Dân trí người Việt trẻ: thấp hay không thấp?

Thái Hà (10.01.2016) – Nhân sự kiện công ty google công bố về từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại một số quốc gia, một số bài viết đã phân tích về dân trí của người trẻ thông qua những tìm kiếm này (phần lớn người dùng internet tại Việt Nam là người trẻ). Chúng tôi giới thiệu với quý vị một bài viết phân tích vấn đề này để có thể hiểu rõ hơn về người trẻ Việt Nam hiện nay.
………………………………………
Google công bố 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam
Trong giờ “Đạo đức”, lớp 1, 2, 3 ,4 ,5 rồi “Giáo dục công dân” bốn năm tiếp theo, không biết bao nhiêu lần đức tính ham học hỏi được nhắc tới. Trẻ học nói, lớn học viết, hàng ngày, hàng giờ, chúng ta tiếp thu những kiến thức mới, với người trẻ, phần lớn là kiến thức trường lớp. Thế nhưng, nếu chỉ có những kiến thức trong sách giáo khoa, tất cả chúng ta sẽ như một lô hàng máy giặt sản xuất bởi một nhà máy, cùng chức năng, cùng hình dáng. Với quỹ thời gian 24 tiếng một ngày, bớt 8 tiếng ngủ, thì chính những kiến thức tự ta bỏ công mày mò khám phá, mới tạo nên được sự khác biệt.
Thế kỉ 20 đã đem tới Internet, rồi Google. Chính sự phổ biến của nó tại Việt Nam, đất nước với hơn 30 triệu người sử dụng (chiếm phần ba dân số toàn quốc), chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về một cuộc cách mạng tri thức cho dân tộc Việt Nam cần cù ham học hỏi. Và đây là một số thông tin được người dùng tìm kiếm:
  1. Vợ Người Ta
  2. Âm Thầm Bên Em
  3. Không Phải Dạng Vừa Đâu
  4. How-Old.net
  5. Fast Furious 7
  6. Khuôn Mặt Đáng Thương
  7. Em Của Quá Khứ
  8. Cười Xuyên Việt
  9. Cô Dâu 8 Tuổi
  10. Chàng Trai Năm Ấy
(Nguồn: Bloomberg.com)
Để phân tích bảng xếp hạng trên theo phong cách “showbiz”, ta thấy nó có rất nhiều điểm tương đồng với lễ trao giải Oscar hay Grammy. Dẫn đầu là Sơn Tùng MTP với bốn giải. Có giải cho Mỹ, có giải cho Ấn Độ, có giải cho Vợ Người Ta. Ngoài ra ta cũng thấy được sự hội nhập quốc tế, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc tại Việt Nam trong năm 2015.
Thế nhưng nhìn từ góc độ văn hoá giáo dục, liệu có thể lạc quan như vậy?
2_67083
Dân trí cao hay dân trí thấp khi giới trẻ tào lao với hình ảnh hot Sơn Tùng M-TP
thay vì những vấn đề dân sinh sát sườn?
Có lẽ sẽ có người nói rằng nhiều quốc gia khác cũng có chiều hướng tìm kiếm tương tự, và biện minh cho sự bình thường của bảng xếp hạng trên. Nhưng trước hết, chúng ta hãy thử xem hai nước đầu tàu Châu Á.
Nhật Bản:
  1. Nhà nước Hồi Giáo (ISIS)
  2. Bão (typhoon)
  3. Rugby (sau trận thắng của Nhật trước New Zealand)
  4. My number (mã số dùng cho bảo mật và thuế)
  5. Kenji Goto (Nhà báo bị ISIS chặt đầu)
  6. Naomi Kawashima (diễn viên qua đời vì ung thư)
  7. Akira Hokuto (Nữ đô vật bị phát hiện ung thư vú)
  8. Splatoon (game Nintendo)
  9. Windows 10
  10. iPhone 6s
(Nguồn: Bloomberg.com)
Singapore:
  1. PSI Singapore (Cục môi trường quốc gia)
  2. Lý Quang Diệu (Cha đẻ nước Singapore hiện đại)
  3. SEA Games
  4. Whatsapp
  5. iPhone6s
  6. Amos Yee (blogger sinh năm 1998, bị bắt vì lên tiếng chỉ trích Lý Quang Diệu)
  7. Đại dịch MERS
  8. QZ8501 (Máy bay mất tích của AirAsia)
  9. Lý Vĩ Linh (Con gái Lý Quang Diệu)
  10. Lý Hiển Long (Con trai Lý Quang Diệu – đương kim thủ tướng)
(Nguồn: vulcanpost.com)
Cái gốc của vấn đề
Có rất nhiều bài viết, trên cả những trang báo uy tín như VnExpress hay VTC News, đã nói rằng giới trẻ Việt Nam có dân trí thấp. Đây là một nhận định rất mạnh, khi đã đặt một câu khẳng định cho một vấn đề phức tạp cần cả số liệu về dân số, giáo dục, số liệu về vùng miền, và so sánh với dữ liệu tương tự của các quốc gia khác.
Theo Indexmundi, Việt Nam đứng thứ 118 về tỉ lệ biết đọc biết viết trên 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xét về Toán và Khoa học phổ thông, Việt Nam đứng thứ 12 trên toàn thế giới, hơn cả Anh và Mỹ, đây là một thực tế mà những du học sinh Việt Nam tại nước ngoài đều có thể cảm nhận.
Năm 2014, khi Trung Quốc đem giàn khoan HD981 tiến vào biển Đông, người trẻ đã cực lực phản đối, thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt. Đầu năm 2015, khi Hà Nội lên kế hoạch chặt bỏ 6700 cây xanh, nhiều người trẻ cũng đã lên tiếng, thể hiện sự quan tâm đến môi trường của thủ đô và sự xót xa với những thứ đã trở thành một phần của thành phố…. Gần đây nhất, khi Paris hứng chịu 7 vụ khủng bố đẫm máu, những người dùng internet tại Việt Nam cũng không bỏ qua cơ hội này để thể hiện tình yêu nước Pháp.
Những ví dụ trên cho thấy rằng, người Việt trẻ không hề bỏ lỡ các sự kiện xã hội trên thế giới mà ngược lại, cập nhật khá nhanh và đầy đủ. Và nó tái khẳng định “Người Việt Nam dân trí không thấp”.
Chính vì vậy, quay trở lại với bảng xếp hạng của Google, 10 từ khoá không thể đánh giá dân trí của người Việt, thay vào đó thể hiện một thói quen không tốt của người trẻ. Đó là thói quen học thụ động, thiếu sự mày mò khám phá. Khi người Việt trẻ lên tiếng về một vấn đề xã hội, sự quan tâm phần lớn mang tính thời vụ, theo tâm lý đám đông và chủ yếu nhằm mục đích giải trí. Những phản ứng của các bạn với các sự kiện trên thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn trước khi dần chìm nghỉm.
Nếu như Nhật Bản hay Singapore tìm kiếm thêm thông tin về những sự kiện xã hội, để có hiểu biết, để biết được bản chất vấn đề, thì người Việt đang bỏ qua công đoạn này. Ai cũng lên tiếng bảo vệ “Hoàng Sa – Trường Sa” là của Việt Nam, nhưng ít có người đào sâu hơn để hiểu lí do chúng ta mất đảo. Ai cũng lên tiếng khi cây xanh bị chặt, nhưng ít người tìm hiểu kỹ hơn về các loại cây, các vấn đề khi cây bị chặt. Ai cũng lên tiếng rằng IS, Al Qaeda là xấu, nhưng ít người thử tra cứu xem, những tổ chức kia đã được thành lập do ai, vì lí do nào, và tại sao lại bị bảo là xấu.
1_101728
Tuy nhiên, đa số người Việt trẻ vẫn quan tâm tới Vợ người ta hơn việc Trung Quốc
xây dựng bao nhiêu đảo nhân tạo ở Trường Sa
Giặc đến nhà đàn bà mới đánh
Xảy ra chuyện, mới bỡ ngỡ tìm hiểu.Trước giờ thi mới ôn bài. Bị ép mới bắt đầu làm. Liệu đây có phải là văn hoá trẻ ngày nay?
Có vẻ như người trẻ Việt đang đi theo con đường, “chống hơn phòng”, hàng ngày giải trí, tới lúc cần thì nghiêm túc. May mắn là, với tố chất cần cù con cháu Bác Hồ, chúng ta vẫn đang tạm ổn với phong cách này. Giải trí là nhu cầu hết sức thiết yếu của cuộc sống. Nó giúp con người thư giãn, lấy lại tinh thần và trí lực để làm việc và học tập hiệu quả. Không có giải trí, cũng không thể có phát triển. Tuy nhiên để đi xa hơn, để vượt lên như Nhật như Singapore, cả hai quốc gia đều từng có thời gian nghèo khó và nay là cường quốc trên thế giới, hãy thay đổi suy nghĩ. Hãy để “phòng còn hơn chống”, hãy trau dồi kiến thức hàng ngày. Nếu bạn không thích chính trị, hãy tìm hiểu cách tập thể thao. Nếu bạn không thích thể thao, hãy tìm cách làm bếp. Nếu bạn chưa biết bạn thích gì, hãy tìm xem “làm thế nào để biết mình thích gì.” Thông tin có ích không thể có khuôn mẫu, thông tin có ích phải có ý nghĩa đối với bạn. Là một người trẻ tốt, không có nghĩa phải quan tâm tới chính trị, nhưng cần phải quan tâm tới những vấn đề ngoài vui chơi, giải trí.
Người trẻ Việt Nam luôn có một mong muốn theo kịp phương Tây. Chúng ta chê Việt Nam, chúng ta chỉ ra những bất cập, chúng ta ngưỡng mộ các nước phát triển, thậm chí sùng bái. Đấy là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ rằng chúng ta vẫn tỉnh táo nhận ra những điều chưa ổn, và cái đích cần phải học hỏi. Tuy nhiên, để giúp, trước tiên là bản thân và sau đấy là đất nước, hãy học tập thói quen sống và nghĩ của chính những đất nước chúng ta ngưỡng mộ.
Sơn Tùng MTP là một người trẻ thành công, cậu ấy làm việc tới kiệt sức cho chính tương lai của mình. Nếu sang năm một trong những từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất sẽ là “Làm sao để thành công như Sơn Tùng“. Đó mới thật sự là showbiz.
The Compass. lấy lại từ chungta.com