Cha Bernhard Häring, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế hạnh phúc (1): Quê hương Böttingen

Cha Bernhard Häring, C.Ss.R

Tác giả: Erwin Teufel, người bạn thân thiết của cha Häring tại Böttingen và là thủ hiến của bang Baden-Württemberg. Dịch từ cuốn Cha Bernhard Häring, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế hạnh phúc. Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ.

Tôi đánh giá Giáo sư Bernhard Häring là một con ưu tú của vùng Böttingen và Baden-Württemberg. Hồ sơ lưu trữ của tôi còn ghi lại việc 30 năm trước, tôi đã đề xuất với người đứng đầu lúc bấy giờ của chính quyền vùng Baden-Württemberg rằng Cha Häring xứng đáng được trao tặng huy chương vì những đóng góp đặc biệt cho đất nước chúng ta.

Böttingen, quê hương của Cha Häring, là một giáo xứ lân cận của Spaichingen và vào thời điểm đó về mặt hành chính thuộc về Spaichingen. Khi tôi được bầu làm Thị trưởng của Spaichingen năm 1964, Cha Häring đã rời xa quê hương từ lâu, nhưng tôi biết cha qua các cuốn sách của ngài và gặp ngài nhiều lần khi ngài nghỉ hè ở quê, nhân tiện trông xứ giúp thay cho cha xứ.

Cha Hipp, Bề trên tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Munich, cũng biết rất rõ quê hương của Cha Häring, vì ngài đến từ miền Fridingen, rất gần Bottingen so với vùng Spaichingen.

Vùng này, sau đó, đã là vùng đất màu mỡ cho ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế với nhiều tu sĩ xuất thân từ nơi này như: Linh mục Johannes Flad, người anh em họ của cha Häring, đã học cùng trường ở Gars, cùng vào nhà tập, cùng học triết-thần và cùng nhau cử hành thánh lễ đầu tiên. Sau đó, Bernhard, cháu ruột của cha Häring, con trai của chị gái lớn, cũng trở thành một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.

“Ai không biết quá khứ thì người đó không có tương lai”, Golo Mann nói như vậy. Cha Berhard Häring luôn nhớ đến nơi sinh bản quán của mình trong suốt cuộc đời. Ngài thường nghĩ về quê hương và hai đấng sinh thành mà ngài hằng yêu quý và kính mến. Điều này được ghi lại trong tác phẩm tự truyện Geborgen und frei của chính ngài.

Cha Häring chào đời ở Bottingen vào ngày 10 tháng 11 năm 1912, là con thứ mười một trong gia đình có mười hai người con. Vì sinh ra vào sáng sớm Chủ nhật, ngài đã được rửa tội vào cùng ngày sau thánh lễ. Thân phụ sau này nói với ngài: “Con và 11 anh chị em của con không ở đây một cách tình cờ. Con là phước lành của Chúa, một ơn huệ mà chúng ta đã cầu xin và đón nhận với lòng tri ân”. Có lần, khi một vị khách chất vấn thân phụ của cha Häring rằng làm thế nào ông cố có thể nuôi được 12 đứa con, ông trả lời: “Không cần anh hay ai khác phải lo lắng về việc nuôi dưỡng và dạy bảo đám nhỏ. Con cái là kho báu và niềm hãnh diện của tôi.”

Böttingen lúc đó là một làng quê chuyên nghề nông, khá nhỏ với chỉ khoảng 800 cư dân. Nằm ở độ cao 950 mét so với mực nước biển, đây là cộng đồng sinh sống ở nơi cao nhất của vùng Württemberg. Thị trấn nằm trên một cao nguyên cao của dãy Alps Schwaben, trong tiếng địa phương gọi là dãy núi “Heuberg”. Chỉ vài km sau Böttingen, cao nguyên dốc xuống về phía sông Danube và về phía tây, vượt qua Dreifaltigkeitsberg, nó dốc xuống miền Primtal. Phong cảnh nông thôn rất hấp dẫn, nhưng đất khô cằn và đầy sỏi đá. Nông dân ở khu vực này không mấy ai giàu có, nhưng ít ra là họ có thể tự nuôi sống gia đình của mình.

