Chia sẻ của một tình nguyện viên về ngày tầm soát sức khỏe cho quý ông thương phế binh VNCH tại DCCT Sài Gòn

Bạn trẻ Phụng Đặng làm tình nguyện viên trong một ngày tầm soát sức khỏe cho quý ông thương phế binh VNCH

Một số quý tu sĩ DCCT tại Tu viện DCCT Sài Gòn đã chọn phục vụ những con người bị bỏ rơi hơn cả là quý ông thương phế binh VNCH. Những con người này, trải qua hơn 40 năm phần lớn họ sống trong nghèo khổ với cơ thể thương tật. Tuy vậy, nỗi đau lớn nhất đối với họ là bị ‘bên thắng cuộc’ áp bức, miệt thị. Do vậy, hơn bất cứ đối tượng nghèo khổ nào trong xã hội, các ông thương phế binh VNCH là những con người cần được trợ giúp không chỉ về vật chất mà nhất là tinh thần hơn cả.

Tuy vậy, việc trợ giúp những ông thương phế binh VNCH lại trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Trong ngày tầm sót sức khỏe cho quý ông thương phế binh VNCH theo định kỳ vào thứ Hai, 17/7 vừa qua đã có một nhóm ‘dư luận viên’ dùng loa công suốt lớn đứng phía ngoài phản đối và có những lời chụp mũ, bôi nhọ.

Dưới đây là những dòng chia sẻ của một bạn trẻ có tên Phụng Đặng. Bạn Phụng trong nhóm tình nguyện viên, đã nhiều lần đến trợ giúp những ông thương phế binh trong chương trình ‘Tri ân quý ông thương phế binh VNCH’:

…………………………………………………….

Trong bầu khí vui nhộn tiếng đàn hát của nào là người mù, người cụt chân, cụt tay, cụt tai, mất thận… (các kiểu), thì những công việc “nho nhỏ” vẫn tiếp tục. Người thì chuẩn bị đồ ăn thức uống, người lo chạy ngoài đón tiếp, bác sĩ vẫn tiếp tục thăm khám, người hướng dẫn, người lo danh sách, chi phí, người giúp di chuyển,.. và nó đang phụ khâu đo huyết áp.

Vâng, đó là một buổi Tầm Soát bệnh cho những chiến sĩ đã chôn trước một phần thân thể cho quê hương đất Việt.

Người đọc người ghi: TPB: A..(tên), Sinh năm…, Số Quân…., Đc … (nơi ở), Huyết áp:…, mạch…; TPB: B, sinh năm,… .

Đang chăm chú ghi chép, bỗng người đọc bảng tên dừng lại, chuyển sang người kế tiếp – Ơ còn nơi ở?- nó tự ngó bảng tên thì thấy đề “Không”, thế mà ông chú cụt giò ngồi trước mặt vẫn tươi cười, bởi cái không khí “anh em hội ngộ” vui quá.

Hơi chợn, nó tỏ ra vui vẻ hỏi: Vậy là không có nhà hả chú?- Ờ! (cười cười) – Thế thì chú ở đâu? – Tôi ở dưới vũng tàu. – Dạ, nhưng mà chú không có nhà? – Ở bãi rác cô ạ! (vẫn cười, hơi ngập ngừng) – Oh, vậy chứ dưới đó chú làm gì? – Dạ tôi đi lượm rác cô ơi. – Thế có đủ sống không chú? – Dạ thì ngày cũng được 100 hơn 100 chút. – Oh, vậy chú có gia đình hay ở một mình chú? – À tôi có gia đình, có mấy đứa con thì một đứa chết rồi, còn lại thì cũng lập gia đình đi hết rồi. Trước tôi cũng có nhà ở quận 3 này, cũng có vợ nhưng sau đó vợ chết, tôi đi lính về sau 75 thì bị lấy nhà, bị đuổi bắt hoài nên tôi cứ phải đi, có khi Cà Mau, Cần Thơ,… Sau tôi về Vũng Tàu mới lấy vợ nữa (Cười chát).

–> Câu chuyện của một trong những Người ấy_ “kẻ không nhà”. Trong danh sách chúng tôi có cả ngàn người mà mục Địa chỉ nhà: để chữ “Không” như vậy.
——————————

Buổi họp hôm ấy hơi căng thẳng, nghe nói có người sẽ đến phá chương trình. Người chủ trì họp nhắc lại tình thần: chúng ta có trách nhiệm giữ an ninh cho họ. Chúng ta đến đây với tinh thần tri ân, nên cần dẹp bỏ cái dư duy mình đang làm từ thiện, mà công việc của chúng ta là phục vụ vì lòng yêu mến tri ân những người đã chiến đấu cho dân tộc. Dù họ già cả, què quặt đui mù.. không còn làm được gì, nhưng cần nhớ là họ đã hy sinh cả tuổi xuân và thân thể mình, họ đến đây không phải để xin, nhưng vì hành động của chúng ta khiến họ còn thấy mình được đối đãi là người, là một người lính danh dự đã làm trọn nghĩa vụ với dân tộc, chiến đấu bảo vệ nước Việt Nam Cộng Hòa. Và không phải chỉ chúng ta ở đây nhưng cả dân tộc này phải tri ân họ. Nên chúng ta nếu không làm họ thấy tốt hơn thì nhất định không được làm tổn thương họ thêm.

Nhân tiện nếu có ân nhân nào tính giúp người nghèo nhất: thì xin thưa chúng ta hiện có hơn 5,5 ngàn người nghèo nhất: người cụt tay mù mắt, người cụt tay cụt chân, người sống bãi rác.. thì xét ai nghèo hơn ai?

Người chủ trì họp lúc đó không khỏe, thần sắc ông không tốt, nhưng lúc ông phát biểu sao lại sáng thế, cái tỏa sáng của tình yêu của người mục tử với những người bị vứt bên lề xã hội.
——————————

Chương trình tiếp tục. Nói cả dân tộc tri ân chắc không quá. Vì có những người thể hiện sự tri ân ấy âm thầm lắm, những người lao động thỉnh thoảng tạt ngang gửi vài ba trăm ngàn ủng hộ các chú. Hay những bác “tài xế” Vinasun, chở các chú đi xét nghiệm về lại ân cần dìu từng chú xuống: dạ thôi con không lấy tiền đâu, cho con tặng cuốc này!

Hay phải kể đến Đờn sĩ của chương trình, tham gia đều đặn các buổi. Nay bị bệnh năm viện hơn tuần rồi mà nghỉ chương trình không có ai đờn cho các chú, nên nghỉ đâu có đành, lại trốn viện ra đờn cho các chú…

Hay rất nhiều những tình nguyện viên, bác sĩ, điều dưỡng, y tá, những ân nhân gần xa, cách này cách khác cộng tác vô chương trình tri ân các chú.

Những hy sinh của các chú, danh dự của các chú, nỗi đau của các chú.. hy vọng được phục hồi!
——————————–

Không phải đồn không, hôm đấy có kẻ đến phá thật, một nhóm đứng ngay cổng ngoài ngã tư, cầm mic cầm loa đọc cái gì đấy kêu là: Kêu gọi tẩy chay trương trình, chửi bới, nói các tu sĩ dòng thực hiện chương trình là thế này thế nọ..

Chiêu này nghe quen rồi, chẳng cần nói thêm. Việc ngăn chặn giúp đỡ người nghèo cả xã hội này đều biết: không cho phát hàng ngàn bánh trưng cho người dân tộc nghèo, ăn chặn tiền và thực phẩm của người dân miền trung sau thảm họa bão lụt, formosa, bắt những đoàn từ thiện phải xin phép đăng kí thủ tục này nọ, không cho họ phát quà cho người dân mà phải mang lên phường xã cho “cán bộ làm mầu”… abc các kiểu rồi sau đó chửi bới, vu khống bôi nhọ đảng, cán bộ… khép tội đi tù luôn chứ chẳng chơi.

Ấy thế mà mọi thứ vẫn tiếp tục suôn sẻ. Việc Chúa làm Chúa sẽ hoàn tất!
———————————-

Thứ nhất, cá nhân tôi nghĩ có cản gì thì cản, riêng những việc tương trợ liên quan đến thiêng liêng, đạo đức cá nhân, tình cảm của loài người với nhau thế này thì không được đụng đến.

Thứ hai, phải nghĩ thế nào? Hay là nghĩ như kiểu thoái thác trách nhiệm mà ta vẫn được nhồi vào đầu: “đã có đảng và nhà nước lo”. Nếu đảng lo, cám ơn vì đã làm đúng nhiệm vụ, và dùng tiền dân đúng mục đích. Mà nếu có đảng lo thật thì đã chẳng có các chương trình từ thiện, tri ân, cứu chuối, cứu dưa, cứu miền trung,… mà dân tự đứng ra. Đảng có lo là lo xây công trình tượng đài hàng ngàn tỉ, đầu từ dự án lỗ vốn ngưng trệ, lo tăng giá xăng, lo chặt cây xanh,…

Thứ ba: còn nhớ phát biểu của một quan chức trong một vụ lùm xùm khiến dư luận chửi quá: ‘Nghèo mà bình yên còn hơn’. Hay là vì quan điểm của đảng như thế mà xã hội có quá nhiều người nghèo nhỉ? Mà kiểu như tầm soát bệnh cho người nghèo mà còn bị phá là thấy không bình yên rồi. Nếu bình yên cho người nghèo được ghi vào luật và bảo vệ hẳn hoi thi tôi cũng nguyện nghèo cho nó bình yên.    Mà thiết nghĩ ở cái xh này, nghèo là cái tội, đến cái quyền bình yên cũng không có!😂

Bài viết trên facebook cá nhân Phụng Đặng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.