Philippines ăn mừng sau khi tòa bác yêu sách đường lưỡi bò của TQ

Tòa trọng tài (PCA) ngày 12/7 tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Tòa cũng tuyên bố Trung Quốc không có “quyền lịch sử” với các vùng biển ở Biển Đông.

Sau thắng lợi trên, người dân Philippines đã đổ ra đường ăn mừng. Video trên do hãng tin Rappler của Phi đăng tải. Trong video xuất hiện một nhóm người Việt cũng tham gia ăn mừng.

Vào đầu năm 2013, Philippines đệ đơn lên PCA để kiện TQ về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền Đường lưỡi bò ở biển Đông.

Philippines hiện cũng đang tranh chấp với TQ về bãi cạn Scarborough (hay đảo Hoàng Nham) rộng 150 km2. Tháng 6/2012, TQ chiếm thành công bãi cạn Scarborough từ Philippines.

TQ trước đó vào tháng 1/1974, cũng đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa, với tổng diện tích 305 km2, của Việt Nam. Tuy có nhiều tranh chấp với TQ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng Việt Nam vẫn chưa đệ đơn kiện TQ tại bất kỳ tòa án nào.

Dưới đây là bản tóm tắt ‘Một số phán quyết và lập luận của PCA’ của Thời báo Kinh tế Sài Gòn

1. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) kết luận là chưa bao giờ có quốc gia nào thực thi độc quyền kiểm soát đối với các vùng nước trên Biển Đông. Như vậy “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi chủ quyền với tài nguyên” trong vùng nước nằm trong đường 9 đoạn.

2. Các cấu trúc hiện đang tranh chấp trong toàn vùng “Spratly Islands” (Trường Sa) tự nó trong dạng tự nhiên không có khả năng nuôi dưỡng con người và đời sống kinh tế cho nên chỉ có thể là đá (rocks) hay reefs (đá ngầm), không phải là đảo nên chỉ có 12 dặm chủ quyền, không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm hay thềm lục địa.

3. Các đảo ngầm như Scarborough không có 12 dặm chủ quyền, nó nằm trong EEZ của Philippines, nên thuộc chủ quyền Philippines. Việc Trung Quốc cấm Philippines đánh cá là trái phép. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines.

4. Xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép và Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.

5. Ý nghĩa của phán quyết ở điểm 2 cho thấy là Việt Nam sẽ được toàn quyền hưởng EEZ tính từ bờ biển Việt Nam và không có chồng lấn với ai. Việt Nam hoàn toàn có quyền khai thác dầu hỏa ở khu Tư Chính mà Trung Quốc từng đem tàu ra dọa đuổi còn các nước khác thì sợ phải rút.
Quyết định này cũng có nghĩa là quyền lợi của các nước có đảo tranh chấp, nếu có chủ quyền chỉ được 12 dặm chung quanh, toàn bộ vùng còn lại thuộc biển quốc tế.

6. Phán quyết ở điểm 2 cũng cho thấy là đảo Itu Aba (tiếng Việt là đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa) là đảo có tranh chấp lớn nhất, không chỉ ở Trường Sa và Hoàng Sa. Như thế, qua phán quyết này, dù ai nắm chủ quyền ở Hoàng Sa thì chủ nhân cũng chỉ được 12 dặm chủ quyền vùng biển chung quanh, không có EEZ.

7. Phán quyết ở điểm 2 cho thấy những cấu trúc đang tranh chấp ở Biển Đông chỉ tạo ra 12 dặm chủ quyền biển ở chung quanh. Toàn vùng biển nằm ngoài là thuộc biển quốc tế.

Truyền thông Thái Hà tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.