Cha Bernhard Häring, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế hạnh phúc (2): Häring gắn bó với miền đất Gars

Sau khi lắng nghe phác họa chi tiết và sống động của Tiến sĩ Teufel về quê hương của cha Häring, tôi có nhiệm vụ nói về giai đoạn ngài ở Gars, khi đó cha Häring giảng dạy tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế và chúng tôi là sinh viên được cha hướng dẫn.

Cha Häring đã giảng dạy ở đây từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1940. Ngài bị gọi nhập ngũ vào mùa thu năm 1939, nhưng sau khi được đào tạo thành y tá, cha đã được cho phép nghỉ phép.[1] Lúc này, các học trò của cha ở độ tuổi đồng trang lứa. Một trong số họ là linh mục Stenger, người từng viết: “Tôi đã nghe các bài giảng trong lớp của cha Häring với rất nhiều hứng thú. Chúng tôi đang chờ đợi để nhập ngũ, vì vậy giữa chúng tôi là vừa là đồng đội vừa là anh em cùng dòng”.[2]

Sau chiến tranh, cha Häring bắt đầu giảng dạy Thần học Luân lý và Xã hội học Tôn giáo ở Gars vào tháng 6 năm 1947. Trước đó không lâu, cha đã hoàn thành luận án tiến sĩ của mình ở Tübingen chỉ trong vòng 18 tháng. Từ năm 1950 trở đi, cha đến dạy ở Học viện Alphonsian ở Rôma, lúc đầu chỉ một học kỳ, để cha có thể giảng dạy ở Gars cho học kỳ còn lại. Từ năm 1958 trở đi, ngài dành toàn thời gian ở Rôma.

Tôi đã tham dự các bài giảng của cha ở đây từ học kỳ hè năm 1953 đến học kỳ mùa đông năm 1956/7. Nói chuyện với các bạn bè cùng thời đã giúp tôi làm tươi mới lại ký ức. Trong số những người tôi đã tham vấn là cha Stenger, cha Stelzer, cha Aimer, cha Winterer, cha Merkle, cha Schalk, cha Ritter và cha Gerstle. Trong thời gian tôi ở Gars, cha Haring có vai trò phụ tá, trợ lý cho cha Giám đốc học viện, lúc đó là cha Suttner.

Bài viết này sẽ được chia thành các phần chính sau: cha Häring người lao động miệt mài; cha Häring và thần học luân lý; cha Häring và sinh viên.

Người lao động miệt mài

Trong tất cả những năm tôi biết ngài, điều gây ấn tượng nhất với tôi về cha Häring là sự tận tâm và khả năng làm việc không ngừng. Vào năm 1950, cha bắt đầu thực hiện một cuốn sách giáo khoa mới về thần học luân lý, được xuất bản vào năm 1954 với tựa đề Luật của Chúa Kitô (Das Gesetz Christi). Vào tháng 4 năm 1951, người biên tập là tiến sĩ Erich Wewel đã nhận được phần đầu tiên của tác phẩm. Cuốn sách này đã phát triển theo thời gian lên tới 1328 trang in (1446 nếu tính cả ghi chú). Các bài giảng mà cha Häring đã trình bày cho chúng tôi là một phần của tài liệu thần học luân lý mới này.

Trong kế hoạch tổng thể của mình, cha Häring xử lý một loạt các đề tài và vấn đề. Trên hết, trong những phần của tác phẩm đề cập đến quan điểm Kitô giáo trong các “lĩnh vực khác nhau của cuộc sống”, một số lượng lớn các câu hỏi phức tạp đã được thảo luận (ví dụ: lời thề và lời hứa, hôn nhân và gia đình, vấn đề xã hội, y đức, công bằng khi tính thuế, vấn đề kiếm lợi nhuận từ đầu tư).

Cha Häring không muốn đưa ra những giải pháp sẵn có cho các câu hỏi về hành vi của Kitô hữu, mà chỉ đề xuất các nguyên tắc chung để hướng dẫn hành vi có trách nhiệm. Đồng thời, cha không né tránh các vấn đề thực tế mà trái lại, cha đưa ra các quan điểm cụ thể. Điều này có nghĩa là cha đã phải tích lũy sự hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nó cũng cho thấy cha đã phải đọc rất nhiều sách và bài báo để tìm kiếm những ý tưởng hữu ích. Vào thời điểm này trong cuộc đời của mình, cha Häring thường làm việc 10 giờ mỗi ngày. Trong việc tiếp cận với tài liệu cần thiết, cha Viktor Schurr, giáo sư Tín Lý, là một người giúp đỡ nhiệt tình cho cha Häring. Cha Viktor đã hướng dẫn Häring tìm đọc những tác phẩm quan trọng và mượn sách từ thư viện quốc gia ở Munich.[3] Cha Schurr, một người Swabian, đã nhận ra tài năng của Häring khi Häring còn là sinh viên của mình. Sau đó, khi cả hai đã cùng giảng dạy tại Học viện ở Gars, cha đã chủ động làm việc với Häring xây dựng một nền thần học cởi mở. Năm 1958, họ cùng nhau thành lập tạp chí Theologie der Gegenwart. Ngay cả khi cách diễn đạt của Schurr về “một nền thần học Gars” có phần cường điệu, nhưng vẫn đúng là Gars là một nơi có tư tưởng tiến bộ. Để hiểu vì sao ccha Häring lại có thể hun đúc nên tinh thần ý thức về những gì đang xảy ra và có tinh thần hợp tác, chúng ta cần phải đề cập đến sự đóng góp của Linh mục tiến sĩ Alois Guggenburger.[4]

Việc chuẩn bị in ấn mất rất nhiều thời gian. Có một cuộc trao đổi thư từ phong phú giữa cha Häring và nhà xuất bản ở Freiburg. Tiến sĩ Wewel trên phương diện cá nhân đã rất quan tâm đến nội dung của cuốn sách, ông đọc kỹ và đưa ra nhiều ý kiến ​​chuyên sâu. Ông cũng chịu trách nhiệm một phần về tựa đề sách. Cuốn sách ban đầu được đặt tên là ‘Trong Đức Kitô-Thần học luân lý cho các nhà thần học và giáo dân’ (xem thư của cha Häring ngày 20 tháng 11 năm 1953). Tiến sĩ Wewel có thắc mắc: ông ấy nghĩ rằng từ “Trong” ở đầu tiêu đề là không hay về mặt “thư mục” vì nó gây cảm giác rằng người đọc cần có rất nhiều kiến thức nền tảng và cũng vì nó tạo ra ấn tượng đây là một tác phẩm thiêng liêng mang tính truyền bá (xem thư gửi cha Häring ngày 10 tháng 4 năm 1953; ngày 4 tháng 1 năm 1954; ngày 10 tháng 1 năm 1954). Wewel có xu hướng đưa từ “tự do” vào tiêu đề: “Tự do của con cái Thiên Chúa” hoặc “Luật của tự do” hoặc “Luật hoàn hảo của tự do ” (xem thư ngày 6 tháng 1 năm 1954; ngày 4 tháng 2 năm 1954). Tôi không thể xác định được cha Häring đã tham gia đề xuất các tiêu đề này đến mức nào. Cuối cùng Wewel viết trong một lá thư ngày 28 tháng 1 năm 1954: ‘Sau khi cân nhắc hồi lâu (cũng với vợ tôi), tôi muốn đề xuất tiêu đề Luật của Chúa Kitô.’ Cha Häring rất biết ơn Wewel về sự chuẩn bị cẩn thận, ngay cả khi có những lúc căng thẳng giữa hai người. Wewel đôi khi quá cầu toàn về chi tiết, trong khi Häring thì thiếu kiên nhẫn. Hàng trăm chi tiết phải được quyết định trong quá trình xuất bản tác phẩm này.

Vào thời điểm chuẩn bị để xuất bản cuốn sách Luật của Chúa Kitô, Cha Häring còn nung nấu một tác phẩm khác: Xã hội học gia đình, phát hành vào mùa thu năm 1954. Cha Häring đã từng giảng dạy trong khóa học về chủ đề này nhiều lần. Mối quan tâm của cha Häring đối với xã hội học có liên quan đến quyết tâm của cha là coi trọng thực tế của con người, học hỏi từ những bài học kinh nghiệm và đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. Để làm được điều này, cần phải tìm hiểu xem những gì đang diễn ra trong tư tưởng và văn hóa đương đại và xem xét chúng ảnh hưởng như thế nào đến hành vi cá nhân. Vấn đề là phải hiểu những điều kiện xã hội nào trợ giúp hoặc cản trở đức tin và đời sống Kitô giáo.[5] Sau khi ghi nhận những điều này, cần phải có hành động cụ thể để vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường. Để có thể tác động đến xã hội dân sự (phương tiện truyền thông, chính trị, công đoàn, giải trí) theo cách này, cần phải nỗ lực chung trong các nhóm có mục tiêu rõ ràng.[6]

Sự quan tâm đến xã hội học tôn giáo và mục vụ cũng dẫn cha Häring tham gia vào việc chuẩn bị các cuộc đại phúc diễn ra trong một khu vực (ví dụ như ở Landshut và Ulm). Cha đã dẫn đầu cuộc điều tra xã hội học về khu vực đó, đưa ra cảnh báo cho các nhà thừa sai và giáo sĩ địa phương về những phát hiện và đôi khi chính cha là thành viên của đoàn đại phúc.[7] Tôi đã tìm thấy trong kho lưu trữ một bản thảo trong đó Cha Häring viết báo cáo “Đánh giá về tình hình Giáo xứ” trong khu vực Ulm. Cha đã thực hiện một công việc tương tự trong các bài giảng của mình cho các công đoàn.[8]

Cha Häring, người lao động miệt mài! Đây là điều mà chúng ta có thể nói chắc chắn về cha Häring, bởi vì trong những năm này, cha còn thực hiện rất nhiều công việc bên ngoài văn phòng của mình ở Gars (hoặc Rome). Vào thời điểm viết sách Luật của Chúa Kitô, Cha Häring cũng tham gia với cha Schurr và những anh em khác trong việc “Mục vụ cho người tị nạn” ở các khu vực lưu vong của Coburg và Ansbach. Điều này liên quan đến công việc tiên phong trong số những người Công giáo đã bị đuổi ra khỏi quê hương bản xứ của họ và thấy mình bị bật gốc khỏi nền văn hóa và sống trong một khu vực không có sự chăm sóc mục vụ một cách có tổ chức. Đây là một kinh nghiệm quan trọng đối với cha Häring.

Cha Häring, người lao động hăng say! Rõ ràng là lúc này Cha Häring không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Trong thời gian còn là sinh viên thần học, thứ Năm là ngày nghỉ, khi đó các học sinh có thể đi dã ngoại cả ngày. Một sinh viên đến gặp Cha Häring đến gặp cha để xin phép đi dã ngoại với hai sinh viên khác. Cha Häring rõ ràng không thể hiểu tại sao cần phải dành cả ngày cho một chuyến đi và nói một cách ngắn gọn: “Tôi chỉ cần hai tiếng để dã ngoại mà không gặp vấn đề gì.” Nhưng cha không có gì chống lại ý tưởng đi du ngoạn cả ngày về mặt nguyên tắc.

Tôi chưa thấy cha Häring có biểu hiện hối hả hay lo lắng. Điều này ít xảy ra hơn với người bạn và đồng nghiệp của mình, cha Schnur. Khi cha Schnur đi ra khỏi thư viện với một đống sách, tốt hơn là bạn nên tránh sang một bên để tránh bị va phải. Cha Heni, một linh mục già, què, có thói quen nhìn quanh một góc nhất định chỉ để chắc chắn không bị va chạm kiểu này với cha Schnur !

Thần học luân lý

Chúng tôi rất may mắn khi được cha Häring hướng dẫn tìm hiểu về một thần học luân lý hiện đại, thực sự là một thần học luân lý đã đánh dấu một sự thay đổi hướng đi và mở ra những vùng đất mới.

Những gì chúng tôi nghe được trong các bài giảng trên lớp của ngài là nội dung của tác phẩm cơ bản “Luật của Đức Kitô”.[9] Đôi khi chúng tôi có thể sử dụng các bằng chứng cho việc học của chúng tôi. Như đã đề cập ở trên, cha Häring đã cung cấp một cách nhìn toàn diện về thần học luân lý, đề cập đến một loạt các đề tài và vấn đề. Đồng thời, cha liên tục nhắc nhở chúng tôi về các nguyên tắc cơ bản đằng sau thần học này. Cha Hidber sẽ đề cập chi tiết hơn về chủ đề này ở bài viết sau, tạm thời tôi sẽ minh họa những nguyên tắc này một cách tổng quát.

Đặc điểm cơ bản của thần học luân lý của cha Häring là sự nhấn mạnh khía cạnh tôn giáo và Kitô học của nó: Lối sống được mong đợi của các Kitô hữu được mang đến cho họ bởi Đức Kitô, được thực hiện bởi Đức Kitô và được điều khiển bởi Đức Kitô. Đó là một quan điểm rất khác với quan điểm của Immanuel Kant, vốn coi tôn giáo chỉ là một sự trợ giúp bên ngoài và suy cho cùng chỉ là hư cấu, giúp ích cho sự phát triển đạo đức. Kant thường được nhắc đến trong các bài giảng, thường là ở vị trí đối lập, mặc dù Cha Häring thừa nhận giá trị của một số tư tưởng đạo đức của Kant. Cha Häring thường mô tả Kant là “Người Trung Quốc đến từ Konigsberg”.

Cha Häring có một số thuật ngữ chính mà ngài sử dụng để mô tả thần học của mình và mong đợi sẽ nghe thấy những từ ngữ này được đề cập trong các bài kiểm tra. Chúng bao gồm: một thần học luân lý về ân sủng và Tin Mừng; một thần học luân lý về Tám mối phúc thật; một thần học luân lý về sự phát triển. Xin cho phép tôi minh họa những thuật ngữ này bằng một số ví dụ.

Thần học luân lý của ân sủng và Tin Mừng

Điều mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua và trong Đức Kitô luôn đứng trước bất kỳ luật lệ hay mệnh lệnh nào. Chúng ta có thể nói rằng ân sủng, món quà của Thiên Chúa, là “luật” đích thực. Nhờ tác động của Thiên Chúa nơi chúng ta, Người kêu gọi chúng ta đi theo một con đường nhất định, Người chỉ cho chúng ta những gì chúng ta có thể và nên làm. Câu hỏi của chúng ta về ý muốn của Thiên Chúa, điều mà Thiên Chúa muốn từ chúng ta là: “Làm thế nào tôi có thể tạ ơn Chúa vì tất cả những điều tốt lành mà Ngài đã làm cho tôi?” (Tv 116, 12.14).

Tôi nhớ rằng cha Häring rất thích trích dẫn câu nói đẹp đẽ của thánh Tôma: “Đặc điểm chính (potissimum) của luật của giao ước mới và trong đó toàn bộ sức mạnh của giao ước này bao gồm là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được ban qua đức tin nơi Đức Kitô. Và vì vậy, luật mới trước hết (principaliter) là chính ân sủng của Chúa Thánh Thần.” (Tổng luận thần học I II q. 106 a. I).[10] Có một động lực và thúc đẩy bên trong của Chúa Thánh Thần hướng tới một đời sống môn đệ và có một hình thức hành vi có thể được mô tả là “hoa trái của Thánh Thần” (xem Gal 5, 22).

Giáo dục trong giảng dạy và thần học luân lý phải tính đến mối quan hệ này giữa món quà của ân sủng và luật pháp, nó phải giúp người Kitô hữu hiểu rằng họ có lý do để biết ơn những gì đã được ban cho một cách tự do. Điều này trở thành một thông điệp của niềm vui mang lại sức mạnh mới.

Các Mối Phúc Thật

Khi mô tả thần học luân lý của mình theo cách này, cha Häring muốn nghiêm túc xem xét thực tế là Chúa Giêsu đã mở đầu các tuyên bố của mình trong Bài giảng trên núi (Mát-thêu) bằng từ “phúc”. Chúa Giêsu không tuyên bố một cách lạnh lùng và áp đặt những gì chúng ta phải làm. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng một cuộc đời được sống theo Ngài không cần phải cay đắng nhưng phải được đánh dấu bằng niềm vui và lòng biết ơn. “Phúc cho anh em” có nghĩa là “bạn có thể vui mừng”, “bạn có thể tự coi mình là hạnh phúc”, “bạn đang đi đúng hướng và bạn biết điều đó”.

Các Kitô hữu nên sớm hay muộn cần nhận ra rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời của họ không phải là nghĩa vụ và gánh nặng mà là sáng kiến của Thiên Chúa đối với họ, một sáng kiến ​​mang lại cho cuộc sống phẩm giá, có chiều sâu và sự thanh thản. Trái tim phải được lay động bởi hy vọng, niềm vui và lòng biết ơn. Điều này được diễn tả trong Thánh vịnh 119 như sau: ” Được Chúa thương mở lòng mở trí, con chạy theo đường mệnh lệnh của Ngài. ” (câu 32).[11]

Một thần học luân lý của sự phát triển

Đây là một thuật ngữ mà chúng ta thường nghe. Nó liên quan đến bản chất linh hoạt của đạo đức Kitô giáo. Thần học luân lý phải nhận thức được rằng Kitô hữu đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa trong một quá trình sống động. Không thể và không nên đòi hỏi những điều giống nhau từ tất cả mọi người. Có thể là một người đã có một khởi đầu nghiêm túc trong việc cởi mở đón nhận tinh thần của Đức Kitô nhưng vẫn sẽ trải qua những mâu thuẫn và thiếu tính nhất quán trong một số khía cạnh của cuộc sống; trong những trường hợp như vậy, có thể mong đợi rằng với thời gian, “lời thưa xin vâng” ban đầu này đối với Đức Kitô sẽ trở nên bao quát và sâu sắc hơn.

Trong mọi trường hợp, điều căn bản là Kitô hữu cam kết ngày càng nhiều hơn với cam kết cụ thể nào đó trỗi dậy qua ân sủng của Thiên Chúa trong hoàn cảnh sống của họ. Ai đã lãnh nhận nhiều, người đó lại càng bị đòi hỏi nhiều hơn. Người đó không thể an phận thủ thường với một phản ứng tối thiểu trái ngược với những mong đợi từ mọi người. Cha Häring nhấn mạnh rằng người Kitô hữu có nghĩa vụ, thông qua một quá trình biến đổi liên tục, để khao khát tình yêu hoàn hảo. Nhưng không có ý nghĩa gì khi đưa ra những yêu cầu mà con người vẫn chưa có khả năng thực hiện.

Trong bối cảnh này, cha Häring đã sử dụng ví dụ về nhân vật Prokrustes trong thần thoại Hy Lạp. Nhân vật này có cùng một chiếc giường cho tất cả những người muốn ở trong khách sạn của mình. Nếu ai đó quá cao, chân của họ sẽ bị rút ngắn hoặc bẻ gãy, nếu ai đó quá nhỏ, họ sẽ bị kéo dài! Cha Häring nói về “Hotelier Prokrustes”- một loại thần học luân lý cứng nhắc và áp đặt. Thần học luân lý và thực hành mục vụ không nên giống như chiếc giường này. Đời sống luân lý là một vấn đề của sự phát triển mang tính cách cá nhân không thể bị ép buộc vào một lập trình nào đó. Để minh họa thực tế là một số người thích ở bên lề của đạo đức Kitô hơn là ở trung tâm, Häring đã lấy hình ảnh những con bò ở Gars, một số con bò đi dọc theo hàng rào bên ngoài và thò ra dưới hàng rào để lấy cỏ ngay cả khi ở giữa đồng cỏ có rất nhiều cỏ xanh tươi.

Một Thần học Luân lý Bám Rễ Trong Kinh Nghiệm

Chúng tôi, những sinh viên của cha, nhận thấy rằng cha Häring không phải là một nhà thần học “ghế bành”. Cha đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi chính kinh nghiệm của mình trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi phục vụ như một quân y, nhưng cũng là một mục tử khi điều kiện cho phép. Trong các bài giảng trên lớp, cha thường đề cập đến những kinh nghiệm “khủng khiếp” nhưng cũng “thoả ý” đó.[12]

Trong chiến tranh, cha đã học cách cân nhắc các tỷ lệ khi đánh giá điều gì là đúng. Điều này có nghĩa là các nghĩa vụ nhỏ, mang tính hoàn cảnh không nên có cùng trọng lượng như các điều cần cân nhắc có tính cấp bách và căn cốt hơn. Cha Häring đã sử dụng ví dụ về một linh mục trong thời chiến có thể cử hành thánh lễ với các binh lính ngay cả khi không có tất cả các đồ dùng phụng tự cần thiết thông thường.

Tình huống chiến tranh đôi khi đòi hỏi phải có những quyết định bất thường trong lĩnh vực đại kết với các Kitô hữu Tin lành và Chính thống giáo. Chiến tranh cũng đã khiến Cha Häring phát triển một đặc điểm sẽ đặc trưng cho suy nghĩ và hành vi của cha sau này: tinh thần chủ động và tự do. Cha đã kể lại nhiều câu chuyện trong các bài giảng của mình: “Trung sĩ Häring” không phải là người dễ bị coi thường.

Nhiều kinh nghiệm thực tiễn mục vụ nằm đằng sau những gì cha đã dạy chúng tôi. Tôi đã đề cập ở trên tầm quan trọng của các “cuộc đại phúc cho người tị nạn” đối với Cha Häring. Trong cuốn tự truyện của mình, chaviết: “Tôi đã trải nghiệm rất rõ ràng ở đây rằng việc lắng nghe người khác một cách cẩn thận phải đi trước việc rao giảng… Nếu không có sự mở rộng tầm nhìn đã diễn ra trong hoạt động mục vụ tích cực này, toàn bộ công trình của tôi (sách Luật của Chúa Kitô) chắc sẽ khác đi rất nhiều”.[13]

Các chuyên gia đã thấy ở đây có một điểm tương đồng giữa nhà thần học luân lý Bernhard Häring và cách ứng xử của Thánh Alphonsus, đấng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế. Alphonsus đã quan sát cẩn thận những người mà ngài đụng chạm trong hoàn cảnh thực tế của họ; thánh nhân cố gắng hiểu họ nghĩ gì. Alphonsus có thể đã phát triển những phẩm chất này trong quá trình hoạt động của mình với tư cách là một luật sư.

Cha Häring và các sinh viên

Cha Häring đã cho phép sinh viên tham gia vào các công trình nghiên cứu của ngài và chắc chắn, cha sẵn sàng tham gia với họ để thảo luận về các câu hỏi và ý tưởng của họ. Điều này được thấy rõ qua sự cộng tác của các sinh viên trong việc chuẩn bị “Luật của Đức Kitô”. Chúng tôi liên tục được cập nhật về tiến độ sản xuất của cuốn sách. Đây là chủ đề ưa thích của Cha Häring ngay cả trong giờ giải lao.

Chúng tôi đã tham gia vào công việc sửa bản in. Khi sáu bản in được gửi đến từ nhà in, chúng đã được phân công để tìm và sửa lỗi. Cha Kempler sau đó tổng hợp các bản sửa lỗi và gửi đi. Đối với các sinh viên như chúng tôi, một số cách diễn đạt trong phần Thần học Luân lý Tổng quát có vẻ xa lạ. Các sinh viên Opiolka, Reitmaier và Hanus một ngày nọ đến gặp cha Häring trong phòng làm việc của ngài và đề nghị: “Thưa cha, cha không thể xuất bản loại tiếng Đức này!” Tôi không biết đoạn nào mà các sinh viên đang nghĩ đến, có thể là đoạn sau: “Điều đẹp nhất của đức hạnh là sự biểu hiện của lòng tốt trên khuôn mặt con người, mà người có đức hạnh không nhận ra, cuộc hôn nhân của người tìm kiếm đức hạnh với những giá trị le lói của đức hạnh trong phòng tân hôn của tự do con người”.[14]

