Những gam màu trái ngược: Người Công giáo làm game online ở Philippines

Hình minh họa. google

Nghề làm game online mà nói thẳng ra là cờ bạc trá hình mang lại cho không ít người làm nghề này thu nhập cao, nhưng cũng có không ít người qua Manila mới nhận ra, đây không phải là miền đất hứa.

Làm nghề lôi kéo, dụ dỗ người khác đánh bạc thì chính họ cũng phải chịu số phận rủi ro, đen đỏ không kém. Có nhiều lối nẻo dẫn người ta bước vào làm việc cho những công ty game, nhưng tất cả mẫu số chung là tiền.

Dĩ nhiên, chẳng dám trách cứ ai nhưng tôi thấy chua xót trong lòng vì những công việc mà họ đang làm đang ngày đêm gây nên những tang thương, bi đát cho vô số các gia đình ở Việt Nam. Xin để những bài phóng sự sau, tôi sẽ chia sẻ về nỗi đau của những gia đình có con lâm cảnh nghiện game online-cờ bạc trá hình.

Quay trở lại với những người làm cái nghề này, tôi nhận thấy có hai gam màu trái ngược. Nếu như trước kia xem qua những video phóng sự của đài truyền hình việt nam cảnh báo về tình trạng nhiều người lao động nghe theo lời đường mật qua Campuchia, Philippines và bị đánh đập tàn nhẫn, ép buộc làm việc trong điều kiện không khác gì nhà tù, tôi cảm thấy rất tội nghiệp cho họ. Nhưng rồi, khi sang đến Manila để tìm hiểu sâu hơn, tôi lại gặp thấy một gam màu tương phản, có rất nhiều người kiếm được thu nhập cao, và họ nhìn vui vẻ, hạnh phúc và đôi khi còn hoạt động tình nguyện, từ thiện này nọ. Họ rất rộng tay và quảng đại với những công việc chung dù đang vất vả mưu sinh bằng cái nghề này.

Đem thắc mắc ấy đi hỏi, tôi được một người cho hay: “Những người mà anh gặp đó có thể nói là những người may mắn, làm việc cho những công ty game ít ra là không bóc lột, cưỡng ép. Họ may mắn thật, nhưng không phải ai cũng may mắn như họ. Có không ít người đen đủi rơi vào những công ty bóc lột. Họ muốn thoát ra nhưng không có cách nào vì giấy tờ đã bị cầm giữ và cũng không có đủ tiền để trả tiền đền cho công ty.” Những người tiếng anh không biết, tiếng trung bập bẹ, chỉ có biết tiếng Việt, họ sẽ là những người trực tiếp đi mồi chài, dụ dỗ, đổ lệnh xuất nhập … Nhiều tiếng kêu cứu từ những người bất hạnh được phát ra nhưng hầu như tuyệt vọng, vì chẳng có cách nào giúp họ. Họ bị bán qua bán lại từ công ty này sang công ty khác. Sống cảnh làm việc mà họ mô tả là không khác gì nuôi chó, đến giờ lên làm, đến giờ ăn cơm, đến giờ nghỉ là nhất nhất theo lệnh của những người quản lý.

Nhiều người ở Việt Nam qua nhờ những lời tư vấn việc nhẹ lương cao, không cần trình độ, chỉ cần biết sử dụng máy vi tính. Ở quê họ nói nôm na là làm nghề vi tính ở Philippines. Đến khi qua đây rồi mới hiểu rõ công việc tiếp tay cho những kẻ lừa đảo thì quá muộn. Họ không có tiền đền để thoát ra nên mang tâm lý thôi cứ tiếp tục một thời gian. Nhưng lại có những người tình nguyện đi vào những công ty này và điều đáng nói là họ dư biết việc mình làm có hậu quả ra sao, không ít người đã từng ăn cơm nhà Đức Chúa Trời.

Những nguời tạm gọi là có học thức, trình độ, họ sẽ làm được những công việc mà họ cho rằng đỡ áy náy lương tâm hơn như dịch thuật, nhân sự, hành chính, kỹ thuật, hậu cần … Trong số họ, có không ít là người Công giáo. Có người viện cớ: “Tôi chỉ làm cho mảng thị trường Trung Quốc thôi, tôi không làm cho mảng Việt Nam.”

Tôi nhận ra người này cũng biết việc mình làm chẳng tốt đẹp gì và tự trấn an mình bằng lý luận: “Tôi làm hại người dân tộc khác chứ không làm hại người Việt.” Liệu họ có hiểu, là người,ở đâu cũng đáng được tôn trọng như nhau?

Có không ít người là những anh em, họ hàng của những người có trách nhiệm chỉ đường hay lẽ phải cho người khác. Và vì như vậy mà họ rơi vào thế chẳng thể nói mạnh, nói thẳng được.

Một tu sĩ nói với tôi: “Trước đây e cũng khuyên mấy thằng em nhà e đừng làm. Lắm lúc e viết bài rồi e lại xoá đi. Tại cảm giác ko muốn bị làm phiền nhưng lương tâm luôn thấy cắn dứt.”

Một người khác nói: “Em được nhiều người xin trợ giúp về lại Việt Nam lắm, nhưng lực bất tòng tâm. Nhiều khi chẳng biết làm gì, chỉ có thể động viên họ thôi.” Tôi thấy rất nặng lòng khi nhìn thấy anh chị em đồng đạo của mình bước vào nghề này nhưng không có ai cảnh tỉnh cho họ biết. Dĩ nhiên không dọa dẫm ai vì mình có là ai mà dọa được người, nhưng còn sứ mạng ngôn sứ, nói cho dân biết đường chính nẻo ngay mà đi cũng không dám nói thì liệu có chu toàn lương tâm người mang tiếng làm thầy thiên hạ?

Viết những dòng này, tôi không trách cứ ai đang làm việc ở đây, nhưng khát khao mong mỏi những người Công giáo ở Việt nam đang có ý định qua Manila thì xin đừng lại và tìm một hướng đi khác cho cuộc đời thì sẽ tốt hơn. Ăn ít đi và bớt ngon hơn mà lương tâm thanh thản thì đỡ hơn là có tiền mà cắn rứt lương tâm.

Đức Ân

Mời đọc bài liên quan:

1. Di dân Việt Nam và vấn nạn làm game online ở Philippines

2. Vấn đề tế nhị: Người Công giáo làm game online ở Philippines

3. Những gam màu trái ngược: Người Công giáo làm game online ở Philippines

4. Nói chuyện với các bạn trẻ Công giáo về nghề game online- cờ bạc trá hình