi những ai theo Thầy, nhưng đừng sợ, vì Đức Giêsu Kitô, Vua Tình Yêu, đã chiến thắng vẻ vang. “Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” ( Ga 16, 33 ).

Với tình yêu mãnh liệt, Đức Mến nồng nhiệt, Đức Tin bền vững, Đức Cậy phó thác, thì chẳng có gì lấn lướt, chèn ép, áp bức, đe doạ được con chiên trung thành của Chúa. Bởi chưng, “Ðức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” ( 1Cr 13, 7 ).

Loan báo tìm Chúa

Hai bà không chỉ được diễm phúc gặp Chúa Giêsu sống lại phục sinh, mà còn được an ủi, khích lệ, vinh hạnh làm nhân chứng cho Đấng Phục Sinh. “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilê, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta.”

Cùng sinh hoạt, cầu nguyện, hiệp ý với các Tông Đồ, các bà đã chính thức trở nên những chứng nhân nhiệt thành, sẵn sàng chịu gian khổ, chịu tù đầy, chịu nhục hình và chịu chết, làm chứng cho niềm tin: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.” ( Cv 2, 32 ).

Thánh Phaolô sau này cũng chia sẻ, hiệp thông cùng quý bà, ý thức bổn phận loan báo Tin Mừng, dẫu đầy nguy nan, khó khăn và thách đố. “Xin Thiên Chúa mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Người, để chúng tôi loan báo mầu nhiệm Ðức Kitô; chính vì mầu nhiệm này mà tôi bị giam giữ. Xin cho tôi biết công bố rõ ràng mầu nhiệm ấy, như bổn phận tôi phải loan báo.” ( Cl 4, 3-4 ).

“Lãnh nhận một trách nhiệm tông đồ là sẵn sàng chấp nhận chịu “tử đạo” bởi mọi người, ở mọi nơi, bằng mọi cách, với tất cả yêu thương và bền chí như Phêrô và Gioan: “Họ từ hội đường ra về vui vẻ vì đã được xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa.” ( Đường Hy Vọng, số 313 ).

Lạy Chúa Giêsu, Người đã chịu khổ nạn, chịu chết và đã phục sinh sống lại, để cứu chuộc chúng con khỏi phải chết. Xin Người thương xót cứu giúp chúng con được sống lại, tái sinh cuộc đời mới, sống theo Tin Mừng.

Khấn xin Mẹ giúp đỡ chúng con chết đi thân phận tội lỗi, để được tái sinh cuộc đời mới, nhờ ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

TRẦN BÌNH AN

EPHATA, số 741

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.