Tin rằng Nhà Thờ Thủ Thiêm và Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm không nằm trong diện quy hoạch. Tử tế chút đi!
Tử tế là gì?
Điều gì là chuẩn mực, là đạo đức chi phối mọi hành vi, từ những việc nhỏ đến lớn trong mọi tương quan của cuộc sống, bộc lộ giá trị đẹp và nhân văn? Đó là sự tử tế.
Tử tế không phải là ban phước, là từ thiện của những người dư giả, là ơn huệ xin-cho của những kẻ có chức quyền, mà là phẩm chất của những người hiểu biết, thấu đạo trời, đẹp đạo người.
Chúa đã ban sự tử tế trong mỗi con người, như phẩm giá, ban cho mỗi nhà như gia phong, ban cho mỗi dân tộc như luật pháp hiến định. Dù sự dữ, sự xấu có manh động và cao trào, nhưng vẫn không thể thắng thế sự tử tế, và làm lộ ra những “con cáo” đội lốt sự tử tế để cắn xé “đàn chiên”
Sự phản kháng, không những của cộng đồng người Công giáo trong và ngoài nước, và những tổ chức xã hội dân sự kiên cường đấu tranh cho dân chủ và quyền con người, cho công lý và công bằng, về việc triệt hạ Nhà Thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, như đã triệt hạ và san bằng Chúa Liên Trì của Hoà Thượng Thích Không Tánh, là ý chí đấu tranh với cái xấu dưới mọi hình thức, mọi thể chế và mọi con người, dù có khoác trên mình “tấm áo nhà tu” cũng phải lộ nguyên hình là “kẻ chẳng tử tế gì.”
Cuộc đấu tranh không khoan nhượng và bền bỉ giữa thiện và ác; giữa giả trá và sự thật; giữa sự nhập nhằng, ra vẻ “làm người tử tế” với chính sự tử tế đã thức tỉnh cộng đồng, nhất là những người có kinh nghiệm được những “người tử tế ấy” cho ăn bánh vẽ.
Nhà triết học người Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel nói thật chí lý, “cái tồn tại tức là hợp lý”. Điều đó có nghĩa là tất cả sự vật đang tồn tại đều có lí do tồn tại của nó; điều đó chứng tỏ rằng, Nhà Thờ Thủ Thiêm Và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm với bề dày lịch sử của nó đã và đang tồn tại, là “có lý của nó”, chứ không phải vì bất cứ ân huệ nào, cũng như những người dân Thủ Thiêm bao đời đã “ăn dầm nằm dề” ở mảnh đất xình lầy ngập ngụa này. Vì thế, “cái lý” quy hoạch tổng thể đưa ra, với “cái chừa ra” không thể phủ nhận sự tồn tại của nó.
Là một nhà nước của một xã hội, phải học cách sống vì người dân và cho nhân dân, phải hòa mình và thực hiện ý chí của người dân, chứ không phải chỉ vì lợi ích một đảng phái. Chìa khóa thành công cho một thể chế là học cách chấp nhận, tôn trọng và bao dung, để mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với xã hội, giữa thể chế và tôn giáo trở nên hài hòa, để thái độ chấp nhận sự tồn tại của những giá trị văn hoá và tôn giáo, những giá trị của tập thể hay cá nhân, dù nó có yêu mến hay coi thường họ trở nên giá trị của một nhà nước cầm quyền chính danh.
Tử tế là biết tôn trọng những yếu tố dị biệt. Mỗi người sinh ra mang số phận khác nhau, mỗi hoàn cảnh sống mang mối nhân sinh quan khác nhau. Sự khác nhau ấy tạo ra bức tranh muôn màu muôn vẻ. Sống trong thể chế đề cao sự tự do, dân chủ, mặc nhiên khuyến khích người dân quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình, đều sở hữu những mối quan hệ xã hội riêng tư, những quan niệm thẩm mỹ, tôn giáo và sở thích của mình.
Đã từng nghe Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi bị cho “về vườn” đã nói về “làm người tử tế”, nhưng “tử tế và sống tử tế là gì?”, phải chăng ông có ý nói cái “thể chế” này, mà ông từng là “yếu nhân” đ ã chẳng tử tế gì?
Thế thì đừng quá kỳ vọng…
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT