Xương da thịt này Cha Ông miệt mài …

Những ngày này tôi đang đồng hành với một khóa tĩnh tâm của một Dòng nữ, mỗi sáng tôi dùng một chút gì đó để uống thuốc, thường thì trái bắp, củ khoai lang hay quả chuối.

Hôm qua trên bàn cơm có củ khoai lang luộc kha khá lớn, nhưng khi gọt vỏ thì phát hiện ra cả hai đầu củ khoai đều bị hà (sùng ăn), tôi nói với hai cô bé khấn sinh có nhiệm vụ giúp đỡ cha giảng phòng: “Khóa tĩnh tâm lần này chúng con có mấy người tên Hà?”, hai cô bé dễ thương hiền lành chất phác, sau khi suy nghĩ một lúc trả lời: “Thưa ông ngoại, có hai chị: Thu Hà và Châu Hà”, “Hèn gì hai chị Hà gặm hết hai đầu củ khoai của ông!”…

Sáng hôm nay hai cô bé đưa khoai lên, có hai củ khoai nhỏ. Đứng tăn tó một lúc rồi hai cô lấy một trong hai củ khoai cất đi, tôi hỏi: “Sao vậy?” hai cô trả lời: “Dạ, hình như có hà bên trong”… Tôi đùa: “Đâu có, giờ này Hà còn trong Nhà Nguyện mà!” Rồi tôi nhặt lấy lại củ khoai nghi là đã bị hà, cắt ra xem thử, quả thật không có hà, thế là hai cô bé bị tôi… ghép cho cái tội “có âm mưu thâm độc, chiếm đoạt phần ăn của ông ngoại!”.

Thực phẩm, nước uống và không khí là những điều cần thiết không thể không có cho sự sống của chúng ta. Nếu một trong ba nguồn cung cấp năng lượng ấy mà mất đi, chúng ta không thể tồn tại, hoặc một trong ba nguồn năng lượng ấy bị ô nhiễm, chắc chắn chúng ta sẽ phải chịu bệnh tật gây ra bởi sự ô nhiễm của chúng.

Nhìn lại đất nước của chúng ta hôm nay, không cái gì là không ô nhiễm, ba nguồn cung cấp năng lượng cho con người hoàn toàn bị ô nhiễm, không ai không biết chuyện này và không bút nào tả hết được sự ô nhiễm mà chúng ta, người dân Việt Nam phải gánh chịu. Nguồn gốc ở đâu thì chúng ta cũng biết hết rồi, gian dối đến mấy cũng không thể che đậy được nữa. Người có tiền cố gắng hạn chế bằng cách ăn những thức ăn có nguồn ngoại nhập với giá cao nhưng họ quên rằng chất độc leo lên bàn ăn của họ mỗi ngày qua từng hạt muối, qua từng giọt nước mắm, cái khí độc thải ra tức các chất thải công nghiệp, các nhà máy nhiệt điện lỗi thời, từ khói bụi hơi xăng, len lỏi vào từng hang cùng ngõ ngách của mọi căn phòng chúng ta sinh sống và làm việc.

Nhớ những hình ảnh trên dưới 60 năm về trước, bọn trẻ chúng tôi theo cha mẹ thủa ban đầu di cư vào Nam năm 1954, mỗi sáng phải xếp hàng để nhận một ổ bánh mì nóng bên trong có miếng pho mát (fromage) vàng béo ngậy, trong lòng cái bánh mì còn có quết một lớp bơ (beurre) trắng ngần lấy từ những thùng bơ lớn có hình bà sơ (soeur) đội cái nón rộng vành, lại thêm một ca lớn tràn sữa nóng hổi, lấy từ những thùng nhôm lớn đặt ở cuối sân Nhà Thờ, sau này tò mò mới biết sữa được nấu từ sữa bột trong bao nhựa có thùng giấy màu vàng bên ngoài, hình hai bàn tay bắt chặt lấy nhau.

Những ngày đầu bọn chúng tôi khổ sở lắm vì uống sữa vào bị đi tiêu chảy liên tục, may mà hồi đó quá nghèo chỉ mặc mỗi một chiếc quần cộc nên thao tác tương đối nhanh, dù vậy chúng tôi vẫn không thể thoát được sự kiểm soát của các Dì Phước phụ trách buổi ăn sáng bắt buộc này. Sau này chúng tôi mới biết đó là Chương Trình Sức Khỏe Quốc Gia mà chính phủ cụ Ngô Đình Diệm thực hiện cho bọn trẻ chúng tôi, có lẽ nhờ vậy mà sau này thế hệ chúng tôi có được sức khỏe căn bản để vượt qua cơn đói kéo dài cả chục năm sau 1975 do chính sách ngăn sông cấm chợ của Nhà Nước XHCN bày ra.

