Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội (5): Nhà Hà Nội những năm thử thách 1940-1946

Đọc bài liên quan:
(1)Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Sở đất ở Thái Hà
(2).Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Xây dựng và khánh thành Nhà Hà Nội
(3). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Nhà Tập và Học Viện đào tạo tu sĩ
(4). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội : Nhà thờ Thái Hà và Việc sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
(5). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Nhà Hà Nội những năm thử thách 1940-1946
(6). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Nhà Hà Nội sau năm 1954 – Cha Paquette và cha Côté
(7). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Cha Giuse Vũ Ngọc Bích
(8). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội : Thầy Clemente Đạt và Cha Giuse Trần Hữu Thanh
(9). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội : Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên

NHÀ HÀ NỘI NHỮNG NĂM THỬ THÁCH 1940-1946

Khi nhận truyền giáo Việt-Nam, các thừa sai thuộc Tỉnh Mẹ Canada đã ít nhiều thấy trước những gian nan khốn khó có thể xẩy đến. Mặc dầu là một nước thuộc địa và bảo hộ của Pháp, nhưng có những vấn đề mà các thừa sai đã được biết, từ tâm trạng của người Việt-Nam với những khác biệt và cả xung khắc Bắc Trung Nam, những phong trào nổi lên đó đây chống quyền đô hộ… Sau đệ nhất thế chiến với những hậu quả còn lại, với những cuộc nổi dậy chống Pháp khai mào và lớn dần, và nhất là khi thế chiến thứ hai bùng nổ, thất trận của Pháp và cuộc “xâm lăng” của Quân Nhật…., tình thế Việt-Nam ngày càng có những biến chuyển bất ngờ.

Giai đoạn 1940-1946 đã để lại trong ký ức các thừa sai cũng như của Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-Nam những kỷ niệm chất chứa nhiều lo âu đau khổ, nhưng cũng là thời gian các tu sĩ thấy bàn tay Quan Phòng của Thiên-Chúa thật kỳ diệu.

Để sống lại thời gian này, chúng ta có được những tường trình khá đầy đủ của những nhân chứng như cha Michel Laliberté,cha Gagnon, cha Louis Rov Chúng ta lượn nhật lại mấy nét lịch sử đó, sống lại với những lo âu lắm khi rất khổ đau và lòng tín thác vào Thiên- Chúa, cho thấy Dòng Chúa Cứu Thế được tồn tại là một hồng ân của Quan Phòng Thiên Chúa muốn dùng Dòng Chúa Cứu Thế để góp phần tồn tại ơn cứu chuộc trên Việt-Nam, cách riêng tại miền Bắc và Hà Nội này.

Quân Nhật đến Việt-Nam, năm 1940. Là người Bắc Mỹ, các thừa sai Canada bị liệt vào hạng thù địch. Thế mà lạ thay, xem ra như những kẻ xâm lăng không mấy quan tâm. Các ngày lễ kính Đức Mẹ, cách riêng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ngày Vô nhiễm 1941 được tổ chức rất long trọng, với số người tham dự thật đông đảo.

Trong thời gian này, các biến cố cuộc đột kích hạm đội Mỹ tại Pearl Harbour 7-12-1941 kéo theo hôm sau, đúng lễ Vô Nhiễm cuộc tuyên chiến của Đồng minh chống Nhật. Là những người thuộc cộng đồng Anh, các cha không khỏi gây thắc mắc. Cha Marquis là công dân Mỹ được mời đến sở Minh Nhật, nhưng chỉ để dịch một văn thơ. Tiếng đồn lan rộng là các cha Dòng Chúa Cứu Thế bị bắt giam. Người Pháp, từ quan toàn quyền Decoux cũng hết lòng bênh vực các cha, dựa trên 2 lý do: các cha là Canada-Pháp thì cũng là Pháp chứ không phải là Anh, là Mỹ. Các ngài là tu sĩ nên không dính dáng gì đến chính trị. Nhờ đó mà các cha vẫn được tạm “bình yên”.

Theo cha Michel Lalibeté thì trong thời gian này các cha ở Hà Nội không được giảng và làm mục vụ ngoài việc giải tội. Chỉ có một mình cha Nguyễn Hòa Hiệp là người Việt- Nam được giảng dạy tại nhà thờ của Dòng.

