Tinh thần Luca (Bài chia sẻ của Đức nguyên tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thái Hà (23.10.2018) –  Nhân ngày bổn mạng kính thánh Luca, Gia đình Luca Hà Nội đã tổ chức ngày tĩnh tâm tại Đan viện Xitô, Châu Sơn, Ninh Bình.

Ngày tĩnh tâm diễn ra hôm 21.10.2018 và đã được Đức nguyên Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chia sẻ, hướng dẫn.

Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt cũng chính là người đã thành lập Gia đình Luca bao gồm những anh chị em y bác sĩ người Công giáo đang làm việc tại Hà Nội vào năm 2007 khi ngài đang làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội.

Gia đình này với mục đích loan báo Tin Mừng qua công việc mục vụ từ thiện: khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả tại vùng sâu vùng xa, nơi các giáo xứ không có điều kiện chăm sóc y tế.

Sau đây là bài chia sẻ của Đức nguyên tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt với khoảng 80 sinh viên Y Dược và các y bác sĩ người Công giáo trong Gia đình Luca Hà Nội trong buổi tinh tâm hôm 21.10 vừa qua:

 ………………………..

Nhận một vị thánh làm bổn mạng có 2 mục đích: xin vị thánh bầu cử và sống theo tinh thần của ngài. Gia đình thày thuốc Luca đã nhận thánh Luca làm bổn mạng. Ta cầu nguyện xin ngài phù hộ chúng ta. Nhưng ta cũng phải sống theo tinh thần của ngài. Thế nào là tinh thần Luca?

Văn là người. Cứ xem tác phẩm thì biết con người. Ta có thể hiểu được thánh Luca qua Tin mừng Luca và sách Công vụ các Tông đồ do ngài soạn thảo. Qua Tin mừng Luca ta có thể thấy một số đặc điểm nói lên tinh thần của Luca như sau.

I.TINH THẦN LUCA

1.Đó là Tin mừng của lòng thương xót. Trong Tin mừng Luca có các dụ ngôn độc đáo và đặc sắc về lòng thương xót.

Điển hình và tiêu biểu là dụ ngôn người Samaria nhân hậu. Người không phải là thân thích, không cùng tôn giáo, nhưng có trái tim biết chạnh lòng thương, sẵn sàng chịu phiền hà, tốn kém tiền bạc, thì giờ, sức khoẻ cúi xuống cứu giúp bệnh nhân. Người làm mọi việc mà không mong được đền đáp. Không vì tình cảm. Càng không vì lợi nhuận. Thuần tuý là do lòng thương xót. Người có lòng thương xót nên đã trở thành thân nhân của người bị nạn.

Dụ ngôn người cha nhân hậucũng đậm đặc lòng thương xót. Đứa con tội lỗi trở về, cha không một lời trách mắng. Vì thấy có nhiều việc cần làm hơn là trách mắng. Việc cần làm là thấy nó đói thì cho nó ăn. Thấy nó rách rưới tồi tàn thì cho áo mới. Thấy nó thiếu thốn tình thương thì ôm lấy nó mà hôn lấy hôn để. Thấy nó buồn sầu thì thuê dàn nhạc giúp vui. Thấy nó bị khinh miệt như người nô lệ thì bắt đầy tớ phục vụ để nó thấy nó là con trong nhà, có tự do, có phẩm giá cao quý. Nó không xứng đáng nhưng người cha giầu lòng thương xót đã làm tất cả để chữa lành, an ủi, và phục hồi nó. Hoàn toàn không đòi hỏi. Không đòi công bằng. Tất cả chỉ là lòng thương xót. Thấy nguy nan thì ra tay cứu vớt. Chỉ chú ý tới cứu người. Còn mọi việc khác tính sau. Cứu người là trên hết.

