THÔNG BÁO: Về thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình cuối tháng 11/2016

Hình: Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình, 20h, 28.8.2016 tại Thái Hà
Hình: Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình, 20h, 28.8.2016 tại Thái Hà

THÔNG BÁO

Về Thánh lễ Cầu nguyện cho Công lý – Hòa Bình tại nhà thờ Thái Hà

Hà Nội, ngày 25/11/2016

Kính gửi:

– Anh chị em tín hữu,

– Quý vị quan tâm đến công cuộc dấn thân cho công lý – hòa bình,

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chiều ngày 18/11 vừa qua, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo, bất chấp những góp ý thiết thực, tâm huyết của các nhà làm luật, đặc biệt của các Đức Giám mục thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

Tại bản góp ý gửi tới Quốc hội ngày 4/5/2015, Ban thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khẳng định:

Bản Dự thảo Luật Tín Ngưỡng, Tôn giáo này đã đi ngược lại với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế (Điều 18) và Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013 (Điều 24). Chúng tôi nhận thấy Dự thảo này là một bước thụt lùi so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Bản Dự thảo này tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị:

– Không đồng ý Dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

– Soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.

– Bản Dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, những đề nghị hợp pháp này đã không được quốc hội lưu ý một cách đầy đủ, khiến cho quyền tự do tôn giáo tiếp tục bị vi phạm ngay trong các quy định của pháp luật.

Việc Quốc hội không tiếp thu cách đầy đủ những đóng góp tâm huyết của các vị lãnh đạo tôn giáo nhưng đã bấm nút thông qua, hay việc cố tình trì hoãn không ra luật biểu tình, hoặc cố tình đưa ra các khoản luật mơ hồ như điều 88, điều 79 hay điều 245 Bộ luật hình sự nhằm triệt tiêu các quyền cơ bản của công dân, cho thấy các bộ luật thay vì bảo vệ quyền của người dân lại trở thành công cụ để trấn áp những tiếng nói phản biện, hay tước đoạt các quyền cơ bản của con người mà trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà hay chị Cấn Thị Thêu là những ví dụ điển hình.

Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Mục vụ về Hội Thánh trong thế giới hôm nay, đã khẳng định: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các đồ đệ Chúa Kitô. Và không có gì thực sự là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng các đồ đệ Chúa Kitô” (MV. Số 1).

Trong ý thức trách nhiệm của một Kitô hữu phải đồng hành với những đau thương của dân tộc mình, dấn thân xây dựng một xã hội trong đó các quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng và bảo đảm, thánh lễ cầu nguyện cho công lý – hòa bình cuối tháng Mười một, được cử hành vào lúc 20 giờ Chúa Nhật 27/11/2016 tại Nhà Thờ Thái Hà (số 180/2 phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội), có các ý chỉ sau đây:

– Cầu cho đất nước được hoà bình, các quyền con người được nhà nước nhìn nhận và tôn trọng.

– Cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam hiệp nhất, kiên cường theo gương các thánh tử đạo Việt Nam làm chứng cho Tin mừng trong bối cảnh xã hội hiện nay.

– Cầu nguyện cho luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà, cách riêng cầu nguyện cho chị Cấn Thị Thêu sẽ phải ra toà phúc thẩm ngày 30/11/2016 tới đây, được bình an và được pháp luật bảo vệ.

Xin kính mời anh chị em tín hữu và tất cả quý vị hiệp thông và tham dự.

Trân trọng,

Nhà thờ Thái Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.