Thánh Anphongsô là người có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt. Ngài nhận định rằng: “Lòng yêu mến Đức Mẹ phải là sợi dây tình thương liên kết với Chúa, với các linh hồn, với Hội Thánh và với mỗi người chúng ta.”[1] Thánh Anphongsô quả quyết rằng tất cả những gì xảy ra cho Mẹ là vì phần rỗi chúng ta. Vinh Quang Đức Maria là vì phần rỗi các linh hồn. Nơi Mẹ, chương trình yêu thương của Thiên Chúa được tỏ lộ. Vậy do đâu mà thánh nhân có lòng sùng kính Đức Mẹ như thế? Lòng sùng kính này được thể hiện như thế nào nơi thánh Anphongsô?
Trước tiên, lòng sùng kính Đức Mẹ của thánh Anphongsô được nảy sinh và vun trồng ngay từ thời thơ ấu nhờ người mẹ tốt lành, bà Donna Anna. Khi nghĩ về mẹ mình, thánh Anphongsô viết: “Tôi phải thú thật rằng: Nếu tôi sống tử tế suốt thời niên thiếu và được gìn giữ khỏi những sự xấu, đó là hoàn toàn nhờ sự săn sóc của mẹ tôi.“[2] Ngài tự thuật: “Mỗi sáng sau khi chúc lành cho các con, mẹ tôi cùng các con quỳ xuống cầu nguyện. Chiều tối, mẹ tôi tập họp các con lại quanh mẹ rồi dạy các chân lý đức tin, đọc kinh Mân côi với các con và dạy cho các con cách tôn kính các thánh.“[3]
Bên cạnh đó, lòng sùng kính Mẹ Maria của thánh Anphongsô còn được củng cố bởi sự tôn kính Mẹ Maria của người dân Napôli, quê hương ngài. Lúc đó, ở Napôli có tới 214 đền thánh kính dâng Đức Maria. Đức Mẹ Carmel – Đức Bà Da Nâu là vị đồng bảo trợ của thành Napôli.[4]
Ngoài ra, việc tôn kính Mẹ của thánh Anphongsô có thể cũng ảnh hưởng phần nào thuyết Đền Bù của thánh Alsemô khi xem Thiên Chúa là một quan án công thẳng. Tuy nhiên, việc ca tụng vinh quang Mẹ của Anphongsô không làm mất đi hình ảnh của một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài vẫn khẳng định rất rõ “Ơn Cứu Chuộc chan chứa nơi Người” (Tv 130,7). Thánh Anphongsô thực hiện lòng tôn sùng Mẹ vì Ngài nhận thấy Mẹ đưa ngài đến gần Chúa hơn, gần Hội Thánh và gần con người hơn. Ngài dùng mọi cách để khuyến dục người ta chạy đến bên Mẹ, vì nơi Mẹ, ân sủng Chúa được tuôn tràn. Chúa Giêsu đã giao phó tất cả chúng ta cho Mẹ trên thánh giá thì lẽ nào Mẹ không thương con mình cho được. Vậy lòng sùng kính Đức Maria được thánh nhân thể hiện như thế nào trong cuộc đời của ngài?