Một đoạn văn rất đẹp của Luca nói lên lòng thương xót. Đó là Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus. Sau khi Chúa chịu chết hai môn đệ chán nản bỏ Giêrusalem trở về quê cũ. Lòng buồn rầu chán nản. Nhưng Chúa đã hiện đến cùng đi với họ quãng đường 11 cây số. Vừa đi vừa chuyện trò, giải nghĩa cho họ hiểu Thánh Kinh. Cùng dùng bữa với họ. Được nghe Thánh Kinh và được chia sẻ với Chúa, nhất là được thấy Chúa phục sinh, các môn đệ vui mừng, phấn khởi, trở lại Giêrusalem để tiếp tục loan báo Tin Mừng. Lòng Thương Xót của Chúa đã cúi xuống những tâm hồn thất vọng buồn rầu. Đã chữa lành. Đã vực dậy và đã bổ sức để họ phục hồi, phấn khởi trở lại công việc phục vụ Tin Mừng.

2. Đó là Tin mừng của người ngườinghèo khổ. Nếu Tin mừng Luca là Tin mừng của Lòng Thương Xót, thì lòng thương xót của Chúa trước hết hướng đến những người nghèo khổ. Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã loan báo: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Có nhiều cảnh nghèo khác nhau.

Người nghèo khổ trước hết là những người không có tiền bạc của cải. Như anh Lazaro trong dụ ngôn nhà phú hộ và Lazaro: “mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giầu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham” (Lc 16,20-22).

Đó cũng là những người tàn tật, bất hạnh, như đối tượng loan báo Tin mừng của Chúa. Đó là: kẻ nghèo hèn, người bị giam cầm, người mù, người bị áp bức.

Đó là những người có tinh thần nghèo khó. Như Matthêu, Giakêu, tuy có chức quyền của cải, nhưng dám từ bỏ chức quyền, tiền của để theo Chúa.

Đó là những người bị khinh miệt trong xã hội: như phụ nữ, trẻ em. Trong Tin mừng Luca có rất nhiều phụ nữ. Từ những phụ nữ thánh thiện như Đức Mẹ, bà thánh Isave cho đến những phụ nữ tội lỗi như người phụ nữ đã xức dầu chân Chúa tại nhà ông Simon biệt phái (Lc 7,36-50). Từ những phụ nữ giầu có như vợ viên quản lý của vua Hêrôđê (Lc 8,3) đến những phụ nữ nghèo khổ như bà goá thành Nain (Lc 7,11-15). Đặc biệt hình ảnh phụ nữ được sử dụng nhiều trong các dụ ngôn. Như dụ ngôn đồng bạc đánh mất (Lc 15,8-10), dụ ngôn nắm men vùi trong bột (Lc 13,20-21).

Đó là những người tội lỗi. Như anh trộm lành. Thật cảm động khi ở những giây phút cuối cùng, Chúa đã dùng hết sức lực cuối cùng để truyện trò với người trộm lành, tha thứ cho anh và đem anh về thiên đàng.

3. Đó là Tin mừng của tình hiệp thông. Lòng thương xót hướng đến người nghèo đưa đến tình hiệp thông trong xã hội. Vì Nước Trời dành cho hết mọi người. Như trong dụ ngôn bữa tiệc cưới, chủ nhà truyền lệnh: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây” (Lc 14,21). Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Philatô và Hêrôđê làm hoà với nhau: “Ngày hôm ấy, vua Hêrôđê và tổng trấn Philatô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù” (Lc 23,12). Đặc biệt trong sách Công vụ Tông đồ tả lại tinh thần của cộng đoàn tín hữu sơ khai: “Các tin hữu chuyên cần nghe các Tồng Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chúng. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí” Cv 2,42-46). Thật là một tinh thần hiệp thông đẹp tuyệt vời dưới ngòi bút của Luca. Một cộng đoàn mẫu mực đáng mơ ước của mọi người ở mọi thời.

4. Đó là Tin mừng của niềm vui. Lòng thương xót yêu thương người nghèo và tình hiệp thông tự nhiên dẫn đến niềm vui. Đó là niềm vui ơn cứu độ. Vì vui tươi nên ca hát chúc tụng Chúa. Trong Tin mừng Luca có nhiều bài ca.

