Đức Tổng giám mục ở Hy Lạp kêu gọi thay đổi để ngăn chặn thảm họa cháy rừng trong tương lai

Một chiếc trực thăng chữa cháy thả bom nước khi đám cháy rừng bùng lên ở làng Galatsona, trên đảo Evia, Hy Lạp. Nicolas Economou / Reuters

Khi làn sóng cháy rừng tàn phá nhiều vùng đất của Hy Lạp, một tổng giám mục Công giáo cho biết cần phải có các chính sách khác nhau để giúp ngăn chặn sự tái phát.

Đức Tổng Giám mục Josif Printezis của Tổng giáo phận Naxos-Andros-Tinos-Mykonos, cũng là tổng thư ký của hội đồng giám mục Công giáo tại Hi Lạp, cho biết nhận định của ngài: “Chúng ta phải nhạy cảm và cẩn trọng hơn khi đề cập đến hệ sinh thái và bảo vệ thiên nhiên – Chúng ta cũng không có nhiều rừng ở Hy Lạp, và phần lớn những gì chúng ta có hiện đã bị phá hủy, ” “Không có chính quyền trung ương hay địa phương nào có thể chuẩn bị đầy đủ cho những thảm họa như vậy. Nhưng chúng ta nên có trách nhiệm hơn, với nhiều trang thiết bị hơn, cũng như các quy định chặt chẽ hơn về việc cấp phép xây dựng và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, ”Đức Tổng giám mục nói.

Các đội cứu hỏa từ khắp châu Âu, với sự hỗ trợ của trực thăng ném bom nước, đã vật lộn để kiểm soát đám cháy rừng đang tàn phá ở các vùng Peloponnese và Attica của Hy Lạp, cũng như trên Evia, hòn đảo lớn thứ hai của đất nước Hy Lạp, phía đông bắc Athens.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã xin lỗi trước nhân dân về những thất bại của chính phủ và xác nhận rằng các cháy rừng đã gây ra thảm họa sinh thái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ; ông thúc giục phe đối lập hợp tác tìm kiếm “các giải pháp đột phá”.

Đức Tổng Giám mục Printezis cho biết thống kê về thiệt hại đối với các giáo xứ Công giáo vẫn đang được thu thập, nói thêm rằng ngài đã tận mắt nhìn thấy những ngọn lửa trên đất liền từ nơi ở của mình trên đảo Tinos của Aegean, cách đám cháy 70 dặm.

Trong khi đó, Caritas, một tổ chức bác ái của giáo hội, cho biết họ đang chuẩn bị kế hoạch giúp đỡ các nạn nhân hỏa hoạn, với sự hợp tác của chính quyền thành phố và các tổ chức từ thiện Công giáo ở nước ngoài. “Ngay từ những giây phút đầu tiên của thảm kịch mới nhất này, chúng tôi đã theo dõi với sự lo lắng, thống khổ và đau đớn, tập trung lời cầu nguyện vào các nạn nhân và sự tàn phá môi sinh, đồng thời cầu nguyện cho những người đang nỗ lực để dập tắt đám cháy.

“Kinh nghiệm cho thấy có rất nhiều sáng kiến ​​để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp, nhưng sau đó sự quan tâm của xã hội sau đó giảm dần và nạn nhân gần như bị bỏ lại một mình. Đây là nơi Caritas mong muốn được hành động ”.

Hàng trăm ngôi nhà và tài sản đã bị thiêu rụi bởi gần 600 vụ hỏa hoạn, do gió mạnh gây ra, thảm thực vật khô cằn và các đợt nắng nóng lên tới 113 độ, khiến ít nhất 200.000 mẫu đất bị thiêu rụi. Một số nguồn tin ước tính các khu vực bị ảnh hưởng còn rộng lớn hơn nhiều.

Đức Tổng Giám mục Printezis cho biết nhiều nạn nhân hỏa hoạn không có bảo hiểm và không có nhiều bảo đảm về an sinh xã hội sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào chính phủ và Hội Chữ thập đỏ về lương thực, nước uống và nơi ở. Ngài nói thêm rằng Giáo hội Công giáo đang hợp tác chặt chẽ với các chi nhánh Caritas ở các quốc gia khác và sẽ cần đến sự giúp đỡ của các nước Châu Âu sau khi có đánh giá toàn bộ thiệt hại.

“Chúng tôi cũng cộng tác với Giáo hội Chính thống giáo khi giải quyết các nhu cầu xã hội, chẳng hạn như trong các trận hỏa hoạn và động đất trong quá khứ – theo nghĩa này, cuộc khủng hoảng có thể mang chúng ta đến gần với nhau và tương trợ được hiệu quả hơn rất nhiều,” Đức Tổng giám mục nói.

Giáo Hội Chính thống giáo Hy Lạp đã kêu gọi các giám mục của mình cung cấp các trường học, tu viện và trung tâm giáo xứ cho những người nghèo khổ và cam kết giúp đỡ trong việc tái thiết cơ sở hạ tầng và trồng rừng.

Theo The Tablet,

Duc Trung Vu, CSsR