Bài giảng thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT Hà Nội

BÀI GIẢNG LỄ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH

Thái Hà, 26/02/2017. Is 49,14-15; 1Cr4,1-5; Mt 6,24-34

Kính chào ông bà và anh chị em,

Tối hôm nay, như thông lệ, chúng ta lại quy tụ nơi đây để cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cầu nguyện cho quê hương đất nước chúng ta. Cách riêng, hôm nay chúng ta hiệp thông với anh chị em ngư dân tại Song Ngọc, Giáo phận Vinh và các ngư dân bị đánh trọng thương ngày 14/2 vừa qua. Hiệp thông, cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm bị bắt giam trái pháp luật. Thiết nghĩ, đó là hành động đức tin thật cao đẹp trong tư cách là một công dân, một kitô hữu.

Lời Chúa trong các bài đọc Chúa nhật, nhất là Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Thiên Chúa nhắc chúng ta thật rõ ràng: “Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được”. “Anh em quý giá hơn chim trời và hoa cỏ ngoài đồng biết bao”. “Vậy anh em đừng lo lắng sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì”. “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (Mt 6,24-34).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình lúc 20 giờ 00, Chúa Nhật 26.02.2017
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình lúc 20 giờ 00, Chúa Nhật 26.02.2017

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi xác tín rằng, Thiên Chúa yêu chúng ta và Ngài sẽ nâng đỡ, bảo vệ, chăm sóc chúng ta.

Xác tín như vậy, không có nghĩa là chúng ta buông xuôi, ươn lười trong lao động. Chúng ta phải lo toan, lo liệu, nhưng chớ lo lắng. Trong bảy ơn Chúa Thánh Thần ban cho ta, có ơn lo liệu. Lo liệu, sắp xếp đời sống, công việc là điều phải làm; nhưng lo lắng, rồi loay hoay, xoay sở, chạy chọt, bất chấp nhân phẩm, bất chấp giá trị đạo đức để có tiền, có của, có chức quyền. Đó là cái lo làm tôi cho tiền của, làm tôi vật chất. Và khi ấy, chúng ta không thể đứng về phía sự thiện, chúng ta không thể thuộc về Thiên Chúa.

Trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình tối nay, tôi mời gọi ông bà và anh chị em, nhất là các bạn trẻ, dựa vào Lời Chúa, chúng ta suy nghĩ xem môi trường xã hội chúng ta đang sống, có quá lo lắng đi tìm của cải vật chất, quyền lực để rồi làm tôi cho nó mà đánh mất lương tâm, chà đạp lên quyền lợi, nhân phẩm của người khác không.

Vì lý tưởng hay vì quyền lợi nhóm, đảng phái mà hiện nay những người lãnh đạo đất nước này vẫn kiên trì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, đặt nền tảng trên chủ thuyết vô thần cộng sản Mác-xít? Một chủ thuyết đã lạc hậu, lỗi thời? Vì cứ kiên định theo con đường này, nên đất nước chúng ta mỗi ngày một tụt hậu, những giá trị nền tảng truyền thống bị đánh mất, giáo dục phá sản, bạo lực gia tăng. Người ta loay hoay tìm những giải pháp để chấn hưng giáo dục, lập lại trật tự, lấy lại các giá trị đạo đức nhưng sẽ không bao giờ làm được khi mà, vì để giữ quyền lực trong tay, vì lòng tham tiền bạc không đáy, người ta vẫn kiên định đi theo con đường lỗi thời, xây dựng xã hội trên nền tảng chủ thuyết vô thần ấy.

Khung cảnh trong lòng nhà thờ Thái Hà trong thánh lễ cầu cho công lý và hòa bình tối 26.02.2017
Khung cảnh trong lòng nhà thờ Thái Hà trong thánh lễ cầu cho công lý và hòa bình tối 26.02.2017

Cách đây không lâu, báo Dân Trí cho biết[i], có cả chục đại dự án trên đất nước này thua lỗ hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhà máy vừa làm xong phải đắp chiếu vì thiết bị máy móc lạc hậu; vừa đi vào sản xuất phải bỏ, vì tính toán sai với nhu cầu thực tế…