Bài Magnificat Đức Mẹ hứng khởi, tâm hồn tràn ngập niềm hân hoan đã hát lên bài Magnificat ca tụng Chúa.

Bài Benedictusdo ông Zacharia, chứng kiến cuộc hạ sinh lạ lùng của Gioan Tẩy giả, và ông hết bị câm, cũng đã phấn khởi hát lên ca tụng Chúa.

Bài Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời do ca đoàn thiên thần trên trời hát trong đêm Chúa giáng sinh.

Bài Nunc dimittis do cụ già Simêon hát lên chúc tụng Chúa đã đến trần gian. Và ông được an tâm ra đi. Vì lời Chúa hứa đã được thực hiện.

Đó là những niềm vui siêu nhiên. Niềm vui ơn cứu độ. Niềm vui vì có Chúa, vì gặp được Chúa. Niềm vui đó có được là do lòng thương xót của Chúa. Bài Magnificat là tiêu biểu. Ta hãy đọc lại:

 46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.

49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!

50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
(Lc1,46-55)

II.GIA ĐÌNH THÀY THUỐC LUCA

Ta vừa tóm tắt mấy nét chính yếu của Tin mừng Luca. Đó chính là tinh thần Luca. Gia đình thày thuốc Luca đã nhận thánh Luca làm quan thày. Chính vì thế chúng ta phải đem tinh thần Luca vào cuộc sống thực sự của ta.

1.Tinh thần Luca là lòng thương xót. Như người Samaria nhân hậu biết dừng lại chăm sóc cho người bị nạn, y bác sĩ Luca phải biết dừng ngựa trên con đường vội vã phóng tới thành đạt và hiệu quả. Biết tạm gác những công việc riêng tư với những tham vọng toan tính. Để cúi xuống những thân phận nghèo khổ bất hạnh. Nhường chỗ trên ngựa cho người bệnh là nhường tiện nghi, là nhường ưu tiên cho người bệnh.

Như người cha nhân hậu không chỉ cho đứa con hoang đàng cơm ăn áo mặc, mà còn cho nó tình yêu thương và phẩm giá, thày thuốc Luca cũng phải chữa cho bệnh nhân không chỉ bệnh thể lý mà còn cả bệnh tâm lý và bệnh thiêng liêng nữa. Để bệnh nhân cảm thấy được yêu thương, được trân trọng.

Như Chúa cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmaus, thày thuốc Luca phải dám lên đường lúc đêm khuya, tìm con người bị nạn ở nơi họ đang bị nạn, đi vào cuộc trò chuyện với họ, lắng nghe những tâm sự đang băn khoăn ray rứt, tuyệt vọng, để có thể đưa họ trở lại niềm vui, lý tưởng và lòng hăng say phục vụ.

2. Tinh thần Luca là thương người nghèo. Như Chúa Giêsu nói với nhóm Biệt phái: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mc 2,17). Người đau yếu mà không có tiền bạc lại càng đau yếu hơn, vì họ nghèo khổ. Có nhiều thứ nghèo. Nghèo dễ thấy nhất là nghèo tiền của. Nghèo khó thấy hơn một chút là nghèo sức khoẻ. Nghèo rất khó thấy là nghèo tinh thần, nghèo lý tưởng, nghèo niềm hi vọng, nghèo tình thương.

Noi gương Mẹ Têrexa yêu thương phục vụ người nghèo không phải là ban ơn cho họ. Nhưng trên hết là yêu thương họ. Mẹ thường nói: điều người nghèo thiếu nhất không phải là của cải vật chất, nhưng là tình yêu thương. Hãy yêu thương rồi ta sẽ biết phải làm gì. Còn hơn cả yêu thương, đó là phục vụ. Phục vụ như người tôi tớ. Vì Chúa ở trong người nghèo khổ bệnh tật. Chính Chúa đã nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Đó không chỉ là yêu thương mà còn là trân trọng. Vì Chúa ở trong họ. Mẹ Têrexa nói: chúng ta phải cám ơn người nghèo. Vì họ cho ta cơ hội được gặp Chúa và được phục vụ Chúa.

