Hai phút tìm hiểu thần học (6): Kinh Tin Kính của các Tông Đồ

Bản văn này được gọi là Kinh Tin Kính của các Tông đồ được sử dụng rộng rãi trong giáo hội phương Tây như một bản tóm tắt ngắn gọn về các chủ đề chính của đức tin Kitô giáo. Sự phát triển lịch sử của nó rất phức tạp, với nguồn gốc của nó nằm trong các tuyên bố về đức tin được yêu cầu đối với những người muốn được rửa tội. 12 tuyên bố riêng lẻ của kinh này, dường như đã có được hình thức cuối cùng của nó trong thế kỷ thứ tám, theo truyền thống được cho các tông đồ riêng lẻ soạn thảo, mặc dù không có sự cơ sở lịch sử nào cho niềm tin này. Trong thế kỷ hai mươi, Kinh Tin Kính của các Tông đồ đã được chấp nhận rộng rãi bởi hầu hết các giáo hội, phương Đông và phương Tây, như một tuyên bố ràng buộc về đức tin Kitô giáo, mặc dù thực tế là các tuyên bố của nó liên quan đến việc “xuống ngục Tổ tông” và “sự hiệp thông của các thánh” (ở đây được in trong ngoặc vuông) không được tìm thấy trong các phiên bản phương Đông của bản văn này Xem thêm 1.5, 2.7, 4.15.

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi,

bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh,

chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác,

[xuống ngục Tổ tông], ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại,

lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng,

ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.

Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này. [Các Thánh thông công].

Tôi tin phép tha tội.

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

Bình luận

Lưu ý cách bản văn được chia thành 12 lời khẳng định theo truyền thống, mỗi lời khẳng định được liên kết với tên của một tông đồ. Những tuyên bố đức tin này ngắn gọn và không gây tranh cãi. Chúng khẳng định một số điểm nhất định mà không chỉ trích các lựa chọn thay thế. Thật thú vị khi so sánh điều này với Kinh Tin Kính Nicene (1.5), vốn quan tâm đến việc chống lại các ý tưởng của Arian và do đó lên án rõ ràng những giáo lý như vậy. Kinh Tin Kính của các Tông Đồ tránh những cuộc tranh cãi như vậy và không có cùng mối bận tâm hay sự tập trung Kitô học như được tìm thấy trong Kinh Tin Kính Nicene. Sự ngắn gọn của những lời khẳng định tín điều phản ánh nguồn gốc của kinh này như một tuyên bố về đức tin sẽ được thực hiện tại thời điểm rửa tội của một cá nhân. Có nhiều ví dụ về các tác phẩm Kitô giáo từ thời kỳ giáo phụ cung cấp các bản mở rộng và giải thích về những tuyên bố này, chẳng hạn như các bài giảng giáo lý của Cyril thành Jerusalem.

CÂU HỎI ĐỂ HỌC TẬP

1 Bạn hãy giải thích sự khác biệt về hình thức và nội dung giữa Kinh Tin Kính Nicene và Kinh Tin Kính của các Tông đồ.

2 Tại sao kinh tin kính này ngày càng trở nên quan trọng trong các cuộc thảo luận đại kết giữa các giáo phái KiTô giáo trong những thập niên gần đây?

3 Trong tín điều này không có đề cập đến các nguồn gốc của niềm tin KiTô hữu, chẳng hạn như ý tưởng về sự mặc khải hoặc vị trí quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống Kitô hữu. Theo bạn, tại sao không có như vậy?

Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ

Đọc thêm:

1. Hai phút tìm hiểu thần học: Justin Martyr bàn về Triết học và Thần học

2. Hai phút tìm hiểu thần học: Clement of Alexandria bàn về triết học và thần học

3. Hai phút tìm hiểu thần học: Tertullian bàn về mối liên hệ giữa triết học và dị giáo

4. Hai phút học thần học: Thánh Augustine thành Hippo bàn về triết học và thần học