Thế nhưng các cuộc báo động và máy bay thả bom vẫn thường xuyên đến Hà Nội
Hải phòng. Giữa những lo âu bấp bênh đó, vẫn có lễ phong chức cho các cha Callixte Bérubé, Maurice Benoit và Michel Laliberté ngày 9-6-1943.

Vào mùa thu 1943, người liên lạc giữa Pháp và Nhật đến báo tin là các cha phải khăn gói ra đi, nhường nhà cho quân đội Nhật. Tin đó được dân chúng biết và từ các cha, các thầy đến các nữ tu và giáo dân đều hết lòng cầu nguyện, làm tuần cửu nhật kính thánh Giêrađô. Toàn quyền Pháp Decoux đã mạnh mẽ chống lại với quyết định đó, không chấp nhận cho chiếm nhà Dòng. Mọi thứ được sắp đặt lại chỗ cũ và một lễ tạ ơn với chầu Thánh Thể được đông đảo dân chúng tham dự. Đó là cuộc báo động đầu tiên, vào tháng 10-1943.

Mô hình nhà thờ Giáo xứ Thái Hà kiên cố đã được cấp phép xây dựng vào năm 1943. Công trình đã dừng lại vì thời cuộc khó khăn. Địa điểm xây dựng là khu đất bên cạnh Tu viện, nay đang làm công viên 1/6.  Ngôi nhà thờ hiện tại chỉ là ngôi nhà thờ tạm.

Tháng 6-1944, quân Đồng Minh đô hộ Normandie. Các cuộc oanh tạc tăng cường độ và Dòng Chúa Cứu Thế hy sinh vị Linh Mục đầu tiên, cha Gioan Maria Nguyễn Kim Dong, bị bắn ngày 3-11-1944, được đưa về Thái Hà và được chôn cất tại nghĩa trang Thái Hà.

Ngày 9-3-1945, quân Nhật đảo chính Pháp, hất quyền đô hộ và chấm dứt quyền cai trị của Pháp đã có từ 1885 trên Đông Dương và cách riêng tại Việt-Nam.

Ngày 9-12-1945, 10 máy bay thả bom Hà Nội. Số người chết tăng thêm. Người bị thương tràn đẩy các bệnh viện. Các cha Dòng được mời lo cho những người mắc nạn. Các cha đi từ 3 giờ sáng và chỉ trở về nhà Dòng sau 8 giờ tối. Vào thứ 5 Tuần Thánh, các cuộc dội bom đã làm cho 200 người chết.

Tình thế lúc ấy thật căng thẳng. Các thừa sai ngoại quốc phải sống trong phập phồng lo sợ không biết số phận sẽ ra sao. Đã có những hy sinh trong hàng ngũ các ngài. Ngày 14-8-1945, thừa sai Barot, MEP và thừa sai Dupont thuộc Dòng Don Bosco bị giết tại Kẻ Sở. Cha Vacquier ở Nam Định bị đem đi mất tích. Ngày 25-9, cha Fourier, MEP bị sát hại tại phòng.

Riêng các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế Canada, bị cấm không được làm mục vụ nào khác trừ việc ngồi Tòa Giải Tội. Các ngài sẽ sống “không mục vụ rao giảng và phụng vụ” trong khoảng 3 năm từ 1943 đến 1945.

Ngày 13-3-1945, một xe của quân đội Nhật đến nhà Dòng, có lính súng ống đầy đủ. Họ khám xét mọi nơi, xong họ đến nhà khách và truyền lệnh: “Không được chống cự. Nhà này sẽ trở thành trại lính.” Cha Bề trên xin vài ngày để dọn dẹp. Người ta cho 24 giờ. Cha Létourneau bất thần có ý kiến: “Chúng tôi ở đây do lệnh của Đại sứ Nhật, có hộ khẩu chỉ định. Muốn đổi chỗ phải có giấy phép của Đại sứ.” Vị Đại sứ trước kia nay là toàn quyền Nhật tại Việt-Nam. Quân Nhật rút lui không nói gì. Nghĩ rằng chỉ có 24 giờ, các cha đã nhờ những người thiện chí giúp dọn dẹp, đưa 5000 cuốn sách, gia sản quí báu nhất gửi đó đây, sẵn sàng rời bỏ tu viện thân yêu bị đe dọa lần thứ 2. Một sĩ quan đến, ông ta chỉ nói có hai chữ: “Attendez, Japonais hãy chờ, Nhật Bản.”. Viên sĩ quan Nhật bỏ đi. Không ai hiểu gì. Một hồi sau, ông ta trở lại, có một người Pháp đi theo và cho các cha biết là cứ ở yên. Đây là lần thứ 2 nhà Dòng được che chở. Được biết là vị sĩ quan đã đến xin toàn quyền Nhật giấy phép cho các tu sĩ đi nơi khác. Người thông ngôn đã khôn khéo trình bày mọi sự và cuối cùng thì lệnh trưng dụng nhà Dòng đã bị bãi bỏ. Vị toàn quyền ngày nay trước kia là đại sứ Nhật ở Việt-Nam đã có lần viếng nhà Dòng và đã có thời ở Québec. Thiên-Chúa đã dùng ông để con cái Thánh Anphong không phải phiêu bạt.

