Chốn trạy

#GNsP (27.12.2018) – 152 người Việt Nam đi du lịch và trốn luôn tại Đài Loan khiến chính phủ nước này lập đội đặc nhiệm truy tìm. Đây là cuộc trốn chạy với số lượng người được đánh giá là chưa từng có trong tiền lệ.

Việc người Việt Nam đi du lịch rồi trốn lại nước ngoài là chuyện đã xảy khá thường xuyên từ nhiều năm qua. Cụ thể vào hồi đầu tháng 12/2013, một đoàn khách Việt gồm 15 người đi theo tour du lịch sang Israel rồi trốn lại cả 15 người. Một cuộc trốn chạy khác của 59 du khách Việt tại Hàn Quốc cũng gây xôn xao dư luận vào tháng 1/2016. Nhìn chung, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan là những quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều người Việt lợi dụng đi du lịch để trốn ở lại lao động trái phép.

Vậy ra, “thóc ở đâu, bồ câu ở đó”. Thế nhưng, CHXHCN Trung Quốc cũng là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, vậy tại sao chẳng con bồ câu nào dám đến đó để kiếm thóc? Cũng vậy, Mỹ, Canada, Úc, Thuy Sĩ, Pháp … luôn là những quốc gia được những người Việt giàu có và ngay cả quan chức cao cấp Việt Nam đang đầu tư tiền của cho gia đình, con cái ăn học hoặc định cư sinh sống, chứ không phải là CHXHCN Albania, CHXHCN Nam Tư, CHXHCN Argentina …

Như thế, những người ra đi dù dưới bất cứ hình thức nào thì họ cũng cùng một mục đích là trốn chạy Cộng Sản hay Chủ Nghĩa Xã Hội. Vì như lời phát biểu của Tổng Thống Mỹ Donal Trump thì “…bất cứ nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay cộng sản thực sự được áp dụng thì nó chỉ mang đến đau thương, tàn phá và thất bại”. Trong bài phát biểu kêu gọi các quốc gia chống lại Chủ Nghĩa Xã Hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho nhân loại, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25/9, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nêu trường hợp của Venezuela. Ông cho biết có “ hơn hai triệu người đã trốn chạy khỏi sự đau khổ cực hình của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Maduro và những nhà tài trợ Cuba”.

Cũng vậy, dân tộc Việt Nam đã từng chịu “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây” và “giặc Mỹ xâm lược” gần 30. Thế nhưng chưa có một loại giặc nào khiến người dân Việt phải bỏ chốn đã chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời để dắt díu nhau trốn chạy từ miền Bắc vào miền Nam vào năm 1954, và cuối cùng phải bỏ nước ra đi vào năm 1975 như chạy giặc Cộng Sản.

Không bút mực nào tả hết được những tang thương mất mát mà người dân phải gánh chịu qua hai lần di tản, nhất là những cuộc vượt biển đầy hiểm nguy, tai ương, chết chóc rình rập. Thế nhưng từng đoàn người vẫn lao ra đại dương như dấn thân vào một canh bạc, mà vật cá cược là chính mạng sống của mình.

Những người còn lại tính đến nay chỉ còn dăm ba ngày nữa là 44 năm, dưới sự lãnh đạo “tài tình và sáng suốt” của Đảng, mỗi người dân từ trẻ sơ sinh cho đến người già đều phải gánh trên lưng 35 triệu đồng nợ công. Thực phẩm bẩn tràn lan, mỗi năm trung bình có khoảng 94.000 người chết vì ung thư. Nạn ô nhiễm môi trường càng trở nên nghiêm trọng từ sau vụ xả thải của Formosa. Biển chết, rừng chẳng còn do việc xây dựng ồ ạt hàng loạt các đập thủy điện. Tình trạng nhân quyền bị xâm phạm nghiêm trọng, sinh mạng người dân như cỏ rác, án oan và nhục hình tra khảo đã cướp đi mạng sống biết bao người dân vô tội; nhà cửa, đất đai có thể bị cướp bất cứ lúc nào. Nền giáo dục vốn đã thối nát giờ như không thể nát hơn bởi vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia liên tỉnh; gian lận trong việc phong hàm giáo sư, tiến sĩ ; hàng loạt vụ bạo lực học đường, học sinh bị xâm hại tình dục … Trên bờ thì người Trung Quốc xây đặc khu tự trị. Ngoài biển, giặc Trung Quốc hoành hành bắn phá ngư dân, gần đây, người ta còn phát hiện có một “vật thể lạ” giống ngư lôi có chữ Trung Quốc và được xác định đó là “thiết bị huấn luyện hải quân”.

