Lịch sử bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Thái Hà (04.72015) – Vào ngày 27.6.2015 vừa qua, DCCT trên toàn thế giới đã long trọng khai mạc Năm Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhân dịp 150 năm bức Linh Ảnh được Đức Pio IX trao cho Nhà Dòng với lời mời gọi “Hãy làm cho thế giới biết đến Mẹ”.

Trong ý hướng đó, chúng tôi xin đăng lại lai lịch cũng như ý nghĩa bức linh ảnh này để quý vị hiểu rõ hơn và nhờ đó lòng yêu mến Mẹ Maria qua bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp được củng cố.

1. Lịch sử Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Tất cả các tín hữu Công Giáo đều yêu mến và tôn kính Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bức ảnh được đưa từ đảo Creta thuộc đông nam nước Hy-Lạp, trong biển Égée, đến Roma vào cuối thế kỷ 15, tức khoảng 1495-1497. Câu chuyện như sau.

Một ngày, Bức Ảnh bị đánh cắp khỏi đền thánh tại đảo Creta, do một thương gia, hằng năm vẫn đi buôn định kỳ ở nước Ý. Tạm gọi thương gia là Anrê. Ông Anrê dấu kín Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong hàng hóa của mình và xuống tàu vào nước Ý. Con tàu dừng lại nơi nhiều cảng khác nhau, đổ hành khách lên bờ. Ngày kia, giông tố bất ngờ nổi lên khiến các thuyền bè phải mau lẹ tìm bến đậu gần nhất để lánh nạn. Chiếc tàu có thương gia Anrê không kịp giờ tiến vào đất liền. Mọi người trên tàu, từ thủy thủ đoàn đến hành khách, ai nấy đều tưởng giờ cuối cùng đã điểm. Với trọn niềm tin tưởng, họ cùng khẩn nài Thiên Chúa và kêu xin Đức Mẹ ra tay cứu giúp. Bỗng chốc, bầu trời trở lại trong xanh và biển lặng như tờ. Mọi người thở phào và xác tín rằng, đây là phép lạ đến từ Trời Cao. Riêng thương gia Anrê, ông âm thầm hiểu rằng, chính Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp dấu trong hành lý của ông, là Tác Giả của hồng phúc kỳ
diệu này. Tuy nhiên, ông không dám tiết lộ chuyện kín đó với ai. Ông sợ rằng, nếu người ta khám phá ra việc ông ăn trộm Bức Ảnh, hẳn ông sẽ bị ném xuống biển như tiên tri Giona ngày xưa!.

Sau nhiều tháng trời lênh đênh từ cảng này sang cảng nọ, thương gia Anrê đặt chân lên thủ đô Roma, kinh thành muôn thưở của Giáo Hội Công Giáo. Ông luôn mang theo Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bảo vật ông hằng cẩn trọng dấu kín.. Công việc buôn bán hoàn tất, ông thu xếp trở về đảo Creta. Nào ngờ ông ngã bệnh. Ban đầu, chỉ là bệnh nhẹ. Dần dần bệnh trở nặng. Ông Anrê bị bắt buộc phải tìm đến nhà một người bạn – tạm gọi là ông Alessandro – và nhờ bạn chăm sóc. Nhưng cơn bệnh không thuyên giảm, trái lại, mỗi ngày một trầm trọng thêm. Biết mình không thoát chết, ông Anrê ngỏ ý gặp riêng bạn. Ông tha thiết xin bạn giúp ông một công việc hệ trọng sau cùng. Người bạn long trọng hứa sẽ giúp đỡ tận tình. Tin lời bạn, ông Anrê tiết lộ cho bạn biết việc ông đã ăn cắp Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Rồi ông nói: “Cái chết gần kề không cho phép tôi mang Bức Ảnh trả lại đền thánh, hầu Bức Ảnh được trưng bày cho mọi tín hữu đến tôn kính. Vậy tôi van xin anh, hãy mang Bức Ảnh Phép Lạ này, đến trao cho một nhà thờ nào đó của thủ đô Roma mà anh thấy là xứng hợp. Có thế, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mới lại được tôn kính nơi công cộng!”. Sau khi thành thật thống hối lỗi lầm, thương gia Anrê trút hơi thở cuối cùng.

Giữ lời hứa, ông Alessandro chuẩn bị đưa Bức Ảnh Phép Lạ ra khỏi nhà. Nhưng người vợ – tạm gọi là Anna – khăng khăng ngăn cản. Bà muốn giữ Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nơi nhà riêng của mình .. Mặc cho mọi lời chồng nói, khi dịu dàng lúc giận dữ, bà Anna vẫn giả điếc làm ngơ. Trước sự gan lì của vợ, ông Alessandro đành chịu thua.

Thấy thái độ người chồng quá yếu, Đức Mẹ phải ra tay can thiệp. Đức Mẹ hiện ra với ông Alessandro trong giấc mộng và nhắc lại lời ông đã long trọng hứa với người bạn quá cố. Giờ đây ông phải cương quyết thi hành. Đức Mẹ hiện ra ba lần, nhưng vô hiệu, vì ông Alessandro quá nể sợ vợ. Lần hiện ra thứ tư, Đức Mẹ nghiêm khắc nói với ông: “Mẹ đã nhắc con ba lần. Nhưng vô ích. Vậy thì, cách tốt nhất để Mẹ có thể ra khỏi nhà con, là chính con phải ra trước!”. Và thật thế, ông Alessandro đã tắt thở sau vỏn vẹn vài ngày lâm bệnh.

Cái chết thảm thương của chồng vẫn không lay chuyển tâm lòng chai cứng của người vợ. Bà Anna cứ giữ nguyên Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nơi nhà mình. Đức Mẹ lại kiên nhẫn dùng đến sự trung gian của bé gái, con bà Anna. Một ngày, bé chạy đến sà vào lòng bà và nói lớn tiếng: “Má ơi, Má biết không, con vừa trông thấy một Bà thật đẹp, thật sáng láng. Bà Đẹp nói với con: Con hãy đi gặp ngay Má con và lập lại rằng: “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp muốn được trưng bày cho các tín hữu đến kính viếng trong một nhà thờ ở Roma”.

Cảm kích trước lời nói ngây thơ của đứa con gái, bà Anna chuẩn bị thi hành ý muốn của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhưng rồi Satan tìm cách ngăn cản, qua một người đàn bà, bạn của bà Anna. Bà này, sau khi nghe bà Anna thổ lộ ý định, liền trêu chọc và cười nhạo bạn là người nhẹ dạ, dễ tin lời con nít! Nhưng lời nói xúc phạm của người đàn bà bị trừng phạt tức khắc. Bà bị động kinh dữ dội khiến bà phải nhìn nhận lỗi lầm và van xin Đức Mẹ cứu chữa. Vừa khi tay bà chạm đến Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cơn động kinh ngưng ngay.. Đó là phép lạ đầu tiên minh chứng quyền năng của Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Trước hai sự kiện xảy ra trong thời gian khoảnh khắc – bị ngã bệnh và được chữa lành của bà bạn – bà Anna ngoan ngoãn tuân phục mệnh lệnh của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhưng vấn đề được đặt ra. Lúc ấy, vào cuối thế kỷ 15, tại Roma có khoảng 300 nhà thờ. Vậy phải chọn nhà thờ nào, để đặt cho các tín hữu đến kính viếng Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đây? Để giúp bà Anna, một lần nữa, Đức Mẹ lại hiện ra với cô bé con gái bà và chỉ dẫn rõ ràng như sau: “Mẹ muốn được đặt ở nơi nằm giữa nhà thờ mến yêu của Mẹ, Đức Bà Cả, và nhà thờ quí tử của Mẹ, Gioan Laterano!”.

Địa điểm được Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chọn, nằm trên đồi Esquilino, trung tâm thủ đô Roma. Đây là nơi được thánh giáo hoàng Cleto (80-92), người kế vị thứ hai của thánh Giáo Hoàng Phêrô, biến ngôi nhà từ-đường của ngài thành nhà nguyện, dâng kính thánh tông đồ Mattêô. Trong thời kỳ Kitô-Giáo bị bách hại dữ dội dưới hai hoàng triều Nerone và Diocletiano, nhà nguyện Thánh Mattêô là nơi hội họp của các tín hữu Kitô. Sang thế kỷ thứ tư, nhà nguyện được thay thế bằng một đền thờ rộng lớn lộng lẫy. Năm 1110, đền thờ Thánh Mattêô được tu bổ và được Đức Giáo Hoàng Pasquale 2 (1099-1118) long trọng thánh hiến. Sau cùng, vào thế kỷ 15, đền thờ được giao cho các tu sĩ dòng thánh Augustino trông coi. Chính tại đền thờ này mà bà Anna đã mang Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đến giao cho cha Bề Trên các tu sĩ thánh Augustino.

Ngày 27-3-1499, đền thờ Thánh Mattêô chật ních các tín hữu. Họ đến để cầu nguyện và chuẩn bị rước Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp qua các đường phố Roma .. Đang lúc rước kiệu, bỗng một tiếng tung hô vang lên. Một phụ nữ bị bại tay, được khỏi bệnh tức khắc, khi vừa chạm cánh tay bại vào Bức Ảnh phúc lành. Mọi người vui mừng khôn tả.. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã thật sự chinh phục cảm tình của dân thành Roma.

Sau cuộc rước, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được long trọng đặt nơi bàn thờ chính của đền thờ Thánh Mattêô. Từ đó, Đức Mẹ không ngừng thi ân giáng phúc cho tất cả những ai thành khẩn chạy đến kêu cầu cùng Mẹ. Đền thờ trở thành nơi hành hương thân thương của các tín hữu, Roma và các vùng phụ cận. Các ơn lành Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ban cho con cái Ngài nhiều vô kể. Trước sự kiện này, Đức Giáo Hoàng Lêô 10 (1513-1521) quyết định trả lại cho đền thờ Thánh Mattêô tước hiệu ”hiệu tòa” của các vị Hồng Y. Một trong các vị đó là Đức Hồng Y Nerli, nổi tiếng là người sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Để tỏ tình con thảo và tán dương Mẹ lành ngay cả sau khi chết, Đức Hồng Y xin khắc trên mộ mấy hàng chữ sau đây: “Trong đền thờ thánh Mattêô này .. dưới sự bảo trợ của Nữ Trinh Maria, thánh danh Mẹ vang dội khắp nơi vì các phép lạ Mẹ làm, nơi đây an nghỉ Hồng Y Nerli”.

Danh xưng vừa lộng lẫy vừa dịu hiền “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” do chính Mẹ chọn, đã hoàn toàn được minh xác trong vòng 3 kế kỷ. Đó là thời gian Bức Ảnh được tôn kính nơi đền thờ Thánh Mattêô. Sử liệu còn ghi lại rõ ràng không biết bao nhiêu phép lạ Đức Mẹ đã làm. Năm 1600, văn sĩ Panziroli viết: Nhà thờ thánh Mattêô có được một Bức Ảnh Đức Mẹ, làm nhiều phép lạ đến độ, có thể nói đây là ”Nhà Thờ Phép Lạ”. Năm 1618, Lupardo nói về Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như sau: ”Đây là Bức Ảnh nổi tiếng nhờ các phép lạ Đức Mẹ làm.

