Sứ vụ của Thiên Chúa và những thái độ khi Hội Thánh tiếp tục thi hành sứ vụ ấy

 

TÌM HIỂU VỀ SỨ VỤ CỦA THIÊN CHÚA – MISSIO DEI

VÀ NHỮNG THÁI ĐỘ KHI HỘI THÁNH

 TIẾP TỤC THI HÀNH SỨ VỤ ẤY

 Mở đầu:

Có thể nhận thấy một cách dễ dàng rằng từ “sứ mạng” được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. “Sứ mạng” có thể được dùng để diễn tả một “tuyên bố sứ mạng” của một công ty. Ví dụ như tuyên bố sứ mạng của tập đoàn đa quốc gia Mĩ Nike là “truyền cảm hứng và động lực cho mỗi vận động viên trên toàn thế giới.” Từ ngữ “sứ mạng” cũng có thể áp dụng cho một tuyên bố chính trị hay một tuyên bố của một cá nhân. Từ ngữ này được sử dụng một cách rộng rãi trong xã hội.[1] Trong cái nhìn thần học, từ ngữ “sứ mạng” cần được định nghĩa một cách cẩn thận để nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của nó. Bài viết này sẽ trình bày hạn từ “sứ mạng của Thiên Chúa” – Missio Dei – nền tảng của thần học về sứ vụ. Trước hết bài viết sẽ trình bày lịch sử phát triển của hạn từ này, và sau đó trình bày sự hiện hữu của Chúa Ba Ngôi như là bản chất của missio Dei. Phần thứ hai của bài viết sẽ trình bày một vài đề nghị khi Hội Thánh tham gia vào sứ mạng của Thiên Chúa.

  1. Lịch sử phát triển của khái niệm missio Dei

Khái niệm missio Dei được sử dụng phổ biến từ  nửa sau thế kỷ 20. Tuy nhiên, trước đó đã có một khái niệm “những sứ mạng thánh”, đó là việc Chúa Cha sai Chúa Con, và việc Chúa Cha và Chúa Con sai Chúa Thánh Thần. Khái niệm này được phát triển bởi thánh Augustino và sau đó các nhà thần học khác như Toma Aquino. Trong thế kỷ 18, Zinzendorf tập trung vào Chúa Ki-tô với hạn từ “Đức Chúa của Sứ vụ” (The Lord of Mission). Năm 1889 A. T. Pierson diễn tả sứ vụ như “công trình của Chúa” cũng như “công trình với Chúa.” Gustav Warneck giải thích rằng giáo lý cơ bản nhất về sứ mạng chính là Thiên Chúa, Ngài là nguồn gốc của sứ mạng.[2] Năm 1932, nhà thần học Thụy Sĩ Karl Barth khẳng định rằng nền tảng của sứ mạng không phải là Giáo Hội học, cứu độ học hoặc việc so sánh các tôn giáo, nhưng sứ mạng chính là hoạt động của chính Thiên Chúa. Ông nhắc nhở rằng vào thời Hội Thánh tiên khởi, hạn từ “sứ mạng” được sử dụng đầu tiên để chỉ việc hoạt động sai đi của Chúa Ba Ngôi. Một điều cần chú ý rằng khái niệm “missio Dei” được thiết lập đầu tiên năm 1934 bởi nhà sứ vụ học người Đức Karl Hartenstein, người chịu ảnh hưởng bởi Barth. “Bằng việc giới thiệu cụm từ này, Hartenstein hy vọng sẽ bảo vệ sứ mạng trước hiện tượng tục hóa và cào bằng hóa, và dành riêng cho nó một nghĩa đặc biệt cho Thiên Chúa.”[3] Trong hội nghị quốc tế về sứ mạng tại Willingen, Đức, năm 1952, khái niệm  “missio Dei” bắt đầu có tầm ảnh hưởng lên việc suy tư về sứ mạng dựa trên báo cáo của Karl Hartenstein.[4] Sau này, thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi bởi Georg Vicedom trong ấn phẩm của ông được xuất bản năm 1963, Sứ mạng của Chúa: Dẫn nhập vào Thần học về sứ vụ. Vicedom khẳng định rằng các hoạt động của sứ vụ phải được bắt nguồn từ chính Chúa Ba Ngôi.[5]

  1. Missio Dei – sứ mạng của Thiên Chúa là chính bản chất của Chúa Ba Ngôi

Cụm từ missio Dei nguyên thủy có nghĩa rằng “Thiên Chúa Sai Đi” – Chúa Cha sai Chúa Con, Chúa Cha và chúa con sai Chúa Thánh Thần.[6] Sứ mạng của Chúa – missio Dei – là việc Thiên Chúa đi bước trước để đi vào thế giới này. Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa Thừa Sai.[7] Thiên Chúa mang tính thừa sai được thể hiện trong chính bản chất của Chúa, việc hiện hữu của Ba Ngôi Thiên Chúa từ đời đời, như John Flett nói rằng: “Có thể cho rằng sự hiện hữu của Chúa có trước hành động của Người, sự hiện hữu của Người dẫn đến hành động của Người.”[8] Một cách khác để định nghĩa Thiên Chúa có tính thừa sai là thông qua hành động của Người. Thiên Chúa hành động cho thấy Thiên Chúa là ai. Một lần nữa Flett cho rằng “có thể xếp hành động của Thiên Chúa trước sự hiện hữu của Ngài, hành động định nghĩa sự hiện hữu của Người.”[9]

Lý do mà Thiên Chúa  đến với thế gian là vì Thiên Chúa yêu thế gian (x. Ga 3,16). Tự bản chất Thiên Chúa là viên mãn, nhưng bởi vì Người yêu thế gian quá đỗi, Người tạo dựng nên thế gian và chia sẻ sự tốt lành của Người cho thế gian. Flett cho rằng “Thiên Chúa tự đủ trong chính Người, tuy nhiên với sự tốt lành trong tự do tối cao của Người, Người vươn ra trong việc tạo dựng thế giới để sống trong sự đồng hiện hữu với Người.”[10]

Do đó, khi chúng ta nói “sứ mạng”, trước hết cần hiểu là “Sứ mạng của Thiên Chúa.” Missio Dei được bắt đầu từ bản chất của chính Thiên Chúa. Georg Vicedom giải thích rằng:

Sứ vụ của Thiên Chúa trước hết có nghĩa là công việc của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Ủy Quyền, là Chủ Thể, là Đấng hoàn thành sứ mệnh. Ngài là chủ thể hoạt động của Sứ Vụ.[11]

Sứ vụ là sứ vụ của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng bắt đầu sứ vụ của Người; một cách nói khác, sứ vụ của Chúa tồn tại trong chính bản chất của Người. “Sứ vụ được bắt đầu không phải bởi một tổ chức nhân loại nào, nhưng là một thực tại vĩnh cửu trong việc Thiên Chúa sai Người Con và sự nối tiếp của Thần Khí từ Chúa Cha.”[12] Nếu chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa mang tính thừa sai trong bản chất của Ngài, thì sứ vụ của Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ kết thúc bởi vì Thiên Chúa hiện hữu và hoạt động một cách vĩnh cửu.

Bosch giải thích sứ vụ theo nghĩa ‘số ít’ ám chỉ về “Sứ vụ của Thiên Chúa”. Missio Dei là “sự tự mặc khải của Thiên Chúa như là Đấng yêu thế gian, sự can thiệp của Thiên Chúa vào trong và với thế gian, và trong đó Hội Thánh có được đặc ân để tham dự vào.”[13] Thiên Chúa mặc khải tình yêu của Ngài qua tạo thành, qua sự hòa giải và ơn cứu độ của Ngài dành cho thế gian.

2.1. Missio Dei – Thiên Chúa  là Cha: chuẩn bị kế hoạch cứu độ nhân loại

Thiên Chúa là Cha đã có một kế hoạch cứu độ. Ngài bày tỏ kế hoạch ấy một cách tiệm tiến. Thiên Chúa trước hết bày tỏ sứ vụ của Ngài bằng việc chọn một dân tộc cụ thể, người Do Thái, trong một thời khắc cụ thể của lịch sử nhân loại. Điều này được ghi trõ trong Kinh Thánh Cựu Ước.[14] Thiên Chúa không phải là một “Thiên Chúa trừu tượng”[15] hay một “lý thuyết về Thiên Chúa”, nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa trong hành động và tương quan với con người thông qua “dân được tuyển chọn”. Thiên Chúa trong mối thân tình với con người. Thiên Chúa là “Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-sa-ac và Gia-cóp” (x. Đnl 3,6; 4,5). Thực vậy, Thiên Chúa chọn một dân tộc cụ thể là dân Ít-ra-en để biểu lộ kế hoạch cứu độ của Người cho thế giới. Kế hoạch ấy được bắt đầu bằng việc kêu gọi ông Ap-ra-ham (x. St 12) là cha của cả dân tộc Ít-ra-en. “Sáng thế chương 12 trở thành nền tảng giao ước của Thiên Chúa với dân Do Thái, cũng như sự tỏ bày ban đầu của Thiên Chúa về sứ vụ của Người.[16] Từ giao ước với Áp-ra-ham, chúng ta có thể rút ra ba yếu tố chính liên qua đến sứ vụ của Thiên Chúa (Missio Dei) .

Thứ nhất, “Thiên Chúa là nguồn và khởi sự của sứ vụ”[17]. Thiên Chúa chủ động ký kết giao ước với Áp-ra-ham. Thông qua ông, tất cả quốc gia được chúc phúc (x. St 12, 3b). Điều này đối ngược với kế hoạch của con người (x. St 11, 4a) và cuối cùng bị hủy hoại (x. St 11,9).[18] Thiên Chúa chúc phúc cho toàn thể quốc gia khởi sự từ Áp-ra-ham. Thiên Chúa khởi sự sứ mạng từ một người nhưng cùng đích của sứ mạng là cho tất cả mọi người. Chính Người là Đấng bắt đầu và sẽ biết tương lai của sứ mạng sẽ ra sao.

Thứ hai, “Giao ước với Áp-ra-ham thể hiện Yahweh Thiên Chúa là Đấng Sai Đi (a Sending God).[19] Thiên Chúa sai Áp-ra-ham đi bằng mệnh lệnh: “Đứng dậy và đi” (x. St 12:1). Thiên Chúa là chủ thể của tất cả sự sai đi. Có hơn hai trăm lần Thiên Chúa là chủ thể của động từ “sai đi” (salah trong tiếng Do Thái).[20] Ferris Mac Daniel giải thích có bốn khía cạnh của từ “sai đi” trong Cựu Ước. Việc Thiên Chúa sai đi liên hệ đến mục đích quyền bính của Ngài với tư cách là người sai đi. Khía cạnh thứ ba của từ “sai đi” diễn tả việc phục tùng của người người được sai đi. Và cuối cùng, khía cạnh thứ tư của từ “sai đi” theo Ferris là Thiên Chúa dùng nhiều dạng “sứ giả” để thể hiện ý của Ngài: các ngôn sứ, các quốc gia (Assyria và Babylon), thiên thần (St 19:13), dịch bệnh (Xh 9:14; Ger 24:10), thú vật hoang dã (Ezek 14:21), mùa màng bội thu (Joel 2:19) và lãnh đạo dân ngoại Rezin (2 V 15:37) và Na-bu-cô-đô-nô-xo (Gr 43:22).[21]  Qua đây cho thấy, Thiên Chúa là chủ thể của sứ vụ và là Đấng kiểm soát mọi sự. Dân tuyển chọn, dân ngoại và các tạo vật khác đều được dùng để phụng sự cho sứ mạng của Ngài.

Thứ ba, “Giao ước với Áp-ra-ham mặc khải con tim của Thiên Chúa dành hết cho tất cả nhân loại.”[22] Thiên Chúa chọn Áp-ra-ham như nền tảng của toàn thể mối tương quan giữa dân Do Thái với Thiên Chúa. Nhưng điều đó không có nghĩa là việc chúc phúc chỉ xảy ra cho dân Do Thái mà thôi. Thiên Chúa tuyển chọn Áp-ra-ham và dân Do Thái là để mang lại ơn chúc phúc cho toàn thể mọi quốc gia. Missio Dei không phải dành đặc biệt cho một cá nhân nào hay một nhóm người nào, nhưng cho tất cả mọi người.[23] Dean Flenmming giải thích về lời chúc phúc dành cho Áp-ra-ham: “Sự chúc phúc ấy bao hàm ý định của Thiên Chúa là cứu độ con người, giao hòa họ với nhau và phục hồi tất cả tạo thành.”[24]

2.2 Thiên Chúa sai Người Con duy nhất để giao hòa thế giới với Người

Đỉnh điểm sứ mạng của Thiên Chúa đối với thế gian là việc Người sai Con duy nhất đến với thế gian. “Việc Thiên Chúa Cha bày tỏ kế hoạch cứu độ mang lại một dấu vết lịch sử quan trọng trong vai trò của Người Con.”[25] Con Thiên Chúa nhập thể vào thế giới, trở nên một con người ở giữa thế gian. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Chúa Giê-su là một người Do Thái, nói tiếng Aramaic với giọng vùng miền Ga-li-lê, lớn lên trong một gia đình cụ thể thuộc xứ Ga-li-lê, Ngài là Đấng sẽ bày tỏ Thiên Chúa là ai.[26] Thông qua con người Giê-su, cho thấy rằng Thiên Chúa không còn ở xa con người, nhưng lại rất gần gũi. Trong phần mở đầu của thư gửi tín hữu Do Thái nói rõ rằng:

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. (Hr 1,1-3a).

Một Thiên Chúa vô hình nay trở nên hữu hình nơi con người Giê-su. Thông qua Ngài, Thiên Chúa được mặc khải: “Hễ ai biết tôi là biết Chúa Cha” (Ga 14:7). Sứ vụ của Thiên Chúa nay được bày tỏ một cách gần gũi hơn cho con người thông qua con người Giê-su. Scott W. Sunquist nói rằng “Sứ mạng của các Ki-tô hữu đặt trong nền tảng Ba Ngôi, nhưng được đặt trụ cột nơi Giê-su với nhân tính và thiên tính trọn vẹn.”[27] Chúa Giê-su đã hoàn toàn đi vào kiếp người như tất cả chúng ta. Thông qua sự hiện hữu và các hoạt động, Chúa Giê-su giới thiệu một tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa là Cha cho toàn thể nhân loại.[28]

Một cách đặc biệt trong Tin mừng Gioan, có hơn bốn mươi lần nói về việc Chúa Giê-su “được sai đi” (x. Ga 3,16-17; Ga 5, 23, 30, 36; Ga 12, 44, 49). Việc thực thi sứ mạng của Chúa Giê-su hoàn toàn dựa vào Chúa Cha. Ngài đến để tuân hành thánh ý Chúa Cha, “lương thực của tôi là thi hành ý muốn của Đấng đã sai tôi và hoàn thành công trình của Ngài” (Ga 4, 34). Ngài rao giảng lời của Cha, tìm kiếm vinh quang của Cha. “Thiên Chúa Cha sẽ được tôn vinh nếu anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của thầy” (Ga 15:8). Sứ mạng của Chúa Giê-su “tuôn trào từ mối tương quan tình yêu, sự hiệp nhất và tính trách nhiệm với Thiên Chúa Cha.”[29] Chúa Giê-su mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho nhân loại:

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (Ga 3:16-17)

Sứ mạng của Chúa Giê-su, người được sai đi bởi Cha là làm chứng cho tình yêu vô giới hạn của Cha. Chúa Giê-su đã gặp gỡ tất cả mọi hạng người, “bao gồm những người nghèo túng nhất, những người bị gạt ra bên lề xã hội: người mù, người bại liệt, những đám đông đói khổ, những người Sa-ma-ri bị khinh miệt và những người tội lỗi.”[30] Ngài làm nhiều phép lạ để thể hiện Tin Mừng cho mọi người. “Người mù được thấy, người bại liệt được đi, người phong được sạch, và người điếc được nghe, người chết chỗi dậy, người nghèo được loan báo Tin Mừng” (Mt 11:5). Tình yêu của Chúa Giê-su được thể hiện một cách tột đỉnh nơi thánh giá. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu thí mạng cho bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Chúa Giê-su hoàn thành sứ mạng của Ngài bằng việc hy sinh tính mạng của Ngài trên cây thập giá cho muôn người. “Tôi là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh thí mạng cho đoàn chiên của mình” (Ga 10:11). Vì vậy, toàn thể cuộc đời của Chúa Giê-su là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa Cha cho toàn thể nhân loại.[31]

Chúa Giê-su được sai đi bởi Cha để giao hòa thế gian với Thiên Chúa – Đấng tạo dựng.[32] Chúa Giê-su thí mạng sống của Ngài trên thánh giá để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, không chỉ là con người nhưng là toàn thể tạo thành.

Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời. (Cl 1, 19-20)

 Thiên Chúa luôn đi bước trước để giao hòa với con người, thậm chí khi con người đi ngược lại với tình yêu ấy. Qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa mang lại sự giao hòa giữa Thiên Chúa và tạo thành của Ngài. John Flett giải thích rằng “việc giao hòa là việc Thiên Chúa tự do trao ban chính Ngài cho con người. […] Thiên Chúa không chỉ làm cho chính Ngài được biết đến nơi những ai yêu mến Ngài, nhưng Ngài vượt ra khỏi giới hạn của chính Ngài để đến với những ai thù nghịch với Ngài.”[33] Thực vậy, tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi và sa ngã của con người. “Thật vây, nếu đang khi còn là thù nghịch, mà chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa, nhờ cái chết của Con Thiên Chúa, phương chi khi đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5:10).

Tóm lại, sứ mạng của Thiên Chúa được thể hiện cụ thể nơi con người Giê-su, Đấng được sai đi bởi Chúa Cha. Ngài đến từ Cha để thực hành thánh ý Cha trên toàn thể nhân loại (x. Mt 26,39). “Chúa Giê-su là Đấng Thừa Sai, Ngài là người mang sứ mệnh, và là Đấng Messiah được sai đến, tất cả chứa đựng nơi con người Giê-su trong việc chu toàn sứ mệnh của Thiên Chúa.”[34] Kế hoạch của Thiên Chúa được thành toàn nơi Đức Giê-su và Chúa Giê-su là Đấng “mở cánh cửa để phục hồi tất cả tạo thành.”[35]

2.3 Thiên Chúa sai Thánh Thần đến để tiếp tục sứ mạng của Ngài trên trần gian

Sứ mạng của Thiên Chúa tiếp tục với Chúa Thánh Thần sau khi Chúa Giê-su phục sinh. Chúa Giê-su không còn hiện diện hữu hình nơi trần gian nữa, nên Ngài trao ban Thánh Thần xuống trên các tông đồ:

 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20: 21-23).

Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa luôn dẫn dắt sứ mạng của Người thông qua Hội Thánh. Tuy nhiên, Hội Thánh cần khiêm tốn và nhận thức rằng Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh và vượt ra bên ngoài Hội Thánh (RM. #6).[36] “Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3:8). Thánh Thần đang tiếp tục sứ mạng của Thiên Chúa vượt ra khỏi cấu trúc hữu hình của Hội Thánh.

Thánh Thần của Thiên Chúa đang hoạt động trong tất cả mọi người, mọi tình huống xã hội và văn hóa và mọi lĩnh vực trong đời sống con người (RM. #10). Sứ mạng của Thánh Thần là bày tỏ ơn cứu độ của Thiên Chúa, thông qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giê-su,[37] cho tất cả mọi người, bởi vì “đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm 2, 3-4). Ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ cho Hội Thánh mà thôi, nhưng cho tất cả mọi người, mọi quốc gia. “Tính cách phổ quát của ơn cứu độ có nghĩa là ơn cứu độ không phải chỉ được ban cho những ai tuyên xưng tin vào Chúa Kitô và đã gia nhập Giáo Hội. Vì ơn cứu độ được trao ban cho tất cả, nó phải được luôn luôn sẵn chờ cho tất cả mọi người” (RM. #10). Qua sự hướng dẫn của Thánh Thần, thế giới sẽ được biến đổi thành thụ tạo mới của Thiên Chúa. Thật thế, Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở thành chứng nhân cho sứ mạng của Thiên Chúa và làm cho Hội Thánh có khả năng làm chứng về một thực tại cánh chung của Tạo Thành mới ngay thời điểm hiện tại.”[38]

3..Thái độ của Hội Thánh khi tiếp tục sứ mạng của Thiên Chúa

3.1. Hội Thánh tham dự vào sứ mạng của Thiên Chúa, Hội Thánh không sở hữu sứ mạng

Như đã trình bày ở trên, Thiên Chúa là nguồn gốc và khởi sự của sứ mạng. Nói cách khác, sứ mạng là sứ mạng của Thiên Chúa – Missio Dei. Hội Thánh được sai đi bởi Thiên Chúa để tiếp tục sứ mạng của Người. Thiên Chúa dùng Hội Thánh như một phương tiện của các hoạt động thừa sai của Người.[39]  Bosch nói rằng : “Hoạt động thừa sai của chúng ta chỉ trở nên thực sự chính đáng khi chúng phản ánh sự tham dự vào sứ mạng của Thiên Chúa.”[40] Nói một cách khác, Hội Thánh tham dự vào sứ mạng của Thiên Chúa. Flett giải thích thêm rằng : “Bản chất của Hội Thánh và cách thức hoạt động của Hội Thánh phải tương xứng với đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.”[41] Hội Thánh diễn tả tình yêu Thiên Chúa qua sứ mạng của mình. Bosch khẳng định mạnh mẽ rằng “tham dự vào sứ mạng là tham dự vào hoạt động tình yêu của Thiên Chúa hướng tới con người, bởi vì Thiên Chúa là suối nguồn của tình yêu trao ban.”[42]

Hội Thánh không bao giờ sở hữu sứ mạng. Thật vậy, “hạn từ missio Dei cho thấy sự chắc chắn rằng không phải Hội Thánh hay bất cứ tổ chức nhân loại nào có thể cho mình là chủ thể hay người phát sinh ra sứ mạng.”[43] Hội Thánh là sự tiếp nối sứ mạng của Chúa Giê-su dưới sự linh hướng của Chúa Thánh Thần. Như Chúa Giê-su là hiện thân sứ mạng của Thiên Chúa trên trền gian, Hội Thánh “phải trở thành sự hiện diện của sứ mạng Thiên Chúa một cách cụ thể trên trần gian, dưới sức mạnh của Chúa Thánh Thần (Ga 20:21-22).”[44]

Hội Thánh là Hội Thánh thừa sai. J. Andrew Kirk khẳng định cách dứt khoát rằng “Hội Thánh bởi bản chất là thừa sai, nếu Hội Thánh không còn tính thừa sai, thì Hội Thánh không chỉ thất bại trong các hoạt động, nhưng hơn hết, Hội Thánh lúc đó sẽ không còn là Hội Thánh nữa.”[45] Flett giải thích thêm rằng “Cộng đoàn Ki-tô hữu phải là cộng đoàn thừa sai, hoặc không là gì cả.”[46] Công đồng Vatican II cũng khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi, vì chính Giáo Hội được khởi sinh từ việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha.”[47]

3.2. Giáo Hội – Người phục vụ Sứ mạng của Thiên Chúa

Như đã đề cập bên trên,  Hội Thánh tham dự vào sứ mạng của Thiên Chúa và Hội Thánh không phải là chủ sở hữu của sứ mạng, vì vậy Hội Thánh thực hiện các hoạt động thừa sai như những người phục vụ (đầy tớ) của Thiên Chúa. Giáo Hội có thể phục vụ thế giới trong  nhiều lĩnh vực như một “người phục vụ” chứ không phải “như ông chủ” hoặc “bề trên.” Chúa Giê-su phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45). Hội Thánh nên phục vụ thế giới như Chúa Giê-su đã khiêm hạ phục vụ thế giới với tình yêu và lòng trắc ẩn của Ngài.

Giáo Hội phải thực hiện chức năng của mình làm sao để giúp ngưới khác nhận biết Thiên Chúa là nguồn cội của ơn cứu độ chứa chan. Hội Thánh không nên thể hiện như một người có quyền lực muốn kiểm soát người khác và xây xựng những đặc quyền cho chính mình. Trên hết, Hội Thánh phải là người phục vụ sứ mạng của Thiên Chúa. “Mục đích tiên quyết trong sứ mạng của Giáo Hội (missiones eclesae) không chỉ đơn giản là xây dựng thêm nhiều ngôi thánh đường […]; thay vào đó, Giáo Hội trở thành người phục vụ sứ mạng của Thiên Chúa.”[48]

3.3. Giáo Hội là chứng nhân của Sứ mạng Thiên Chúa

Giáo Hội không sở hữu sứ mạng nhưng chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hoạt động trong Hội Thánh nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hội Thánh phải trở nên chứng nhân của Sứ mạng Thiên Chúa, vì đó là lý do mà Hội Thánh hiện hữu. Flett khẳng định rằng Hội Thánh trong chính bản chất của nó là Hội Thánh thừa sai khi phục vụ và làm chứng ngay giữa lòng thế giới này.[49] Chứng tá của Hội Thánh là trở nên chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa cho người khác. Một cách đặc biệt, Hội Thánh nên bắt chước sứ mạng của Chúa Giê-su, người đến trần gian để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Chính như Chúa Giê-su làm chứng về tình yêu của Chúa Cha, Hội Thánh cũng bắt chước như vậy qua việc phục vụ thế giới này. “Đây là lý do tại sao có truyền giáo, đó là để loan truyền và làm chứng cho thế giới ‘sự giàu có thẳm sâu khôn lường’ (Rm 11,33) của tình thương Thiên Chúa, và sự có sẵn tình thương này khi Thánh Thần nói với quả tim con người và khi Đức Ki-tô mặc khải tình thương ấy qua đời sống phục vụ đích thực ‘cho tới cùng’ (Ga 13,1).”[50]

3.4. Hội Thánh trở thành môn đệ của Chúa Giê-su

Hội Thánh cần trở nên môn đệ của Chúa Giê-su. “Trước khi làm cho người khác trở thành môn đệ, chúng ta phải là môn đệ.”[51] Để thi hành sứ vụ của Thiên Chúa thì trước hết phải trở nên môn đệ của Chúa Giê-su, “trở nên những cộng đoàn môn đệ nhìn vào Chúa Giê-su và thực hành như Ngài giữa nhân loại.”[52] Anthony J. Gittins cho rằng “môn đệ là việc loan báo tin mừng, môn đệ là sứ vụ.”[53] Như trình bày ở trên, Chúa Giê-su chính là thừa sai được sai đi bởi Cha, Hội Thánh là thừa sai nếu Hội Thánh là môn đệ của Chúa Giê-su. Người môn đệ là người học và làm theo thầy của mình. Hội Thánh cũng thế, cần học và làm theo giáo huấn và hành động của Chúa Giê-su. Như Chúa Giê-su chào đón tất cả mọi hạng người, Hội Thánh cũng nên mở rộng vòng tay và làm như vậy. Chúa Giê-su gặp gỡ người thu thuế Mát-thê, người phục vụ cho đế quốc Rô-ma và mời ông trở thành môn đệ của Ngài (x. Lc 5:27-28; Mc 2:13-17; Mt 9:3-13). Ngài viếng thăm nhà ông trưởng hội đồng thu thuế Gia-kêu (Lc 19:1-10). Ngài bảo vệ những tội nhân và tha thứ cho họ (x. Ga 7:53, 8:1-11). Chúa Giê-su phá bỏ ranh giới tôn giáo để gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri tại bờ giếng (x. Ga 4,1-38). Đây là những ví dụ cho thấy hoạt động sứ vụ của Chúa Giê-su. Hội Thánh cũng nên tiếp tục thực hiện điều này đối với người khác. Hội Thánh đang làm công việc của Chúa trên trần gian, như được truyền cảm hứng trong kinh Lạy Cha “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Hội Thánh đang trông chờ Thiên Chúa hành động, nhưng cùng với đó, Hội Thánh đang đóng góp hoạt động của mình để làm cho công việc của Thiên Chúa được thực thi.[54]

Bản chất môn đệ là việc loan báo Tin Mừng. “Loan báo Tin Mừng” trước hết và quan trọng nhất là loan báo chính Chúa Giê-su. Ngài là “Người mang Tin Mừng”. Thông điệp của việc loan báo tin mừng không phải là Hội Thánh, mà là chính Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su tuyển chọn ai làm môn đệ của Ngài, Ngài chia sẻ sứ mạng với họ. Và rồi, người môn đệ học và làm theo thầy của mình là Chúa Chúa Gie-su và rao giảng về Tin Mừng ấy.[55]

Bản chất của người môn đệ là thuộc về sứ mạng. Như trình bày trên, sứ mạng được diễn tả là hoạt động sở hữu bởi Thiên Chúa, Missio Dei. Chúa Giê-su diễn tả sứ mạng ấy trên trần gian. Ngài đến trần gian để thực hiện ý của Chúa Cha. Ngài nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai thầy và hoàn thành nó” (Ga 4:34). Hội Thánh, môn đệ của Chúa Giê-su, phải học và làm theo Thầy của mình và tiếp tục sứ mạng của Ngài trên trần gian dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng được sai bởi Cha và Con.[56]

  1. Kết luận

Bài viết này trình bày sự hiểu biết thần học về hạn từ Missio Dei. Trước hết, bài viết nêu lên lịch sử phát triển của cụm từ này từ giữa thế kỷ hai mươi. Tiếp đến, người viết giải thích khái niệm Missio Dei – là sứ mạng được bắt đầu nguồn từ chính Thiên Chúa trong sự hiện hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nó được diễn tả bằng việc Thiên Chúa sai đi – Chúa Cha sai Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Con sai Chúa Thánh Thần. Sứ mạng của Thiên Chúa việc bày tỏ về Thiên Chúa là ai và việc Ngài đi vào thế giới này để chia sẻ tình yêu của Ngài qua tiến trình tạo thành và cứu độ. Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử con người để bày tỏ tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Ngài đã chuẩn bị sứ mạng bằng việc tuyển chọn một dân tộc cụ thể là Ít-ra-en, bằng cách thiết lập giao ước với Áp-ra-ham. Thông qua ông, tất cả quốc gia dân tộc được nhận phúc lành từ Thiên Chúa. Cao điểm của sứ mạng Thiên Chúa được thể hiện qua mầu nhiệm nhập thể của Người Con Giê-su. Ngài được sai bởi Cha và hoàn thành sứ mạng của Cha trên trần gian. Chúa Thánh Thần được sai đi bởi Chúa Cha và Chúa Con để tiếp tục sứ mạng của Thiên Chúa trong hành trình tiến về một Tạo Thành Mới vào thời kỳ sau cùng. Hội Thánh, trong vai trò và bản chất của nó, được sai bởi Chúa Giê-su dưới sức mạnh của Chúa Thánh Thần để tiếp tục sứ mạng của Thiên Chúa trên trần gian. Hội Thánh luôn ý thức rằng chủ sở hữu duy nhất của sứ mạng là Thiên Chúa. Hội Thánh luôn nỗ lực để trở thành người phục vụ cho sứ mạng của Thiên Chúa, trở thành chứng nhân cho tình yêu của Ngài đã trao ban cho nhân loại.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Bevans, Stephan B. and Roger P. Schroeder, Constants in Context: A Theology of Mission for Today. Maryknoll, NY: Orbis Books, 2008.

Bosch, David J. Transforming Mission: Paradigm Shifts in Theology of Mission. Maryknoll, NY: Orbis Books, 2003.

Flemming, Dean.  Recovering the Full Mission of God: A Biblical Perspective on Being, Doing and Telling. Downers Grove, IL: IVP Academic, 2013.

Flett, John G. “Missio Dei: A Trinitarian Envisioning of a Non-Trinitarian Theme.” Missiology 37, no. 1 (January 2009): 5-18.

Flett, John G. The Witness of God: the Trinity, Missio Dei, Karl Barth, and the Nature of Christian Community. Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans, 2010.

Gittins, Anthony J. Called to be Sent: Co-Missioned as Disciples Today. Liguori, MO: Liguori, 2008.

John Paul II, Redemptor Hominis. http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_04031979_redemptor-hominis.html (accessed 3rd November 2019).

Kirk, J. Andrew. What is Mission?: Theological Explorations (London: Darton, Longman and Todd, 1999.

Kroeger, James H. Living Mission: Challenges in Evangelization Today. Maryknoll, NY: Orbis Book, 1994.

McDaniel, Ferris L. “Mission in the Old Testament” In Mission in the New Testament: An Evangelical Approach. Edited by William J. Larkin Jr. and Joel F. Williams. Maryknoll, NY: Orbis, 1998. 12-14. Quoted in Timothy C. Tennent. Invitation to World Missions: A Trinitarian Missiology for the Twenty-first Century. Grand Rapid, MI: Kregel Publications, 2010.

Ott, Craig and Stephen J. Strauss, with Timothy C. Tennent, Encountering Theology of Mission: Biblical Foundations, Historical Development, and Contemporary Issues. Grand Rapids, MI: Baker Academic, 2010.

 Roxburgh, Alan J. and M. Scott Boren, Introducing the Missional Church: What It Is, Why It Matters, How to Become One. Grand Rapids, MI: Baker Books, 2009.

Schreiter, Robert J. Reconciliation: Mission & Ministry in a Changing Social Order. Maryknoll, NY: Orbis Books, 1992.

Skreslet, Stanley H. Comprehending Mission: The Questions, Methods, Themes, Problems, and Prospects of Missiology. Maryknoll, NY: Orbis Books, 2012.

Suh, Kyung La. “Recovering Reconciliation as God’s Mission: Its Implications for North and South Korea.” In Contemporary Mission Theology: Engaging the Nations. Edited by Robert L. Gallagher and Paul Hertig. Maryknoll, NY: Orbis Books, 2017.

Sunquist, Scott W. Understanding Christian Mission: Participation in Suffering and Glory. Grand Rapids, MI: Baker Academic, 2013.

Tennent, Timothy C. Invitation to World Missions: A Trinitarian Missiology for the Twenty-first Century. Grand Rapid, MI: Kregel Publications, 2010.

Vatican II, Ad Gentes, (Decree on the Church’s Missionary Activity). In Vatican Council II: The Conciliar and Post Conciliar Document. Edited by Austin Flannery, vol. I. Collegeville, MN: The Liturgical Press, 1977.

Vicedom, Georg F. Missio Dei: Einführung in eine Theologie der Mission. Munich: Chr. Kaiser Verlag, 1958. 12-13. Quoted in John G. Flett, The Witness of God: the Trinity, Missio Dei, Karl Barth, and the Nature of Christian Community. Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans, 2010.

Vicedom, Georg The Mission of God: An Introduction to the Theology of Mission, trans. Gilbert A. Thiele dna Dennis Hilgendorf . Saint Louis: Concordia, 1965. 5. Quoted in Timothy C. Tennent, Invitation to World Missions: A Trinitarian Missiology for the Twenty-first Century. Grand Rapid, MI: Kregel Publications, 2010.

Wright, Christopher J. H. The Mission of God: Unlocking the Bible’s Grand Narrative. Downers Grove, IL: IVP, 2006.

