“Trải qua một cuộc bể dâu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” *

Thái Hà (25.04.2017) – Người nghèo thuộc các sắc dân thiểu số. Nỗi cùng cực xảy đến với họ. Họ không có tiếng nói và cũng chẳng biết kêu ai.

Gửi đến quý vị và các bạn hoàn cảnh của những con người ấy. Những câu chuyện xảy ra trên vùng Tây Nguyên Việt Nam. Họ mất đất, bị đối xử bất công, điều mà chị Châu Quyên, tác giả của những câu chuyện sau đã gặp gỡ, chứng kiến.

………………………..

Câu chuyện 1:

Chúng tôi đến thăm thôn EaSa Nô, xã Dak D’rô, huyện Krông Nô (LRP12) tỉnh Đăk nông trong một buổi chiều ngày 12/4/2017. Trời chiều nắng như đổ lửa. Trải qua một chặng đường dài đất đỏ, bụi mịt mù, quanh co đèo dốc, chúng tôi mới đến nhà chị  Nông Thị Quy.

18136365_10154815135148303_473408950_n
Chị Nông Thị Quy cùng hai con tại căn nhà ở thôn EaSa Nô, xã Dak D’rô, huyện Krông Nô (LRP12) tỉnh Đăk Nông. Ảnh tác giả bài viết cung cấp

Ngồi trong căn nhà có diện tích khoảng 9 mét vuông, trần lợp tôn khá thấp (cách sàn khoảng 2.5m), dưới cái nóng hầm hập như đổ lửa, chúng tôi thấy nghẹn ngào vô cùng khi nghe câu chuyện của chị.

Chị là người dân tộc Tày từ Cao Bằng di cư tự do vào đây. Là phụ nữ đơn thân, hộ nghèo, nuôi con nhỏ, chị phải đối mặt với không biết bao nhiêu là khó khăn để tồn tại.

Cách đây một năm, bất đắc dĩ chị phải vay nóng 80 triệu VND để làm căn nhà này thay cho căn chòi dột nát, xiêu vẹo đã đổ sập sau cơn mưa giông đầu mùa.  Vì vay nóng nên lãi suất cao gấp hơn 10 lần lãi suất ngân hàng ở thời điểm hiện tại. Cuộc sống hàng ngày của hai mẹ con chị dựa vào 1 hecta đất trồng ngô. Ngoài thời gian làm rẫy ngô, chị đi làm thuê để kiếm thêm tiền. Nay phải gánh thêm trả nợ vay làm nhà thì quá sức đối với chị.

Trong khi đó, chính sách của nhà nước là có hỗ trợ hộ nghèo vay tín chấp tối đa 10 triệu để phát triển kinh tế và 25 triệu VNĐ để làm nhà ở thì chị không hề biết gì về chính sách này cả. Mặc dù chị cũng là hội viên Hội phụ nữ, hệ thống chính quyền các cấp được tổ chức đầy dủ chặt chẽ đến tận thôn nhưng chị chưa hề nghe đến điều này.

Sống ở đây hơn 5 năm, thỉnh thoảng chị cũng có tham dự họp thôn nhưng đến nay, nghe anh Danh (Phó chủ tịch UBND huyện) nói thì chị mới biết là đáng ra chị được hưởng chính sách này. Thật là một điều hiển nhiên mà đầy bất ngờ đối với một người phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số như chị Quy.

Nhưng điều bất ngờ sau đây mới làm chị gục ngã.  Chị Hà (Chủ tịch Hội phụ nữ huyện) thông báo với chị Quy rằng phần đất 1 hecta trồng ngô nhà chị (và đất của các hộ khác nữa trong khu vực) sẽ bị nhà nước thu hồi mà không có đền bù gì. Có hàng vài trăm hộ trong vùng cũng sẽ bị thu hồi đất như chị. Nguyên nhân là các hộ này đã mua lại đất của các hộ khác trước đây do phá rừng mà có. Nghe xong thông báo này, thấy nguồn sinh kế duy nhất sắp bị lấy đi, chị Quy nghẹn ngào không thốt nên lời. Nước mắt chị lưng tròng, đôi môi mím chặt. Nhìn chị già hẳn đi dù chị mới 30 tuổi.

