Lòng sùng kính Mẫu Tâm Vô Nhiễm

Trước hết, Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ biểu hiện sự trong sạch và tình yêu cao cả dành cho Thiên Chúa. Sự trong sạch này được thể hiện qua lời “xin vâng” của Mẹ với Chúa Cha lúc truyền tin, tình yêu của Mẹ hợp tác và dành cho Chúa Con Nhập Thể trong sứ vụ cứu chuộc của Ngài, cùng sự ngoan ngoãn của Mẹ đối với Chúa Thánh Thần, giúp Mẹ không vấy bẩn tội lỗi suốt đời. Do đó, Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ hướng chúng ta đến đời sống nội tâm sâu sắc mà Mẹ đã trải nghiệm cả niềm vui và nỗi buồn nhưng vẫn một niềm tín trung. Chúng ta cũng được kêu gọi sống như Đức Mẹ vậy.

Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ chủ yếu dựa trên Sách Thánh. Trong Tân Ước, có hai đề cách cập Trái Tim Đức Mẹ trong Tin Mừng theo Thánh Luca: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2:19) và “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2:51)

Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng của sự sâu thẳm nơi tâm hồn con người, là trung tâm của những sự lựa chọn và cam kết. Đối với cả nhân loại, đó là biểu tượng của tình yêu. Sách Đệ Nhị Luật nói: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” (Đnl 6:5) Khi các kinh sư hỏi điều răn nào là điều răn trọng nhất, Chúa Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (x. Mc 12:29-31)

Chính Trái Tim Đức Mẹ đã bày tỏ sự tuân phục đối với Thiên Chúa… Đó là lời đáp lại của Mẹ đối với sứ điệp được gửi qua Sứ Thần trong Cuộc Truyền Tin. Bằng sự đồng ý đầy yêu mến, Đức Mẹ thụ thai Đức Kitô trong trái tim và trong cung lòng. Chính Chúa Giêsu của chúng ta, khi được một phụ nữ trong đám đông nói rằng cung lòng người mẹ đã sinh ra Ngài thật diễm phúc, nhưng Ngài đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11:28) Trong sứ điệp đầu tiên, ĐGH Gioan Phaolô II đã viết: “Mầu Nhiệm Cứu Chuộc được hình thành trong cung lòng Đức Trinh Nữ thành Nadarét khi Mẹ nói lời xin vâng.” (Tông thư Redemptor Hominis, số 22, ban hành ngày 04-03-1979)

Về lịch sử, lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ có thể được bắt nguồn từ thế kỷ XII với các tác giả như Thánh Anselmô (+1109) và Thánh Bernard Clairvaux (+1153), người được coi là một trong những người viết có ảnh hưởng nhất về lòng sùng kính Đức Mẹ. Thánh Bernardine Siena (1380-1444) được gọi là Tiến Sĩ của Trái Tim Đức Mẹ do những bài viết về Trái Tim Đức Mẹ. Ngài viết: “Từ trong trái tim Mẹ, như từ trong lò lửa Tình Yêu Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ đã nói những lời tình yêu nồng nhiệt nhất.” Thánh Gioan Eudes (1601-1680) có các tác phẩm đã giúp phục hồi lòng sùng kính này. Cả ĐGH Lêô XIII và ĐGH Piô X đều gọi ngài là “giáo phụ, tiến sĩ và tông đồ của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ.” Thậm chí hai thập niên trước khi cử hành phụng vụ đầu tiên để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Thánh Gioan Eudes và các đệ tử đã coi ngày 08-02 là ngày lễ Trái Tim Đức Mẹ từ năm 1643. ĐGH Piô VII (+1823) đã mở rộng lễ này đến bất kỳ giáo phận hoặc giáo đoàn nào yêu cầu.

Lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ ngày càng nở rộ sau khi Đức Mẹ trao ảnh “Đức Bà Làm Phép Lạ” cho Thánh Catherine Labouré năm 1830 và cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima. Từ 13-05 đến ngày 13-10-1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ là Giaxinta Martô, Phanxicô Martô và Lucia DosSantos ở Fatima, Bồ Đào Nha. Ngày 13-07-1917, Đức Mẹ nói với họ: “Để cứu các tội nhân đáng thương, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ta.” Toàn bộ thông điệp Fatima là lời cầu nguyện, sự sám hối, hy sinh và đền tạ Thiên Chúa vì nhiều tội lỗi chống lại Ngài.

Năm 1942, kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, ĐGH Piô XII đã thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cùng năm đó, ngài đã ấn định ngày lễ Trái Tim Đức Mẹ là ngày 22-08, tức là tuần bát nhật của lễ Mông Triệu. Ngày 04-05-1944, ngài mở rộng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách phụng vụ của Công Đồng Vatican II năm 1969, lễ này đã có một vị trí thích hợp hơn, đó là ngay sau ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lễ trọng thì lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vẫn chỉ là lễ nhớ.

Lời cầu nguyện mở đầu cho việc cử hành phụng vụ giúp chúng ta tập trung vào sứ điệp quan trọng của ngày lễ này. Thiên Chúa đã chuẩn bị Trái Tim Đức Mẹ như một ngôi nhà thích hợp cho Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng ta, những người được chọn của Ngài, trở thành đền thờ vinh quang của Ngài. Chúng ta cũng cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta – những đứa con thiêng liêng của Mẹ, rất yêu quý đối với Trái Tim Mẹ, luôn hiệp nhất trong tình bạn hữu với Con Mẹ và không bao giờ tự tách ra bởi tội lỗi.

LM MATTHEW R. MAURIELLO

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ udayton.edu)

Lễ Khiết Tâm Đức Mẹ – 2022