Ngày ấy, mới di cư, nhà ở của dân chỉ là những túp lều hay là căn nhà lá, còn Nhà Thờ thì dựng bằng mái tôn vách gỗ, tháp chuông bằng gỗ treo một miếng sắt lớn làm kẻng, khá lắm thì có cái vỏ trái bom gõ thay chuông. Mãi đến cuối thập niên 60 người ta mới nghĩ đến chuyện xây Nhà Thờ, tuy nhiên nhà ở thì vẫn còn toàn mái tôn, nhà tôi chỉ có một sàn bêtông nhỏ bố tôi xây năm 1967, đến sau Tết Mậu Thân 68, khi Việt Cộng pháo kích vào Sàigòn hằng đêm, cả xóm kéo đến ngủ nhờ dưới tấm sàn bê tông ấy cho an toàn. Sống trong tình trạng như thế mà chính quyền khi xưa ấy vẫn luôn nghĩ đến sức khỏe của giống nòi bằng cách buộc bọn trẻ chúng tôi phải ăn uống đủ dinh dưỡng…

Mấy ngày nay nhiều hung tin liên tiếp đến với tôi…

Người anh kế tôi vào bệnh viện mổ tiền liệt tuyến, khi trở về bị kiệt sức ngất đi, trở lại bệnh viện bác sĩ nói thiếu máu trầm trọng, vào máu vẫn không thấy khá hơn, kiểm tra cẩn thận phát hiện nhiều khối u trong nội tạng, xét nghiệm sâu thêm kết luận khó có thể chữa trị vì ung thư đã di căn khắp nơi, ống nhựa đã được đưa vào qua lồng ngực bên phải, mấy lần định chemo nhưng không thể được vì không còn sức.

Một Nữ Tu trẻ, cháu của một cha thân quen, chị hay gọi tôi là ông nội, tuần trước từ Thanh Hóa điện vào cho tôi, nhờ tôi tìm trên Tây Nguyên một loại cây thuốc tên là Trinh Nữ Hoàng Cung để uống, chị ngậm ngùi báo tin cho tôi: “Ông ơi, con bị ung thư rồi!” Một cựu tù nhân lương tâm, trong nhóm đọc kinh tối với chúng tôi theo mệnh lệnh Fatima, anh buồn rầu thông báo xin cầu nguyện, em gái anh bị ung thư lưỡi, cô ấy có nguyện vọng xin thanh tẩy để gia nhập đạo Công Giáo.

Cũng những ngày này, một cộng tác viên của chúng tôi sống ở miền cao nguyên, cô bé điện về trong nước mắt: “Xin ông cầu nguyện cho dượng con, dượng con bị ung thư gan đang hấp hối, con nhìn dượng con trên giường bệnh đau đớn con đau lòng lắm!” Và thêm một cháu dâu nhà tôi xin cầu nguyện vì chú của cháu bị ung thư bao tử, rất cần sự nâng đỡ thiêng liêng…

Quanh mình, những người thân đã bắt đầu cảm nhận cái đau đớn của ung thư, không còn là ai xa lạ nữa nhưng ung thư đã xộc thẳng vào nhà mình rồi!

Mỗi ngày trên đất nước này có hơn 300 người chết vì ung thư, nghĩa là gần 11 vạn nạn nhân, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cảnh báo sẽ có bùng nổ ung thư tại Việt Nam, Tổ Chức Môi Trường Thế Giới thì lên tiếng về mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng do các nhà máy nhiệt điện lỗi thời, vận hành theo công nghệ của Trung Quốc ngay trên quê hương tội nghiệp của chúng ta.

Cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã hát: “Xương da thịt này cha ông miệt mài…” Xương da thịt ấy bao đời tổ tiên chăm chút giữ gìn, nay bỗng bị đem ra phá hủy, giống nòi chúng ta rồi sẽ ra sao? Bà Huyện Thanh Quan xa xưa, trong bài “Đèo Ngang”, đã bật lên hai câu thơ xót xa:

“Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia…”

Vậy chứ Tổ Quốc có còn không? Và nếu còn thì có con chim Quốc nào sức để bay về tổ? Có con chim Gia nào nhắc ta về với cội nguồn không? Kể ra thì người xưa cũng còn có chim Quốc để đau lòng, còn có chim Gia để kêu than. Bây giờ chất độc đã hủy hoại mọi sinh vật, Quốc Quốc chẳng còn, Gia Gia cũng biệt tăm! Chữ S méo mó dị dạng, rồi sẽ biến mất trên bản đồ thế giới!

“Từng giờ qua đi trong đau nhức không thôi!” Ông Nguyễn Đức Quang đã ôm đàn du ca mà thốt lên như thế trong thời chiến tranh. “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, bây giờ quê hương mình có được tồn tại chăng để mà ngạo nghễ tự hào?

Lạy Chúa, xin cứu chúng con, cứu dân tộc chúng con, cứu đất nước này khỏi họa diệt vong. Con hết lòng trông cậy vào Chúa.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 19.7.2018
Có thể nghe “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”
của cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang với link:
https://www.youtube.com/watch?v=af5Hk5REW-8

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.