Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội (8): Thầy Clemente Đạt và Cha Giuse Trần Hữu Thanh

Cha Giuse Trần Hữu Thanh trong dịp mừng ngọc khánh khấn Dòng tại tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn năm 1997
Đọc bài liên quan:
(1)Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Sở đất ở Thái Hà
(2).Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Xây dựng và khánh thành Nhà Hà Nội
(3). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Nhà Tập và Học Viện đào tạo tu sĩ
(4). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội : Nhà thờ Thái Hà và Việc sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
(5). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Nhà Hà Nội những năm thử thách 1940-1946
(6). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Nhà Hà Nội sau năm 1954 – Cha Paquette và cha Côté
(7). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Cha Giuse Vũ Ngọc Bích
(8). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội : Thầy Clemente Đạt và Cha Giuse Trần Hữu Thanh
(9). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội : Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên

THẦY CLÉMENT PHẠM VĂN ĐẠT

Thầy Clément Phạm Văn Đạt là người thứ hai đã hy sinh mạng sống mình tại miền Bắc, vào thời gian sau 1954.

Phạm Văn Đạt sinh ngày 28-3-1915 tại Liên Thủy, Nam Định. Khấn Dòng 2-2 1936. Thầy đã tình nguyện xin ở lại Hà Nội và các Bề trên đã chọn thầy. Công việc của thầy là trông nom nhà thờ, cơ sở, trồng hoa và cây cảnh để trang trí nhà thờ. Thầy bị bắt, kết án 15 năm và bị giam tại Yên Bái, chết ngày 7-10- 1970.

Cha Denis Paquette nói về thầy: “Người ta thường gọi thầy là “thầy tươi cười-frère Souriant”, tính tình rất cởi mở. Tôi đã biết rõ về thầy trong thời gian ở Hà Nội. Tôi đã hành động để tìm biết thầy ở đâu và xin trả lại tự do cho thầy. Tôi đã đi hết văn phòng này đến bàn giấy kia… Tôi tin chắc rằng thầy Clément đã đi từ sự cấm cố trần gian đến vinh quang Nước Trời.”

Không biết rõ thầy đã qua đi như thế nào và vào thời gian nào. Nhà Dòng tạm lấy ngày lễ Rất Thánh Mân Côi 7-10-1970 để nhớ đến thầy.

CHA GIUSE TRẦN HỮU THANH

Do quan phòng Thiên Chúa, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội có thêm một Linh Muc. Cha Giuse Trần Hữu Thanh. Xin nhường lời cho cha, trong Tin Anphong, số hè 1995:

“Cha Vũ Ngọc Bích ở lại một mình vừa Bề trên Dòng, vừa là cha xứ Thái Hà, từ nay gọi là Nam Đồng. Nhà thờ vẫn mở cửa, cha Bích vẫn làm Mục vụ, giáo dân xa gần vẫn tới kính viếng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mỗi thứ Bảy, nhưng vì không đủ sức nên chỉ tổ chức 1 giờ khấn vào lúc 12 giờ trưa, kết thúc bằng Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, để giúp các giáo dân ở xa xôi có dịp tham dự Thánh Lễ.

“Mấy năm sau cha Bích yếu, trong Địa phận lại thêm được một số cha mới, nên ngài được cha Long, Chính xứ Phùng Khoang và cha Thiên phụ trách xứ Hàng Bột đến giúp Giải tội và ban các Bí tích.

Cha Giuse Trần Hữu Thanh cới các em thiếu nhi tại Giáo họ Trần Nội, xứ Phú Tảo, Hải Dương

“Năm 1993 cha Vũ Ngọc Bích bị mờ mắt và mắc nhiều bệnh, được đi Rôma chữa trị nhưng cũng không khỏi. Nhà nước lại không cho phép các cha ở Miền Nam ra giúp, nên tình hình các cha Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội có bề tuyệt vọng.

“Nhưng Chúa Quan Phòng có những đường lối bất ngờ. Tôi, linh mục Trần Hữu Thanh bị tạm giữ ngày 16-2-1976 và ở Chí Hòa, Sài Gòn gần hai năm, không biết vì lý do gì lại được đưa ra Bắc, ở trại Thanh Liệt, cách nhà Dòng Nam Đồng 4,5 cây số. Tôi được cha Bích ân cần tiếp tế về mọi mặt và được gặp ngài tại nha Công An Hà Nội trong dịp Đức Hồng Y Căn sắp đi Rôma, nhưng không bao giờ dám mơ ước có ngày về ở chung với ngài.

“Tháng 9 năm 1979 cũng như Đức cha Thuận, tôi được đưa ra ngoài quản thúc ban đầu ở tạm tại Quảng Húc, Sơn Tây, sau được đưa về Hải Phòng. Tôi phải tự túc ăn uống, được đi lại trong xã, được làm Lễ cho bản thân, không được làm Mục vụ.

“Năm 1985 tôi được trả tự do và được hỏi: “Muốn ở đâu? Tôi biết rõ nếu xin về Miền Nam thì sẽ ở với gia đình và không được làm Mục vụ. Nếu xin về ở với cha Bích hay xuống Tòa Giám Mục Hải Phòng thì sẽ kể như về hưu, không được hoạt động gì. Tôi tình nguyện ở lại họ Trần Nội thuộc giáo xứ Phú Tảo, với quyền lợi được làm mục vụ giúp giáo dân. Tôi đã được chấp nhận và là Linh Mục độc nhất sau thời gian cải tạo được ở lại Bắc và được làm mục vụ. Thế là trong 9 năm qua không có chức cha xứ, tôi đã giúp họ Trần Nội và 4 họ khác thuộc giáo xứ Phú Tảo, cả 5 họ chỉ gồm có 700 giáo dân. Nhưng giáo dân các họ xa cũng kéo đến, tôi đã tận lực phục vụ họ. Từ ngày được trả tự do tôi lên thăm cha Bích rất nhiều lần và được ngài tới thăm tôi và hai chúng tôi họp thành một cộng đoàn, ngài làm Bề trên.

“Đầu năm 1994 Tỉnh Dòng bầu lại các chức vụ. Vì cha Bích mù mắt hẳn và đau ốm nên tôi được cử làm Bề trên nhà Dòng Nam Đồng. Đức Giám Mục Hà Nội cũng ban cho tôi mọi năng quyền làm cha Xứ Thái Hà. Tôi vẫn ở Trần Nội nhưng hằng tuần lên Hà Nội nhiều ngày và giảng dậy trong nhà thờ. Nhưng sau đó Ban Tôn giáo Thành phố không cho tôi cư trú vì 2 lý do: Thành Phố Hà Nội quá đông dân cư không thể nhận thêm người mới, và nhà nước đã cho mở Chủng viện huấn luyện đủ số Linh Mục.

“Chính lúc đó cha Bích ốm mệt phải đi bệnh viện và 2 cha bên triều trước đây giúp ngài đã nhận thêm việc bên Giáo phận nên không thể đến giúp được, vậy là một lần nữa tình trạng Dòng Chúa Cứu Thế ở miền Bắc lại gặp nguy ngập. Nhưng cũng như lần trước, đường lối của Chúa Quan Phòng vẫn thành đạt. Vì tình trạng cha Bích Chính phủ thấy rõ, nên chúng tôi đã xin được thầy Trịnh Ngọc Hiên, một thầy Sáu (phó tế) biết châm cứu, biết Y-tá ra Nam Đồng giúp ngài. Thầy Hiên đã ra Nam Đồng giúp cha Bích trong việc chữa bệnh và ngay cả làm lễ. Vả lại công việc Mục vụ ở nhà thờ Nam Đồng không thể bỏ được, nên chúng tôi xin cha Khánh ra giúp làm Mục vụ lúc cha Bích đi bệnh viện. Cha Khánh không ở lâu được. Tỉnh Dòng lại xin cha Trần Hữu Dũng vừa mới chịu chức ra thay.”

(còn tiếp)

Lịch Sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

Lm. Rôcô Nguyễn Tự Do, DCCT