Hơn cả thiên tai là nhân tai

Hình ảnh tại phố cổ Hội An, Quảng Nam. Hình: vnexpress

Ước tính đến ngày 9/11/2017, hơn 100 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, tàn phá hàng ngàn ngôi nhà với tầu bè và tài sản của đồng bào các tỉnh Miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận, đã gây ra những tổn thất không gì bù đắp được, bởi cơn bão Damrey cộng với các nhà máy thủy điện thi nhau xả lũ để cứu đập .

Dư luận phẫn nộ khi các cơ quan chức năng luôn phủ nhận trách nhiệm thuộc về họ và khẳng định, đã ứng phó với thiên tai rất “đúng quy trình”, hoặc bào chữa cho sự tác trách cách vụng về khi bảo “đê vỡ theo kế hoạch”, hoặc đổ cho dân “chủ quan” không ứng phó.

Sự phá rừng có hệ thống, được sự tiếp tay và thông đồng của cơ quan hữu trách từ hàng chục năm qua, bất chấp những lời cảnh báo từ những chuyên gia về môi trường, đã đặt đất nước trong tình thế hiểm nguy.

Thông điệp Laudato Si đã chỉ ra nguyên nhân thảm họa, “một của mội trường và một của xã hội, nhưng thực ra chỉ có một cơn khủng hoảng duy nhất mang tính xã hội – môi trường.” (x.LS,139) Việt Nam vẫn tự hào có “rừng vàng biển bạc, thiên nhiên ưu đãi”, thế mà chưa đầy nửa thế kỷ, cả một dải noi sông gấm vóc đã trở nên tan hoang.

Đâu đâu cũng thấy chủ trương nửa vời và cách quản lý yếu kém, thấy lòng tham và thói vô trách nhiệm của nhà cầm quyền cộng sản, sự ngu dốt và tàn phá tài nguyên đất nước của những kẻ hám lợi. Đất nước trải qua hai cuộc chiến, môi trường bị tàn phá, nhưng chẳng thấm vào đâu so với “thời hòa bình” này, khi những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát trở thành những rừng chồi và những cánh rừng chồi trở nên những đồi trọc; những rặng núi biến thành đá xây dựng; những vùng trù phú bị đào khoét nham nhở để lấy quặng, để biến thành tiền chảy vào két sắt của những tập đoàn và chảy vào túi “quan”.

Rừng chết, biển cũng hấp hối và sông ngòi thành hôi thối, chỉ vì chủ trương công nghiệp hóa bằng mọi cách, nhà cầm quyền đã “rước” về quê hương những thứ “công nghiệp thổ tả” thải loại từ khắp nơi trên thế giới, nhất là Trung Quốc, bất chấp sự cân bằng sinh thái vốn rất tinh tế và mỏng manh trước những tác động của con người. Từ những khu công nghiệp lớn nhỏ trên cả nước, nhiệt điện Vĩnh Tân, thủy điện Sông Tranh, Sông Đà, Hòa Bình…và Formosa đã trở nên những mối nguy tiềm ẩn, biến môi trường thành bãi rác thải độc hại khổng lồ, di họa cho cả trăm năm, một trong những căn nguyên gây ung thư, cướp đi bao sinh mạng, còn hơn cả số thương vong do tai nạn giao thông.

Những tiếng nói cảnh báo từ các nhà trí thức và các chuyên gia, những cuộc tọa kháng phản đối, tuần hành ôn hòa vì môi trường gây ý thức cộng đồng của những người yêu nước, thương nòi đã mau chóng bị chính quyền dập tắt bằng bạo lực, sự theo dõi sít sao sau đó, và nhất là chụp lên đầu những người ấy cái mũ làm chính trị, phản động, có tư tưởng chống đối, lợi dụng quyền tự do để chống phá nhà nước… với những phiên tòa bất công và những bản án “ngất ngưởng”. Sống trong bầu khí bạo lực và dối trá, tham lam và sợ hãi, con người vừa trở nên vô cảm với chính vận mệnh đất nước và sự tồn vong của dân tộc, vừa trở thành man rợ là lẽ tất yếu.

Đó là cơn khủng hoảng mang tính xã hội – môi trường, trong đó, con người “bị giáo dục” cho ngu đi thành cừu. Sợ tham gia chính trị, không đề cập đến chính trị, khi giao phó mọi sự cho đảng và nhà nước lo, là một hành vi chính trị nguy hiểm nhất, như tự đút đầu vào thòng lọng. Một người, dù được giáo dục tốt, khó có thể giữ mình và thực hành những chuẩn mực đạo đức, khi họ đang bị chính cái thể chế chính trị bạo lực và dối trá, tham lam và gây ra những nỗi sợ hãi ấy cai trị. Khi họ bị vây quanh và bị tác động bởi những thứ tiêu cực xấu xa ấy hàng ngày trên mọi phương diện, họ cũng bị tương tác một cách “vô thức”, chí ít là có những “kháng cự” yếu ớt .

Những sự tương tác về chính trị, xã hội lên sự suy nghĩ và đời sống của một người trong một đất nước không có tự do dân chủ, đầy tội ác, bạo lực và tham nhũng, thì rốt cuộc, là bằng mọi giá phải đạp lên mọi thứ để tồn tại, hoặc uất nghẹn trong số phận cam chịu.

Cơn bão Damrey sẽ qua, những cửa xả của những hồ chứa nước thủy điện sẽ đóng, nhưng hậu quả nó gây ra còn đó. Nỗi đau mất người, mất của, mất cả sản nghiệp và nợ nần không thể trả, sẽ là nỗi ám ảnh khôn nguôi của đồng bào vùng “hơn cả thiên tai là nhân tai”. Và còn đó, sự tàn phá biển rừng không thương tiếc, sự phát triển công nghiệp với bất cứ giá nào, để làm ắp đầy túi tiền của những tay trọc phú sẽ là dấu hiệu cho những thảm họa manh tính xã hội – môi trường sắp tới. Không xa đâu!

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.