Xin trưng dẫn một phép lạ. Một ngày, ông từ giữ đền thờ ăn cắp một số tiền của các tín hữu hành hương dâng cúng cho đền thờ. Sau khi cẩn thận dấu kín trong mình, ông tìm đường nhanh chân trở về nhà. Nhưng lạ lùng thay, ông đi mãi đi hoài mà không tới nhà. Trái lại, ông thấy mình đứng trước đền thờ! Hoảng hồn, ông lại chọn một con đường khác để nhanh chân về nhà. Nhưng lần này cũng thế, sau một hồi đi bộ, ông lại thấy mình đứng trước cửa nhà thờ. Đến lần thứ ba, ông cũng vẫn thấy mình trở lại trước cửa đền thờ Thánh Mattêô. Ông kinh hoàng nhận ra bàn tay Thiên Chúa. Ông thật lòng thống hối và mang trả lại cho Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tất cả những gì ông đã dại dột ăn cắp. Rồi ông đơn sơ kể lại cho các linh mục nghe câu chuyện lạ lùng trên đây.

2. Bức Ảnh bị lưu lạc

Cuộc cách mạng Pháp 1789 thổi một cơn lốc tàn ác vào hầu hết các nước Âu châu. Nó gieo rắc kinh hoàng nơi các tín hữu Công Giáo và lôi kéo một số đông giáo dân rơi vào tình trạng khô khan, nguội lạnh hoặc bài xích tôn giáo. Thủ đô Roma, kinh thành muôn thưở của Giáo Hội Công Giáo, cũng chịu chung số phận. Đức Giáo Hoàng Pio 6 (1775-1799) bị bắt và qua đời tại nơi lưu đày. Một đoàn quân đỏ – kẻ thù của Giáo Hội – xâm chiếm Roma. Vào một buổi sáng, người dân thành phố nghe tin quân Pháp chọn đền thờ Thánh Mattêô làm cứ điểm hành quân và sẽ phá hủy tan tành đền thánh!. Các tu sĩ dòng thánh Augustino chỉ kịp giờ chạy đi lánh nạn và mang theo Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp quí yêu .. Quả thật, vài ngày sau, đồi Esquilino bị san bình địa và không để lại vết tích gì của một thời huy hoàng. Không còn nữa cái thời mà toàn dân Roma lũ lượt kéo đến hành hương đền thờ Thánh Mattêô và kêu cầu trước Bức Ảnh phúc lành Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp!.

Bị đuổi khỏi đền thánh, các cha dòng được Đức Giáo Hoàng Pio 7 (1800-1823) đưa về trông coi đền thờ Thánh Maria ở Posterula. Vào thời kỳ Giáo Hội Công Giáo bị bách hại dữ dội, các linh mục không dám trưng bày Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại nơi công cộng cho các tín hữu đến kính viếng. Các vị chỉ đặt Bức Ảnh nơi nhà nguyện riêng của đan viện. Bức Ảnh dần dần bị rơi vào quên lãng. Nhưng Chúa Quan Phòng có chương trình riêng của Ngài. Ngoài ra, thánh ý của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là muốn được tôn kính ở địa điểm nằm giữa 2 đền thờ Đức Bà Cả và Thánh Gioan Latêranô.

Vào năm 1840, có hai người quì trước Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nơi nhà nguyện của các cha dòng thánh Augustino ở Posterula. Một vị lão thành và một cậu thiếu niên. Vị lão thành là thầy Orsetti, ngoài 70 tuổi, tu sĩ duy nhất còn sống sót của đền thờ Thánh Mattêô. Còn thiếu niên là cậu Michele Marchi. Đang sốt sắng cầu nguyện, bỗng thầy Orsetti giơ tay chỉ Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và nói với thiếu niên rằng: ”Con nên nhớ kỹ, Bức Ảnh này, trước kia đã từng được mọi người tôn kính nơi đền thờ Thánh Mattêô. Hàng năm đều có tổ chức một lễ lớn mừng kính Đức Mẹ”. Cậu Michele Marchi vừa ghé tai nghe thầy Orsetti giải thích vừa lơ đãng đưa mắt nhìn lên Bức Ảnh.

Vào cuối đời, thầy Orsetti gần như bị mù hẳn. Niềm vui êm ái nhất của thầy là được chuyện vãn với thiếu niên Michele Marchi. Và trăm lần như một, không lần nào thầy không nhắc đến cái thời huy hoàng đầy ân phúc của Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thầy thường nói: ”Michele à, con phải biết rằng, Bức Ảnh Đức Mẹ được tôn kính lâu năm ở đền thờ Thánh Mattêô, cũng chính là Bức Ảnh đang được đặt nơi nhà nguyện này. Con đừng bao giờ quên điều ấy nhé!”. Rồi thầy Orsetti nói thêm: ”Đúng như vậy. Đó là điều chắc chắn. Con có hiểu lời thầy nói không? Ôi, Bức Ảnh này đã từng làm không biết bao nhiêu phép lạ! – O! Era molto miracolosa!”. Cậu thiếu niên lắng nghe lời tâm sự của thầy Orsetti nhưng vẫn không hiểu tại sao thầy cứ nhắc đi nhắc lại cái thời huy hoàng xưa kia của Bức Ảnh.

Năm 1852, thầy Orsetti qua đời, không được diễm phúc trông thấy Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được phục hồi về chốn cũ.

Một ít lâu sau, Đức Giáo Hoàng chân phước Pio 9 (1846-1878) truyền cho Cha Bề Trên Tổng Quyền dòng Chúa Cứu Thế phải chuyển Nhà Chính của dòng từ Napoli về thủ đô Roma. Vâng lời Đức Thánh Cha, các tu sĩ tức khắc tìm kiếm địa điểm để xây nhà. Tháng 6 năm 1854, các linh mục mua lại Villa Caserta, một biệt thự cũ nằm trên đồi Esquilino. Trong khu vườn của biệt thự, người ta còn thấy tàn tích của đền thờ Thánh Mattêô. Ngôi biệt thự cũ được sửa thành tu viện và một thánh đường được xây cất cạnh tu viện. Thánh đường dâng kính Thánh Alphongsô, Ông Tổ sáng lập dòng Chúa Cứu Thế. Đền thánh mới, được xây trên chính nền cũ của đền thờ Thánh Mattêô, như biểu chứng nối liền dĩ vãng với tương lai .. Thêm vào đó, các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế – con cái Thánh Alphonsô – còn đặc biệt có lòng sùng kính Nữ Trinh Rất Thánh Maria.

3. Bức Ảnh được phục hồi

Ngày nọ, trong lúc lục lội thư viện và những bản thảo cũ của đồi Esquilino, một linh mục dòng Chúa Cứu Thế đã tìm thấy những tài liệu quí báu liên quan đến đền thờ Thánh Mattêô. Nhưng nhất là, các sử liệu nói về Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nổi tiếng về các phép lạ. Vui mừng và ngạc nhiên về khám phá mới mẻ này, vị linh mục đem câu chuyện kể lại với anh em trong cộng đoàn. Nào ngờ, trong số các tu sĩ đó, có mặt linh mục Michele Marchi, người đã từng được thầy Orsetti ủy thác nhiệm vụ ghi nhớ nguồn gốc Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cha Michele Marchi gia nhập dòng Chúa Cứu Thế ít lâu sau khi cộng đoàn ở Villa Caserta được thành hình. Cha Marchi nói ngay: ”Tôi biết rõ Bức Ảnh Phép Lạ này đang ở đâu. Chính mắt tôi đã trông thấy Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, được tôn kính nơi nhà nguyện của đan viện Thánh Maria ở Posterula!”. Nhưng rồi câu chuyện chấm dứt tại đó ..

