‘Bên nhau đi nốt cuộc đời’ – Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Chương trình ‘Bên nhau đi nốt cuộc đời’ diễn ra tại sân nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, hôm 26.12.2017. Ảnh: tinmungchonguoingheo.com

 

Một chương trình tri ân các Thương bệnh binh được diễn ra tuần tự tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, khởi nguồn từ những mối tình tương thân tương ái của những người cùng sống trong một quốc gia, cùng một dân tộc, và cùng chia sẻ những thăng trầm của vận mệnh đất nước.

Sự liên đới với những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, trong sự biết ơn những cống hiến cho tổ quốc, bằng những phần thân thể nằm vương vãi đâu đó trong các chiến trường, đã trở nên một phần của Đất Mẹ Việt Nam, là một việc làm thiêng liêng, cao cả.

Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời. Tiêu đề đẹp như lời thơ, còn hơn thơ, vì đây là hiện thực, hiện thực của đời sống, của những con người cụ thể đã có những cuộc sống, đã một thời trai trẻ, đã có những ước mơ và khát khao, đã có những dấn thân, những cống hiến và đã hy sinh một phần thân thể, và sự sống còn của mình cho những giá trị cao quý nhất, từ tự do cho quê hương, độc lập cho dân tộc, cho khí thế hào hùng của một lịch sử, đến hạnh phúc của từng gia đình, từng người, trong đó có cả những người “không đồng chiến tuyến, không cùng lý tưởng, thậm chí, khi ấy là kẻ thù.”

Đã có những người nằm xuống, vĩnh viễn hòa mình vào lòng Đất Mẹ, như sự trả ơn, trả nghĩa trọn vẹn nhất cho niềm tự hào được làm người Việt Nam; đã có những người cống hiến một phần thân thể, như những chiến tích mãi không hề phai về khí phách hào hùng của một sự hy sinh không hề hối tiếc, cho vinh quang Đất Việt; đã có những người không hề quên, cả một quá khứ hào hùng của lịch sử, cả những sự đóng góp vô cùng cao quý, và không gì có thể bù đắp được, của những “Anh hùng” vẫn có danh, mà bị coi là vô danh, hơn nữa, đã từng bị coi là tội đồ của chế độ cộng sản, là thứ rác rưởi, bị khinh miệt, o ép bao và bị lãng quên bao năm qua; đã còn có những người không quên ân tình đó của các Thương Bệnh Binh, những người đã cùng chung chiến tuyến, cùng chung lý tưởng, cùng chung chí hướng và cùng chung những sự hy sinh đã chung tay, góp sức để nhằm xoa dịu một phần những thương tổn, ngoài thể xác, nhất là về mặt tinh thần của những “kiếp sống đọa đày” ngay trên quê hương mình, một quê hương họ đã hết lòng yêu mến, hơn cả hạnh phúc riêng và sự sống còn; đã có những người trẻ, ngày hôm nay, can đảm nói lên tấm lòng biết ơn của mình, dám Tri Ân Những Thương Bệnh Binh ấy, bất chấp những trở ngại, những sách nhiễu và cả những sự bắt bớ, tù tội bởi nhà cầm quyền cộng sản này….

Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời là bản trường ca thắm đượm tình lân ái. Bên Nhau Đi nốt cuộc đời không phải là sự kéo lê những phần thân thể còn sót lại trong một cuộc đời đầy tủi nhục và nước mắt, của những người bị chế độ cộng sản này hắt hủi và sự vô cảm của những kẻ chỉ biết sống ích kỷ và hưởng thụ. Nhưng là sự đồng hành dấn mình vào trong cuộc, một cuộc chiến còn gay gắt hơn cả sự sống còn, để làm sáng tỏ giá trị nhân sinh cao cả của những con người – những người con Đất Việt; khí tiết công dân, là “người một nhà” của một dân tộc hào hùng vượt trên mọi thể chế cầm quyền.

Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời như thế, trở nên là sự đóng góp nhỏ bé của những người Thiện Tâm, cho sự xây dựng và phát triển một quê hương Việt Nam trường tồn và nhân ái.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.