Người Công Giáo thường hay bênh vực các quyền con người, khởi đầu bằng cách đấu tranh cho công bằng xã hội, là thể hiện của đức Ái. Sự thực hành bác ái Kitô giáo này, song song với những phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường… của các tổ chức xã hội dân sự như những ngọn lửa, cứ lan dần.
Người Công Giáo bảo vệ tự do của Giáo Hội, chống lại việc Nhà Nước làm mất thanh danh, xen vào nội bộ, trong những vụ việc xâm phạm tài sản thờ tự thuộc quyền sở hữu của Giáo hội. Khi Giáo Hội phải đối mặt với những chính quyền độc tài, không cổ vũ những nguyên tắc tự do, mà còn áp đặt quyền kiểm soát các hoạt động của Giáo Hội (khác với sự giám hộ), ắt sẽ có những phản kháng từ những văn thư phản đối, kiến nghị đến những buổi cầu nguyện tại những nơi xảy ra, và sự hiệp thông rộng khắp các nơi trên lãnh thổ Việt Nam cũng như quốc tế, như đã thấy trong những thập niên qua.
Bảo vệ tự do của mình trước chính quyền đầy nghi kỵ và ngờ vực qua những chính sách khắt khe hoặc khuyến dụ, hứa hẹn bằng những ân huệ ban phát một cách vô lý và nhỏ giọt, Giáo Hội dù có sự đối thoại, vẫn giữ tư thế của người tôn trọng những chân giá trị, và tuỳ hoàn cảnh, vẫn không đánh đổi bằng những thoả hiệp hoặc dùng những phương thế lươn lẹo ma quỷ. Đã có những hình thức đấu tranh ôn hoà của Giáo Hội cho quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ phượng, tự do quản trị song song với sự lên tiếng bảo vệ phẩm giá của con người, quyền tự do văn hóa, tự do báo chí, giáo dục…
Nhà nước cộng sản đã không xây dựng đất nước trên những giá trị nền tảng của xã hội (các quyền con người) như hiến pháp đã quy định, mà dựa vào ý chí của đảng. Tất nhiên, sẽ chẳng bao giờ có điều mà các nhà nước tự do đang thực hiện là tam quyền phân lập. Vì không có một luật “cao hơn” đảng, pháp luật hiện hành, dù có quyền hạn trên tất cả mọi thành phần trong nước, vẫn phải tuân theo ý chí của đảng. Cho nên không có một thẩm quyền nào có thể bảo vệ những tổ chức xã hội và tôn giáo, những người dân bị ức hiếp, oan sai.
Người Công Giáo chấp nhận một chế độ chính trị vốn tự bản chất, có thể thay đổi, nếu cần, có thể phản kháng chế độ bằng những phương tiện hợp pháp, nhất là để bảo vệ những ích lợi tinh thần của Giáo Hội.
Giáo huấn xã hội của Giáo hội chỉ ra rằng, không phải chỉ có con người là có trước Nhà Nước, mà có thể nói, Thiên Chúa và luật tự nhiên còn có trước con người nữa. Như thế, những nền tảng luân lý của đời sống xã hội, được chi phối bởi luật tự nhiên, được Mặc Khải soi sáng, đang bị đe dọa bởi sự chuyên quyền, độc đoán ngang ngược của một đảng cầm quyền, thiết lập trật tự xã hội mà nó luôn miễn trừ nó ra khỏi bất kỳ một nguyên tắc nào, một luật nào.
Khái niệm “công bằng xã hội”, trong Học thuyết xã hội của Giáo Hội là một phương thế để xét tới tầm vóc cấu trúc và thể chế của các quan hệ giữa con người với nhau, cũng như cho sự phát huy và bảo vệ các quyền con người. Đó là một trách nhiệm xã hội chứ không chỉ là một chuyện thuần túy riêng tư.
Ngày 05/11/2018, Toà Tổng Giám Mục Hà Nội vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp do Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ký, gởi đến chính quyền Hà nội phản đối việc trường tiểu học Tràng An, số 29 Phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm thuộc quyền sở hữu của Toà Tổng Giám Mục, đang tiến hành thi công công trình mới.
Ngày 06/11/2018, theo đài RadioVaticana, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 52 vào 1-1 năm tới, 2019, là: ”Chính trị tốt phục vụ hòa bình”.
Một đoạn bình luận ngắn được Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến khẳng định rằng: “Trách nhiệm chính trị là điều thuộc về mỗi công dân và đặc biệt là những người đã nhận lãnh sứ mạng bảo vệ và cai quản. Sứ mạng này hệ tại bảo tồn luật pháp và khuyến khích đối thoại giữa các tác nhân trong xã hội, giữa các thế hệ và các nền văn hóa.
Không có hòa bình nếu không có sự tín nhiệm nhau. Và lòng tín nhiệm đòi điều kiện đầu tiên là tôn trọng lời đã cam kết. Sự dấn thân chính trị, – vốn là một trong những biểu hiện cao cả nhất của đức bác ái – bao gồm mối quan tâm đối với tương lai của đời sống và của trái đất, những người trẻ và bé nhỏ nhất, trong niềm khao khát của họ được viên mãn.
Sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ tăng ý thức cộng đoàn, như Thánh Gioan 23 đã nhắc nhở trong thông điệp ”Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris, 1963), khi một người được tôn trọng trong các quyền của họ, thì nơi họ cũng nảy sinh cảm thức về nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền của người khác. Các quyền lợi và nghĩa vụ của con người làm gia tăng ý thức mình thuộc về cùng một cộng đồng, với tha nhân và với Thiên Chúa (Xc ivi, 45). Vì thế chúng ta được kêu gọi mang đến và loan báo hòa bình như một tin vui về một tương lai trong đó mỗi người được tôn trọng trong phẩm giá và các quyền của họ”.
Tạp chí Églises d’Asie phỏng vấn Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ngày 11/8/2018 lúc 3:15:50 PM, trong cuộc phỏng vấn này ký giả có hỏi:
* “Đâu là mối quan hệ của Hồng Y với chính quyền?”
– “Nói chung, chúng tôi nhận thấy một sự cởi mở hơn, một sự hiểu biết nhau tốt hơn. Nhưng các khó khăn vẫn còn đó. Có nhiều điểm cơ bản chưa được giải quyết. Dự thảo luật về tôn giáo, được bỏ phiếu vào năm 2018, chưa cho thấy các thay đổi thực sự trong việc xử lý các vụ việc. Ở mỗi thời điểm, chúng tôi có nguy cơ vi phạm pháp luật. Mọi thứ phụ thuộc vào nơi chốn và con người. Chúng tôi luôn sống một chút dưới sự đe dọa. Đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Một số giáo phận Việt Nam đã mất hơn một nửa tài sản của họ, có nơi mất tới 80%. Nói rằng chúng tôi chống Cộng là không phải là một thuật ngữ đúng đắn. Bởi vì điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ gây chiến, sẽ cố gắng lật đổ chế độ. Điều đó là không phải trường hợp ở đây. Chúng tôi đơn giản cố gắng chịu đựng chế độ. Sau 40 năm cộng sản, chúng tôi chỉ muốn thực hiện đức ái của Chúa Kitô. Hành động của chúng tôi không phải là ý thức hệ. Chúng tôi không hề làm chính trị.”
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT