Linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế – Linh đạo lội ngược dòng

Bước chân vào Nhà Dòng, anh em trẻ chúng tôi luôn được các bậc đàn anh đi trước căn dặn kĩ càng: “Anh em chọn nếp sống tu trì thì anh em cần chuẩn bị tinh thần để lội ngược dòng nước. Người đời tìm vinh hoa phú quí, tìm sự an nhàn, tìm những thú vui trần thế, nhưng anh em là con cái cha Thánh An-phong, anh em sẽ đi ngược lại cái xu hướng đó.”

Đúng vậy, trở nên một tu sĩ Chúa Cứu Thế là phải can đảm dấn thân, không tìm cho mình sự dễ dãi, yên phận; phải luôn xông pha vào những nơi gai góc nhất để có thể đem những giá trị Tin Mừng vào các thực tại trần gian. Thư của Phao-lô gửi Ti-mô-thy diễn tả chính xác điều này: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4:2).

Lời Chúa thúc giục các tu sĩ công bố liên tục, bất chấp nghịch cảnh, thậm chí biết là sẽ phải mang họa vào thân, họ vẫn dũng cảm thi hành vì đó là mệnh lệnh của Chúa chứ không phải của người đời.

Lịch sử Dòng minh chứng rõ ràng nhận định này, xin được phác qua vài nét để cùng chiêm ngắm. Trước hết , hãy bắt đầu từ việc cha Thánh An-phong gầy dựng Dòng hồi thế kỉ 18 ở vương quốc Naple, Italy.

Cha Thánh là một người dám lội ngược dòng của thời đại ngài. Giữa lúc mà số các linh mục đầy rẫy ở nơi phố thị xa hoa, đang khi dân nghèo ở những vùng quê xa xôi chẳng có ai ngó ngàng. Thánh An-phong cảm thương cho những con người bất hạnh này vì họ đói khát Lời Chúa.

Vì thế mà, thánh nhân đã quyết tâm gầy dựng nên một dòng tu mới với những con người dám khước từ những lợi lộc của tước vị, để có thể đồng hành cùng dân nghèo. Nhà vua cùng triều đình khi đó không ủng hộ việc thành lập các Dòng tu mới, vì vua nhìn thấy những lạm dụng nơi những Dòng sẵn có.

Tuy nhiên, Thánh An-phong kiên nhẫn âm thầm làm những việc cần làm và âm thầm chờ đợi cho đến ngày ý Chúa được thực hiện. Đó là chuyện mấy trăm năm về trước, giờ đây chúng ta hãy trở về thời kì gần hơn, gần cả về địa lý và thời gian.

Sau biến cố đau thương 1954, tấm áo của bà mẹ Việt Nam bị xé toạc ra đôi mảnh. Con cái Chúa lũ lượt kéo nhau đi về phương Nam để tìm nơi an toàn mà giữ Đạo Chúa. Giáo dân di tản đã đành, các chủ chăn cũng vậy, cha con dìu dắt nhau đi tìm vùng đất mới.

Giữa lúc dòng người như thác lũ khăn gói quả mướp ra đi, lại có mấy ông tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế được bề trên sai trở ngược lại ra Bắc. Họ bảo nhau: “Ra đó, để ít ra là có người tin Chúa giữa những người vô thần.”

Quyết định can đảm này buộc họ trả những cái giá rất đắt. Lần lượt các cha, các thầy trong nhóm đó qua đời vì tù đầy của chế độ. Còn một mình cha già Giuse Vũ Ngọc Bích sống lủi thủi một mình trong tu viện hoang vắng, luôn bị sói dữ rình rập tấn công. Gian truân khổ đau kể sao cho siết trong những tháng năm mòn mỏi chờ đợi gần như trong vô vọng. Vậy mà, ngài vẫn vui vẻ đón nhận tất cả với niềm tin yêu phó thác.

Sau này, Chúa trả công cho ngài bằng một cộng đoàn những anh tu sĩ trẻ tiếp nối sứ mạng của ngài. Lớp trẻ chúng tôi có quyền tự hào: Dòng Chúa Cứu Thế là Dòng tu nam duy nhất bám trụ ở Hà Nội sau năm 1954.

Gần đây hơn, Dòng Chúa Cứu Thế nổi lên trên những phương tiện truyền thông vì những hoạt động đấu tranh cho công lý, hòa bình, cho quyền con người. Nhiều người chê trách: “Mấy ông cha thích làm chính trị.” Có thật thế không? Có phải các tu sĩ Chúa Cứu Thế muốn chống phá nhà nước như báo đài rêu rao?

Không đâu, câu trả lời chắc chắn là không. Muốn hiểu vì sao, phải quay lại với Hiến pháp của nhà Dòng. Dòng được thành lập để phục vụ những người bị bỏ rơi nhất. Những người bị bỏ rơi là ai? Thưa, đó là những người nghèo, những nạn nhân của bất công trong xã hội. Chấp nhận đi với họ, Dòng sẽ trở thành cái gai trong mắt của những người gây ra bất công.

Thời sinh viên, khi đang tìm hiểu các Dòng tu, tôi rất ngưỡng mộ và ao ước được vào một Dòng khá danh tiếng nọ. Tuy nhiên, khi một anh dự tu của Dòng ấy kể cho tôi ý của bề trên của anh về việc đấu tranh cho công bằng xã hội, ngài nói: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau. Cứ để họ làm trước thì hơn.” Tôi ngán ngẩm và từ bỏ hoàn toàn ý định gia nhập Dòng tu ấy.

Tóm lại, một khi đã mang trên mình lí tưởng của cha Thánh An-phong, người tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế sẽ phải thực hiện những cú lội ngược dòng khó khăn, nhưng không kém phần oanh liệt để có thể làm sáng Danh Chúa trong mọi lúc, mọi nơi, khi thuận tiện và cả khi không thuận tiện.

Duc Trung Vu, CSsR

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.