Lỗ nhưng vẫn làm, phá hủy môi trường thiên nhiên, thiệt hại đến môi trường sống của người dân nhưng vẫn làm, như Dự án Bôxit Tân Rai, Nhân Cơ, Tây Nguyên, hay Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh của tập đoàn Formosa.[ii]

Người dân được gì, dân tộc này được gì khi mà đất mất, biển mất, môi trường thiên nhiên bị đầu độc phá hủy, đời sống của người dân rơi vào tình cảnh cùng khổ từ những đại dự án trên? Chỉ có các quan chức là hưởng lợi. Có dự án là có tiền. Họ tham tiền, tham đến nỗi trở nên độc ác với người dân, quay lưng với lợi ích của dân tộc.

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã gây ra thảm họa môi trương cho các tỉnh Miền Trung. Vào tháng Tư năm ngoái, 2016, người dân phát hiện việc xả thải nước bẩn vào môi trường biển, các sinh vật dưới biển chết hàng loạt, ngư dân điêu đứng vì không thể ra khơi.

Trước sức ép từ người dân, lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh đã phải cúi đầu nhận tội, xin lỗi và hứa đền bù 500 triệu Mỹ kim.

Gần một năm trôi qua, người dân Miền Trung vẫn phải đấu tranh để nhận được tiền đền bù; nhưng nguy hại hơn, môi trường biển vẫn đang bị đầu độc: những vệt nước ô nhiễm vẫn thường xuất hiện tại khu vực biển Miền Trung mà chẳng ai lý giải do đâu, độc hại mức nào. Hay có thể, những người có trách nhiệm không muốn tìm nguyên nhân, không muốn đưa ra ánh sáng. Và cứ thế, gọi nó là vệt nước có màu đỏ lạ, vệt nước có màu đen lạ .. như vẫn quen gọi tàu lạ ngoài Biển Đông tấn công ngư dân, tàu lạ đi vào lãnh hải Việt Nam.

Ngày 14 tháng 2 vừa qua, linh mục Giaon.B Nguyễn Đình Thục và hơn 500 bà con giáo dân xứ Song Ngọc, Giáo phận Vinh lên đường khởi kiện tập đoàn Formosa Hà Tĩnh. Thay vì tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ bà con ngư dân, nhà cầm quyền Nghệ An và Hà Tĩnh ra sức đánh phá: cấm các nhà xe không cho chở bà con, ngăn chặn, gây rối, bắt bớ, đánh đập và độc ác hơn, sau đó dùng truyền thông có trong tay bẻ cong sự thật. Đây không phải là lần đầu, nhà cầm quyền Nghệ An, Hà Tĩnh ngăn cản các ngư dân khởi kiện Formosa. Họ đã làm điều này với linh mục Phêrô Trần Phúc Cai, Giáo xứ Tu Chỉ, Hà Tĩnh hồi tháng 12 năm 2016 và với linh mục Anton Đặng Hữu Nam và bà con ngư dân Phú Yên, Nghệ An vào tháng 9 và tháng 10 năm 2016.

Mấy ngày qua, báo chí Việt Nam cho biết[iii], ông Võ Kim Cự, cựu Chủ tịch UBND Hà Tĩnh  và ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng có thể bị kỷ luật về mặt đảng vì những thiếu sót trong dự án Formosa.

Hình thức kỷ luật như kiểu “bôi dầu nóng trên vết thương mưng mủ”. Vì như ông Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội thì: “cấp phép cho Formosa liên quan đến nhiều cơ quan, bộ, ngành, chứ không phải chỉ cá nhân ông Võ Kim Cự” Và chắc chắn sẽ chẳng đi đến đâu khi mà Formosa vẫn đang còn nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Vẫn tiếp tục xả thải mà không ai có thể kiểm soát được. Có thể người dân Việt sẽ tiếp tục bị đầu độc bởi những dòng nước bẩn năm này qua năm khác và mức độ càng ngày càng khủng khiếp hơn.

Vì đâu nên nỗi, vì đâu các siêu dự án cứ làm nghèo đất nước, vì đâu các đại dự án vẫn đầu độc chính người dân Việt mình. Chẳng vì điều gì khác ngoài quyền lợi, tiền bạc, quyền lực. Nhà cầm quyền đã nô lệ cho tiền bạc, quyền lực.