Người ta cần biết rằng trong những cách diễn đạt như vậy, cha Häring đã tiếp thu một hình thức ngôn ngữ được tìm thấy trong số các nhà hiện tượng học khác nhau. Trong các tác phẩm của Max Scheier, người có thể tìm thấy những cụm từ tương tự, ví dụ: “… việc sở hữu đức hạnh mang lại cho mỗi hành động tốt đẹp của con người vẻ ngoài của một con chim non tung cánh tự do”.[15] Cha Hanus nói với tôi rằng cha Häring không phản ứng tiêu cực trước sự phản đối của các sinh viên. Cha chỉ lắng nghe và sau đó nói “Tôi sẽ yêu cầu Cha Guggenberger xem qua văn bản”.

Khi “Luật của Đức Kitô” được xuất bản, Cha Häring đã cập nhật cho chúng tôi về tình hình tác phẩm được đón nhận như thế nào. Chúng tôi có thể quan sát và chia sẻ niềm vui của cha về sự thành công của tác phẩm mang tên mình. Cuốn sách đã được đón nhận nhiệt liệt, cũng bởi các đồng nghiệp chuyên gia như R. Egenter, J. Fuchs s.j. và E Bockle. Trong nhiều bài đánh giá, người ta có thể tìm thấy thuật ngữ “cuối cùng” – cuối cùng là một thần học luân lý thực sự mới. 2500 bản đã được đặt hàng trước khi cuốn sách được xuất bản. Phiên bản đầu tiên đã bán hết ngay lập tức và có thể tiến hành tái bản lần thứ hai và thứ ba.

Trong thư gửi cha Häring ngày 4 tháng 3 năm 1955, chúng ta tìm thấy nhận xét cảm động sau đây:

“Chúng tôi nhận được sách “Luật của Đức Kitô” vào dịp Giáng sinh. Tôi chưa bao giờ có nhiều niềm vui khi đọc một cuốn sách như vậy… Thành thật mà nói, tôi hiện đang sống với một nỗi lo sợ chắc chắn rằng một người thứ ba (ngoài Cha Kendol và tôi, người chia sẻ một bản sách) có thể khám phá ra vẻ đẹp của tác phẩm này và muốn tôi chia sẻ nó với họ.”

Các sinh viên cũng tham gia vào một dự án khác. Năm 1955, Cha Häring và Cha Schurr đã xuất bản bản dịch của cuốn sách của Gerard Philips về vai trò của giáo dân trong Giáo hội (Der Laie in der Kirche). Năm sinh viên đã tham gia vào việc dịch thuật. Đây là một cuốn sách quan trọng đã tiên đoán một số giáo huấn của Công đồng Vatican II. Giáo sư Philips, từ Đại học Leuven, sau đó là tổng biên tập của Hiến chế của Công đồng về Giáo hội.

Một giám khảo nhân hậu

Cha Häring không phải là kiểu người giám khảo thích tìm ra những thiếu sót trong kiến thức của sinh viên hoặc thích tìm ra điểm yếu của họ. Đôi khi cha tự mình bổ xung cho các câu trả lời hoặc một phát biểu không trọn vẹn của sinh viên. Một lần, một sinh viên đã sai lầm khi gán một tuyên bố nhất định cho Kant. Không chỉ trích trực tiếp sinh viên, cha Häring đã nhận xét: “Có lẽ em đang muốn nói đến Schleiermacher phải không?” và bài thi tiếp tục như thể không có gì xảy ra. Một sinh viên khác được hỏi: “Kiến thức hay tình yêu đến trước, trong con người và trong Thiên Chúa?”. Sinh viên trả lời: “Kiến thức là thứ nhất; tình yêu phụ thuộc vào kiến thức”. Cha Häring trả lời: “Không, đó là một quá trình duy nhất với hai thời điểm cùng tồn tại”. Sau đó, để an ủi sinh viên, cha ấy nói thêm: “Nhưng tôi không thể đòi hỏi em phải biết điều đó vì em chưa học Thần học Tín Lý”.