Lòng sùng kính Đức Maria của thánh Anphongsô được thể hiện qua chính đời sống yêu mến của ngài dành cho Đức Mẹ. Thật vậy, ngay từ nhỏ, ngài đã có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Chuyện kể rằng, có lần các bạn lối xóm rủ Anphongsô chơi đánh đáo. Nhưng khi Anphongsô được liên tiếp nhiều ván, có bạn trong nhóm tức quá, lên tiếng chửi thề; Anphongsô liền ngưng chơi, nói với bạn: “Xúc phạm đến Chúa vì mấy đồng xu à? Này đây, tiền của các bạn.”[5] Nói và vứt xuống đất, rồi chạy ra sau lùm cây. Cả đám bổ đi tìm. Không thấy tăm hơi đâu. Cuối cùng, tìm ra Anphongsô đang quỳ cầu nguyện trước một bức tượng Đức Mẹ nhỏ xíu cậu vẫn đem theo mình.[6] Trên bàn học của ngài luôn có tượng ảnh “Mẹ chỉ bảo đàng lành,” với những chú thích ghi bên dưới: “Mẹ là má, Mẹ sẽ đem chúng con về Thiên đàng,” hoặc “Tội nghiệp cho chúng ta nếu không có người Mẹ thánh toàn năng.”[7] Đến khi tốt nghiệp Đại học Napôli năm 1713, ngài đưa ra “lời thề máu” rằng sẽ bênh vực cho danh hiệu Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria. Đối với ngài, đó không chỉ là một danh hiệu. Những năm sau đó, ngài còn lặp lại lời thề đã long trọng tuyên bố khi còn 16 tuổi. Khi quyết định từ giã thế gian, Anphôngsô chạy đến trước bàn thờ Đức Mẹ tại nhà thờ Naple, chàng gỡ thanh gươm tượng trưng của giai cấp quý tộc, đặt lên bàn thờ. Sau này khi có dịp trở lại, Anphongsô lại tìm đến đây để cầu nguyện với Đức Mẹ. Ngài nói: “Chính nơi đây Đức Mẹ đã khiến tôi từ giã thế gian.”[8] Khi đến tuổi già, không còn đủ minh mẫn để nhớ mình đã lần hạt đọc kinh chưa, người vẫn hỏi thầy dòng coi bệnh. Một hôm thầy ấy nói với người: “Bao nhiêu tràng hạt cha đã đọc dư ra hôm nay, con xin cha nhường tất cả cho con.” Ðấng thánh liền tỏ vẻ mặt nghiêm trang và nói, “Thầy đừng đùa, thầy không biết rằng phần rỗi đời đời của tôi là nhờ ở tràng hạt Mân Côi ư?”[9] Năm 1787, khi đang hấp hối tại Pagani, hai tay ngài cầm bức ảnh Đức Maria. Đến khi kinh Truyền tin vang lên, ngài trút hơi thở cuối cùng.
Lòng yêu mến đó còn được thể hiện nơi những tác phẩm nghệ thuật của thánh Anphongsô, như các bức tranh ảnh vẽ Mẹ (Our Lady of Good Counsel), các bài thơ, các sáng tác âm nhạc về Mẹ, và nhất là qua tác phẩm văn chương nổi tiếng mang tên “Vinh quang Đức Maria.” Đó là một công trình tâm huyết mà thánh Anphongsô đã dùng 16 năm trời (1734 -1750) để nghiên cứu, sưu tập, kết hợp với những kinh nghiệm sống thiết thân của ngài với Mẹ. Tác phẩm này được rất nhiều độc giả thời ngài hưởng ứng, tán dương. Người ta đã làm một thống kê cho thấy, ngay tại thành Napôli, kể từ lúc ra mắt, quyển sách này đã được tái bản đến 9 lần trong vòng 25 năm. Từ lần xuất bản đầu tiên đến nay, quyển sách này được dịch ra trên 60 thứ tiếng khác nhau và in ra hơn 1000 lần trên khắp thế giới.[10]
Thánh Anphongsô quả quyết rằng, lòng yêu mến Mẹ là bảo đảm cho phần rỗi nhất. Ngài rất mực yêu mến Chúa Giêsu và không quên dành cho Mẹ một thời gian đặc biệt trong các giờ kinh nguyện. Ngài sáng kiến rất nhiều phương cách cầu nguyện bình dân để giúp các Kitô hữu và anh em trong Dòng Chúa Cứu Thế thực hành lòng mến yêu Mẹ: suy gẫm 7 sự thương khó Đức Mẹ, Hành Hương kính Mẹ, viếng Mẹ Maria sau giờ viếng Thánh Thể, lần chuỗi Mân côi…
Các thành viên của Dòng Chúa Cứu Thế đã được thừa hưởng nền linh đạo Thánh Mẫu vững chắc của vị thánh Tổ Phụ. Tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế hiểu rằng việc yêu mến và tôn sùng Mẹ là một công việc tốt đẹp vì nó giúp ta hướng tâm hồn lên Chúa và đến với tha nhân. Trong Hiến Pháp của Dòng đã ghi rõ:
Các tu sĩ nhận Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc làm gương mẫu và là vị bảo trợ của mình, bởi vì Mẹ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin và đã hết lòng tuân phục ý định của Thiên Chúa. Mẹ đã hoàn toàn hiến mình cho thân thế và sự nghiệp của con mình như một nữ tì của Chúa, và như thế Mẹ đã phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc.[11]
Thật vậy, Mẹ là khuôn mẫu của một người thừa sai của Thiên Chúa, để phân phát “thóc gạo” cho dân của Ngài. Bằng tiếng “xin vâng,” Mẹ đã hoàn thành một cách tốt đẹp sứ vụ mà Chúa đã giao phó. Thánh Anphongsô và con cái của ngài cũng bắt chước gương mẫu của Mẹ, tôn sùng Mẹ và không ngừng “làm cho thế giới biết Mẹ” như lời mời gọi của Hội Thánh, qua sự ủy thác của Giáo Hoàng Piô IX cho Cha Tổng Quyền DCCT Nicholas Mauron, vào ngày 26/04/1866. Dòng Chúa Cứu Thế đã, đang và còn tiếp tục nói với thế giới về Mẹ, để những ai chạy đến Mẹ thì được gặp gỡ Chúa Giêsu – nguồn ơn cứu độ.
