Rừng thông Đan viện Thiên An: cần được bảo vệ nguyên trạng

#GNsP (4.9.2020) – “Ủng hộ các đan sĩ giữ gìn, bảo vệ nguyên trạng rừng thông nguyên thủy của các vị đan sĩ Sáng lập đã để lại… Tuy nhiên việc bảo vệ này không riêng cho chúng tôi mà cho cả cư dân thành phố Huế vì Thiên An là lá phổi xanh của thành phố, chỉ cách trung tâm có 5km… Vì thế, các đan sĩ phải có bổn phận bảo vệ và quản lý lá phổi xanh này… nếu để nhà chức trách quản lý thì Thiên An sẽ trở thành khu đất của các đại gia và của các nhóm lợi ích”.

Lập trường của Cha Bề trên Luc muốn giữ gìn và bảo vệ 107ha đất rừng thông Đan viện Thiên An (“ĐVTA”) được thể hiện rõ trên nhật báo La Croix nổi tiếng tại Pháp, vào ngày 25/08/2020 vừa qua. Ngài là Bề trên của Đan viện La Pierre-Qui-Vire tại Pháp, là Đan viện đã thành lập ĐVTA vào năm 1940.

Trả lời phỏng vấn trên tờ La Croix, Cha Bề trên đã nhấn mạnh hai điều:
Thứ nhất, ngài khẳng định “khu đất rừng thông của ĐVTA được các vị đan sĩ tiên khởi lao công khổ tứ chăm sóc từ năm 1940, sau khi ĐVTA được thành lập”.
Khẳng định này của Cha Bề trên được thể hiện rõ trong nội dung các bức thư còn lưu giữ của các vị Sáng lập, các vị đã mô tả “sở đất” được chọn tạo lập Đan viện ban đầu là: “Một sở đất cằn cỗi trồng thông, dặm thêm một tí cây ăn trái và tí chút rau đậu, khoai sắn địa phương. Không điện đèn, gần đường lộ, và yên ả, lại không mấy xa thành phố. Chung chung nói được là một sở đất khá nhất tìm được ở Huế. Đây là một nơi hoang vu khỉ ho cò gáy, không một bóng người lai vãng, là nơi trú ẩn cho dã thú.”

Vào những năm 1940, Đan viện có cả một vườn ươm gây giống thông, đem trồng thông và chăm sóc bằng cả máu và nước mắt. Từ một sở đất cằn cỗi, các đan sĩ vất vả biến thành một rừng thông cổ thụ xanh tươi bạt ngàn có tuổi đời ngót 80 năm. Ngay tại thời điểm 1975, khắp thành phố Huế và vùng ngoại ô, chỉ có duy nhất rừng thông của ĐVTA. Chính rừng thông này được mệnh danh là “lá phổi xanh” của xứ sở đất Thần Kinh. Điều này được hai vị Đan sĩ Giuse Bửu Đào và Đan sĩ Stanislaô Trần Minh Vọng- thuộc thế hệ đầu của Thiên An, nay đã lớn tuổi- khẳng định.

Trong những năm chiến tranh tàn khốc xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt là vụ thảm sát dân lành vào những ngày Tết Mậu Thân năm 1968 ở Huế và cuộc chiến tranh tàn khốc Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 ở Quảng Trị, nhiều rừng xanh ở Huế và Quảng Trị bị thiêu cháy, riêng rừng thông của Đan viện vẫn xanh tươi và không bị ảnh hưởng. Lúc bấy giờ, người dân nhiều nơi ùn ùn kéo nhau về rừng thông và nhà thờ của Đan viện ẩn núp, tạm lánh và nương náu. Chính các cha và các đan sĩ của Đan viện đã cứu giúp, lo lắng các bữa ăn và thuốc men cho người nghèo, người già, trẻ nhỏ… và chăm sóc y tế cho họ.

Rừng Thiên An vẫn tiếp tục xanh. Nhưng kể từ năm 2000 cho đến nay, rừng Thiên An có nguy cơ bị xói mòn, động vật hoang dã bị tuyệt chủng, nhiều diện tích rừng bị chặt phá, đốn hạ và thiêu cháy rụi khi 63ha đất rừng Thiên An bị cướp chiếm, để xây dựng cái gọi là Hồ Thủy Tiên, họ tiếp tay cho các cá nhân, doanh nghiệp phân lô, bán nền đất rừng Thiên An.

Để phục hồi lại mảng xanh của Thiên An, các đan sĩ vẫn tiếp tục âm thầm chăm sóc rừng thông. Để phục hồi lại sự đa dạng của các loài động vật hoang dã –vốn dĩ đã có– trên chính mảnh đất rừng thông của ĐVTA, các đan sĩ đã nuôi gà rừng, hươu, nai…
Thứ hai, ý của Cha Bề trên quả quyết các đan sĩ Thiên An phải bằng mọi cách bảo vệ khu đất rừng thông, vì đó là tài sản thuộc sở hữu của ĐVTA suốt 80 năm qua và đã tạo nên bầu không khí trong lành, tạo mảng xanh cho cư dân xung quanh và cho cả người dân Huế nói chung. Ơn gọi của các đan sĩ là đời sống ẩn dật, cô tịch trong rừng với vai trò canh tác và bảo vệ môi trường sinh thái thiên nhiên…. Trên thực tế, đã và đang diễn ra tình trạng “lá phổi xanh” của thành phố Huế bị nhà cầm quyền, các đại gia, nhóm lợi ích và một số hộ dân phá rừng, chặt cây, xẻ đất ra chia chác và rao bán. Chính vì vậy, Cha Bề trên Luc mong muốn các đan sĩ ĐVTA giữ gìn, bảo vệ 107ha đất rừng thông thuộc quyền sở hữu và quản lý của Đan viện trong suốt hơn 80 năm qua – là “lá phổi xanh” của thành phố Huế để người dân Huế được hưởng một môi trường sinh thái thiên nhiên do chính các đan sĩ chăm sóc, và không được nhượng cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.

Xin hãy cầu nguyện cho công cuộc gìn giữ “lá phổi xanh” cho người dân Huế, bảo vệ tài sản Giáo hội, tài sản Thiên An và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, bảo vệ công bằng và lẽ phải. Bảo vệ môi trường xanh, cũng chính là lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, và là xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới.

GNsP