Kiện Formosa Hà Tĩnh ra Tòa án quốc tế hay tòa án Việt Nam

Thái Hà (05.7.2016) – Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh đã chính thức nhận trách nhiệm gây ra đại họa ô nhiễm môi trường tại các tỉnh Miền Trung trong những tháng qua và đã hứa đền bù thiệt hại 500 triệu USD cùng một số những khắc phục khác; tuy nhiên, như thế là chưa đủ. Những thiệt hại Formosa Hà Tĩnh gây ra cho vùng biển các tỉnh Miền Trung còn để lại những thiệt hại nặng nề, lâu dài, không chỉ đối với môi trường biển mà còn đối kinh tế, sức khỏe, mạng sống của người dân Việt Nam.

Luật sư Hà Huy Sơn. Ảnh FB Ha Huy Son
Luật sư Hà Huy Sơn. Ảnh FB Ha Huy Son

Do vậy, nhiều người đồng quan điểm lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh còn phải chịu trách nhiệm hình sự như luật pháp Việt Nam đã quy định cũng như những gì quốc tế quy định liên quan đến vấn đề môi trường.

Giới thiệu và các bạn bài viết của  luật sư Hà Huy Sơn thuộc Công ty luật TNHH Hà Sơn tại Hà Nội, liên quan đến vụ việc Formosa Hà Tĩnh gây ra đại họa ô nhiễm môi trường biển Miền Trung.

Bài viết được đăng trên facebook Ha Huy Son là facebook cá nhân của luật sư Sơn.

………………………..

Kiện Formosa Hà Tĩnh ra Tòa án quốc tế hay tòa án Việt Nam

Ngày 30/06/2016, Formosa Hà Tĩnh nhận đã xả thải chất độc ra biển gây ra cá chết ở vùng biển một số tỉnh miền Trung và nhận đền 500 triệu USD. Nhiều người đã đặt vấn đề theo pháp luật hiện hành người dân nên kiện ra Tòa án quốc tế hay Tòa án Việt Nam ? kiện ai ra Tòa án nào? Là một luật sư đang hành nghề tôi xin cung cấp “vũ khí pháp lý” để mọi người tham vấn như sau:

• Formosa Hà Tĩnh là ai ? (Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia):

Trụ sở chính phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, VN
Website: fhs.com.vn; fhsteel.com.vn

Formosa Hà Tĩnh. Ảnh dantri.com
Formosa Hà Tĩnh. Ảnh dantri.com

Formosa Vũng Áng là một công ty nằm trong khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Formosa có tên chính thức là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan.

Formosa là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương bắt đầu từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I) và đang có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỷ USD (20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II).

Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê.

FHS đăng ký kinh doanh 11 ngành nghề, một số ngành nghề quan trọng như: chế tạo và mua bán gang thép; kinh doanh cảng; sản xuất ximăng; kinh doanh nhà máy nhiệt điện và nhà máy xử lý nước; xây dựng, lắp đặt, vận hành và kinh doanh nhà máy khí, bán các khí nén và các khí chất lỏng sử dụng trong công nghiệp như oxy, nitơ…; chế tạo, gia công, sản xuất, mua bán và xuất nhập khẩu các sản phẩm liên quan quá trình luyện than cốc, hắc ín, dầu thô nhẹ, và kinh doanh bất động sản.

• Khoản 9 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014, quy định:

“Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam.”
Như vậy, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) được đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam năm 2008 và có trụ sở chính tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh là một Doanh nghiệp Việt Nam.

I. Tòa án quốc tế bao gồm (Công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế):

• Công pháp quốc tế (Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia):

Công pháp quốc tế (tiếng Anh: Public international law) là ngành luật quốc tế điều chỉnh các quan hệ chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật… nảy sinh giữa các quốc gia trong quan hệ hợp tác với nhau.
Như vậy, việc FHS thừa nhận gây ra cá chết ở một số tỉnh miền Trung và đền 500 triệu USD – quan hệ này không thuộc quan hệ giữa các quốc gia vì FHS là một Doanh nghiệp Việt Nam.

Việc VN đưa FHS ra Tòa án công pháp quốc tế là không khả thi.

• Tư pháp quốc tế:

Điều 758 Bộ luật dân sự có hiệu lực đến hết 31/12/2016, quy định:
« Điều 758. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài. »

Điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP, quy định:
“1. “Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” là:
a) Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;”

Như vậy, quan hệ bồi thường của FHS với người dân Việt Nam không phải là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Việc VN khởi kiện FHS ta Tòa án tư pháp quốc tế là không khả thi.

II. Ai có thể kiện ai? và kiện ở Tòa án án nào? theo pháp luật Việt Nam:

Sự kiện FHS có thể có các hành vi pháp lý như sau:
1- Các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự VN theo thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự theo dấu hiệu tội phạm được quy định ở Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành.
2- Cá nhân, tổ chức của Việt Nam bị thiệt hại có thể khởi kiện vụ án hành chính đối cơ quan hành chính, cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy hành chính của Nhà nước liên quan trách nhiệm đến vụ việc FHS.
3- Cá nhân, tổ chức của Việt Nam bị thiệt hại có thể khởi kiện vụ án dân sự đối với FHS ra Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để đòi bồi thường.

III. Tòa án quốc tế có thể thụ lý trong trường hợp sau:

Vì môi trường (trong đó có biển) là có liên đới đến lợi ích toàn cầu thì nước ngoài có thể kiện:

1. Tòa công pháp:

Các quốc gia có lợi ích đến vùng biển miền Trung có thể kiện Chính phủ VN ra Tòa án quốc tế vì trách nhiệm để FHS gây ra thảm họa môi trường biển.

Người khởi kiện là 1 quốc gia khác và người bị kiện là Chính phủ VN.

2. Tòa tư pháp:

Cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể kiện FHS Việt Nam và Chính phủ VN vì đã xâm hại đến quyền lợi của họ (chẳng hạn như đánh cá, nuôi trồng thủy sản…) do ảnh hưởng bởi thảm họa biển của VN.

Hà Nội, 04/07/2016

Luật sư Hà Huy Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.