Hai điểm nhấn liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam trong cuộc họp cấp Chuyên viên lần VI giữa Vatican và Việt Nam

HAI ĐIỂM NHẤN LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRONG CUỘC HỌP CẤP CHUYÊN VIÊN LẦN THỨ VI GIỮA VATICAN & VIỆT NAM

1. Điểm thứ nhất nhắc lại quan điểm của Thư chung 1980: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

Dân tộc Việt Nam gồm 56 sắc tộc đa số và thiểu số. Người Công giáo dù là người sắc tộc Kinh hay Bahnar, K’Ho hay Jarai, K’me hay Chăm … đều mang giá trị Tin Mừng phục vụ không chỉ sắc tộc của mình, mà phục vụ cả dân tộc Việt Nam.

Giá trị Tin Mừng căn bản là làm chứng cho sự thật, vì Sự Thật là chính Chúa Yêsu.

“Thầy là đường là sự thật và là sự sống” (Yn 14, 6). “Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng Tôi” (x. Yn 19). Tòa thánh Vatican cùng với nhà nước Việt Nam khuyến khích các Kitô hữu “sốngPhúc Âm giữa lòng dân tộc” tức là mời gọi và đòi buộc mỗi giáo dân phải không ngừng dấn thân cho sự thật, không thể tiếp tục để cho sự gian dối hủy hoại con người và quốc gia Việt Nam.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam

Những giá trị khác như yêu thương phục vụ sẽ được xác nhận nó đúng là giá trị Tin Mừng khi nó bảo vệ và phát triển sự thật, còn ngược lại làm cho sự thật bị nhận chìm thì đó là ngụy giá trị Kitô giáo và đôi khi còn là phản chứng.

Một cách thực hành cụ thể, người Công giáo được mời gọi qua kết quả của kỳ họp chung giữa hai quốc gia Vatican và Việt Nam là quan tâm đến nơi đến chốn những nạn nhân của những chính sách gian dối, đẩy con người đến mất nhân phẩm, những chính sách lừa phỉnh làm cho giới trẻ không còn biết đâu là sự thật lịch sử quốc gia và nguồn gốc dân tộc mình.

Người Công giáo phải dấn thân với những xả thân cụ thể để cứu lấy dân tộc và quê hương trước những chính sách vi phạm nhân quyền, dân quyền và tàn phá môi trường.

“Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” cũng gần với thúc đẩy “đi ra” của Đức thánh cha Phanxicô, kể từ khi ngài đảm nhận trách vụ này cho đến nay. Nghĩa là đừng chỉ ở trong lòng giáo đường hay Giáo hội, mà phải phục vụ cộng đồng dân tộc như tinh thần của Chúa Yêsu, như giáo huấn của Công đồng Vatican II, như Thư Chung 2016 đã viết:

“vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng” của anh chị em nói riêng và người dân Việt Nam nói chung trong xã hội ngày nay. Nhìn vào tình hình đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta không thể không có những băn khoăn, lo lắng. Làm sao không âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ! Làm sao vui được trước sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm! Làm sao không lo lắng trước tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên, thảm hoạ môi trường biển tại miền Trung! Đó là chưa kể đến mối đe doạ hằng ngày từ các thực phẩm bẩn và độc hại, có thể ngay trong các quầy hàng và trên bàn ăn của mỗi gia đình!” (Thư Chung 2016, số 2).

“Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” có thể hiểu rộng là sống Lời Chúa, mang Chúa đến cho quốc gia Việt Nam, quê hương Việt Nam ngay trong giữa các thực thể đó, nhưng không bao giờ là giữa thể chế chính trị, vì đó chỉ là những sách lược cai trị nay còn mai mất, không tồn tại lâu dài với con người và dân tộc.

2. Điểm nhấn thứ hai nhắc lại giáo huấn của Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI với các Đức giám mục Việt Nam trong chuyến viến thăm định kỳ mỗi năm năm là “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Khi nói đến công dân, tức là nói đến trách nhiệm chính trị quốc dân, mà trong tư cách là một thành viên của xã hội, người giáo dân phải thi hành.

Người công dân tốt trước tiên là trung thành với Hiến pháp, bảo vệ không cho bất cứ một thế lực chính trị hay bạo lực nào có thể bóp méo hay làm sai lệch Hiến pháp.

Do vậy mỗi Kitô hữu sống giáo huấn này phải quyết liệt lên tiếng phản đối việc tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam, một chính đảng chưa bao giờ đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, và cơ chế của nó đang lấn áp cả lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Người Kitô hữu phải dấn thân yêu cầu nhà chức trách phải để công dân được tự do lập hội, hoạt động báo chí truyền thông, biểu tình và thực hành tôn giáo cách tự do theo đúng Hiến pháp đã công bố. Đồng thời người Kitô hữu phải bằng mọi giá ngăn cản những luật pháp ban hành vi hiến được áp dụng và buộc những chính sách giành độc quyền cai trị cho đảng cộng sản phải chấm dứt.

Cám ơn Thiên Chúa là chủ lịch sử đã dẫn đưa Hội nghị cấp chuyên viên cao cấp giữa Vatican & Việt Nam đến viễn cảnh Nước Trời, và đòi buộc các công dân Việt Nam là người Công giáo phải đi đường hẹp để vào cửa Nước Trời.

Lm. Lê Ngọc Thanh

Nguồn: tinmungchonguoingheo.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.