Bài giảng thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình cuối tháng 08/2020

 

 

 Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêu Chúa Nhật XXII Thường Niên hôm nay, tiếp nối đoạn Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước. Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?, “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mt16,13). Thánh Phêrô, đại diện cho nhóm Mười Hai nói với Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. (Mt16,13).

Ngay sau câu tuyên xưng của Phêrô về Thầy, Chúa Giêsu liền tỏ cho Phêrô cũng như các môn đệ về những điều sắp xảy đến mà chúng ta vừa được nghe: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.” (Mt 16,21).

Thưa anh chị em, lời loan báo của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Người, chính là lời mặc khải về cuộc thương khó Người sẽ phải chịu. Một vị Thiên Chúa làm người, đi vào tận nỗi khốn khổ tột cùng của con người phải chịu là cái chết.

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philip viết: “Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.”(Pl2,6-8). Đó là đường lối của Thiên Chúa! Đó là cách thức Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của người đối với nhân loại chúng ta, và để cứu độ chúng ta.

Thưa anh chị em, dường như với Phêrô và các môn đệ khác chưa thể đón nhận được lời loan báo về cuộc khổ nạn của Thầy Giêsu!

Thánh Matthêu thuật lại: “Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22).

Đối với Phêrô cũng như các môn đệ của Chúa Giêsu: Đấng Mêsia phải là Đấng đầy quyền năng, uy dũng! Sức mạnh của Người là vô song và không có thù địch nào có thể thắng nổi. Ngài sẽ lên làm vua Israel, sẽ khôi phục lại vương quốc của Dân Thiên Chúa đang bị đô hộ bởi ngoại bang. Tư tưởng này được thể hiện qua thái độ của Giacôbê và Gioan đã gặp Chúa Giêsu và thưa với Người: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc10,35-45). Do đó, ý nghĩ rằng, “Thầy sẽ phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết”(Mt 16,21), đối với các Tông Đồ, các môn đệ là không thể chấp nhận được.

Thưa anh chị em, Đức Giêsu đã có thái độ nào trước hành động, suy nghĩ của Phêrô. Thánh Matthêu viết: “Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”(Mt16,23).

Lời khiển trách của Đức Giêsu đối với Phêrô thật cứng rắng! Hành động căn ngăn Thầy tiến lên Giêrusalem chị khổ hình; tư tưởng về một Đấng Kitô không bóng dáng thập giá, đó là tư tưởng, hành động của Satan, vì nó chống lại thánh Ý Thiên Chúa Cha về kế hoạch cứu độ nhân loại, mà Thiên Chúa Cha đã sắp đặt.

Tôi nhớ lời thuật lại của bà con giáo dân, của quý cha quý thầy trong Tu viện Thái Hà cách đây hơn 10 năm trước, trong biến cố đau thương của Giáo xứ và Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế nơi đây. Mọi người bị vu cáo, đe dọa, đánh đập, điệu ra tòa trong việc đi tìm công lý khi đất đai của Nhà Dòng và Giáo Xứ bị chia chác rơi vào tay tư nhân.

Tôi cũng nhớ tới những biến cố bị bách hại đối với bà con giáo dân tại Đồng Đinh, Ninh Bình nơi tượng Đức Mẹ Sầu Bi bị đập hồi năm 2007; Thánh Giá tại Đồng Chiêm, Mỹ Đức, Hà Nội bị đập hồi năm 2010; việc đi tìm công lý của quý sơ Dòng Mến Thánh Giá và bà con giáo dân Giáo xứ Thủ Thiêm, Sài Gòn; của quý sơ Dòng Thánh Phaolô Hà Nội; của bà con giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng; bà con Vườn Rau Lộc Hưng, Tân Bình, Sài Gòn; của quý đan sĩ thuộc Đan Viện Thiên An, Huế và của người dân trải dài khắp Bắc – Trung – Nam đã và đang chịu cảnh thua thiệt, bất công, vu khống, đe dọa, bị đánh đập; cũng như trong nỗi oan sai, đau khổ của hàng trăm tù nhân lương tâm và gia đình của họ khi có người thân đang chịu cảnh lao tù.

Thưa anh chị em,

Cám tạ ơn Chúa, trong tất cả những biến cố ấy, đối với các Kitô hữu, chúng ta đã kiên nhẫn trong sự thua thiệt, đón nhận, để đi vào cuộc thương khó với Chúa Giêsu.

Tuy vậy, kinh nghiệm của những ai đã là nạn nhân có những lúc, người ta bị cám dỗ khẩn nài Thiên Chúa thể hiện uy quyền, ra tay trừng phạt kẻ bách hại ngay lập tức! Nếu ý nghĩ ấy xảy đến nơi các Kitô hữu, thì đó là một ước mơ Kitô giáo không có đau khổ! Một Giáo hội của những thành công được trọng vọng! Một Thiên Chúa chỉ có vinh quang, vắng bóng thập giá!

Trong những khó khăn của đời sống cá nhân, của gia đình nơi mỗi người chúng ta, đôi khi cũng rơi vào tình trạng như vậy! Không chấp nhận và chạy chốn đau khổ! Khi những thử thách của bệnh tật, mất mát xảy đến, chúng ta có thể hờn trách Thiên Chúa! Chạy trốn và đi tìm một giải pháp dễ dàng! Đôi khi là thỏa hiệp, thần phục tà thần, chối bỏ Thiên Chúa! Khi đó chúng ta đang mang nơi mình lời của Phêrô nói với Chúa Giêsu: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”(Mt16,22). Và Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”(Mt16,23).

Thưa anh chị em, Cầu nguyện cho công lý và hòa bình trên quê hương đất nước chúng ta hôm nay, trước tiên, chúng ta được mời gọi cầu nguyện để tất cả chúng ta trong hoàn cảnh của mình, biết kiến tạo một môi trường mà ở đó con người đối xử với nhau trong công bằng và bác ái, tôn trọng sự thật và những quyền cơ bản của con người được đảm bảo.

Xin Chúa cho chúng ta ơn khôn ngoan, can đảm để có thể liên đới với nhau, khởi đi từ những điều nhỏ bé như là sự quan tâm, lời cầu nguyện và lên tiếng khi có thể. Không thỏa hiệp, chọn giải pháp dễ dãi hay làm ngơ trước bất công, trước đau khổ của anh chị em đồng loại!

Thưa anh chị em,

Bài đọc thứ nhất hôm nay chính là lời của ngôn sứ Giêrêmia trong lúc ngôn sứ phải lên tiếng tố cáo về một xã hội xuống cấp và ngôn sứ đã bị bách hại. Giêrêmia muốn chạy trốn, làm ngơ, nhưng Thiên Chúa đã bắt chộp lấy ông để ông có thể thi hành thánh ý Thiên Chúa trên dân của Người:

“Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày. Tôi đã nói rằng: “Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”. (Gr 20,7-9).

Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, tôi xin đọc lại lời của Chúa Giêsu trong phần cuối của Bài Tin Mừng hôm nay. Lời ấy như hướng dẫn, khích lệ chúng ta để chúng ta can đảm có những lựa chọn khôn ngoan theo thánh ý Người.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình (Mt16,24-26).  Amen!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, C.Ss.R