Trong nhiều thế hệ, nhiều người trẻ từ các gia đình lớn đã phải di cư sang Mỹ, Đông Âu hoặc Đông Nam Âu. Họ ra đi không phải vì tinh thần ưa thích phiêu lưu nhưng vì mưu kế sinh nhai. Năm 1850 ở Baden-Württemberg, 70% dân số làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đất đai đủ cho tất cả mọi người.

Ngày nay Böttingen là một cộng đồng thịnh vượng và độc lập với 2000 cư dân. Khu vực Heuberg thuộc khu vực sản xuất công nghiệp của bang Baden-Württemberg, mỗi cộng đồng đều có các doanh nghiệp kinh doanh và nhờ vậy người dân có cơ hội làm việc và tiếp cận việc học hành.

Trong thời thơ ấu của cha Häring, chỉ một số ít trẻ em có thể đến trường trung học hoặc trường nội trú. Ngày nay, giống như ở các thành phố lớn, các gia đình gửi con em họ đến các ngôi trường tốt nhất. Người dân gắn bó với quê hương của họ, họ có chất lượng cuộc sống cao và khá sung túc. Tất cả điều này đã xảy ra chỉ trong vòng vài thế hệ kể từ khi Häring lớn lên ở đây.

Cha Bernhard Häring chụp hình cùng với gia đình, gồm ông bà cố và 5 người chị em gái.

Cộng đồng Böttingen được đề cập đến trong một tài liệu có niên đại từ năm 802 được lưu giữ trong tu viện St. Gallen. Tu viện này sau đó nằm dưới quyền tu viện Beuron. Năm 1515, Böttingen là một phần của Đế chế Áo. Nếu vùng đất khi ấy thuộc về Württemberg, chắc chắn người dân nơi đây sẽ không theo Công giáo. Vì là một phần của Đế chế Áo, vùng đất này chịu sự quản lý từ Freiburg và Innsbruck. Chỉ vào thời đại của Napoleon, nó mới trở thành một phần của Württemberg.

Làng Böttingen là một khu định cư cực kỳ cổ xưa với dấu tích của thời kỳ đồ đồng và đầu thời kỳ đồ sắt, cũng như các khu chôn cất và nghĩa trang của người Aleman cổ đại. Điểm cao nhất ở Bottingen được gọi là Alte Berg, nơi có một nhà nguyện. Từ đây ta có thể phóng tầm nhìn ra rất xa. Vào những ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn thấy toàn bộ phong cảnh của dãy Alps từ Áo qua Thụy Sĩ cho đến tận Mont Blanc.

Trong Lời nói đầu của tập đầu tiên trong bộ khảo luận thứ hai về thực hành đời sống Kitô giáo ‘Tự do và trung thành trong Đức Kitô,’ cha Häring viết: “Sinh ra ở một làng quê làm nghề nông nghiệp, tôi như thể được lớn lên trong nền văn hóa của thời Trung cổ”. Điều đó có thể đúng vào thời thơ ấu của cha Häring, nhưng sau hai cuộc thế chiến, quá trình công nghiệp hóa và thế tục hóa, ngày nay có ít sự khác biệt giữa cuộc sống ở miền quê Böttingen và cuộc sống thành thị.

Tôi khá tự hào về một điều. Ở Böttingen và tất cả các cộng đồng của Heuberg, phát xít Đức không bao giờ nhận được đa số trong bất kỳ cuộc bầu cử tự do nào, thậm chí ngay trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 1933. Giá mà các nhà trí thức và giám mục khi ấy đã hiểu tình hình theo cách tương tự như người dân bình thường vào thời điểm này, chúng ta có thể đã được tha thứ cho rất nhiều đau khổ.

Cuộc sống trong gia đình của cha Häring có ảnh hưởng lớn đến ngài. Cha nói một cách rất hay trong hồi ký của mình rằng “cha mẹ có đức tin sâu sắc và vui tươi”. Một chỗ khác, ngài viết: “Cả cha và mẹ tôi đều rất có năng khiếu và tài năng”.

Ông nội của Häring từng sở hữu một quán rượu và một nhà máy bia nhỏ, vì vậy, vào thời điểm đó, ông khá dư dả. Nhưng cha của Häring đã thề sẽ không bao giờ quản lý một quán rượu. Ông đã nhìn thấy quá nhiều người đàn ông lãng phí tiền bạc của họ và những người mẹ không có đủ bánh mì cho con cái. Häring viết: “Tôi không bao giờ thấy cha mẹ xảy ra cãi nhau. Và họ không bao giờ quát mắng chúng tôi khi chúng tôi còn nhỏ”. Tuy vậy, người cha đã ủy quyền cho người mẹ tát các con nếu chúng có lỗi vì sợ làm làm đau các con do tay ông quá cứng!

