Bài giảng thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình: Hãy tỉnh thức

BÀI GIẢNG THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH

Kính thưa anh chị em,

Một năm phụng vụ mới bắt đầu với Mùa Vọng. Mùa Vọng có hai ý nghĩa, trước hết là mời gọi chúng ta chờ đợi ngày cánh chung, nghĩa là ngày “Thiên Chúa đến lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết” như trong Kinh Tin Kính chúng ta vẫn tuyên xưng. Ngày cánh chung không chỉ là ngày tận cùng của thế giới thụ tạo, nhưng còn là ngày tận cùng của mỗi người.

Mùa Vọng còn mang một ý nghĩa khác, đó là chúng ta được mời gọi mang tâm tình chờ đợi của Dân Thiên Chúa khi xưa, mong chờ ngày Đấng Cứu Độ đến; bằng việc chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để mừng Đại lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12.

Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng năm B hôm nay, mời gọi chúng ta suy niệm về ý nghĩa thứ nhất của Mùa Vọng: Chờ đợi ngày cánh chung, Thiên Chúa ngự đến trong ngày tận cùng của thế giới thụ tạo, cũng như ngày tận cùng cuộc sống mỗi người.

Đoạn Tin Mừng Theo Thánh Macô chúng ta vừa nghe lặp đi lặp lại cụm từ “phải tỉnh thức”, “phải canh thức” (Mc13,33-37). Đó chính là sứ điệp Lời Chúa gửi đến mỗi chúng ta hôm nay.

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”. (Mc 13, 33). Thời ấy đến, được Chúa Giêsu nói rõ đó là ngày Giêrusalem bị phá hủy, “chẳng còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mc 13, 1-2).

Phận thụ tạo có khởi đầu, cũng sẽ có kết thúc. Con người mang nơi mình phận thụ tạo, được sinh ra và sẽ chết đi. Ngày người ta chết, cũng rất đột ngột ‘anh em không biết khi nào’, có thể là “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” (Mc 13, 35).

Tác giả sách Thánh Vịnh viết:
“Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi”
Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.” (Tv 90,2-5)

Thưa anh chị em, khi nói về phận thụ tạo mỏng giòn, nay còn mai mất, đó không phải là sự bi quan yếm thế, nhưng đó là sự nhận rõ chân tướng, để chúng ta có thái độ đúng đắn với cuộc sống: Cách chúng ta sống, những lựa chọn của chúng ta trong mỗi biết cố của cuộc đời và để chúng ta “tỉnh thức”, “sẵn sàng” hầu có thể ước ao, chuẩn bị đón nhận được cuộc sống đích thực là Quê Trời vĩnh cửu.

Lời mời gọi “tỉnh thức”, “sẵn sàng” không chỉ được gửi đến chúng ta trong Mùa Vọng này, nhưng sẽ còn gửi đến chúng ta, như một lời nhắc nhở trong suốt hành trình đức tin dưới trần gian.

Vậy đâu là thái độ “tỉnh thức”, “sẵn sàng” đúng đắn mà Chúa muốn nơi mỗi chúng ta?

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu có kể một câu chuyện về người Samari nhân hậu (Lc 10, 29-37). Người Samari thấy một người bị rơi vào tay kẻ cướp, chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết giữa đường. Người Samari đi ngang qua, dừng lại cứu chữa người bị nạn. Ông băng bó người bị nạn và đưa về quán trọ mà săn sóc. Khi kể câu chuyện này, Chúa Giêsu nói với người chất vấn mình: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Lời mời gọi “tỉnh thức”, “sẵn sàng” trước hết là sống tình bác ái, yêu thương với người khác, nhất là với những con người khổ đau mà tiếng kêu than của họ vẫn vang lên giữa xã hội chúng ta đang sống, như người Samari nhân hậu đã làm.

Xã hội chúng ta đang sống đâu thiếu những con người, gia đình là nạn nhân của “kẻ cướp thời đại”. Họ bị đánh nhừ tử, nửa sống, nửa chết để rồi gia đình rơi vào cảnh chia ly, đau khổ.

Một gia đình từ Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình đi kêu oan khiếu kiện nhiều năm nay tại Hà Nội. Họ sống ở túp lều tạm trên phố Ngô Thị Nhậm, Hà Đông để mong tiếng kêu oan của mình thấu đến tai những người có trách nhiệm, hầu trả lại sự công bằng cho gia đình mình. Đó chính là trường hợp của ông Trần Văn Ngọc. Gia đình ông Ngọc mất đất đai cách bất công, bản thân ông còn bị bắt bỏ tù 11 năm vì ‘gây rối trật tự công cộng’ trong khi đó tội của ông chỉ là đi kêu oan, khiếu kiện làm nhức mắt các quan chức.
Tôi đã thấy hàng chục bà con giáo dân của Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, từ cụ ông cụ bà trên dưới 80 tuổi đến cháu nhỏ khoảng 10 tuổi hàng chục lần ra Hà Nội lang thang kêu oan khiếu kiện hơn 10 năm nay. Họ bị cưỡng chế mất nhà cửa với những dự án kiểu lấy đất của người nghèo với giá rẻ mạt, phân lô, san nền bán cho người giầu. Hơn 400 gia đình bị đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của họ và dành đất đó cho người giầu có đến ở.