[1] Timothy C. Tennent, Invitation to World Missions: A Trinitarian Missiology for the Twenty-first Century (Grand Rapid, MI: Kregel Publications, 2010), 53.

[2] Quoted in Craig Ott and Stephen J. Strauss, with Timothy C. Tennent, Encountering Theology of Mission: Biblical Foundations, Historical Development, and Contemporary Issues (Grand Rapids, MI: Baker Academic, 2010), 62.

[3] David J. Bosch, Transforming Mission: Paradigm Shifts in Theology of Mission (Maryknoll, NY: Orbis Books, 2003), 392.

[4] Ott and Strauss, with Timothy C. Tennent, Encountering Theology of Mission, 62-63.

[5] Georg Vicedom, The Mission of God: An Introduction to the Theology of Mission, trans. Gilbert A. Thiele dna Dennis Hilgendorf (Saint Louis: Concordia, 1965), 5, quoted in Tennent, Invitation to World Missions, 55.

[6] Christopher J. H. Wright, The Mission of God: Unlocking the Bible’s Grand Narrative (Downers Grove, IL: IVP, 2006), 63.

[7] John G. Flett, The Witness of God: the Trinity, Missio Dei, Karl Barth, and the Nature of Christian Community (Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans, 2010), 36.

[8] John G. Flett,  “Missio Dei: A Trinitarian Envisioning of a Non-Trinitarian Theme,” Missiology 37, no. 1 (January 2009): 8.

[9] Ibid.

[10] Ibid., 7

[11] Georg F. Vicedom, Missio Dei: Einführung in eine Theologie der Mission (Munich: Chr. Kaiser Verlag, 1958), 12-13, quoted in John G. Flett, The Witness of God: the Trinity, Missio Dei, Karl Barth, and the Nature of Christian Community (Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans, 2010), 37.

[12] Stanley H. Skreslet, Comprehending Mission: The Questions, Methods, Themes, Problems, and Prospects of Missiology (Maryknoll, NY: Orbis Books, 2012), 32.

[13] Bosch, Transforming Mission, 10.

[14] Tennent, Invitation to World Missions, 71.

[15] John Flett, “Missio Dei,” 8.

[16] Tennent, Invitation to World Missions, 106.

[17] Tennent, Invitation to World Missions, 110.

[18] Tennent, Invitation to World Missions, 110.

[19] Tennent, Invitation to World Missions, 111.

[20] Tennent, Invitation to World Missions, 111

[21] Tennent, Invitation to World Missions, 111.

[22] Ibid. 112.

[23] Ibid.

[24] Dean Flemming, Recovering the Full Mission of God: A Biblical Perspective on Being, Doing and Telling (Downers Grove, IL: IVP Academic, 2013), 272.

[25] Tennent, Invitation to World Mission, 72.

[26] Alan J. Roxburgh and M. Scott Boren, Introducing the Missional Church: What It Is, Why It Matters, How to Become One (Grand Rapids, MI: Baker Books, 2009), 94.

[27] Flemming, Recovering the Full Mission of God, 115.

[28] Flemming, Recovering the Full Mission of God, 114.

[29] Flemming, Recovering the Full Mission of God, 114.

[30] Flemming, Recovering the Full Mission of God, 117.

[31] Flemming, Recovering the Full Mission of God, 118.

[32] Sunquist, Understanding Christian Mission, 201.

[33] Flett, The Witness of God, 248.

[34] Sunquist, Understanding Christian Mission, 202.

[35] Roxburgh and Boren, Introducing the Missional Church, 94.

[36] John Paul II, Redemptor Hominis, # 6, http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_04031979_redemptor-hominis.html (accessed 3rd November 2019).

[37] James H. Kroeger, Living Mission: Challenges in Evangelization Today (Maryknoll, NY: Orbis Book, 1994), 59.

[38] Tennent, Invitation to World Missions, 94.

[39] Flett, The Witness of God, 37.

[40] Bosch, Transforming Mission, 391.

[41] Flett, “Missio Dei,” 9.

[42] Bosch, Transforming Mission, 390.

[43] Ibid, 392.

[44] Flemming, Recovering the Full Mission of God, 115.

[45] J. Andrew Kirk, What is Mission?: Theological Explorations (London: Darton, Longman and Todd, 1999), 30.

[46] Flett, “Missio Dei,” 6.

[47] Ad Gentes, #2

[48] Bosch, Transforming Mission, 391

[49] Flett, The Witness of God, 195.

[50] Stephan B. Bevans and Roger P. Schroeder, Constants in Context: A Theology of Mission for Today (Maryknoll, NY: Orbis Books, 2008), 300. Bản dịch Việt ngữ của Đa-minh Ngô Quang Tuyên, Trung Thành và Thích Nghi: Thần Học Truyền Giáo Cho Hôm Nay, Nxb Tôn Giáo, 2020, 493.

[51] Flemming, Recovering the Full Mission of God, 273.

[52] Ibid.

[53] Anthony J. Gittins, Called to be Sent: Co-Missioned as Disciples Today (Liguori, MO: Liguori, 2008), 17.

[54] Gittins, Called to be Sent, 17.

[55] Ibid., 18.

[56] Ibid., 19.