Thời gian 9 năm lặng lẽ trôi qua. Vào một ngày thứ bảy trong tháng 2 năm 1863, cha Blosi, linh mục dòng Tên, giảng thuyết về đề tài: “Vinh Quang Đức Maria”. Cha nhắc đến Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, một thời được dân thành Roma sùng kính và nổi tiếng về các phép lạ. Cha Blosi mở đầu như sau: ”Hôm nay tôi sẽ nói với anh chị em về một Bức Ảnh Đức Mẹ, xưa kia rất nổi tiếng giữa anh chị em, nhưng bị rơi vào quên lãng từ 60 năm qua. Có lẽ Bức Ảnh bị chôn vùi ở một nhà nguyện nào đó, nên không được trưng bày cho các tín hữu Công Giáo, chen chúc nhau đến kính viếng”. Cha Blosi không quên nhắc đến thánh ý của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là muốn được tôn kính ở địa điểm nằm giữa 2 đền thờ Đức Bà Cả và Thánh Gioan Latêranô. Sau cùng, cha lớn tiếng nói rằng: ”Nếu ai trong số các thính giả có mặt tại đây, biết được Bức Ảnh Phép Lạ đó đang ở đâu, thì xin vui lòng báo cho những người đang giữ Bức Ảnh biết rằng, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp muốn được trưng bày nơi công cộng cho các tín hữu đến kính viếng .. Ai biết được những ân huệ dồi dào nào sẽ tuôn đổ trên thế giới, nếu chúng ta biểu lộ lòng sùng kính Đức Mẹ, dưới một tước hiệu do chính Đức Mẹ chọn? Đó là tước hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Phúc cho người nào sẵn sàng làm công việc tìm kiếm và chỉ dẫn này!”.

Bài giảng và lời nhắn tin trên đây của cha Blosi đến tai các cha dòng Chúa Cứu Thế trên đồi Esquilino. Hẳn người ta đoán được niềm vui lớn lao của các vị. Tuy nhiên, Cha Bề Trên Cả dòng Chúa Cứu Thế nghĩ rằng, cần phải đợi chờ cơ hội thuận tiện. Và dịp may đã đến. Ngày 11-12-1865, cha Mauron được Đức Giáo Hoàng Pio 9 tiếp kiến. Sau khi trình bày một số dữ kiện lịch sử liên quan đến Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cha Bề Trên Tổng Quyền Mauron xin Đức Thánh Cha cho phép dòng Chúa Cứu Thế được đưa Bức Ảnh Phép Lạ trở về chỗ cũ, bây giờ là đền thờ Thánh Alphonsô. Vốn có lòng tha thiết yêu mến và tôn kính Nữ Trinh Rất Thánh Maria, Đức Giáo Hoàng Pio 9 chấp nhận ngay lời xin của cha Mauron. Và ngày 19-1-1866, sau 60 năm lưu đày, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lại được long trọng rước về đồi Esquilino.
Ngày 17-4-1866, Đức Hồng Y Patrizzi, nhân danh Đức Thánh Cha Pio 9, phổ biến thông cáo, báo tin cho toàn dân Roma được biết, từ nay, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lại được đặt nơi đền thờ Thánh Alphonsô cho toàn thể các tín hữu Công Giáo đến kính viếng..

Về phần các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, để tỏ lòng tri ân, các vị đã long trọng tổ chức tuần tam nhật tạ ơn trong 3 ngày từ 27 đến 29 tháng 4 năm 1866.

Ngày 26-4-1866, nhằm lễ kính thánh Giáo Hoàng Cleto, vị sáng lập tiên khởi của đền thờ Thánh Mattêô, trên đồi Esquilino. Nhân dịp này, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được rước long trọng qua khắp các nẻo đường thành phố phố Roma. Quang cảnh vô cùng cảm động. Đường phố được trang hoàng toàn bằng các cành cây nguyệt-quế và đào-kim-nhưỡng. Các tín hữu đứng đông nghẹt hai bên đường chào kính Bức Ảnh. Mọi người giữ thinh lặng và sốt sắng cầu nguyện. Sau cuộc rước, các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế tổ chức tuần tam nhật tạ ơn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhật Báo Roma thời đó ghi lại như sau.