Thưa ông bà và anh chị em, “hèn với giặc, ác với dân” là cụm từ nhiều người thường dùng để chỉ cách hành xử của nhà cầm quyền hiện nay với người dân của mình. Thay vì đứng về phía người dân, nhà cầm quyền lại bảo vệ, đứng về phía các tập đoàn bóc lột người dân, nhu nhược với Trung Cộng chiếm đảo, lấn biển nhưng lại ra tay đàn áp người dân xuống đường bảo vệ chủ quyền.

Người dân đi kêu oan khiếu kiện bị xé băng rôn, xô đẩy cho ngã, quăng lên xe như những con vật. Những người bất đồng chính kiến bị theo dõi, sách nhiễu, đánh đập, bỏ tù cách tùy tiện. Những người lên tiếng, dấn thân cho công bằng xã hội, đưa ra ánh sáng những điều mờ ám hại dân, hại nước bị chụp mũ là “lợi dụng quyền tự do”, “là phản động”.

Em Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, tại Hà Tĩnh. Em Nguyễn Văn Hóa bị bắt hôm 11.1.2017 khi đang đi trên đường. 12 ngày sau họ mới thông báo cho gia đình biết. Khi bắt công an vu cho là trữ ma túy trong người, nhưng rồi chuyển sang lý do “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Em Nguyễn Văn Hóa là một thanh niên tham gia tích cực trợ giúp các ngư dân miền Trung, cách riêng về mặt truyền thông trong cuộc đấu tranh chống lại bất công liên quan đến vụ Formosa thải độc ra biển.

Vừa qua nhà cầm quyền cũng bắt anh Nguyễn Văn Oai, cựu tù nhân lương tâm tại Nghệ An, hay bà Trần Thị Nga, tại Hà Nam…với những lý do khác nhau, nhưng bản chất của vụ việc cũng tương tự: dấn thân cho tự do, công bằng, thúc đẩy sự thay đổi xã hội bị quy chụp “lợi dụng quyền tự do, xâm phạm lợi ích nhà nước”.

Tại sao nhà cầm quyền lại hèn với giặc, ác với dân? Cũng chỉ vì tiền, vì quyền lực.

Chúng ta sắp bước vào Mùa Chay, trong Sứ điệp Mùa Chay 2017 năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1Tm 6:10). Đây là nguyên nhân chính của tham nhũng và một nguồn mạch dẫn đến ghen tị, xung đột và nghi ngờ. Tiền bạc có thể thống trị chúng ta, thậm chí đến mức nó trở thành một thứ ngẫu tượng độc tài (cf. Evangelii Gaudium, 55). Thay vì là một khí cụ phục dịch chúng ta để làm điều thiện và thể hiện tình đoàn kết với người khác, tiền bạc có thể xiềng xích chúng ta và cả thế giới vào một thứ luận lý ích kỷ không còn chỗ cho tình yêu và gây trở ngại cho hòa bình.”[iv]

Thưa ông bà và anh chị em, các bạn trẻ thân mến, là người Công giáo, chúng ta tự xét mình xem, có hình thức nào đó, chúng ta đang tìm kiếm tiền bạc mà quên đi tìm đức công chính và Nước Thiên Chúa; hay tệ hơn chúng ta đang làm tôi cho tiền bạc?

Chúng ta có quá lo lắng “lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc” nên làm thinh trước bất công, trước gian dối: Ai cũng biết cần thay đổi xã hội nhưng lại tự nhủ mình: làm gì được đây? Ai cũng biết, bất công, gian dối đang xảy ra hằng ngày: quan nhỏ ăn nhỏ, quan to ăn to nhưng rồi lại tự nhủ: cuộc sống là thế? Ai cũng thấy anh chị em mình tại Miền Trung bị ngăn chặn, đánh đập bất công. Ai cũng thấy nhà cầm quyền “hèn với giặc, ác với dân” – khi cho người  theo dõi, khủng bố, đánh đập, bắt bớ những anh chị em dấn thân cho các vấn đề xã hội; nhưng chẳng mấy người liên đới, chẳng mấy người lên tiếng, bênh vực. Biết nhưng vẫn thờ ơ coi như không biết vì sợ ảnh hưởng đến công ăn việc làm.

