Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội (2): Xây dựng và khánh thành Nhà Hà Nội

 

Không ảnh: Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội là tòa nhà 3 tầng phía xa. Lùm cây giữa khung ảnh là Gò Đống Đa
Đọc bài liên quan:
(1)Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Sở đất ở Thái Hà
(2).Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Xây dựng và khánh thành Nhà Hà Nội
(3). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Nhà Tập và Học Viện đào tạo tu sĩ
(4). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội : Nhà thờ Thái Hà và Việc sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
(5). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Nhà Hà Nội những năm thử thách 1940-1946
(6). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Nhà Hà Nội sau năm 1954 – Cha Paquette và cha Côté
(7). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội: Cha Giuse Vũ Ngọc Bích
(8). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội : Thầy Clemente Đạt và Cha Giuse Trần Hữu Thanh
(9). Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội : Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên

XÂY DỰNG NHÀ HÀ NỘI

Công việc xây dựng nhà Hanội tưởng chừng mau chóng đã phải hoãn lại do nhiều lý do trong ngoài và điều này đã gây lắm buồn phiền và cả trách móc bất đồng giữa các Thừa sai và những người cộng tác. Đất đã được mua, công việc san lấp mặt bằng được tiến hành, nhưng phải đặt ưu tiên cho Đệ tử viện Huế. Hanội còn phải “cho mượn” tiền để xây nhà Đệ tử. Tiếp đến là sự chậm trễ đưa bản vẽ cũng như những yêu cầu của nhà thầu là ông Đinh Doãn Sắc, người đã xây dựng nhà Huế và đã được lòng tín nhiệm của các cha. Đang lúc ấy thì ông Lagisquet, khi bán khu đất Thái Hà với một giá thấp đã tỏ ý muốn được nhận thầu việc xây cất tương lai. Cha Gérard Michaud là bề trên nhà Hanội không mấy thiện cảm với ông Sắc, lắm lần đã không giữ mình nổi và phải nói: “Hanội thiếu gì kỹ sư và nhà thầu. Ông Sắc không phài là một người chuyên môn.” Ông lại có những lập trường không hợp với những gì cha Michaud đòi hỏi. Điều này lại càng thấm thía hơn trong suốt thời kỳ thi công.

Cuối cùng thì công trường tu viện Hanội cũng được khởi sự ngày 13- 11-1930.

Những khó khăn cũng chưa hết. Ông Sắc cho rằng vật liệu nhà Dòng tự mua theo hợp đồng không đạt chất lượng. Cha phụ trách Dòng tại Việt-Nam là cha Dionne và cha Larouche có lập trường ủng hộ ông Sắc. Cha Michaud nói: “Bề trên Hanội mang trách nhiệm xây cất hay là cha phụ trách, khi mà tất cả mọi vấn đề coi như được quyết định từ Huế”. Cha Michaud đã ký hợp đồng với ông Sắc về chi phí xây dựng là  các cha ở Hanội thì ông Sắc không hết lòng với công việc, thường hay vắng mặt vì còn phải lo các công trình ở Huế, thợ làm việc cầm chừng và xem ra có vẻ lươi biếng, có lúc công việc ngưng lại.

Đức cha Chaize cho rằng ngôi nhà không đủ lớn, một số Linh Mục không vui vì sợ rằng khi hoàn thành, tu viện sẽ lôi kéo giáo dân của họ, ông Lagisquet nhận xét là móng quá yếu. Số tiền đã lên quá con số dự định đang khi các công việc phụ và cả hệ thống điện nước chưa có. Chi phí cho nhà Hanội đã lên đến gần 70.000 vnđ.

Cuối cùng ngôi nhà được hoàn tất và các cha các thầy đã đến ở nhà mới vào tháng 8-1931 Lễ khánh thành được dự định vào 12-9, nhân dịp có hội đồng các Giám Mục tại Hà nội.

Chưa khánh thành mà các trận mưa vào cuối tháng 8 đã cho thấy nhiều điều bất cập: nước thấm qua mái, cửa không đóng khít… Các cha đã rút kinh nghiệm và bài học là phải thận trọng hơn, tìm người chuyên môn và phải có hợp đồng rõ ràng trong xây dựng.

KHÁNH THÀNH NHÀ HA NỘI: 12-9-1931

Ngày 12-9, lễ kính Thánh Danh Mẹ Maria, tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hanội được khánh thành. Buổi lễ được thêm phần long trọng, vì nhằm vào dịp các Giám Mục Bắc Kỳ họp tại Tam Đảo, dưới quyền chủ tọa của Khâm sứ Tòa Thánh Colomban Dreyer. Ngài đã nhận chủ sự lễ khánh thành. Có sự hiện diện của các vị Giám Mục:

Đức Cha Gendreau, Đại diện Tông Tòa Hà Nội

Đức Cha Chaize, Giám Mục phó Hà Nội

Đức Cha Eloi, đại diện Tông Tòa Vinh

Đức Cha Louis de Cooman, Giám Mục phó Phát Diệm

Đức Cha Félix Hedde, Phủ Doãn Lạng Sơn

Trong số các Linh Mục và tu sĩ, có nhiều Thừa sai Paris, các cha Đaminh, cha Palliard bề trên Xuân Bích và nhiều Linh mục, tu sĩ Việt Nam.

Khai mạc buổi lễ, Đức Khâm sứ Tòa Thánh nói: “Công trình mà chúng ta khánh thành hôm nay với lời cầu xin Thiên Chúa chúc phúc đáng được giới thiệu với qúi vị. Vinh dự khánh thành này được dành cho vị đại diện Tòa Thánh là hợp lý, bởi tu viện này đã được các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế xây dựng lên để đáp lại mong muốn của Tòa Thánh và lời thỉnh cầu của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin”

Vị đại diện Tòa Thánh đã khêu lại hình ảnh của chiếc thuyền. Phêrô đầy cá phải cần đến sự hợp lực của các bạn thuyền khác để kéo lưới lên. Các bạn chài đó là các Thừa sai Paris, các tu sĩ Đaminh và nay là các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế: “ Những người con cái của thánh Anphong sẽ chăm lo đến những người nghèo hèn nhất “evangelizare pauperibus misit me”. Những người nghèo hèn, họ là 4/5, là 8/10 của dân Công giáo; người nghèo đó là những kẻ đã được tiền định cho cuộc sống Tin đơn sơ và hoàn toàn phó thác vào Thiên-Chúa. Ôi, biết bao lợi ích mà các bài học, việc mục vụ và gương nhân đức vững vàng và khiêm tốn của các cha Dòng Chúa Cứu Thế sẽ đem đến cho họ. Công việc mục vụ này sẽ bồi sức củng cố và có thể nói được là hoàn thành công việc mà tuyến đầu khai phá của các thừa sai đã làm.

Nói với các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, Đức Khâm sứ chia sẻ niềm vui với các ngài mà sự hiện diện tại Việt-Nam đã được chào đón hân hoan. Bằng chứng là sự hiện diện đông đảo của các Giám Mục và Linh Mục hôm nay. “Đó là phần thưởng cho các ngài vì đã đại độ đáp lời kêu gọi của Tòa Thánh”. Đức Khâm sứ mời gọi mọi người hợp nhất cầu nguyện “để ngôi nhà này có thêm đông người và mau chóng sản sinh ra nhiều trợ tá rất cần thiết và rất được ước mong.”

(còn tiếp)

Lịch Sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

Lm. Rôcô Nguyễn Tự Do, DCCT