3. Tinh thần Luca là sống hiệp thông. Để sống đúng chủ trương của gia đình thày thuốc Luca, mọi người phải sống hiệp thông.

Trước hết là hiệp thông với Chúa. Chúa chính là nguồn mạch, động lực, là sự sống của hoạt động tông đồ bác ái. Vì thế để công việc có kết quả cần phải sống hiệp thông với Chúa. Như Chúa Giêsu dạy: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Việc tông đồ mà thiếu cầu nguyện sẽ không có kết quả lâu dài.

Kế đó là hiệp thông với nhau. Như Chúa Giêsu dạy: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Nếu ta đi làm công việc bác ái yêu thương mà lại không sống tình bác ái yêu thương thì đó là phản chứng.

Sau cùng là hiệp thông với mọi người. Hiệp thông với người bệnh tật nghèo khổ vì yêu mến và phục vụ Chúa trong họ. Đến với họ vì tình yêu thương chứ không phải với thái độ ban ơn kẻ cả. Như mẹ Têrexa chúng ta phải biết ơn người nghèo vì họ cho ta cơ hội gặp gỡ và phục vụ Chúa. Hiệp thông với mọi người thành tâm thiện chí ở khắp nơi, dù không cùng văn hoá và niềm tin. Như lời Chúa dạy: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40).

4. Tinh thần Luca là sống niềm vui. Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa vì Chúa ban cho chúng ta có cơ hội, có năng lực và có phương tiện phục vụ Chúa. Chúng ta vui mừng vì có nhiều tâm hồn thiện chí cùng cộng tác với nhau. Chúng ta vui mừng vì được đem tình thương của Chúa đến với mọi người. Không còn gì đẹp hơn sứ giả của tình thương. Không còn gì đẹp hơn bước chân người loan tin vui mừng cho thế giới. Chúng ta vui mừng vì có thể góp phần xoa dịu những đau khổ bất hạnh đang tràn ngập thế giới. Niềm vui thường dẫn đến tạ ơn và ca hát. Hãy hát lên bài tạ ơn Chúa. Hãy hát lên bài cám ơn nhau. Hãy hát lên bài tôn vinh tình yêu thương bác ái, tình người làm cho thế giới này tươi đẹp và đáng sống. Có lẽ không bài nào đẹp bài Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Khó Nghèo.

Lạy Chúa từ bi nhân hậu, xin cho con, xin cho con hằng yêu mến Chúa và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin Chúa thương biến đổi con, biến đổi con thành lợi khí xây dựng Bình An Chúa khắp mọi nơi.

Nơi nào có oán ghét hận thù, xin giúp con xay dựng tình thương.

Nơi nào có nhục mạ khinh khi, xin giúp con mang lại tha thứ

Nơi nào có mâu thuẫn bất đồng, xin giúp con nên người hoà giải

Nơi nào có giả dối sai lầm, xin giúp con rao truyền chân lý

Nơi nào có hoài nghi ngờ vực, xin giúp con củng cố đức tin

Nơi nào có sờn lòng nản chí, xin giúp con gieo niềm cậy trông

Nơi nào có bóng tối mây mù, xin giúp con khơi nguồn anh sáng

Nơi nào có buồn bã u sâu, xin giúp con đem lại an vui

Laỵ Chúa xin dạy con

Tìm ủi an người hơn được người ủi an

Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

Tìm mến yêu người hơn được người mến yêu

Bởi vì khi hiến thân chính là khi được nhận lãnh

Chính lúc từ bỏ mình là lúc gặp lại bản thân

Bởi vì khi thứ tha chính mình sẽ được tha thứ

Cam lòng chịu chết là được sống lại muôn đời

Lạy Thánh thần là nguồn mạch tình yêu

Xin ban cho con một tâm hồn cởi mở

Và xin tuôn đổ trên những người thiện chí

Ơn Ngài ban tặng là ơn AN BÌNH.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.