Đức Maria trong Tân Ước (6): Lời xin vâng của Đức Ma-ri-a (Lc 1: 35-38)

Mời đọc thêm: Đức Maria trong Tân Ước

(1): Cuộc đời của Maria trước khi xảy ra biến cố Truyền tin (Lu-ca 1: 26-27)

(2): “Mừng vui lên!” – Ma-ri-a trong tư cách là thiếu nữ Xi-on (Lc 1,28)

(3): “Đấng đầy ân sủng” (Lu-ca 1:28)

(4) : Mẹ của Đấng Mê-si-a (Lu-ca 1: 28-33)

(5) : Bí ẩn trong câu hỏi của Ma-ri-a (Lu-ca 1:34)

LỜI XIN VÂNG CỦA ĐỨC MA-RI-A (Lc 1: 35-38)

Đức Ma-ri-a đã suy nghĩ gì sau khi sứ thần Gáp-ri-en kết thúc lời truyền tin?

Có lẽ Đức Ma-ri-a cảm nhận được sức nặng của những điều được thông báo trong cuộc đối thoại ngắn gọn. Sứ thần Gáp-ri-en chào Đức Ma-ri-a bằng những lời “Chúa ở cùng bà” và “Bà được đẹp lòng Thiên Chúa” — cả hai cụm từ này ngay lập tức báo hiệu rằng Thiên Chúa sẽ giao cho Đức Ma-ri-a một sứ mệnh quan trọng nào đó.[1] Sau đó, sứ thần Gáp-ri-en hé lộ về ơn gọi của Đức Maria: Ma-ri-a sẽ trở thành một người mẹ, nhưng không phải là mẹ của một bé thơ như bao trẻ em Do Thái thông thường khác. Thay vào đó, Đức Ma-ri-a sẽ mang trong cung lòng mình niềm hy vọng của toàn thể dân Ít-ra-en khi Mẹ cưu mang trong mình Đấng đã được tiên tri và mong đợi từ lâu: Con vua Đa-vít, Đấng Mê-si-a. Chỉ riêng điều này  thôi đã có rất nhiều nghĩa để suy tư về một cuộc đối thoại ngắn với sứ thần.

Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đây. Sứ thần Gáp-ri-en còn công bố cho Đức Ma-ri-a phần lạ thường nhất trong sứ điệp truyền tin: Ma-ri-a sẽ thụ thai con trẻ này không phải bằng cách thông thường, mà là nhờ một trinh nữ dưới quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hãy suy nghĩ về việc truyền tin này: trước đây chưa bao giờ có chuyện tương tự như vậy đã xảy ra! Và hơn thế nữa, sứ thần Gáp-ri-en tiếp tục thông báo với Đức Ma-ri-a rằng người con mà Ma-ri-a sẽ sinh ra không phải là một con trẻ bình thường, mà là người Con chí thánh của Thiên Chúa.

Đức Ma-ri-a suy nghĩ như thế nào trước lời truyền tin bất ngờ này? Nội tâm Đức Ma-ri-a đang trải qua những cung bậc cảm xúc, suy nghĩ gì? Lu-ca không cho biết cụ thể. Nhưng có một câu ở cuối cảnh truyền tin hé lộ cho chúng ta ít nhất đôi điều về nội tâm của Đức Ma-ri-a vào thời điểm quan trọng này. Đức Ma-ri-a đáp lại lời của sứ thần, “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền ”(Lc 1, 38).

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn phần cuối cùng của cuộc Truyền tin cho Đức Ma-ri-a: Lời thông báo lạ thường của sứ thần Gáp-ri-en về sự thụ thai đồng trinh (Lc 1: 35-37) và câu trả lời xin vâng của Đức Ma-ri-a (Lc 1:38).

“Chúa Thánh Thần Sẽ Ngự Đến Trên Bà” (Lc 1, 35a)

Ở đây, sứ thần Gáp-ri-en tiết lộ thêm về sự can thiệp thánh thiêng độc nhất vô nhị của Chúa Thánh Thần sắp diễn ra trong cuộc đời của Ma-ri-a. Đáp lại câu hỏi của Đức Ma-ri-a, “Điều này sẽ xảy ra như thế nào, vì tôi không biết vợ chồng?” Sứ thần trả lời Đức Ma-ri-a: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (1:35).

Có ba điểm rất đẹp về Đức Ma-ri-a có thể được rút ra từ câu nói này.

Đầu tiên, những lời này cho thấy Chúa Thánh Thần tác động nơi Đức Ma-ri-a một cách khác lạ, gợi ý cho chúng ta nên trở lại với những trang đầu tiên của Kinh Thánh. Sự mô tả của Lu-ca về việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Ma-ri-a gợi cho người đọc nhớ lại hoạt động sáng tạo của Thần Khí khi tạo dựng vũ trụ (St 1: 2; Tv 33: 6)[2] và trong việc tạo dựng con người (G 33: 4; Tv 104: 30; Tl 16:14). Thánh Lu-ca đang nhấn mạnh những gì đang xảy ra nơi Đức Ma-ri-a với sự thụ thai đứa con của mình hoàn toàn là công việc của Thiên Chúa — một công trình sáng tạo mới. Như học giả Brown chỉ ra, Thánh Thần ngự trên Đức Ma-ri-a khiến người ta nhớ đến “Thánh Thần của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước trước khi sáng tạo được bắt đầu trong Sáng thế 1: 2. Trái đất trống rỗng và không có hình dạng trước khi Thánh Thần Thiên Chúa xuất hiện; cũng vậy, cung lòng của Đức Ma-ri-a là một khoảng trống cho đến khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời lấp đầy với một hài nhi là Con Thiên Chúa. “[3]

Nói một cách rộng hơn, hình ảnh này cũng nhắc lại cách Thần Khí  làm cho con người có khả năng thực hiện sứ mệnh Thiên Chúa giao phó. Rất nhiều vị thẩm phán, chẳng hạn như ông Ót-ni-ên (Tl 3:10), Ghít-ôn (Tl 6:34), Gíp-tác (Tl 11:29), và Sam-sôn (Tl 13:25) đã được Thần Khí ngự xuống để giúp họ hoàn thành sứ vụ của mình. Tương tự, Sa-un (1 Sm 10:6) và Đa-vít đã được Thần khí ngự xuống xức dầu làm vua, rồi mỗi người bắt đầu nói lời ngôn sứ. Và vị vua trong tương lai thuộc dòng dõi Đa-vít được tiên báo là có Thần Khí ngự trên người (Is 11: 1-2). Giống như cách mà Thần Khí ngự xuống trên những con người này để giúp họ có thể thực hiện sứ vụ của mình, Thần Khí cũng sẽ ngự xuống trên Đức Ma-ri-a để giúp Ma-ri-a hoàn thành ơn gọi của mình là trở thành thân mẫu của Đức Ki-tô. Quả thật, chính Thần khí, Đấng sẽ hoàn tất sự thụ thai trong cung lòng Ma-ri-a.

Thứ hai, động từ đặc biệt mà Lu-ca sử dụng để diễn tả việc Chúa Thánh Thần ngự đến trên Đức Ma-ri-a (eperchesthai epi) được liên kết với Thần Khí của Thiên Chúa trong I-sai-a 32:15 (LXX) — một trình thuật báo trước sự ngự đến của Thần Khí vào thời cánh chung, khiến cánh đồng vắng trở thành một cánh đồng phì nhiêu và gắn liền với sự xuất hiện của một vị vua công chính.

Này đây, một vua sẽ trị vì theo lẽ công minh,

các thủ lãnh sẽ cầm quyền theo đường chính trực. . . .

Quả thật lâu đài bị bỏ hoang,

thành thị đông dân nên hiu quạnh,

Ô-phen với vọng lâu thành trơ trụi muôn đời

cho lừa hoang tha hồ đùa giỡn, cho súc vật gặm cỏ no nê.

Cho đến ngày, từ trên cao

thần khí sẽ được đổ xuống trên chúng ta.

Bấy giờ sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái,

và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng.(Is 32: 1, 14-15).[4]

Đây là một lời tiên tri về những gì Thiên Chúa sẽ làm cho Ít-ra-en trong thời kỳ thiên sai. Nhưng tại thời điểm này,  trình thuật Lu-ca 1:35 đang thông báo rằng ngày được mong đợi này cuối cùng cũng dần ló dạng và Đức Ma-ri-a là người đầu tiên nhận được sự chúc lành được hứa ban trong I-sai-a 32. Hãy lưu ý các chủ đề tương tự trong cả hai đoạn. Cũng như Thần Khí sẽ đến trên đất nước Ít-ra-en bị bỏ rơi hoang vắng và làm cho Ít-ra-en sinh hoa kết trái khi vị Vua công chính đến, cũng chính Thần Khí đó đến trên Đức Ma-ri-a để khiến sinh hoa kết trái trong lòng Ma-ri-a. Thật vậy, Ma-ri-a sẽ sinh ra vị Vua công chính đã được tiên báo trong I-sai-a 32.

Thứ ba, lời công bố của sứ thần Gáp-ri-en về việc Thần Khí sẽ “ngự đến” trên Ma-ri-a báo trước về việc Thần Khí sẽ đến trên các môn đệ vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Mặc dù động từ “giáng xuống” (eperchesthai) xuất hiện bảy lần trong Tin Mừng Lu-ca và sách Công vụ, nhưng chỉ trong trình thuật về Sự thăng thiên của Chúa Giê-su trong Công vụ 1: 8, nó được sử dụng cùng với sự xuất hiện của Thần Khí, nơi Chúa Giê-su báo trước Thánh Khí sẽ đến trên các môn đệ của Ngài. Hơn nữa, trong cả hai trình thuật, Thần Khí được xác định là quyền năng của Thiên Chúa. Do đó, trong cả hai trường hợp, chúng ta có ba thuật ngữ chính này – “Thần khí”, “quyền năng” và “sự hiện diện” – liên kết ơn sủng của Thánh Thần đến trên Đức Ma-ri-a với ơn sủng của Thánh Thần cho các môn đệ vào Lễ Ngũ Tuần. Theo cách này, Lu-ca đang nói lên một điểm quan trọng về Đức Ma-ri-a. Ma-ri-a là người môn đệ đầu tiên nhận được ơn sủng của Thần Khí, tiên báo về việc những môn đệ tín trung khác cũng sẽ nhận được như vậy. Đức Ma-ri-a đi trước các môn đệ khác, những người sẽ nhận được ơn sủng này sau khi Chúa Giê-su Chết, Phục sinh và Lên Trời.[5]

“Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lu-ca 1:35b)

Sứ thần Gáp-ri-en tiếp tục nói về cách thức quyền năng của Thiên Chúa sẽ ngự đến trên Đức Ma-ri-a  (epkiazein). Điều này gợi lại sự hiện diện của Thiên Chúa trong đám mây vinh quang che phủ Nhà Tạm ở trên Núi Si-nai (Xh 40:35).[6] Chỉ có một đoạn trình thuật duy nhất khác mà trong đó Lu-ca cũng sử dụng động từ này, ấy là trong trình thuật Biến hình, nơi động từ này diễn tả vinh quang thần linh hiện diện trong đám mây che phủ các môn đệ (Lc 9:34).[7] Như học giả Nolland nhận xét, việc Lu-ca sử dụng động từ episkiazein trong câu 1:35 “có lẽ là do ảnh hưởng bởi bản văn bản LXX [Septuagint] của sách Xuất hành 40:35 cùng với lời tường thuật về sự biến hình (Lu-ca 9:34): Kinh nghiệm của Đức Ma-ri-a được so sánh một cách đầy kịch tính, trong đó sự vinh quang của Thiên Chúa và đám mây đánh dấu sự hiện diện của Ngài phủ xuống trên Nhà Tạm.”[8] Theo cách này, Lu-ca mời gọi độc giả nhìn nhận Đức Ma-ri-a như một Nhà Tạm mới, một bình chứa sự hiện diện mới của Thiên Chúa, nơi ở mới của Đức Chúa Trời.

Như chúng ta sẽ thấy trong chương 10, đây là chủ đề sẽ được phát triển nhiều hơn nữa trong trình thuật Thăm viếng, nơi Lu-ca sẽ liên kết Đức Ma-ri-a trực tiếp hơn với Hòm Bia Giao ước, đánh dấu sự hiện diện của Đức Chúa Trời ngự trị trong Đền tạm. Nhưng ở giai đoạn này trong tường thuật của Lu-ca, Đức Ma-ri-a chủ yếu được miêu tả như một người được sự hiện diện của Thiên Chúa ngự xuống theo những cách gợi nhớ sự hiện diện của Thiên Chúa đến trên Nhà Tạm trong Cựu Ước. Giống như đám mây vinh quang của sự hiện diện của Thiên Chúa đã che phủ Nhà Tạm ở Si-nai, thì  giờ đây Thần Khí cũng ngự xuống trên Đức Ma-ri-a, người sẽ trở thành Thân mẫu của Con Đấng Tối Cao.

Con Thiên Chúa (Lc 1, 35c)

Tiếp theo, sứ thần Gáp-ri-en giải thích thêm về ý nghĩa của địa vị là Con Đấng Tối Cao của Chúa Giê-su, được tỏ hiện trong việc thụ thai đồng trinh diễn ra bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. “Vì vậy, con trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là thánh, Con Thiên Chúa” (1:35). Trong câu 1:32, Sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a rằng người con sẽ có mối tương quan cha con đặc biệt với Thiên Chúa. Đó sẽ là “Con của Đấng Tối Cao” nhờ vai trò vua Đa-vít của mình. Nhưng giờ đây, trong câu 1:35, mối tương quan phụ tử thiêng liêng đó được mở rộng khi Lu-ca liên kết nó với sự hạ sinh của Chúa Giê-su bởi Chúa Thánh Thần, mà theo Strauss, là “kết nối mối quan hệ phụ tử này với nguồn gốc thần linh thay vì chỉ đơn thuần là với vai trò là vua ”.[9]

Lu-ca cho rằng mối tương quan phụ tử này không phải do vai trò của Chúa Giê-su mà là nguồn gốc xuất thân của ngài. Lu-ca dường như chủ đích đối lập với quan điểm rằng quyền làm Con Thiên Chúa của Chúa Giê-su chỉ đơn thuần mang tính “chức năng” — một mối tương quan đặc biệt với Thiên Chúa qua vai trò làm vua của ngài. Nói đúng hơn, Ngài là Con Thiên Chúa từ lúc được thụ thai, trước khi Ngài đảm nhận bất kỳ chức năng nào của vương quyền.[10]

Trong khi câu 1: 32-33 liên kết mối tương quan thiêng liêng của Chúa Giê-su với mối quan hệ hiếu thảo đặc biệt mà vị Vua thuộc dòng dõi Đa-vít có với Thiên Chúa, thì Lu-ca 1:35 cho thấy rằng quyền làm con thiêng liêng của Chúa Giê-su là kết quả của sự can thiệp của Thiên Chúa vào việc hạ sinh của ngài. Ma-ri-a sẽ thụ thai Chúa Giê-su nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa— “vì vậy con trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là. . . Con Thiên Chúa ”(Lc 1,35).[11]

Dấu Chỉ

Cuối cùng, sứ thần Gáp-ri-en loan báo Đức Ma-ri-a một dấu chỉ, mặc dù Đức Ma-ri-a không hề yêu cầu. Sứ thần thông báo cho Ma-ri-a về việc bà Ê-li-sa-bét mang thai một cách phi thường. Vì bà Ê-li-sa-bét vừa mới ẩn mình năm tháng (xem Lc 1:24, 26, 36), nên Đức Ma-ri-a không hề hay biết về việc mang thai của bà. Bây giờ, Đức Ma-ri-a biết rằng người chị họ lớn tuổi của mình và trước đây từng bị mang tiếng là hiếm muộn đã mang thai tháng thứ sáu.

Sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a điều này để nhấn mạnh rằng bà Ê-li-sa-bét có thể mang thai một con trẻ với cùng một lý do mà nhờ đó Đức Ma-ri-a sẽ có thể mang thai như một trinh nữ: Thiên Chúa tác động. “Vì với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được” (1:37). Câu nói này gợi lại những gì Thiên Chúa đã nói với bà Sa-ra hiếm muộn: “Có điều gì là không thể với Thiên Chúa?” (St 18:14, bản LXX). Cũng chính Thiên Chúa, Đấng đã hoàn thành nơi Sa-ra hiếm muộn,  điều mà con người tưởng chừng như không thể làm được đã tác động khiến Ê-li-sa-bét cưu mang một hài nhi khi về già. Ý ngầm đằng sau chính là việc Thiên Chúa  cũng có thể làm điều không thể nơi Ma-ri-a. Nhưng mặc dù đã có tiền lệ về việc Chúa can thiệp vào các trường hợp mang thai kỳ diệu kể trên, nhưng tầm quan trọng của những gì đang được yêu cầu đối với Ma-ri-a lớn hơn rất nhiều so với những gì Sa-rah và Ê-li-sa-bét được yêu cầu tin tưởng. Đã có những trường hợp phụ nữ hiếm muộn có thai một cách bất ngờ. Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử thế giới có một trinh nữ mang thai một con trẻ. Do đó, Ma-ri-a được yêu cầu tin vào một điều gì đó chưa từng xảy ra trước đây trong toàn bộ lịch sử Kinh thánh.[12]

Lời thưa Xin Vâng của Ma-ri-a (Lc 1, 38)