Chứng kiến câu chuyện này, chúng tôi thấy tại nơi đây, vào đầu thế kỷ 21 này, số phận của những người phụ nữ nghèo như chị Quy thật là bi đát. Ước gì, chúng tôi có thêm sức mạnh để sát cánh, hỗ trợ những mảnh đời như chị mạnh mẽ đứng lên vượt qua số phận sau phút giây bế tắc, gục ngã như thế này.

Câu chuyện 2:

Như nhiều vùng khác của Tây Nguyên đại ngàn, Thôn Nam Dao là nơi có nhiều người đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Tại đây có cả người bản địa (Ê đê, M’Nông) và người di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào (Tày, Nùng, Dao, H’Mông). Giữa tháng 4 vừa qua, chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Phòng Tiến Công (người dân tộc H’Mông di cư).

Anh Công đến định cư ở đây được hơn 6 năm. Anh có 2 con: đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi, nhưng cả 2 cháu đều không được đi học mặc dù đã đến tuổi.

Anh Phòng Tiến Công ngồi trước cửa nhà. Ảnh tác giả bài viết cung cấp
Anh Phòng Tiến Công ngồi trước cửa nhà. Ảnh tác giả bài viết cung cấp

Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ là do quá nghèo hoặc trường học ở quá xa nên các cháu không đi học. Khi hỏi anh Công và 2 cháu thì thấy gia đình và các rất muốn đến trường.  Lý do mà các cháu không đi học được do thiếu Giấy khai sinh. Vì thiếu Giấy khai sinh nên không có trường nào chấp nhận các cháu vào học.

Anh Công cũng đã đến UBND xã để làm giấy khai sinh cho cháu nhưng vì thủ tục quá phức tạp, không được hỗ trợ, hướng dẫn đầy đủ mà anh thì lại không biết chữ nên đến giờ các cháu vẫn chưa có Giấy khai sinh và không được đi học.

Gia đình anh Công và các cháu thấy bế tắc, đành cam chịu chứ cũng chẳng biết làm gì nữa. Chắc có lẽ cái vòng lẩn quẩn lại tiếp tục xảy ra. Các con của anh không được đi học, rồi lại đến lượt các cháu của anh cũng vậy chăng?

Suốt mấy năm qua, chẳng có ai hay tổ chức đoàn thể nào hỗ trợ anh trong việc này cả. Đôi lúc, anh Công cũng muốn đưa tiếng nói của mình và những người đồng cảnh ngộ đến với cơ quan có trách nhiệm nhưng cũng chẳng biết nói với anh, và cũng chẳng biết là khi nói thì họ có lắng nghe không.

Mặc dù ở đây con người đã được sinh ra và quyền được tiếp cận giáo dục là một trong những quyền cơ bản nhất của con người nhưng cái quyền đó không được đáp ứng vì một tờ giấy là thủ tục do chính những người khác đặt ra. Mà ai cũng biết rằng, nếu không biết chữ thì nhiều quyền khác của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng theo (quyền được có việc làm, thhu nhập, tham gia,…).

Chúng tôi nhìn nhau và tự hứa sẽ cố gắng hết sức để cùng nhau để hỗ trợ các cháu con anh Công và hàng trăm cháu khác có hoàn cảnh tương tự được tiếp cận giáo dục. Ước gì, các bên liên quan cùng vào cuộc.

 Câu chuyện 3:

Hai câu chuyện trên đây xảy ra tại vùng nông thôn hẻo lánh của Tây Nguyên. Liệu rằng ở thành thị thì tình hình có khá hơn chăng? Chúng tôi xin kể châu chuyện tiếp theo, xảy ra tại TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm, lớn nhất vùng Tây Nguyên.

Chắc ai có lần đi trên quốc lộ 14, ngang qua Quảng trường trung tâm TP. Buôn Ma Thuột đều thấy một tòa nhà rất đẹp 5 tầng rất hoàng tráng, mặt tiền hướng ra đường Lý Nam Đế ngay Quảng trường. Đó là tòa nhà UBND TP. Buôn Ma Thuột, bao gồm cả các phòng ban và Bộ phận một cửa của Thành phố. Tuy nhiên, cái cổng lớn đẹp đẽ hướng ra Quảng trường đó chỉ dành cho các quan chức chứ không dành cho dân đến sử dụng dịch vụ hành chính công. Muốn đến Bộ phận một cửa, người dân phải chen chúc nhau đến cái cổng phụ ở phía sau tòa nhà.

Đầu tháng 4/2017 vừa rồi, tôi có dịp mục sở thị và trải nghiệm dịch vụ “hành” chính công tại đây.