Trong gia đình này, những đứa trẻ lớn lên trong đức tin Kitô giáo theo gương của cha mẹ. Không có bữa ăn nào thiếu lời cầu nguyện. Mọi kẻ ăn xin đều được mời đến ăn trưa. Khi đọc kinh Truyền Tin ba lần mỗi ngày, tất cả mọi công việc và cuộc trò chuyện đều dừng lại. Vào ngày Chúa nhật, cả gia đình đi lễ, tham dự các việc đạo đức bình dân và tối đến là lần chuỗi Mân Côi. Từ tháng 10 đến tháng 4, tức là ngoài mùa bận rộn, gia đình cùng nhau cầu kinh Mân Côi mỗi tối, sau đó là đọc kinh cầu được dẫn bởi người mẹ. Häring viết lại kinh nghiệm này:

“Nhìn chung, tôi cảm thấy đại gia đình của chúng tôi giống như một giáo hội thu nhỏ, rất thân thiện và tất nhiên là với bầu không khí của đức tin, tin tưởng vào Chúa, yêu thương và tốt đẹp … chúng tôi học cách nhìn nhận các sự kiện của cuộc sống một cách tự nhiên dưới ánh sáng của đức tin”.

Từ mảnh đất như vậy, thật là một điều hết sức tự nhiên khi ơn gọi tu trì nảy sinh và dĩ nhiên, có cả ơn gọi giáo dân để phục vụ trong gia đình, trong công việc, trong Giáo hội và thế giới. Trong số 12 người con, có hai người qua đời khi còn nhỏ và một người anh trai chết trong chiến tranh. Thế chiến thứ nhất là gánh nặng và thách thức chính trong thời thơ ấu của Häring. Trong cuốn Tự do và trung thành với Đức Kitô, cha nói về “những kinh nghiệm trải qua cú sốc, nỗi sợ hãi và sự mất mát”. Cha chấn vấn: “nhiều lần tôi tự hỏi mình liệu Chúa có bất lực trước sự điên rồ của chiến tranh hay không?”.

Hai anh trai của cha di cư sang Brasil, sau đó sang Hoa Kỳ. Người chị cả kết hôn ở Böttingen và có 9 người con. Năm chị em trở thành tu sĩ, trong khi Bernhard Häring muốn trở thành nhà truyền giáo. Vì lý do này, cậu bé khi ấy quyết định đi học lên. Anh họ của ngài cũng làm theo như Bernhard. Sau một chuyến đi hai ngày, họ đến Gars am Inn và nhập học trường trung học dự bị của Dòng Chúa Cứu Thế. “Chúng tôi là những người duy nhất ở đây nói tiếng Aleman, thứ tiếng mà những người khác không hiểu. Đầu tiên chúng tôi phải làm quen với tiếng Bavarian cổ. Chúng tôi có thể hiểu tiếng Đức cao cấp nhưng không thể nói đúng cách … Cả hai chúng tôi sau đó đã đồng hành cùng nhau trong tình bạn không gián đoạn, đầu tiên là ở trường trung học ở Gunzburg, sau đó là ở Nhà Tập Dòng Chúa Cứu Thế ở Deggendorf và với 5 anh em khác, chúng tôi đã được phong chức linh mục cùng nhau ở Gars bởi Đức Hồng y Faulhaber”. Họ cử hành thánh lễ đầu tiên của mình ở Böttingen, vì việc đồng tế không phải là quy tắc được cho phép lúc bấy giờ, hai thánh lễ được cử hành kế tiếp nhau. Hai anh em cuối cùng tách biệt khi vào mùa thu năm 1939 khi cả hai bị gọi nhập ngũ. Johannes Flad đã tử trận ở Leningrad trong một nỗ lực cứu một người đồng đội bị thương.

Sau gia đình ruột thịt, Häring mang ơn Dòng Chúa Cứu Thế. “Tôi nghĩ chúng tôi là một cộng đoàn dễ mến”. Tôi có thể xác nhận quan điểm này. Là một người Swabia, tôi muốn khiêm tốn chỉ ra rằng cha Häring hầu như mang ơn Dòng mọi thứ từ việc được nhập học, trái qua tiến trình đào tạo và tu trì với Dòng Chúa Cứu Thế.

Nhưng chúng ta cũng không nên quên 3 học kỳ ở Tübingen. Ngài bị thu hút đến trường đại học bản địa với các nhà thần học lớn của ‘Trường phái Tübingen’.

“Nửa năm rưỡi ở Tübingen đã cho tôi nhiều hiểu biết và tiếp cận nhiều quan điểm hơn nữa. Theo bước các giáo sư Tin lành và Công giáo giỏi nhất, tôi lần đầu tiên bắt đầu hiểu rằng qua câu chuyện cuộc đời của mình, tôi có thể có một ơn gọi đại kết”. Cha đã lấy bằng tiến sĩ với Giáo sư Steinbiichel với đề tài: “Thánh và Thiện. Sự tương tác lẫn nhau của tôn giáo và đạo đức”.

Vì vậy, Häring không trở thành một nhà truyền giáo theo nghĩa thông thường của thuật ngữ này, nhưng ngài đã trở thành một nhà rao giảng Lời Chúa và một nhà mục vụ gần gũi với con người trong sự đau khổ của họ. Cha trở thành một thành viên danh tiếng của Dòng mình, một giáo sư đại học hạng nhất tại Học viện Luân lý Alphonsiania ở Rome và ở Gars. Cha là người tiên phong trong thần học luân lý, từ bỏ lối phân tích đúng sai rạch ròi để bước sang tinh thần của Tân Ước và con người của Đức Giêsu Kitô. Luật của Đức Kitô và Tự do và Trung thành với Đức Kitô, mỗi cuốn gồm ba tập, đã trở thành những tác phẩm kinh điển về thần học luân lý trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ.

Không nhiều người đã phục vụ Giáo hội trong suốt cuộc đời của họ như cha Bernhard Häring đã làm. Vì lý do này, cha rất đau lòng khi một vụ điều tra liên quan đến mình được mở ra bởi Bộ Giáo lý Đức tin. Là người đã giáo dục và tiếp tục hướng dẫn các thế hệ thần học gia luân lý, là nhà thần học tại Công đồng Vatican II và đã tham gia vào việc soạn thảo Gaudium et spes, là người đã được Đức Giáo hoàng Gioan II nhiệt liệt cảm ơn về tác phẩm Luật của Chúa Kitô, là người đã viết một trăm cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, Häring đã bị sốc khi một vụ điều tra như vậy được mở ra. Nó đã khiến ngài tốn rất nhiều thời gian và sức lực và ngài tin rằng nó cũng là nguyên nhân gây ra căn bệnh hiểm nghèo của mình. Trong khi bày tỏ công khai quan điểm của mình về quá trình điều tra này, Häring không trở nên cay đắng, nhưng vì yêu mến Giáo hội, ngài đã trở thành một nhà ngôn sứ khi lên tiếng về những gì mình tin là sai trái.

Vùng Baden-Württemberg nước Đức, quê hương cha Bernhard Häring

Tôi có những kỷ niệm đặc biệt yêu thích về các cuộc trò chuyện của tôi với Haring vào mùa hè ở Bottingen. Trong một lần trò chuyện, tôi hỏi cha về ý kiến của ngài về việc tìm giải pháp cho vấn đề thiếu hụt linh mục. Theo cách không ai có thể bắt chước được, cha trả lời một cách đầy suy nghĩ, ngắn gọn và cụ thể: “«Anh em hãy làm điều này để tưởng nhớ đến Thầy» là một mệnh lệnh của Thiên Chúa. Độc thân là một mệnh lệnh của con người. Nếu xảy ra xung đột, mệnh lệnh của Thiên Chúa sẽ được ưu tiên”.

