Tổng thống Pháp nói trước hội nghị các nhà tài trợ: Tương lai của Li Băng đang bị đe dọa

Các cường quốc trên thế giới có nhiệm vụ hỗ trợ người dân Li Băng sau khi một vụ nổ lớn tàn phá thủ đô của họ trong khi chính tương lai của đất nước này đang trong tình trạng bị đe dọa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị các nhà tài trợ khẩn cấp.

Nền kinh tế đầy nợ nần của Li Băng đã chìm trong khủng hoảng và lao đao vì đại dịch coronavirus trước vụ nổ ở cảng Beirut khiến 158 người thiệt mạng. Nhưng các chính phủ nước ngoài cảnh giác về việc viết các chi phiếu khống cho một chính phủ bị chính người dân của họ cho là tham nhũng sâu sắc.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị các nhà tài trợ trực tuyến, ông Macron nói rằng phản ứng quốc tế cần được điều phối bởi Liên hợp quốc tại Li Băng.

“Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là hành động nhanh chóng và hiệu quả, điều phối viện trợ của chúng ta trên thực tế địa phương để viện trợ này đến tay người dân Li Băng càng nhanh càng tốt, ” ông Macron nói qua liên kết video từ nơi nghỉ hè ở thành phố Riviera.

Tổng thống cho biết lời đề nghị hỗ trợ bao gồm cả việc hỗ trợ cho một cuộc điều tra khách quan, đáng tin cậy và độc lập vào tháng Tám.

Vụ nổ hôm 4 tháng 8 đã khiến một số người Li Băng kêu gọi một cuộc nổi dậy để lật đổ các nhà lãnh đạo chính trị của họ.

Hội đồng Giám mục Italia đã trợ giúp một triệu Euro để giúp đỡ dân chúng Li Băng về thuốc men cho những người bị thương, lương thực, nước uống và nơi tạm trú cũng như nâng đỡ tâm lý cho các nạn nhân khác.

Thủ tướng Li Băng Hassan Diab và toàn bộ chính phủ nước này đã từ chức sau vụ nổ chết người ở Beirut khiến ít nhất 160 người thiệt mạng. Trong một bài phát biểu ngắn trên truyền hình, ông Diab cho biết ông đang “lùi một bước” để có thể sát cánh cùng mọi người “và chiến đấu trong cuộc chiến giành sự thay đổi cùng với họ”. Ông nói: “Hôm nay tôi tuyên bố từ chức chính phủ này. Xin Chúa bảo vệ Li Băng”.

Ông Hassan Diab, một người Hồi Giáo Sunni, đã lặp lại câu “Xin Chúa bảo vệ Li Băng” ba lần.

Việc chính phủ từ chức đã được dự đoán ngay cả khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut khiến ít nhất 160 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Theo dự trù, Thủ tướng Hassan Diab sẽ giữ vai trò điều hành chính phủ tạm thời cho đến khi có ứng cử viên mới được thống nhất chọn ra.

Hiến pháp của Li Băng không chính thức quy định nhưng theo một thỏa hiệp được gọi là Thỏa Thuận Quốc Gia vào năm 1943, tổng thống của nước này bắt buộc phải là một người Công Giáo theo nghi lễ Maronite.

Theo hiến pháp của Li Băng, tổng thống được Quốc Hội chọn ra trong một nhiệm kỳ 6 năm. Sau khi tổng thống Michel Suleiman hết nhiệm kỳ vào tháng 5, 2014, trong hơn hai năm trời, Quốc Hội không chọn được một tổng thống khác.

Trước đây, Li Băng vẫn được coi là tiền đồn của Công Giáo tại Trung Đông, vì người Công Giáo chiếm đa số tại quốc gia này. Tình trạng đó đã thay đổi đáng kể sau cuộc chiến 6 ngày vào tháng 6, 1967 dẫn đến một làn sóng nhập cư của người Palestine. Cuộc nội chiến tại Syria cũng đưa đẩy hơn 2 triệu người Syria, chủ yếu là người Hồi Giáo tràn vào Li Băng, khiến quốc gia này giờ đây trở thành một quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo như các nước khác trong vùng.

Đó là lý do tại sao từ tháng Năm, 2014 đến ngày 31 tháng 10, 2016, Li Băng không có tổng thống.

Đối với hàng trăm nghìn người có nhà cửa và cuộc sống của họ bị phá hủy bởi vụ nổ tuần trước tại một nhà kho chứa 2, 750 tấn ammonium nitrate, việc từ chức của nội các Hassan Diabxem ra sẽ không giúp ích gì nhiều cho họ.

Đối với nhiều người trên khắp Li Băng, toàn bộ hệ thống chính trị cần được thay thế.

Li Băng đang đối mặt với thời gian khó khăn phía trước.

Đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất với hàng triệu việc làm bị mất, người dân bị cắt lương và tiền tiết kiệm biến mất.

Quá trình chính trị để bổ nhiệm một thủ tướng mới và kêu gọi bầu cử sớm sẽ mất nhiều tuần. Đây là thời khắc nguy hiểm cho quốc gia này.

Đặng Tự Do
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/257963.htm