Và đó là lý do mà “cái cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi”. Thế nhưng, giờ muốn đi cũng không phải dễ cho dù là bạn có đi với mục đích trốn chạy hay không. Bởi lẽ ngày càng nhiều quốc gia đã phải thắt chặt chính sách visa để hạn chế khách Việt bỏ trốn. Giờ mới thấy thấm thía lời nói của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt rằng: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ !”. Và Ngài đã đưa ra một ước muốn rất xác đáng rằng: “Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.”

Và rõ ràng, như chúng ta đã biết, trong chiến tranh thế giới lần thứ II, Nhật trở thành đống đổ nát sau vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima. Thiệt hại của Nhật Bản trong chiến tranh được coi là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử thế giới. Thế nhưng từ năm 1970, Nhật đã trở thành một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính của thế giới, trở thành một siêu cường kinh tế. Việc người dân Nhật “cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả”, là một minh chứng hùng hồn rằng họ là công dân của một quốc gia được mệnh danh là “Thần kỳ Nhật Bản”. Điều thần kỳ này đã xảy ra với một Nhật Bản không có chế độ độc tài Đảng trị, nhưng có Tam Quyền Phân Lập trong hệ thống chính quyền.

Bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Hàn Quốc trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nhân dân Hàn Quốc cũng chịu nhiều đau thương mất mát sau 70 năm chia cắt. Thế nhưng, sự phát triển về kinh tế của Hàn Quốc đã trở nên huyền thoại khi quốc gia của họ trở thành một trong những nước giàu, đứng thứ ba ở khu vực châu Á và đứng thứ 10 trên toàn thế giới. Và điều giúp Hàn Quốc thực hiện cách ngoạn mục cuộc chuyển mình được mệnh danh là “Điều kỳ diệu trên sông Hàn” này, chính là nhờ chính phủ Hàn Quốc đã có chính sách phát triển kinh tế đúng đắn. Và đó là chính phủ của một nước Dân Chủ đầy đủ và theo chế độ Cộng Hòa tổng thống.

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel người Mỹ-Milton Friedman đã nói: “Hãy nhìn bao nhiêu người từ xứ Cộng Sản bất chấp cái chết để vượt biên qua xứ Tư Bản, nhiêu đó cũng cho chúng ta biết nhân loại đã bình chọn ra sao”. Tuy nhiên, “quê hương là chùm khế ngọt”, nếu không vì chùm khế đã chua thì chẳng ai muốn sống và chết ở một nơi không phải là quê hương của mình. Vì thế như lời kêu gọi “khôi phục lại dân chủ cho Venezuela” của Tổng Thống Mỹ Donal Trump, thì việc khôi phục dân chủ cho Việt Nam cũng là phương cách hữu hiệu giúp trả lại vị ngọt cho chùm khế quê hương. Khôi phục dân chủ cho Việt Nam “để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng…”, đặc biệt là trong giai đoạn Đảng lãnh đạo muốn “đưa Việt Nam vươn tầm thế giới” như lời phát biểu của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thế nhưng, làm sao “đưa Việt Nam vươn tầm thế giới” được với cái “hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét” ?

Điền Phương Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.