.. Không thể nào mô tả cho hết bầu khí đền thờ Thánh Alphonso trong ba ngày 27, 28 và 29. Các vị Hồng Y, Giám Mục, Giám Chức đủ bậc, Linh Mục dòng và triều, thay phiên nhau cử hành thánh lễ trước Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các tín hữu Công Giáo – từ muôn hướng – lũ lượt tiến lên đồi Esquilino. Mọi người sốt sắng tham dự thánh lễ và lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải. Từ sáng sớm đến chiều tối, lúc nào đền thờ cũng chật ních tín hữu hành hương. Phải chứng kiến tận mắt mới hiểu được phần nào nhiệt tình của các tín hữu. Họ nô nức kính viếng và cầu nguyện trước Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các bệnh nhân, những người tàn tật, các kẻ mù lòa, què quặt thì được đưa vào tận bên trong thánh đường ..

Giống như cuộc rước kiệu đầu tiên vào ngày 27-3-1499, lần này, tức hơn 350 năm sau, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng làm phép lạ, tưởng thưởng lòng thảo kính ngoan hiền của toàn dân Roma.

Một bé gái 8 tuổi, từ 4 năm qua bị tê bại không sử dụng được đôi chân. Bà mẹ bỗng nảy ra ý nghĩ giơ con lên, trình với Đức Mẹ, khi Bức Ảnh rước qua chỗ hai mẹ con đang đứng. Tức khắc, bé gái động đậy được đôi chân. Vài ngày sau, bà mẹ mang con tới đền thờ Thánh Alphonsô. Đến trước Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bà thưa lớn tiếng như sau: ”Xin Mẹ hoàn tất việc Mẹ đã khởi công”. Vừa cầu nguyện xong, đứa bé liền đứng dậy và bước đi bình thường, trước sự kinh ngạc và vui mừng khôn tả của mọi người hiện diện.

Tháng 5 tiếp liền sau tuần tam nhật năm 1866, đã được cử hành với trọn lòng đạo đức và hết sức sốt sắng. Đức Giáo Hoàng chân phước Pio 9 cũng đích thân đến kính viếng Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngài cũng nhận một bản sao Bức Ảnh Phép Lạ và đưa về đặt nơi nhà nguyện riêng của ngài trong Phủ Giáo Hoàng. Lòng kính mến Đức Mẹ gia tăng đến độ, vào cuối tháng 5, các tín hữu Công Giáo Roma đã hiệp ý quyên góp tiền của và xin các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế tổ chức thêm một tuần tam nhật khác, dâng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Năm sau, ngày 23-6-1867, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được Kinh Sĩ Đoàn đền thờ thánh Phêrô long trọng đội triều thiên bằng vàng.

Các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, đồ đệ Thánh Alphonso, luôn có truyền thống kính mến Đức Mẹ. Nhưng kể từ khi Bức Ảnh được giao phó cho các vị trông coi, Hội dòng Chúa Cứu Thế như được gắn liền với Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các tu sĩ Chúa Cứu Thế nhiệt thành phổ biến lòng sùng mộ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tính đến năm 1916, đã có 4000 bản sao chính thức Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, được tôn kính tại các nhà thờ rải rác trên toàn thế giới. Đâu đâu cũng thế, các tín hữu Công Giáo đều có chung một lòng kính mến và tin tưởng nơi sự trợ giúp vô biên của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Sự kiện này lôi cuốn chú ý của Tòa Thánh, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng chân phước Pio 9, quí tử của Nữ Trinh Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Thánh Cha muốn rằng, hàng năm vào ngày 23-6, ngày kỷ niệm Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được đội triều thiên bằng vàng, dòng Chúa Cứu Thế phải cử hành thánh lễ trọng thể mừng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngoài ra, vào năm 1871, hiệp hội ”Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Alphonso” được thành lập. Chính Đức Pio 9 cũng ghi danh vào Hội và ban cho các Hội viên được hưởng nhiều ân xá.

(Saint Alphonse de Liguori, “Gloires de Marie”, Edition populaire, 1929, trang 237-262). Trích từ trang DCCT Hải Ngoại