Khốn khó vẫn còn chồng chất trên người dân miền Bắc, nhất là tại Hà Nội. Bom đạn đem cái chết đến khắp nơi. Thêm vào đó là những sự bách hại và nhất là trận đói khủng khiếp hoành hành.

Mỗi ngày có trên 200 người chết vì đói. Các đoàn thể Công giáo, các cha rảo khắp thành phố, mang theo những nắm cơm, hết lòng giúp đỡ mọi người. Nhưng khi không còn hy vọng, các cha khuyên bảo họ theo Chúa và rửa tội cho họ. Một trong những người hy sinh tận tụy cho người đói, người bệnh tại Hà Nội là cha Augutinô Nguyễn Hòa Hiệp.

Trong tình trạng khốn khó đó, lại phát sinh những bệnh truyền nhiễm, cách riêng bệnh dịch và thương hàn. Người mắc bệnh bị bỏ rơi nơi đồng ruộng, đường phố, ngõ ngách. Xác chết không được chôn cất hay chỉ vùi lấp sơ sài. Các cha Dòng Chúa Cứu Thế, các hội đoàn Công Giáo Tiến hành là những người xông pha đi cứu giúp những kẻ khốn cùng.

Cha Augustinô Nguyễn Hòa Hiệp, Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam duy nhất đã mang thương hàn và đã chết ngày 7-5-1945. Phải kể đến các thừa sai Canada: Denis Paquette, và hết mọi trách nhiệm ở nhà thờ cũng như ở ngoài phố xá. Cha đã nhiễm bệnh cách riêng cha L.P. Vaillancourt mà người ta đã gọi là “Vinh Sơn Phaolô của Hà Nội.” Chúng ta sẽ tô đậm gương mặt của hai vị tông đồ bác ái này trong phần nói về các hoạt động xã hội và bác ái của Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-Nam.

Ngày 15-8-1945: Nhật Bản đầu hàng, sau khi lãnh đủ hai quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Quân đội Trung Hoa kéo đến, rồi các cuộc nổi dậy của Việt-Minh. Quân Trung Hoa đói rách gieo tai họa khắp nơi với ăn cấp, phá phách, giá cả thực phẩm tăng vọt, các cuộc tuyên truyền chống Nhật. chống Pháp bùng nổ.

Đói rách làm chủ, bệnh tật tràn lan. Trong tình hình đó, duy trì một cộng đoàn cả trăm người mở Hà Nội thật là một kỳ công. Quân đội Nhật phải có chỗ tạm trú trước khi được đưa về nước. Họ đã trở thành tù binh. Một sỹ quan Trung Hoa muốn trưng dụng nhà Dòng làm nơi giữ người Nhật. Không được cả nhà thì đòi một nửa. Các cha từ chối. Cha Létourneau phóng xe. đi gặp chính quyền dân sự và sau cùng được một tờ giấy chứng nhận tu viện là nơi bất khả xâm phạm.

Mấy ngày sau, lại một sĩ quan khác đến đòi lấy nhà Dòng làm trại lính. Giấy chứng nhân kia không còn giá trị bao nhiêu. Cuối cùng các cha cũng phải nhường nhà giáo xứ cho lính và phòng khách cho sĩ quan.

Với hòa bình, tháng 8-1945, các cha Canada đã có thể làm mục vụ lại tại nhà thờ và ở thành phố. Chưa có thể làm Đại phúc ở các nơi xa, bởi vì lúc ấy có tuyên truyền mạnh với khẩu hiệu: “Mort aux Francais. Giết người Pháp”. Ở thành phố thì người ta biết các cha là ai, nhưng về các nơi xa xôi thì ai là “da trắng” đều là Pháp cả. Cha Denis Paquette đã xin Việt-Minh cho phép ra vào các trại giam săn sóc những người khốn cùng.