Tôi đã thấy một gia đình ở Dương Nội kêu oan khiếu kiện và tố cáo sự bất công, vi phạm nhân quyền mà các thành viên trong gia đình đó bị bắt cầm tù nhiều lần. Hiện hai người con trai và người mẹ đang phải ngồi tù. Gia đình của bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Khiêm. Hai người con đó là anh Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư.

Tôi đã thấy những nạn nhân của “kẻ cướp thời đại” đang phải oằn mình sống trong nghèo đói tại các bản làng, nơi những khu phố, nhà trọ ổ chuột, nơi mà tình trạng bóc lột sức lao động, lạm dụng trẻ em đang diễn ra.
Cách đây một tuần, câu chuyện về một bé trai 14 tuổi từ Quảng Ngãi ra Bắc Ninh ở với một gia đình bán bánh xèo. Bà chủ cửa hàng bạo hành em suốt một tháng, trước khi cơ quan chức năng phát hiện: “cô ấy véo tai, tát vào mặt, đá vào người và dùng chày đập đá đánh vào đầu, lưng. Có lần em bị cô ấy dùng cái cạo vảy cá đánh thẳng vào lưng, dùng dĩa nấu bánh xèo còn nóng nguyên đập thẳng vào cánh tay khiến tay em bị phồng rộp, chảy máu”; “một tháng liên tiếp, ngày nào em cũng bị đánh. Em cũng không được ăn cơm như mọi khi mà chỉ hôm nào có bánh thừa của khách mới được ăn” (vnexpress.net, 23.11.2020).

Thưa anh chị em, thái độ tỉnh thức, sẵn sàng khi bước vào Mùa Vọng là lời mời gọi chúng ta quan tâm đến hoàn cảnh, nhu cầu của người khác, thay vì chỉ chú tâm vào mình. Không chỉ dừng lại ở việc tôi thấy mình ổn, mình an toàn còn hoàn cảnh của người khác, những nạn nhân của kẻ cướp thời đại đang oằn mình bên vệ đường xã hội sống chết mặc bay. Đó không phải là điều Chúa muốn nơi chúng ta!

Thái độ thứ hai khi sống tỉnh thức, sẵn sàng như lời mời gọi của Chúa, đó chính là “chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34), “kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt chợt anh em đang ngủ” (Mc 13,36).

Xu hướng hưởng thụ mỗi ngày một mạnh trong xã hội hiện đại. Khi đó lòng tham nơi con người trỗi dạy và người ta tìm mọi cách để kiếm tiền, thụ hưởng vật chất.
Anh chị em thấy, là người Công giáo, nhưng có người vẫn vui vẻ tham gia vào một đảng vô thần và với biện minh: ‘tôi vẫn đi lễ, tôi vẫn giữ đạo!’. Người ta tham gia một thứ đi ngược lại với đức tin, chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa để được lợi lộc ở đời này, vì đồng lương, sự nghiệp. Người ta tuyên xưng mình là người Công giáo, nhưng vẫn ủng hộ một ứng cử viên có chủ trương cho phép phá thai, hôn nhân đồng tính, chết êm dịu lên làm tổng thống.

Vì tiền, vì quyền lợi, người ta tham nhũng, ký những hợp đồng, những dự án tàn phá thiên nhiên môi trường, cướp đi của người nghèo cơ hội được sống. Vì tiền, người ta làm hàng giả, hàng độc hại để lừa bán cho nhau, đầu độc nhau hằng ngày.

Thưa anh chị em, có lần Thiên Chúa đã nói qua miệng ngôn sứ Amos: “Chúng bán người công chính để lấy tiền. Bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giầy. Vì chúng đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen, và xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ…” (x.As 2, 6-7). “Những kẻ chất đống trong lâu đài của mình, của cải do áp bức và cưỡng đoạt, chúng nào biết sống ngay thẳng là gì. Vì thế, Đức Chúa phán: Quân thù sẽ bao vây lãnh thổ, sẽ triệt hạ sức mạnh của ngươi, và đền đài của ngươi sẽ bị cướp phá”(x.As 3,10-11)

Người ta ra sức lo cho mạng sống mình, phớt lờ lẽ công bằng, tưởng mình giầu có, lúc đó Thiên Chúa lại cảnh báo: Ngươi nói: Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi. Nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng” (Kh 3,17). Có lúc người ta tưởng đã đảm bảo được mạng sống, thầm nhủ: “hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Thì lúc đó, Thiên Chúa lại bảo: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai”(Lc 12,19-20).

Thưa anh chị em, để kết thúc bài chia sẻ, tôi xin đọc lại đoạn Tin Mừng hôm nay. Lời Chúa gửi đến cho chúng ta thật rõ ràng:

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trảy phương xa, đề nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức” (Mc 13,33-37).

Cám tạ ơn Chúa, nếu như chúng ta đã sống lời Chúa mời gọi khi luôn biết sống tỉnh thức; nếu chưa, xin Chúa ban cho chúng ta lòng quảng đại, và sự khôn ngoan để chúng ta có thể biết đâu là điều chúng ta phải làm để có thể tỉnh thức chờ đợi ngày Người đến trong cuộc đời của chúng ta. Amen!

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN TOẢN, DCCT

THÁI HÀ: 29.11.2020