Cha Häring trong vai trò phụ tá cho cha giám đốc học viện

Cha Häring rất hiếm khi được nhìn thấy với tư cách là cha phó, chỉ khi nào cha giám đốc vắng mặt. Cha Häring không có một hệ thống đặc biệt nghiêm ngặt. Sau bữa trưa, như một cách giải trí, các học sinh đi dạo lên đến giếng nước. Khi Cha Häring đi cùng chúng tôi, như đã đề cập ở trên, sách của cha thường là chủ đề của cuộc trò chuyện.

Đôi khi cha Häring cũng đi cùng chúng tôi trong kỳ nghỉ ở Schellenberg, gần Berchtesgaden. Một cựu sinh viên nhớ lại rằng Cha Häring trong một lần, bất chấp nỗi sợ hãi của các học sinh, đã không thể bị lay động và từ bỏ việc đi qua “biên giới xanh” để đến Dimmeldorf, thuộc lãnh thổ Áo. Cha Häring là người có xu hướng thích vượt qua biên giới!

Một đoạn khác được một trong những học sinh kể lại liên quan tới cha Häring ở thời điểm này: “Khi tôi mang một bưu phẩm đến cho Bề trên, ngài sẽ bảo tôi giữ thứ gì cho mình và phải chia sẻ thứ gì với những anh em khác. Một lần, khi Bề trên đi vắng, tôi đã mang một gói quà như vậy đến cho Cha Häring. Cha bảo tôi làm gì tùy ý. Tôi nhớ đã mang cả gói đến phòng ăn và chia sẻ tất cả với những người khác. Tôi nghĩ đó là một ví dụ về giáo dục tự do”.

Tôi muốn nói một lời cuối cùng về giai đoạn cuối của cuộc đời cha Häring ở Gars, nơi cha trở về để nghỉ hưu vào năm 1988. Tôi đã sống ở Gars từ năm 1990-1996 và quen biết Cha Häring lúc còn là sinh viên. Cha Häring đã trở về Gars sau hoạt động có ảnh hưởng trên toàn thế giới của mình, nhưng cũng sau những đau khổ thể xác khủng khiếp của ngài. Cha vẫn là một người cần mẫn, ngay cả khi ít bị áp lực hơn trước. Cha viết sách, bài báo, giảng bài, viết rất nhiều thư và tiếp khách (một lần đón Đức Hồng y Willebrands).

Trong những năm cuối đời, Cha Häring, nhà thần học luân lý, đã một lần nữa khẳng định rõ ràng quan điểm của mình và không ngại động chạm đến “những vấn đề nóng bỏng”. Những nhận xét phê bình của cha không xuất phát từ một tâm hồn cay đắng. Cha chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống, nhờ vào đức tin và lòng đạo đức sâu sắc của mình, điều này rất rõ ràng đối với tất cả mọi người.

[1] B. HARING, Meine Erfahrung mit der Kirche, Herder, Freiburg i. Br. 1989, 31.

[2] Letter of 15 May 2008.

[3] Meine Erfahrung mil der Kirche. 46

[4] Giáo sư triết học ở Gars, cha Guggenburger cùng với Giáo sư Josef Fuchs là những “giám duyệt viên” chính thức của cuốn sách “Luật của Chúa Kitô”.

[5] B. Haring, Soziologie der Familie. Salzburg 1954

[6] Ibid., 21 Iff.

[7] Cf. V. ScilURR, Bernhard Haring. Die Erneuerung der Morallheologie, Salzburg 1970, 9, 12, 26ss.

[8] Ibid.. 27.

[9] R. Gallagher, “Das Gesezl Christi” -Seine Bedeutungfar die Erneuerung der Morallheologie, in A. Schmied, J. Romelt (Hg.) 50 Jahre “Das Geselz Christi”: Der Beitrag Bernhard Harings zur Erneuerung der Moraltheologie. Munster 2005, 11-42.

[10] Das Gesetz Christi, 279.

[11] Christ in einer neuen Welt, Bonn 1958, 18-25

[12] B. Haring, Geborgen undfret, Freiburg-BaselWien 1997, 39 f

[13] Geborgen undfrei, 107.

[14] Das Geselz Christi, 491.

[15] Ibid