Ba tầng ân sủng

Lm. Vinhsơn Phạm Trung Thành, DCCT

Thái Hà (02.04.2016) – Xin lấy một trải nghiệm đơn giản, có vẻ thuần đời thường một chút để bước vào trang suy nghĩ thiêng liêng. Khi ta được mời đến dự một bữa tiệc lớn, địa chỉ là một nhà hàng nổi tiếng và chủ nhân mời là vị quyền quý cao sang. Ta sẽ chuẩn bị những gì? Ta sẽ suy nghĩ thế nào? Và ta sẽ tham dự bữa đại tiệc đó ra sao? Đó là những câu hỏi vào đề cho những suy tư hôm nay.

Chúng ta đang ở trong một thời kỳ đặc biệt, đặc biệt như thời điểm trên tay cầm chiếc thư mời rất trân trọng đi dự đại tiệc, tiệc chiêu đãi khách đã bắt đầu. “Mùa Chay Thánh” nằm trong “Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót Chúa”, những ngày này còn được nhuộm sáng lên bởi “Năm Thánh Linh Ảnh Tình Yêu Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Ba tầng ân sủng, ba cửa thiên đàng, ba sắc màu linh thiêng chan hòa chiếu soi cuộc sống.1506201

Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta suy niệm và sống mầu nhiệm Đức Maria, hình ảnh Giáo Hội Loan báo Tin Mừng, hình ảnh một sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa. Trên bức Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp ta nhận ra Sứ Thần Gabriel xuất hiện ngang tầm đầu của Mẹ, phía bên trái Mẹ nghiêng đầu. Micael luôn xuất hiện trong vai trò chiến đấu, Gabriel luôn xuất hiện với vai trò loan báo. Từ xa tít mù khơi của hơn 2.000 năm trước, Sứ Thần Gabriel đã mang đến cho Mẹ tin vui về mầu nhiệm nhập thể. Đó là tin vui vì Thiên Chúa đã đoái viếng thăm Dân Người.

Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót nhưng không ai trong chúng ta thấy Thiên Chúa bao giờ, không ai trong chúng ta chạm được để cầm lấy, để nhận thấy, để nhìn thấy, để ôm lấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Người họa sĩ Linh Ảnh bảo chúng ta quay đầu về bên phải, ngước lên một chút để thấy “chốc ấy Ngôi Thứ Hai Thiên Chúa làm người”, Sứ Thần Gabriel loan báo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa làm người, tỏ lộ cho chúng ta thấy, chạm, ôm và sở hữu Lòng Thương Xót Chúa.

Mọi người không còn phải cầu mong vu vơ thần thánh nào khác nữa, Con Thiên Chúa làm người, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hóa xương hóa thịt làm người, đi đến đâu thi ân bố đức đến đó. Kẻ què được đi, người mù được thấy, kẻ câm nói được, người phung hủi được sạch, kẻ tù đày được giải thoát, người bần cùng được no nê và kẻ nô lệ, người bị chà đạp được giải phóng. Chúa sẽ lau khô dòng lệ, vất bỏ khăn tang, mang lại niềm vui reo hò cho mọi miền mọi nơi. Đông đảo dân chúng kéo đến với Ngài, chỉ mong sao chạm được gấu áo Ngài để được chữa lành, để nhận được Lòng Thương Xót.

Sứ Thần Gabriel xuất hiện với bản tin thập giá trên tay, thập giá nói lên trọn vẹn lời báo tin cuối cùng chung cuộc, lời tràn ngập niềm vui vì được cứu thoát, lời kết thúc cho lời ở loan báo ở Nadarét năm xưa. Mẹ nghiêng đầu lắng nghe, Mẹ ôm lấy Chúa Giêsu chấp nhận, Mẹ nhìn chúng ta như ánh mắt nhìn chuyển giao. Trong thập giá, Mẹ cảm nhận ra hết Lòng Xót Thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Thiên Chúa không đành để con người phải chết, nhưng Ngài chấp nhận chết để con người được sống đời đời. Một lần nữa Mẹ chăm chú lắng nghe như có lời từ cột mây vĩnh cửu phát ra lời kêu gọi: “Hãy vâng nghe lời Người”, Mẹ lắng nghe Lời Cứu Độ.

Bản giao hưởng Lòng thương Xót của Chúa khởi đi từ tạo thiên lập địa, đến những cuộc cứu thoát trong quá khứ xa xăm, rồi những nét hùng tráng của tiếng chân rời Ai Cập, tiếng hò reo của cuộc vượt ngàn khơi, làn điệu du dương của vùng đất chảy sữa và mật, tiếng cuồng loạn của những bội phản bất trung, nốt lặng tuyệt vời giữa cánh đồng Bêlem đêm vắng, tiếng xích sắt của bạo tàn, tiếng đóng đinh trên thập giá, tiếng xé toạc bức màn trướng trong Đền Thờ như xé toang không gian của buổi trưa kinh động và tiếng nức nở nghẹn ngào khi gặp lại Chúa Phục Sinh.

Bản giao hưởng “hướng về niềm vui”, Mẹ ân cần trao cho chúng ta qua ánh mắt của Mẹ. Bản giao hưởng ấy đã được hòa âm phối khí bởi sự suy đi nghĩ lại trong lòng Mẹ.

Bức Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp dẫn ta đến với Lòng Xót Thương của Thiên Chúa, mời gọi ta cùng với Mẹ trao đến cho nhân loại cảm nhận Lòng Xót Thương vô bờ bến này. Mẹ là hình ảnh một Giáo Hội lắng nghe Lời Chúa và loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Tôi đã bước vào phòng tiệc, tôi sẽ mặc chiếc áo Đức Tin, đeo vòng vàng trang sức bằng Lòng Mến và mang nơi đôi chân mình chiếc giầy Đức Cậy, những y phục này Mẹ đã mua sắm cho tôi từ ngày tôi bước vào Giáo Hội, chăm chút cẩn trọng dành sẵn cho tôi suốt một tuổi thơ. Tôi sẽ phải chuẩn bị lòng trống rỗng để tận hưởng thực phẩm hằng sống, uống cạn chén nồng nhiệt thành tông đồ, lắng tai nghe những âm thanh dìu dặt thánh đức, và luôn quay mắt hướng về Đấng cứu thoát tôi… ■

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.