‘Mùa ô nhiễm’

Thứ mùa khô đáng lo lắng nhất đã đến: Mùa ô nhiễm!

Mùa mưa là mùa nông dân vui mừng. Rửa mặn, thau chua, đón phù sa và tôm cá, chờ thân mạ vươn mình. Và mùa mưa cũng là mùa những quan chức báo cáo “láo” về môi trường lẫn những doanh nghiệp xả thải hân hoan.

Mưa sẽ kéo kim loại nặng trong khói nhà máy xuống đất nên máy đo không khí hiện chỉ số an toàn và các báo cáo về chất lượng không khí thường được lập sau ngày mưa. Mưa cũng làm các họng thải đen ngòm có thêm nước để pha loãng ô nhiễm. Mưa kèm ô nhiễm sẽ tạo ra mưa axit. Tất cả đều lãnh đủ!

Nếu quan trắc môi trường tự động, thứ mà Bộ và các Sở Tài nguyên Môi trường cấp tỉnh đang nắm dữ liệu, được công bố thì bức tranh ô nhiễm của quốc gia này mới hiện ra. Thật đáng tiếc khi các số liệu này vẫn trong vòng bí mật, rất khó tiếp cận. (Giấu số liệu ô nhiễm là một giải pháp tồi bởi khi “đáy Maslow” bị ảnh hưởng đủ để cả xã hội lo lắng thì người dân sẽ tìm sự thật theo cách của mình.)

Qua mùa mưa thì bức tranh ô nhiễm ấy sẽ hiện ra chẳng cần kèm số liệu quan trắc nói trên. Hãy tìm hiểu cụm từ “phản đối ô nhiễm” qua Google nếu không thể đến nguồn thải để kiểm chứng trực tiếp. Tất cả đều vào mùa khô!

Giữa Hà Nội, chặt một cái cây, có ai bị làm sao đâu.

Dân quanh nhiệt điện Duyên Hải hít bụi chứ Sài Gòn vẫn chẳng sao.

Lấp một đoạn sông xây cao ốc, ừ thì chuyện của tỉnh khác nào phải chỗ mình.v.v…

Đó là những suy nghĩ hết sức sai lầm của bất kỳ ai! Kể cả các chính khách cao nhất đất nước…

Bụi đen trong nhà dân tại Bình Thuận. (Ảnh: FB Hung Vovanhung)

Năm 2016, bạn tôi phải hủy một cuộc hẹn đi Vũng Tàu- Sài Gòn vì người dân chặn Quốc lộ 51 phản đối ô nhiễm khiến cá chết. Đó là một cuộc hẹn làm ăn. Cơ hội có một hợp đồng tốt đã trôi qua. Nếu thay chuyến xe đi bàn hợp đồng bị kẹt lại ấy bằng một chuyến xe cấp cứu thì sao? Cơ hội nào cho một sinh mệnh đang thoi thóp?

Hãy biết nghĩ cho người khác! Điều cần thiết của bất cứ ai, kể cả các chính khách cao nhất đất nước…

Hãy khoan trách những người đàn bà ôm mớ cá ra ngồi dàn giữa quốc lộ. Họ ở tận đáy khi sinh kế bị tước đoạt bởi ô nhiễm và tài sản bị xâm phạm. Có những chủ bè tiền tỷ trắng tay sau một đêm xả thải của công ty gây ô nhiễm gần đó. Có những hộ dân đang làm ăn khấm khá nhờ nuôi cá đã thành con nợ ngân hàng đến giờ chưa trả được. Xa hơn là sự xáo trộn hạnh phúc gia đình, sự thiệt thòi về sức khỏe lẫn quyền lớn lên trong an toàn của những đứa trẻ vùng ô nhiễm. An sinh xã hội sẽ bất ổn vì điều đó.

Nếu thay thế bè cá bằng vườn cây, bằng ruộng lúa, thửa rau, đàn gia súc gia cầm,… thì sao? Kết quả vẫn vậy! Và những kẻ gây ô nhiễm vẫn ăn trên ngồi trốc trong sự khốn cùng của đồng loại.

Chỉ là chuyện ăn, uống và nhất là thở của người Việt, liệu có an toàn? Những điều đó đang mang những mầm họa do ô nhiễm chờ tích tụ đủ để phát tác…

Cứ mỗi mùa khô trôi qua, từ nay đến năm 2030, sẽ dần cung cấp những câu trả lời cho bất cứ ai còn hoài nghi về hậu quả của ô nhiễm. Kể cả các chính khách cao nhất đất nước…

Theo Facebook Nhà báo Mai Quốc Ấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.