Ngay sau một cuộc trò chuyện vào ngày 13 tháng 8 năm 1986, tôi đã ghi lại một số ghi chú mà tôi muốn kể ra đây. Thật không may, sau 22 năm, chúng vẫn còn rất thời sự:

“Tôi rất ấn tượng với cuộc trò chuyện hôm nay. Không có một câu hỏi nào mà chúng tôi có ý kiến khác nhau … về tình hình đại kết, Cha Haring nói: Đáng buồn thay, tôi đồng ý với Đức Hồng y Willebrands, người thường xuyên đến thăm tôi, về ý kiến rằng sự trì trệ hiện tại sẽ một ngày nào đó được vượt qua nhờ một động lực mới. Khi tôi hỏi cha về cuốn sách của Rahner/Fries, cha trả lời: Tôi có cùng quan điểm với Rahner/Fries … Thật không may, Thánh Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ luật Giáo luật mới lại xử lý các câu hỏi sai lầm theo cách tương tự như các câu hỏi không thể sai lầm. Điều này là thiếu trách nhiệm khi xem xét nhiều sai lầm mà Giáo hội đã mắc phải trong quá khứ.

Về vấn đề thiếu hụt linh mục: Một số người đàn ông đã thể hiện mình là những người Kitô hữu trung thành nên được phong chức ngay lập tức. Roma phản đối điều này vì họ tin rằng không ai sẽ chọn sống độc thân sau đó. Điều này không đúng và trong mọi trường hợp, đó là thái độ sai lầm đối với một đặc sủng, không thể ép buộc.

Nói cách khác, sẽ tốt hơn nếu có 20 linh mục sống độc thân một cách tự nguyện và có niềm tin hơn là 200 người sống một cách cưỡng bức và thiếu tin tưởng”.

Điều gì là sợi chỉ xuyên suốt tất cả những ký ức về cha Haring và những sách của mình? Một mặt, đó là định hướng Kinh thánh, một cái nhìn tổng thể, một đường hướng Kitô giáo và nhấn mạnh vào tình yêu chủ động của Thiên Chúa. Mặt khác, có sự cởi mở với những điều mới mẻ, tập trung vào con người cụ thể trong hoàn cảnh sống của họ, ý thức về thực tế và mở rộng tầm nhìn. Cha tin rằng chúng ta cần cởi mở và sẵn sàng học hỏi vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà các quá trình lịch sử đang diễn ra nhanh chóng.

Hàng chục lần, cha đã đảm nhận các vị trí mới và mở rộng tầm nhìn của mình. “Thế giới hẹp của Bottingen bắt đầu mở ra một cách đáng kể” ngài viết sau vài tháng học ở trường trung học. Cha nói thêm: “Tôi biết ơn các giáo sư của mình vì cách họ đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn của mình … Tübingen đã mang lại cho tôi những hiểu biết và quan điểm mới … Một sự quan phòng của Thánh Thần đã đưa tôi ra khỏi tầm nhìn hẹp của một ngôi làng làm nghề nông và dẫn tôi đi xa”.

Các lời mời khác nhau ở Hoa Kỳ, Canada và Anh đã mở rộng kinh nghiệm này hơn nữa và tạo điều kiện cho nhiều cuộc đối thoại thú vị. Những chuyến thăm thường xuyên đến Châu Mỹ Latinh đã dẫn đến việc đánh giá cao các khía cạnh trị liệu và hòa giải của thần học giải phóng.

Trong khi vẫn gắn bó với quá khứ của mình, Giáo sư Bernhard Haring ngày càng cởi mở với thế giới trong suy nghĩ và giảng dạy. Như Herman Hesse, một người bản xứ khác của chúng ta, đã nói: “Địa hình Swabian-Alemanic có rất nhiều thung lũng với các góc và cạnh … nhưng mỗi thung lũng đều mở ra với thế giới”.

Điều này cũng đúng với Cha Haring. Tôi cúi đầu trước Cha Bernhard Haring. Cha là một người có đức tin, một người bảo vệ con người, một nhà rao giảng về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tác giả: Erwin Teufel, người bạn thân thiết của cha Häring tại Böttingen và là thủ hiến của bang Baden-Württemberg. Dịch từ cuốn Cha Bernhard Häring, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế hạnh phúc. Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ.

Đọc tiếp:

Cha Bernhard Häring, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế hạnh phúc (1): Quê hương Böttingen

Cha Bernhard Häring, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế hạnh phúc (2): Häring gắn bó với miền đất Gars

Cha Bernhard Häring, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế hạnh phúc (3): Häring ở Rôma

Cha Bernhard Häring, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế hạnh phúc (4): Những đóng góp tại Công đồng Vatican 2

Cha Bernhard Häring, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế hạnh phúc (5): Cuộc đời tôi trong tư cách là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế