Đức cậy hướng đến tương lai biết rằng, chúng ta sẽ ổn. Đó là nhân đức mà Đức Giêsu đã làm gương, đặc biệt là trong những ngày trước khi Đức Giêsu chết trên thập giá. Ngài biết Ngài đang đối mặt với cái chết, nhưng Ngài tiếp tục giảng dạy và chữa lành con người, ban cho con người những món quà để giúp họ rao giảng sứ điệp của Ngài trong những năm sắp tới.
Đức Giêsu có thể dễ dàng nhượng bộ cho thất vọng. Hầu hết các môn đệ và bạn bè của Ngài đã bỏ Ngài. Ngài phải chịu xấu hổ và chết nhục nhã. Ngài biết rằng, đóng đinh là một cái chết đau đớn tột cùng. Tuy nhiên, Đức Giêsu tràn đầy trông cậy. Sự kiện này cho chúng ta, những người Kitô hữu một niềm trông cậy vĩ đại nhất là sự sống lại, khi Thiên Chúa cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, chết không phải là hết.
Khi chúng ta đối mặt với các vấn đề, đức cậy có thể giúp chúng ta hướng tới tương lai với đức tin và đức mến, chúng ta biết Thiên Chúa ở với mình. Chúng ta biết rằng, mặc dù chúng ta bị tổn thương và cuối cùng sẽ chết, nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng yêu thương và hướng dẫn chúng ta.
Khi chúng ta trông cậy, chúng ta biết rằng những khó khăn và thách đố không phải là những điều xấu. Đức cậy có thể giúp chúng ta tận dụng cái tốt trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Hãy nhớ rằng, tình yêu là một nhân đức liên kết chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Khi chúng ta trông cậy, chúng ta nối kết với một tương lai mà ở đó tình yêu có thể hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.
Đức cậy không phải là một ước muốn không thực tế chỉ cho những điều tốt xảy ra. Cuộc sống sẽ cho chúng ta thấy những thời gian khó khăn. Món quà trông cậy của Thiên Chúa giúp chúng ta đối mặt với những thách đố này và thậm chí lớn lên từ chúng.
Đức cậy được cử hành cách đặc biệt vào Mùa Vọng. Bắt đầu năm phụng vụ của Giáo hội, chúng ta mong chờ với niềm cậy trông cử hành sinh nhật của Đức Kitô vào lễ Giáng Sinh. Vì lý do này, cây nến thứ nhất với vòng hoa Mùa Vọng đôi khi được gọi là “Nến Hy Vọng”.
Các Nhân Đức
Tác giả: Les Miller
Chuyển ngữ: Nt Maria Vũ Thị Thu Thủy
Đọc thêm:
(3) Mười Giới Răn nói với chúng ta điều gì về nhân đức và điều xấu?
(4) Các ngôn sứ trong Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì về nhân đức và điều xấu?
(5) Đức Giêsu dạy chúng ta điều gì về nhân đức?
(6): Giáo hội dạy chúng ta điều gì về các nhân đức?
(7): Các nhân đức đối thần là gì?