Cởi trói

Thái Hà (04.11.2016) – Mời các bạn đọc bài của cô Điền Phương Thảo, cộng tác viên của trang tinmungchonguoingheo.com để suy nghĩ về lối thoát cho Miền Trung trước tình trạng lũ lụt xảy ra liên tục trong những tuần qua.

…………………………………

Cởi trói

Chưa kịp hưởng những ngày bình yên nắng ấm sau cơn lũ thiên nhiên và xả lũ của đập Hố Hô hồi trung tuần tháng 10 thì đêm 31-10 vừa qua, nhà máy thủy điện Hố Hô lại bất ngờ xả lũ với lưu lương lớn khiến hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh chịu cảnh lũ chồng lên lũ.

Đau thương nối tiếp đau thương, cơ cùng nối tiếp cơ cùng. Và rồi những lời kêu gọi cả nước thương về đồng bào khúc ruột miền Trung lại vang lên …

Việc tương trợ lẫn nhau khi khó khăn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt và cũng là đạo lý làm người. Tuy nhiên, một xã hội tốt đẹp là một xã hội tạo được những điều kiện giúp cho người dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc chứ không phải là một xã hội cần quá nhiều người làm việc từ thiện.

Trong vòng 15 ngày, Miền Trung, cụ thể là Quảng Bình và Hà Tĩnh gánh chịu hai đợt lũ lụt liên tiếp
Trong vòng 15 ngày, Miền Trung, cụ thể là Quảng Bình và Hà Tĩnh gánh chịu hai đợt lũ lụt liên tiếp

Việt Nam đứng đầu các nước Đông Nam Á về khai thác năng lượng thủy điện. Nhà máy thủy điện mọc lên đến đâu, rừng bị tàn sát đến đó, cứ 1 thủy điện, có đến hơn 59 ha rừng bị tàn phá và tính đến năm 2012, theo tài liệu do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước công bố tại Cần Thơ, cả nước ta có khoảng 7.500 nhà máy thủy điện, nghĩa là có khoảng 442.500 ha rừng bị phá hủy. Mất rừng, lũ tràn về rất nhanh. Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở đó vì ngoài nước lũ trên nguồn, cuộc sống người dân càng thêm cơ khổ bởi những đợt xả lũ của nhà máy thủy điện.

Việc thủy điện phát triển ồ ạt khiến môi trường sinh thái bị ảnh hưởng, an sinh xã hội bị đe dọa, đặc biệt vấn đề xả lũ nguy hiểm khiến dân tình khốn đốn. Thế nhưng nguồn lợi thu được từ những hành động lộng hành phá hoại rừng, ăn cắp tài nguyên đất nước là quá khổng lồ, và đó là lý do vì sao có nhiều đề án xây dưng thuỷ điện vẫn được duyệt để nhà nhà làm thủy điện.

Trong chương trình Táo Quân 2014 với chủ đề Táo Điện Lực Trả Lời Về Việc Xả Lũ, lúng túng trước sự lên án, tra hỏi của Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngọc Hoàng về tác hại của việc xả lũ vô trách nhiệm, Táo Điện Lực đáp bừa: “Người dân đã quen sống với lũ. Dân mình vốn thấp cổ bé họng. Cứ cho kêu. Kêu chán rồi không ai nghe thấy rồi tự ngồi im chả kêu nữa.”

Chúng ta cười nhưng sau tiếng cười là một dư vị chua chát, bẽ bàng. Chẳng phải Táo Điện Lực đã nêu lên cái tâm lý nhược tiểu của người dân hiện nay hay sao ? Tự chấp nhận mình là những kẻ “thấp cổ bé họng”, gặp chuyện bất bình có kêu la nhưng nếu không ai nghe cũng sẽ chịu ngồi im. Ngoan ngoãn tựa bầy Cừu.

Các nước ở Châu Âu và Mỹ và nhiều quốc gia khác đã phá nhiều đập thủy điện và chuyển hướng đầu tư khai thác các nguồn năng lượng sạch từ gió, thủy triều, năng lượng sinh học và các năng lượng có thể tái chế khác. Tại sao ở Việt Nam, năm nào điệp khúc “ Thương về đồng bào lũ lụt Miền Trung” cũng não ruột vang lên ?

Sự giúp đỡ hoàn hảo nhất là giúp cho người khác có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Nếu tình trạng xếp hàng nhận hàng cứu trợ cứ tái diễn hàng năm và một đứa bé mà cảnh ngữa tay nhận quà của người khác thành một hình ảnh quen thuộc, thì thử hỏi mai sau em có còn đủ khí chất để tự tin mà bước vào đời hay không?

Đã từ rất lâu, người dân Việt đã phó mặc cuộc sống của mình cho Đảng lo. Phải tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và nhà nước. Những gì đi lệch ra đều bị quy chụp là làm chính trị, chống phá, phản động … Tất cả những điều đó đã tạo nên những sợi dây trói vô hình mà người dân tự buộc vào mình. Đến nỗi giờ đây, vì những lợi ích riêng tư, lãnh đạo chính quyền cứ cho xây thủy điện bất chấp những nguy hại cho đời sống của người dân, thế nhưng người dân vẫn chấp nhận “ trói mình” sống chung và “ sống quen với lũ”.

Khi bị viên trưởng hội đường tức giận và chống đối vì đã chữa bệnh trong ngày Sabat, Chúa Giêsu khẳng khái trả lời rằng : “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?”

Cũng vậy, muốn thành công, chúng ta phải vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Điều này cũng được ghi rõ trong bản tuyên ngôn độc lập của nước CNXHCNVN. Như vậy, nếu lãnh đạo đất nước vô tâm, tư lợi thì chính người dân sẽ là phải người đứng lên cởi trói và định đoạt cuộc sống của mình chứ không phải “ kêu chán rồi không ai nghe thấy rồi tự ngồi im chả kêu nữa”.

Hãy thương về đồng bào lũ lụt miền Trung với những sự trợ giúp cụ thể về vật chất nhưng đồng thời cũng hãy giúp họ cởi những dây trói và tự cứu cuộc đời mình, vì rằng cho cái cần câu sẽ tốt hơn cho con cá.

Bài có sử dụng nguồn từ :

http://nld.com.vn/…/mot-thuy-dien–mat-hon-59-ha-rung-20130…
http://vietnamnet.vn/…/cac-nuoc-da-pha-bo-nhieu-thuy-dien-1…
http://www.tienphong.vn/…/thuy-dien-ho-ho-lai-bat-ngo-xa-lu…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.