Một buổi sáng sớm Thứ Ba, mặc dù tôi đến khá sớm nhưng sau khi chen được vào thì bãi giữ xe đã chật cứng xe máy như là bãi xe của hội chợ vậy. Gửi được xe máy, tôi vào bộ phận một cửa. Đúng như tên của nó, phòng này chỉ có “một cửa” để vào và ra. Một cái phòng cấp 4 rộng khoảng 100 mét vuông chật kín người, không có cửa sổ.  Trong phòng bố trí khoảng 10 bàn để tiếp nhận và trả hồ sơ của tất cả các loại thủ tục hành chính công: đất đai, đăng ký kinh doanh, tư pháp hộ tịch, cấp phép xây dựng,…

Khi đã bốc số chờ đến lượt, trong không khí ồn ào, nóng bức đó, tôi bị thu hút bởi cái ồn ào nhất. Một người phụ nữ dân tộc Ê đê, chừng 60 tuổi, ngồi ở bàn thủ tục đất đai đang bị quát tháo bởi cô cán bộ khoảng 25 tuổi. Sau một hồi, tôi thấy người phụ nữ đó mang một xấp giấy tờ và mẫu đơn đi ra, ngồi ở cạnh tôi với vẻ mặt thiểu não. Tôi hỏi chuyện thì được biết rằng bà tên là H’Hoa Niekđăm. Nhà bà ở một xã thuộc TP. Buôn Ma Thuột. Bà tâm sự là đã đi lại nhiều lần, hơn 2 tháng nay mà bà ấy vẫn chưa xác minh được kích thước của thửa đất vườn nhà bà ấy đang ở (được truyền lại từ nhiều thế hệ qua mấy trăm năm nay).

Số là, có một vị cán bộ giàu có, mua đất của hàng xóm bà ấy rồi khi  làm hàng rào để xây biệt thự thì lại lấn chiếm đất của bà ấy. Hiện hai bên đang tranh chấp. Đất của bà ấy đã được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp sổ đỏ nhưng khổ nỗi trên sổ đỏ lại chỉ ghi diện tích, số thửa, số tờ bản đồ mà lại không ghi kích thước chiều ngang, chiều dọc của thửa đất. Điều bà ấy cần là biết thửa đất có chiều ngang mấy mét, chiều dài mấy mét trên hồ sơ đã đo đạc và lưu trữ tại cơ quan quản lý nhà nước.

Chỉ có vậy thôi mà bà ấy phải đi đến nhiều nơi và gõ nhiều cái “một cửa” nhưng hơn 8 tuần mà vẫn chưa có câu trả lời. Bà đã liên hệ cấp xã nhưng xã lại chỉ lên cấp thành phố. Cấp thành phố ban đầu thì chỉ về xã. Rồi xã lại chỉ lên thành phố. Cứ vòng vo mãi như câu chuyện “con gà và quả trứng”.

Khi được bộ phận “một cửa” tiếp nhận thì bị hẹn đi hẹn lại mấy lần rồi, gặp nhiều cán bộ rồi mà vẫn chưa xong. Bà lại già, không rành tiếng Kinh, không rành chữ viết, mỗi lần đi lại rất khó khăn. Mẫu các giấy tờ mà bộ phận “một cửa” đưa ra thì toàn Tiếng Kinh lại khó hiểu, chữ lại nhỏ nên bà làm cứ bị sai hoài mà không có ai giúp đỡ. Việc này cứ như là có một thế lực vô hình nào đó đang ngăn cản bà tiếp cận sự thật và bắt bà phải từ bỏ một phần mảnh đất đã chôn rau cắt rốn nhiều thế hệ gia đình bà. Nói đến đây, bà bật khóc. Tôi cũng không dám hỏi thêm nữa. Rồi bà vứt xấp giấy tờ vào thùng rác rồi đi ra khỏi cái cửa duy nhất của cái “một cửa”.

Dáng người phụ nữ Ê đê nhỏ bé, già xọm ấy khuất dần trong cái nắng oi bức giữa mùa khô. Bất chợt tôi thấy cổ họng khô khát quá. Ước gì có một cơn mưa lớn để xua tan cơn khát vạn vật của đại ngàn.

* Truyện Kiều, Nguyễn Du   

Châu Quyên

Ghi lại từ chuyến đi Ban Mê Thuột 2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.