Quý ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa: Chỗ nào gọi là nhà?

Ngày 30/4 đã qua, những ký ức được gợi lại, cả “bên thắng cuộc, lẫn thua cuộc”, sự hể hả đắc chí đáp trả cho sự hằn học bi ai cả trên truyền thông cũng như quốc tế. Mắc kẹt giữa sự mâu thuẫn đối kháng đó là các ông Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà còn ở lại, những nạn nhân trực tiếp và là những chứng nhân đau khổ của một kiếp đoạ đày sau 44 năm “giải phóng” đặc biệt là những ông Thương Phế Binh đơn thân.

Đất nước rộng là thế, nhưng vẫn phải sống lất lây trên quê hương, trên mảnh đất còn thấm những giọt máu, còn lưu giữ những phần thân thể. Chẳng có chỗ gọi là “nhà” cho các ông, dù đó là nhà trọ hay túp lều, vì nước mất thì nhà tan.

Ngày 28/04/2019, các ông bị ép buộc phải rời nhà trọ ở quận Gò Vấp, tp HCM, như dãy nhà các ông mới tá túc ở Vườn Rau Lộc Hưng, do các nhà hảo tâm gom góp xây dựng, đã bị phá thành bình địa hồi đầu năm 2019, cùng với vài trăm ngôi nhà khác của cư dân tại đấy.

Những ông Thương Phế Binh ấy càng thấm thía với tình trạng “lưu vong chính trên quê hương mình”, hằng ngày phải “chạy loạn, chạy giặc”, phải phải “di tản” thường xuyên, mong tìm được nơi trú ngụ hằng đêm sau một ngày vất vả mưu sinh trên phần thân thể khiếm khuyết còn sót lại.

Họ, những ông Thương Phế Binh ấy sẽ chẳng bao giờ có được cơ hội làm lại cuộc đời, khi ẩn dấu dưới những từ ngữ hoa mỹ: “hoà giải và hoà hợp dân tộc” là lòng thù hận của nhà cầm quyền cộng sản vẫn hừng hực lửa căm thù, truy cùng đuổi tận, bắt các ông phải “sống dở, chết dở”

Đừng bảo rằng, những ông Thương Phế Binh, những người vừa tàn lại vừa phế ấy không còn sức để chống đối, để kháng cự, thì có gì phải lo? Không phải lo, nhưng nhà cầm quyền cộng sản bắt họ phải sống trong sự nhục nhã từng ngày, với sự gian nan mưu sinh và phải hoang mang lo lắng từng đêm tìm chốn nương thân, trước một và chỉ có một, tương lai đen tối! để gậm nhấm nỗi căm hờn, nhục nhã, trong sự tưng bừng mừng ngày “giải phóng Miền Nam”, ngày “lễ 30/4” được nhà cầm quyền tổ chức hàng năm.

Hôm nay, những ông Thương Phế Binh ấy đã sống như những chứng nhân cho niềm tự hào được làm người Việt Nam Tự Do, tự hào đi giữa những tiếng “loảng xoảng” của những kẻ vong nô cam tâm “bị xiềng xích” cho ngoại bang, đang hỉ hả trong những bữa tiệc xương máu.

Đêm nay, các ông lại tìm kiếm một chỗ nào đó để trọ, bởi trên đất nước này, còn nơi nào mà nhà cầm quyền dành cho các ông một chỗ gọi là nhà? Nhưng thật ra, các ông Thương Phế Binh, những người con Đất Việt ấy vẫn đang ở giữa những “người một nhà”, là những người luôn đồng hành và chia sẻ với các ông khi no cũng như khi đói, cảm thông với các ông về những ưu sầu và lo lắng, vui mừng và hy vọng.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.