Đứng trước một vấn đề, đôi khi chúng ta không đặt câu hỏi: điều này đúng hay sai? tốt hay xấu? hợp ý Chúa hay không? nhưng lại chỉ đặt câu hỏi: điều ấy được gì? làm vậy có lợi hay không? Khi chỉ lo tìm kiếm cái lợi về của cải vật chất đôi khi sẽ dẫn tới tình trạng mê muội không còn phân biệt đúng – sai, thiện – ác, tốt – xấu. Chúng ta đánh mất căn tính ngôn sứ Kitô hữu để đổi lấy sự an toàn, mối lợi giả tạo.

Một hình thức khác lo lắng cho mạng sống mình để rồi làm nô lệ cho tiền bạc, coi thường mạng sống của anh chị em mình. Đó là trực tiếp hay gián tiếp làm hàng giả, hàng độc hại, hàng kém chất lượng. Không thiếu người tiếp tay cho những con buôn Trung Quốc, chỉ biết kiếm lời thật nhiều tiền mà coi rẻ sức khỏe, mạnh sống của người dân, sự an nguy của dân tộc. Không thiếu gia đình tìm cách sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, ngay đến bản thân, gia đình không dám dùng những thứ tự tay mình làm ra; nhưng lại vô tư bán cho anh chị em mình. Và cứ thế, người Việt mình tự đầu độc nhau bằng thực phẩm độc hại, bằng đồ dùng kém chất lượng.

Thưa anh chị em, Chúa nói với chúng ta: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, hay mặc gì”. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.”

Cầu nguyện cho công lý và hòa bình hôm nay, chúng ta xin Chúa đánh thức lương tri nhà cầm quyền để họ thức tỉnh, ra khỏi tình trạng mê đắm trong quyền lực, lợi lộc vật chất khi đi ngược lại với lịch ích của dân tộc, trở nên độc ác với người dân.

Chúng ta cầu nguyện cho những ai đang cộng tác vào các cơ cấu tội ác, tiếp tay hại đồng bào mình, khi suốt ngày theo dõi, rình rập, trấn áp, sách nhiễu, đánh đập người khác chỉ vì họ dấn thân thúc đẩy để xã hội được tốt đẹp hơn; xin cho những con người này biết từ bỏ những công việc mờ ám đó để làm ăn chân chính, đứng về phía sự thật, tìm kiếm sự thiện.

Hiệp thông cầu nguyện cho cha xứ và anh chị em giáo dân tại Song Ngọc. Chúng ta cũng dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn; vì cùng với những người thành tâm thiện chí anh chị em tại Song Ngọc và nhiều anh chị em khác tại Miền Trung đã nói lên tiếng nói của lương tri. Anh chị em đó đã không chỉ lên tiếng và hành động cho bản thân gia đình mình, nhưng lên tiếng vì tương lai của cả một dân tộc.

Chúng ta cũng xin cho mỗi người chúng ta, trong tư cách là Kitô hữu, biết can đảm nói lên tiếng nói ngôn sứ, dấn thân cho những giá trị Tin Mừng; Liên đới và đứng về phía những ai oan sai, nghèo khổ, đứng về phía những ai đang thành tâm thiện chí để kiến tạo một xã hội công bằng, bác ái, trong chân lý và sự thật.

Đức Giêsu nói vơi mỗi người chúng ta: “Phúc cho những ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Thiên Chúa sẽ chẳng quên việc ta làm vì Ngài là Đấng sẽ “đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người” (1Cr 4,5b). Amen!

Linh mục: Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT Hà Nội

[i] http://dantri.com.vn/kinh-doanh/12-dai-du-an-thua-lo-nghin-ty-yeu-cau-xu-ly-dut-diem-nha-thau-20170211061931373.htm

[ii] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150329/du-an-boxit-sap-bay-nha-thau-trung-quoc-ra-sao/726707.html

[iii] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tin-nong-xem-xet-ky-luat-ong-vo-kim-cu-vu-formosa-357881.html

[iv] http://nhathothaiha.net/toan-van-su-diep-mua-chay-2017-cua-duc-thanh-cha-phanxico/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.