Hiểu được lòng sùng kính Mẹ Maria của Thánh Anphongsô, thiết nghĩ, mỗi chúng ta được mời gọi noi gương Thánh Anphongsô, luôn biết yêu mến Mẹ, chạy đến kêu xin cùng Mẹ, để nhờ Mẹ, qua Mẹ, ta đến với Chúa Giêsu – suối nguồn ơn cứu độ. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn nhân loại đang phải đối diện với cơn đại nạn Covid 19; Việt Nam của chúng ta, nhất là ở Sài gòn, đang phải chịu chịu hậu quả nặng nề của cơn đại dịch: biết bao nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa; biết bao gia đình đau khổ vì phải lìa xa người thân; biết bao người vô gia cư phải đói, phải khổ; bệnh viện quá tải! Các nhân viên, Y, Bác sĩ đang phải gồng mình để trống trọi, để chăm sóc, để phục vụ… đôi lúc họ không còn đủ sức, đủ nghị lực để bước tới… Trong bối cảnh ấy, hơn ai hết, hôm nay là lúc này, ta càng được mời gọi chạy đến bên Mẹ, để trao dâng tất cả những nỗi niềm, những khổ đau, tủi hờn… xin Mẹ an ủi, nâng đỡ, chữa lành và giúp ta can đảm vượt qua nghịch cảnh này. Và khi ta được Mẹ ủi an, nâng đỡ, chữa lành… ta được mời gọi tiến thêm một bước, đó là: cùng Mẹ, với Mẹ, ta cầu nguyện, sẻ chia, nâng đỡ, ủi an những người khác – người đau khổ, như xưa Mẹ đã nâng đỡ, ủi an, và cùng cầu nguyện với các Tông đồ trong Nhà Tiệc Ly. Nếu mỗi chúng ta, hôm nay và lúc này, luôn biết sống và thực thi điều đó, thì phải chăng, khi ấy ta đang mang tình thương của Chúa đến cho người khác? Phải chăng lúc ấy, ta đang làm cho Thế giới biết đến Mẹ?
Jos. Nguyễn Văn Sơn, C.Ss.R.
[1] Thánh Anphongsô, Vinh Quang Đức Maria, Phạm Duy Lễ chuyển dịch (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2006), 21.
[2] Th. Rey-Mermet C.Ss.R, Thánh Anphong, Viễn Thụ chuyển dịch (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2003), 29.
[3] Ibid., 30.
[4] x. Michael Brehl C.Ss.R, “Thánh Anphongsô Và Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa,” P.B chuyển ngữ, http://trungtammucvudcct.com/thanh-anphongso-va-viec-thuc-hanh-muc-vu-sung-kinh-duc-maria (truy cập ngày 20-05-2019).
[5] Th. Rey-Mermet C.Ss.R, Thánh Anphong, 17.
[6] Ibid., 18.
[7] Ibid., 47.
[8] Ibid., 70.
[9] Ibid., 19.
[10] Ibid., 8-9.
[11] Hiến Pháp Và Quy Luật Dòng Chúa Cứu Thế (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2014), # 32.