Bây giờ chúng ta đến với khoảnh khắc cao trào của cảnh Truyền tin: Đức Ma-ri-a sẽ trả lời sứ thần như thế nào? Hãy đặt mình vào vị trí của Đức Ma-ri-a và lượng giá tất cả những gì vừa được tiết lộ với Ma-ri-a. Một thiên thần đột nhiên xuất hiện, chào Ma-ri-a bằng câu chào “Chúa ở cùng bà” – báo hiệu rằng một điều gì đó quan trọng sắp được Chúa giao phó cho Ma-ri-a. Sứ thần Gáp-ri-en báo cho Đức Ma-ri-a biết rằng Ma-ri-a sẽ thụ thai và sẽ cưu mang trong lòng Con Vua Đa-Vít được mong đợi từ lâu của Ít-ra-en, Đấng Mê-si-a. Đức Ma-ri-a sẽ thụ thai con trẻ này không theo cách thông thường, nhưng bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và trên hết, Đức Ma-ri-a được cho biết rằng người con mình mà mình sẽ cưu mang sẽ là Con chí thánh của Thiên Chúa. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ đủ để làm cho hầu hết mọi người chết lặng nếu họ được báo những tin trọng đại như vậy. Thế thì, điều gì đang xảy ra bên trong nội tâm của Ma-ri-a lúc này?

Phản ứng của Ma-ri-a trước những điều này trở nên gương mẫu cho mọi người tin: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói ”(1:38). Những lời này cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về nội tâm của người phụ nữ Na-da-rét  này. Trong các cảnh truyền tin khác, Thiên Chúa hoặc sứ thần của Ngài thường nói câu cuối cùng trước khi khởi hành. Áp-ra-ham, Sa-ra, Da-ca-ri-a và cha mẹ của Sam-sôn không đưa ra một lời tuyên bố đồng ý – một lời xin vâng nào – trong các tường thuật Kinh thánh về việc truyền tin cho họ. Tương tự, Mô-sê hay Gi-đê-ôn cũng vậy khi Chúa giao cho họ sứ vụ. Nhưng ở đây, Đức Ma-ri-a nổi bật một cách đáng kể khi nói  lời cuối cùng trong cuộc đối thoại với sứ thần.[13] Và những lời xin vâng này tiết lộ nhiều điều về ước muốn phụng sự Thiên Chúa của Ma-ri-a.

Đầu tiên, hãy lưu ý cách Ma-ri-a tự gọi mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Gốc của từ này trong tiếng Hy Lạp (doulē) có nghĩa đen dùng để chỉ một nữ nô lệ hoặc người tôi tớ. Thuật ngữ này diễn tả một người nào đó ở vị trí khiêm tốn khi nói chuyện với bề trên, và thường được dùng để miêu tả những người công chính khi nói chuyện với Thiên Chúa (1 Sm 1:11, 25:41; 2 Sm 9: 6; 2 V 4:16; Tv 86:16).

Khi tự xưng mình là nữ tỳ của Chúa, Ma-ri-a tự đặt mình hoàn toàn dưới quyền của Ngài. Chúa có thể làm với Ma-ri-a bất cứ điều gì Chúa muốn. Danh hiệu “tôi tớ của Chúa” đã được áp dụng cho một số nhà lãnh đạo vĩ đại của Ít-ra-en, chẳng hạn như Mô-sê (St 14: 7), Giô-suê (St 24:29, Tl 2: 8), Đa-vít (1 V 8:26, 11: 13; Tv 36), và Sa-lô-môn (1 V 8:28, 30). Thậm chí cả đất nước Ít-ra-en được mô tả là tôi tớ của Chúa (Nkm 1: 6). Việc Ma-ri-a tự gọi mình là một nữ tỳ của Chúa (doulē) có lẽ đặc biệt giống với Han-na, người khi bày tỏ tình trạng khiêm tốn của mình trước mặt Chúa, đã tự gọi mình là “người nữ tỳ” (doulē) của Chúa (1 Sm 1: 11). Khi thuật lại tước hiệu này của Đức Ma-ri-a, Lu-ca nhấn mạnh ý nghĩa rằng Ma-ri-a cũng đứng trong hàng ngũ những tôi tớ vĩ đại nhất của Ít-ra-en được Thiên Chúa kêu gọi.[14]

