Tiến sĩ Di Giovanni, Thứ trưởng phụ trách Lĩnh vực Đa phương của Phân bộ Quan hệ với các Quốc gia, và các Tổ chức Quốc tế và Trưởng Phái đoàn của Tòa Thánh tại Geneva, lưu ý rằng cuộc họp diễn ra vào thời điểm “khi bạo lực, bắt bớ và xung đột phá vỡ ý thức về tình huynh đệ và sự liên đới của gia đình nhân loại của chúng ta”; “Trong bối cảnh chiến tranh như hiện nay, quá nhiều người di cư không thể hoà nhập cũng do các chính sách không ủng hộ việc tiếp nhận.”
Đại diện Toà Thánh đã nhắc lại “tầm quan trọng của việc xác định các tuyến đường thay thế cho các giải pháp kịp thời và lâu dài để giúp những người buộc phải di cư để tìm kiếm một nơi tị nạn mới.” Những lời của vị đại diện vang vọng lời Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Đông Âu.
Cảm ơn những người đã làm việc để mang đến cho người di cư một vùng đất mới, tiến sĩ Di Giovanni lưu ý rằng “Xung đột và tình trạng tị nạn kéo dài không thể trở thành điều ‘bình thường mới’”. Những người tị nạn và di dời là con người và do đó là đối tượng của các quyền và nghĩa vụ, không phải đối tượng của sự hỗ trợ.
Tiến sĩ Di Giovanni nhắc lại khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “xây dựng tương lai với những người di cư và tị nạn cũng có nghĩa là công nhận và đánh giá cao những đóng góp của họ, phát triển trong nhân loại chung của chúng ta và cùng nhau xây dựng ý thức đoàn kết ngày càng lớn hơn.”
Về vấn đề này, Tòa Thánh công nhận rằng sự đoàn kết được thể hiện bởi một số Quốc gia. Tuy nhiên, “sự đoàn kết hay sự quảng đại đều không phải là nguồn lực vô tận và chúng ta không thể để sự gần gũi về địa lý là yếu tố duy nhất để xác định trách nhiệm chung của chúng ta đối với việc bảo vệ hoặc mức độ hỗ trợ nhân đạo.” Đại diện Toà Thánh nhắc lại mối quan ngại rằng một số quốc gia đã “gia tăng gánh nặng cho các cộng đồng chủ nhà thông qua một chiến lược đối ngoại không bền vững, tránh chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các dòng di cư đông đảo, thông qua các thỏa thuận ngăn họ ở những điểm chiến lược trên hành trình của họ.”
Hồng Thủy – Vatican News