« Phúc cho Bà là kẻ đã tin » (Lc 1,44)

Thái Hà (07.8.2015) – Nhiều người tín hữu nghĩ rằng, cuộc sống thiêng liêng của Maria chỉ có thể là phẳng lặng, êm đẹp như hồ Than Thở ở Đà Lạt. Vì Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, vì Mẹ tinh tuyền từ gốc cội, thì làm sao mặt hồ có thể gợn sóng được. Một số bài ca cũng đã ca ngợi Mẹ bằng cách đưa Mẹ thoát ly khỏi thân phận làm người : Mẹ là bà tiên xinh đẹp không dính dấp gì với loài người cùng cực chúng con ! Nghĩ như thế và cơ ngợi như thế là đóng khung Maria trong một tháp ngà huyền hoặc không phù hợp bao nhiêu với những gì đã nghi về Mẹ trong Tân Ước, cách riêng trong bốn cuốn Tin Mừng. Còn hơn nữa, nghĩ và ca ngợi kiểu đó chỉ có thể là phá sản Kitô giáo mà nền tảng là sự nhập thể của Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta thấy một điểm làm đối chất cho sự suy nghĩ tìm kiếm : đó là lòng tin của Đức Maria. Ai cũng biết tầm quan trọng của lòng tin trong đời sống Kitô hữu. Căn nguyên của nhiều khó khăn, nhiều khủng hoảng, đổ vỡ, và làm lung lay lũng đoạn nhiều thề ước, những cuộc dấn thân. Căn nguyên đó là gì nếu không phải là lòng tin thiếu trưởng thành, chưa thoát nổi tuổi dạy thì, lòng tin không mạnh mẽ đủ để luôn mãi định hướng cho những lựa chọn quá khứ hoặc hiện tại ? Lòng tin tiên vàn là ân huệ của Chúa. Nhưng vì Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa hằng sống, nên ơn huệ của Ngài không phải là một bất động, như mọi thứ quà tặng mà chúng ta thường trao tặng cho nhau. Lòng tin là sự sống, sự sống ấy phải lớn lên. Thánh Phaolô đã chẳng khuyên nhủ các tín hữu Êphêsô phải lớn lên « «cho đến khi chúng hết thảy đạt được sự duy nhất trong lòng tin và thông biết về con Thiên Chúa mà nên người thành toàn, đạt đến tầm vóc xứng với sự viên mãn của Đức Kitô » (Eph 4,13)

11817062_143780269291596_6056197031784364499_n

Hang đá Đức mẹ tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Hà Nội vào dịp đầu năm âm lịch

Mẹ Maria cũng đã phải lớn lên trong lòng tin như mỗi một người trong chúng ta. Tin Mừng theo thánh Luca đã lập lại nhiều lần câu này, như chứng từ về sự trưởng thành trong thời gian của lòng tin Mẹ : «Mẹ đã không hiểu gì, nhưng thu giữ trong lòng ». Thu giữ không phải như một vật quý giá bất động, nhưng là để suy nghĩ, tìm kiếm, hầu lớn lên trong lòng tin và lòng mến. Ngay từ đầu, khi sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Mẹ, lúc đó mới 16 tuổi : « «Hãy vui mừng, Bà trần đầy ơn phước… », Mẹ đã bàng hoàng, xao xuyến, hốt hoảng, không hiểu thiên thần muốn nói gì. Chúng ta đừng quên Mẹ là người đầu tiên đón nhận mặc khải về Con Thiên Chúa nhập thể, về Chúa Ba Ngôi, về viẹc thụ thai lạ lùng trong chính bản thân mình…Tất cả những mầu nhiệm vượt xa trí óc con người đó đã đến với Mẹ không phải như những chân lý phần nào minh định «rõ rệt » trong các sách thần học, cũng không đến với Mẹ như những chân lý trừu tượng trong các sách phần sách bổn ! Các mầu nhiệm đó là những thực tại ăn liền ví bản thân Mẹ, với tâm hồn và thể xác của Mẹ. Mẹ đã không hiểu gì ở giây hút trời đất gặp nhau đó cũng là dễ hiểu. Có thể nói được rằng, khi đứng trên núi Sọ, bên thập giá giăng treo Chúa Giêsu, Mẹ Maria mới tìm ra được tầm mnức của lời Thiên Thần truyền tin cho Mẹ hơn 30 năm về trước.