Thứ hai, câu nói cuối cùng trong biến cố Truyền tin của Đức Ma-ri-a “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (genoito moi) thể hiện mong muốn hoặc khao khát của Đức Ma-ri-a. Đây không phải là những lời phục tùng hay cam chịu đơn thuần. Trong hình thức ngữ pháp đặc biệt này trong tiếng Hy Lạp cổ  (được gọi là dạng optative- bày tỏ sự mong muốn), câu nói “Xin Chúa cứ làm cho tôi” (genoito) của Ma-ri-a thể hiện một điều ước hoặc khao khát. Như de la Potterie giải thích,

Âm hưởng của “Fiat” của Đức Ma-ri-a vào thời điểm Truyền tin không giống với lời xin vâng  của Chúa Giê-su ở vườn Ghết-sê-ma-nê, cũng không phải là công thức tương ứng trong kinh Lạy Cha. Ở đây có một chi tiết đáng chú ý, chỉ mới được chú ý trong những năm gần đây, và thậm chí ngày nay vẫn thường xuyên chưa được đánh giá đúng mức. “Fiat” của Ma-ri-a không chỉ là một sự chấp nhận đơn giản hoặc thậm chí ít hơn, một sự cam chịu. Đó là một mong muốn vui mừng được cộng tác với những gì Chúa dự phóng trên cuộc đời Đức Ma-ri-a. Đó là niềm vui của sự từ bỏ hoàn toàn để theo ý muốn tốt lành của Thiên Chúa. Như vậy, niềm vui ở đoạn kết này đáp lại lời mời gọi niềm vui ở đoạn đầu.[15]

Vì vậy, lời xin vâng của Đức Ma-ri-a là một hình mẫu cho tất cả chúng ta, những người cố gắng trở thành môn đệ trung thành của Thiên Chúa. Gương của Đức Ma-ri-a thôi thúc chúng ta trở thành những tôi tớ đích thực của Chúa, tìm cách sử dụng cuộc sống của mình không phải cho mục đích riêng mà cho Thiên Chúa, Đấng là Người Chủ nhân lành và yêu thương của chúng ta. Lời xin vâng của Đức Ma-ri-a cũng khuyến khích chúng ta xem việc trở thành người môn đệ vâng lời, không chỉ đơn thuần là sự phục tùng hay chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa, mà là niềm khao khát hân hoan bước theo ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, giống như một người yêu muốn hoàn thành ước muốn của người mình yêu.

Duc Trung Vu, C.Ss.R

Chuyển dịch theo cuốn “Rethinking Mary in the New Testatement.”

[1] See chapter 4.

[2] Strauss, The Davidic Messiah in Luke-Acts, 90-91.

[3] Brown, Birth of the Messiah, 314.

[4] Nolland, Luke 1-9:20, 54. See also Fitzmyer, Luke I-IX, 351, who notes that the verb eperchesthai is linked with pneuma in other Septuagintal passages, but the sense of the word pneuma is different. Numbers 5:14 and 30 describe a spirit of jealousy coming upon a man. Job 4:15 depicts a tempting spirit discouraging Job.

[5] The Holy Spirit coming upon (epeleusethai epi) Mary and the Spirit’s association with the “power” (dynamis) of God in Gabriel’s Annunciation to Mary (Luke 1:35) anticipates the “power” (dynamin) of the Holy Spirit that Jesus in the Ascension says will “come upon” (epelthontos) the disciples in Acts 1:8. Green, Luke, 90.

[6] Bock, Proclamation from Type and Pattern, 63.

[7] The same can be seen in the rest of the New Testament. Apart from Acts 5:15, episkiazein is used only in accounts of the Transfiguration (Lk 9:34; Mk 9:7; Mt 17:5) with reference to the divine glory being physically present in the cloud.

[8] Nolland, Luke 1-9:20, 54.

[9] Strauss, The Davidic Messiah in Luke-Acts, 94.

[10] Ibid, 93.

[11] “The ‘holy Spirit’ coming upon her and the ‘power of the Most High’ overshadowing her are parallel expressions for God’s intervention. The result of it will be that the child will not be merely the Davidic Messiah, but God’s own Son.” Fitzmyer, Luke I-IX, 339-40.

[12] Nolland comments that the purpose of the angel telling Mary that “nothing is impossible with God” is to call Mary to an amazingly high level of faith, trusting that God could do for her what had never been done before and what seems to be impossible. Nolland, Luke 1-9:20, 57, 59.

[13] ”[T]he final word is always given to the supernatural voice.” Nolland, Luke 1-9:20, 57. See also table in Brown, Birth of the Messiah, 156.

[14] Paredes, Mary and the Kingdom of God, 75-6.

[15] De la Potterie, Mary in the Mystery of the Covenant, 35.