Maria trên đường về Bê-lem…. (Lc. 2:1)

marry-on-donkey-and-joseph-travel-to-judia

Thái Hà (21.12.2015) – Khác những ngày lễ lớn trong đạo Chúa, lễ Sinh-nhật, Noel, đượm một màu sắc mơ mộng, mang một bầu không khí riêng biệt. Phải, có gì đẹp bằng một em bé ra chào đời; mà khi em bé lại ra chào đời trong một đêm đầy sao, giữa một cánh đồng thanh vắng thì còn gì thú vị hơn. Trí óc mơ tưởng của con người đã hình dung một cảnh nói được là thần tiên, trời đất giao duyên kết nghĩa. Chúng ta chẳng thường hát trong đêm noel:

Cao cung lên khúc nhạc Thiên Thần Chúa

Hòa trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương.

Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn

Một đêm khuya vang, vẳng trong tuyết sương.

Đàn ơi, cứ rung những điệu réo rắt…

Chỉ bớt đi một hai chữ về Chúa và về các Thiên Thần, người nghe có thể mơ màng một cảnh vô cùng thơ mộng: một nàng Kiều nào đó, dưới ánh trăng, trong một đêm vắng lạnh, gẩy một cung đàn…mê hồn người nghe…

Chúng ta nên nhớ rằng, khi Thánh Sử Luca viết về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu, người không trình thuật như một chứng nhân, nghĩa là một kẻ đã thấy tận mắt những sự kiện đó. Hoặc với chức năng của một sử gia có sẵn dưới tay nhưng tư liệu đã được kiểm chứng theo phương pháp sử học thời nay. Người dựa trên một số chứng tá của cộng đoàn tiên khởi. Và từ đó, dưới ánh sáng Phục Sinh, Thánh sử soạn thảo ra một tin mừng, một Thánh-Sử. Nói như thế không có nghĩa là Thánh Luca đã chỉ dùng một lối văn chương hoa mỹ để đánh bóng những sự kiện không mấy quan trọng. Chủ tâm của Thánh Sử là giúp người tín hữu nhận ra tất cả những phong phú siêu nhiên chứa đựng trong các sự việc đã xảy ra.. Một khi đã tin Con Thiên Chúa xuống thế làm người, đã chết và đã sống lại vì yêu thương chúng ta, thì mọi biến cố của cuộc đời Chúa Cứu Thế, qua cái bề ngoài đơn hèn đều mang những ý nghĩa đích thực vô biên. Vấn đề là làm sao cụ thể hóa bằng hình ảnh và màu sắc những gì chỉ có thể cảm nghiệm được nơi lòng tin.

Thánh sử Luca có được diễm phúc gặp Mẹ Maria trong lúc sinh thời của Mẹ không? Một vài truyền thống hình như muốn hiểu như thế. Câu ghi chú, lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng của Thánh sử “Và Maria thu giữ mọi sự trong lòng”, nếu không chứng minh các truyền thống trên đây, thì ít nữa cũng để cho chúng ta có thể tin rằng những chứng từ Luca thu lượm được từ cộng đoàn tiên khởi phát xuất từ những ai đã được biết hay nghe nói đến mẹ Maria.

Bây giờ, chúng ta cùng với Maria lên đường về Bê-lem, sống sự kiện Sinh-nhật Chúa Giêsu, theo hoàn cảnh cụ thể mà Thánh sử Luca ghi lại.

Có bà mẹ nào mà chẳng muốn cho con mình sinh ra trong khăn trắng, chăn hồng, giữa một căn phòng màn the trướng rủ! Chín tráng trời sống ở Nazarét, trong khoảng thời gian thai nghén, chắc Maria cũng đã mơ màng như thế. Nhất là Maria biết con mình trong lòng là Con của Thiên Chúa hằng sống. Đã hẳn, ngôi nhà ở Nazarét không phải là một dinh thự, mà chỉ là căn nhà thường như hàng trăm căn nhà khác ở vùng đó. Nhưng mà Maria và Giuse đã chuẩn bị, để cho em bé chào đời ít nữa trong một khung cảnh xứng đáng, theo túi tiền của hai người. Mọi việc kể như đã được xếp đặt chu đáo. Nhưng này đây, một bất ngờ lớn lao, kinh hoàng,  lệnh từ trên xuống buộc mọi người phải về quê quán mình để làm thủ tục kiểm tra. Vì Giuse thuộc dòng tộc họ Davít, nên phải lên đường đưa Maria về Bêlem để trình diện. Trên đường từ Nazarét về Bêlem, mấy ngày vất vả lội bộ, Maria gần ngày khai hoa nở nhụy, chắc hẳn đã suy ngẫm nhiều về màu nhiệm Thiên-Chúa-làm-người. Tuy nhiên bên tai còn văng vẳng tiếng sứ thần Gabriel: “Đấng sinh ra bởi lòng Bà sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”, Maria đã dần dần hiểu rằng “Đấng toàn năng” một khi đã làm người, thì làm người thật sự, tùy thuộc mọi điều kiện thể lý cũng như mọi hoàn cảnh lịch sử. Ngài không xếp đặt để việc Ngài vào đời được huy hoàng và tốt đẹp. Thiên Chúa không những bước vào thế giới loài người mà hơn nữa, vào thế giới những kẻ thấp cổ bé họng, vô danh tiểu tốt. Cho nên, khi đến Bêlem, cũng là khi Maria ngày tháng đã đầy, thì mọi nhà trọ đều đóng kín cửa trước sự bơ vơ của hai người. Các nhà trọ đóng kín cửa, có phải vì đông khách thập phương kéo về hay chỉ vì người ta thấy Maria… cận ngày sinh nở? Và hai ông bà yêu lặng tìm nơi trú ẩn ở gần đó. Sau này “có một lần Chúa Giêsu đi ngang qua một làng xứ Samari để đến Giêrusalem, nhưng dân làng ấy đều nhất tề đóng kín cửa không muốn đón tiếp Ngài. Thấy vậy, hai môn đồ Giacôbê và Gioan nói: “Thưa thầy, thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời sa xuống tiêu diệt chúng không?” Nhưng Ngài quay lại mắng quở họ. Những gì hai môn đồ, sau bao ngày tháng sống chung với Chúa Giêsu đã không hiểu, thì Maria đã âm thầm lĩnh hội ngay từ đầu; bằng suy niệm những sự kiện sống tầm thường, như cảnh ngộ tại Ngài. Thánh Gioan đã tóm gọn sự khiêm tốn trong cùng tận của Thiên Chúa toàn năng mà Maria đã thầm hiểu đó, trong một câu ngắn gọn: “Ngài đã đến trong nhà của Ngài, mà người nhà đã không đón nhận Ngài”. Lòng tin của Maria đã lớn lên bao la như sự khiêm tốn vô cùng của Thiên-Chúa-làm-người.

Và Maria đã đắt hài nhi nằm trong máng cỏ, trong một hang đá tối tăm, không cửa kính màn the, không có “ánh sáng tỏa lan tưng bừng”, không có thoang thoảng cung đàn. Chỉ có gió lộng, chỉ có lửa đốt lên để sưởi ấm súc vật và nhóm người nghèo hèn. Chính trong cảnh khốn cùng đó mà Maria đã tôn thờ Con-Thiên-Chúa-làm-Người, và cũng là con của lòng mình, đã hun đúc đức tin nên vững vàng, sắt đá, và thắp cháy lòng mến chân thật.

Nếu có ai đi ngang qua đó thì cũng chẳng thấy gì lạ lùng, đặc biệt, vì thật sự cũng chẳng có gì làm hoa mắt khách bàng quan. Có gì đáng chú ý thì chỉ là cảnh tượng thật thanh bần, thật cùng khổ của một em bé ra chào đời nằm trên rơm rạ. Chỉ có những mục đồng, là những người chất phác, luôn đón nhận mặc khải lớn lao trong lòng, đã tiến về hang đá, và nhìn nhận Hài Nhi nằm trong máng cỏ là vị cứu tinh. Lòng tin đã đưa họ hội ngộ với Chúa, gặp được Đấng Tối Cao qua cái bề ngoài vo cùng thấp hèn.

Thiên-Chúa-làm-Người đã là một điều vượt sức mơ tưởng của con người. Mà khi Thiên Chúa trở nên thấp hén với những kẻ hèn mọn, trở nên một em bé vô danh tiểu tốt, nằm trong hang đá, ở một chốn đèo heo hút gió, thì sức mơ tưởng của con người chỉ có thể nên cuồng loạn. Phải, con đường dài của kiếp làm người Đức Giêsu thật khôn thể nằm trong kích thước chật hẹp của sự khôn ngoan của con người. Maria là người đầu tiên đã thấy rằng chỉ có lòng tin tinh tuyền và một lòng mến đậm đà mới phát giác hết được tất cả mọi chiều bí ẩn, kỳ diệu của kiếp lamg người Đấng Cứu Thế.

Thiên Chúa nhập thể không phải như một siêu nhân, hay một anh hùng vĩ đại, mà chỉ là một hài nhi bé bỏng. Có lẽ bởi vẻ hình hài một em bé mới nói lên lòng yêu thương, sự chân thật một cách hoàn toàn, tuyền vẹn.

Khi thánh sử Luca ghi: “Còn Maria thì giữ mọi điều đó mà suy ngẫm trong lòng Bà”, thì chỉ nói đến lòng tin tìm kiếm sắc bén của Mẹ, đi sâu vào mầu nhiệm làm người, mà làm người trọn vẹn, nghĩa là đi từ chỗ thụ thai nơi lòng dạ người nữ, sinh ra, rồi lớn lên….

Ôi lòng tin lớn lao của Maria bên máng cỏ nghéo nàn Bêlem!