Chúa Nhật IV Phục Sinh: Đức Giêsu – Mục tử nhân lành

Kinh thánh dùng hình ảnh mục tử và con chiên để nói về tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người tuyển chọn.

Chính Thiên Chúa hướng dẫn, bảo vệ và nuôi dưỡng Dân Người, qua các tôi tớ Người là các vua, những người lãnh đạo dân. Nhưng, qua lời các ngôn sứ Thiên Chúa phái đến cho thấy, Người không hài lòng và cảnh cáo các nhà lãnh đạo dân rất nặng nề và nghiêm trọng, vì thay vì nuôi dưỡng đoàn chiên, họ đã bóc lột và thậm chí giết chiên.

Thiên Chúa luôn ở phía những người bị áp bức, vì thế, Người hứa sẽ gửi đến cho họ một mục tử chân chính, nhân lành, để chăm sóc và hướng dẫn đoàn chiên theo đường công chính, đem lại bình an. Khi công bố: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”, Đức Giêsu vừa làm ứng nghiệm lời Thiên Chúa hứa, vừa cho thấy tiêu chuẩn của một mục tử chân chính, đích thực, là đặt cả mạng sống mình dưới sự an nguy của đoàn chiên, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.

Năm lần Đức Giêsu nhấn mạnh điều này, để nhấn đến mối dây liên kết chặt chẽ, thân tình giữa Người và đoàn chiên thuộc về Người, về mối bận tâm duy nhất của Người đối với đoàn chiên. Mục Tử coi đoàn chiên như chính mình.

Để khắc họa rõ nét chân dung và tấm lòng của Mục Tử Nhân Lành, Đức Giêsu đã dùng lối so sánh với những “kẻ làm thuê”, những kẻ chỉ nghĩ đến mình và xem công việc “chăn dắt” chỉ là một nghề đem lại lợi ích cho họ. Họ vô trách nhiệm và không có cảm thức gắn bó, thuộc về, nên chẳng có tình thương, vì nếu có yêu thương người ta sẵn sàng hiến thân phục vụ, dù không được trả công.

Bởi thế, “khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy, vì không thiết gì đến chiên” Tâm hồn mục tử, sự hiến mình của Đức Giêsu – mục tử diễn tả qua mối tương quan đậm đà với đoàn chiên: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha”.

“Biết” theo nghĩa Kinh thánh, là đi sâu vào mối tình thân, trong tin tưởng và trân trọng nhau, yêu thương và gắn bó, say mê và thắm thiết nhau, đến nỗi nên một với nhau. Sự hiểu biết nhau trải qua chiều dài của cuộc đời, với những thăng trầm trong cuộc sống, sự gắn bó khắn khít đạt đến độ cao tỏa sáng của những giá trị siêu việt, và sự đồng cảm, hiệp thông với nhau như chìm vào độ sâu trọn vẹn của những ý nghĩa cao cả, được diễn đạt hằng ngày, trong từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất.

Nếu người mục tử biết rõ từng con chiên, và từng con chiên, trong mức độ nhận thức của nó, biết về người mục tử thế nào, Đức Giêsu – mục tử nhân lành cũng thế, Người biết rõ các đặc điểm và phẩm chất, các vấn đề và ưu khuyết điểm của từng người. Đức Giêsu còn muốn mỗi người ngày càng đi sâu vào việc hiểu biết Người hơn, phát triển mối tương quan kết hợp, hiệp thông với Người, với một tình yêu sâu sắc và thủy chung, đến độ, phát sinh cảm thức gắn bó quyến luyến, “ tôi thuộc về Đức Giêsu”.

Tâm hồn và sứ mạng của Đức Giêsu – mục tử không giới hạn vào dân Do thái, mà mở ra cho toàn thể nhân loại, như một sự thúc bách phải thực hiện và hoàn thành, là làm cho nhân loại thành một đoàn chiên duy nhất. Một cộng đồng những người tin, luôn nghe theo tiếng của vị Mục Tử nhân lành, và đặt mình trong sự tín thác trọn vẹn dưới sự chăn dắt của một Mục Tử duy nhất. Đó là viễn cảnh công trình của Đức Giêsu – mục tử phải hoàn thành, chứ không phải do công sức của con người, vì chẳng bao giờ con người có khả năng quy tụ nhau lại, hiệp nhất nên một với nhau, dù có nhân danh bất cứ ai, bất cứ giá trị cao cả nào, dù có bất cứ mọi phương tiện nào.

Đoàn chiên sẽ hợp nhất với nhau trong một ràn, bao lâu từng người còn nghe được tiếng của vị Mục Tử nhân lành, còn quy tụ và thuộc về Người, còn gắn bó và đặt mình dưới sự chăn dắt của vị mục tử đã hiến mình vì tôi cũng như vì anh, đã hy sinh mạng sống cho tôi và cho anh.

Chính sự hiến mình của Đức Giêsu – mục tử với quyền năng “lấy lại mạng sống ấy” là điểm thu hút và quy tụ từng người đến với ràn chiên, là chất dính nối kết họ với nhau và với Người, là sự “tiếng kêu” của vị Mục Tử mà mọi người nghe được, là sự hiểu biết trọn vẹn về Đức Giêsu – mục tử nhân lành. Chính sự hiến mình của Đức Giêsu – mục tử và quyền năng “lấy lại mạng sống ấy” là mệnh lệnh của Chúa Cha mà Người đã nhận được, là lý do Chúa Cha yêu mến Người, là nội hàm của những từ ngữ diễn tả mối tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha như: nghe, biết, nhận ra, yêu thương và thuộc về; diễn tả qua đỉnh cao của sự vâng phục, khi Người hiến mình cho một Tình Yêu mà Người đã nhận, đã nghiệm và đáp trả lại Tình Yêu của Chúa Cha.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.