Các cha đã lo cho cả ngàn người nghèo khổ bị bỏ rơi. Giúp họ về đàng thiêng liêng và lo cho họ có của ăn giường nằm. Các Nữ tu Thánh Phaolô đã có mặt trong công việc từ thiện bác ái. 3 cha bị nhiễm bệnh nặng và chỉ nhờ có thuốc kịp thời mà đã thoát nạn.

Người bệnh, người đói nằm la liệt khắp nơi. Xác chết ở vệ đường, trong hẻm, nơi hè phố, ngay trước cửa nhà và nhiều lần các cha thấy những người kiệt quệ và cả xác chết trước cổng tu viện.

Chuyện các ngài kể lại sau mỗi ngày công tác cho thấy tình trạng vô cùng khốn đốn của người dân không được cứu vớt. Thế nhưng ký sự và thư của các ngài gửi về Canada cho biết rất nhiều người vì cảm động trước tình thương vô vị lợi và tận tụy của các cha cũng như của những người Công giáo mà đã xin được chết trong Giáo Hội, trong niềm tin vào Đấng mà các ngài phượng thờ và đã sống theo lời dạy của Chúa ngay trong thời buổi khó khăn chẳng lấy gì là dư dật.

Giữa bao xáo trộn, cuộc sống tu sĩ và tông đồ cũng có những thử thách. Chúng ta đọc. lại những gì cha Gérard Gagnon đã viết về tình trạng nhà Hà Nội – có thể là tình trạng chung của các Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-nam như sau:

“Nhờ hồng ân của Thiên-Chúa mối giây bác ái đã chống lại được với những gì muốn làm đứt gẫy. Các chỉ thị sáng suốt của Bề trên, những khúc quanh của các biến cố, tất cả đã cùng hợp lại để hòa giải mọi chính kiến, và bão táp đã đi xa chúng ta. Sự thử thách về tinh thần do sức khỏe yếu kém, khác biệt tư duy mà chúng ta vừa nói đến, các tin tức mâu thuẫn nhau đã hợp lực làm cho cuộc sống gia đình của chúng ta thêm công phúc mà không bao giờ làm đứt gẫy các mối liên kết với nhau. Nghĩ sao về tương lai của các công trình của chúng ta? Không bi quan nhưng khó mà mở rộng lòng cho lạc quan. Nhiều công trình của chúng ta, sau thời gian 3 năm bị bỏ rơi trong giáo xứ đã nửa sống nửa chết. Nếp sống Kitô đã lạnh nhạt; có khi nhà thờ vắng vẻ, kể cả vào những nghi lễ trước kia được nhiều người tham dự như việc kính viếng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nói về việc giảng Đại Phúc, chúng ta có còn những thành phần đầy năng lực như xưa sau bao năm bị cấm đoán chăng? Sự ra đi vĩnh viễn của 2 người anh em Dong, Hiệp đã tước đoạt chúng ta một sự đóng góp rất quí báu. Trong số 18 Linh Mục mãn khóa Nhà Tập 2, chỉ có một là có đủ khả năng để đi giảng Đại phúc. Ba người khác được xung vào Đệ tử vừa mở vào tháng 7 để chiêu mộ thêm ơn gọi. 2 cha khác làm giáo sư học viện. Hai người còn lại thì một là quản lý, một là phó Tập. Dầu sao thì chúng ta cũng không mất lòng cậy trông vào Chúa Quan Phòng. Những ngày tươi đẹp hơn sẽ tiếp nối thời gian thử thách. Mỗi ngày chúng ta hợp nhất chung lời cầu nguyện để Thiên- Chúa gửi đến cho Giáo điểm Đông Dương của chúng ta mà Chúa rất yêu thương những nguồn sống và nhân sự” (Ký sự 1945 của cha G. Gagnon)

Khi chiến tranh thế giới chấm dứt thì tại Việt-Nam, có nhiều xáo trộn chính trị, thế nhưng trong hoàn cảnh mới, các cha làm mục vụ lại, cho tái bản Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và còn mở Tiểu Đệ tử tại Hà Nội để đón nhận và đào tạo các ơn gọi tại miền Bắc, dưới sự hướng dẫn của các cha Alexis Trépanier, Jacques Huberdeau.

(còn tiếp)

Lịch Sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

Lm. Rôcô Nguyễn Tự Do, DCCT