Lòng Tin Là Đón Nhận Lời Chúa, nhưng không phải là đón nhận một cách thụ động. Đón nhận để rồi, như đã nói trên, còn suy nghĩ, tìm kiếm, yêu mến. Như thế, yếu tính thời gian vô cùng cần thiết. Con ong]ời không bao giờ có thể lĩnh hội ngay từ đầu toàn diện tín thư của Chúa. Đàng khác, lòng tin là một đời sống và đời sống đó được xây dựng trọn vẹn trên Đức Kitô. Bản thân Đức Giêsu Kitô luôn mãi là «thắc mắc » của lòng tin. Lời Ngài sẽ không ngừng đặt lại mọi vấn đề nơi chúng ta, cũng như nơi Maria. Những biến cố Mẹ sống, những lời Chúa Giêsu nói với Mẹ đã là những «thắc mắc » lớn lao cho Mẹ : « Cha Mẹ tại sao lại tìm con ? Cha Mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao ?» hoặc « Ai là Mẹ Ta, ai là an hem Ta ? Là những kẻ nghe lời Chúa, và thực thi lời đó », hoặc nữa « Hỡi Bà, có gì giữa tôi với Bà trong chuyện này. Giờ tôi chưa đến… ». Và khi đứng bên thánh giá, Mẹ nghe lời trối cuối cùng của Chúa Giêsu nới với Mẹ và Gioan : «Này là con Bà, này là Mẹ con ». Những lời cũng như những biến cố đau thương đó thông thường có khi làm lung lay nếu không hải là giết chết lòng tin, thì đã thúc đẩy Mẹ thu giữ và tìm hiểu. Maria đã cầu nguyện và nhất là đã say nghiền Sách Thánh. Mẹ đã tìm hiểu những gì Thiên Sứ Gabriel đã nói với Mẹ nhờ ánh sáng của Lời Hằng Sống. Các bản văn của Luca và Mathêô nói về Mẹ, đều là những trích dẫn các ngôn sứ. Nhất là kinh Magnificat chứng tỏ Maria đã thấy và đã sống ơn gọi riêng biệt của mình theo cùng một đường hướng như các người nghèo trong Cựu Ước, cá người hèn mọn, sống hẩm hiu chỉ biết trông cậy Ơn Cứu rỗi nơi Chúa. Lòng tin là chấp nhận mọi đảo lộn trật tự trong xã hội, trong nề nếp tư tưởng thường tình của con người. Là nhận thấy đường lối Chúa vượt xa đường lối của con người.

Maria đã thấy trong sự kiện người họ hàng Êlisabeth, mặc dầu đã lớn tuổi mà vẫn còn thai nghén, dấu chỉ quyền năng lạ lùng của Chúa, luôn mãi làm những việc trọng đại nơi những ai tin vào người. Và đồng thời đó cũng là câu trả lời cho những xao xuyến, khắc khoải của chính bản thân Mẹ, Vì thế, Maria đã vội vã lên đường đến gặp Elisabeth. Lòng tin chân thành bao giờ cũng là lòng tin chia sẻ, và Elisabeth đã không ngần ngại nói : «Phúc cho Bà là kẻ đã tin ». Chính sau lời khen ngợi ấy của người bà con mà Maria đã hát lên bài chúc tụng cảm mến : «Linh hồn tôi chúc tụng Chúa… » Maria đã không hát bài Magnificat sau khi truyền tin !
Một điểm khác phải lưu ý chúng ta là không một sách Tin Mừng nào, ngay cả Tin Mừng theo thánh Gioan là người được Chúa Giêsu giao phó Mẹ, không một sách Tin Mừng nào nói đến việc Chúa sống lại hiện ra với Maria. «Phúc cho ai không thấy mà tin ». Khi Chúa Giêsu nói lời ấy với Tôma, chắc hẳn Ngài đã nghĩ tới Mẹ Ngài ! Lời đó đâu có khác gì với lời chào của Elisabeth trên đây. Suốt cuộc đời của Mẹ, từ lúc đầu đến giây phút về trời, Mẹ đã thu giữ mọi sự trong lòng, lớn lên trong đức tin, và đức mến, theo thân phận thường tình của chúng ta.

Lm. Đoàn Thanh Dũng, CSsR