Bài giảng thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình: Vì sự sống đích thực của con người

Thái Hà (30.06.2019) – Như thường lệ, tại nhà thờ Thái Hà, thánh lễ lúc 20 giờ 00 Chúa Nhật cuối mỗi thánh sẽ là thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Hôm nay, thánh lễ với ý cầu nguyện cho tài sản, đất đai của Nhà Thờ Thái Hà cũng như của người dân được tôn trọng, cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm.

Thánh lễ do cha Phanxicô X. Nguyễn Kim Phùng, C.Ss.R chủ tế và cha Giuse Nguyễn Văn Toản, C.Ss.R chia sẻ Lời Chúa. Trước thánh lễ, cha Giuse Nguyễn Văn Toản đã nêu những ý cầu nguyện mời cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa trong thánh lễ.

Do khuôn viên nhà thờ Thái Hà đang bề bộn, nên trong những tháng qua thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình không thắp nến. Cuối thánh lễ, cộng đoàn đứng hướng về bàn thờ Đức Mẹ cùng nhau hát Kinh Hòa Bình.

Mời quý vị theo dõi video trực tiếp và bài giảng trong thánh lễ dưới đây:

 

VÌ SỰ SỐNG, HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC CỦA CON NGƯỜI

Bài Giảng Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Công Lý và Hoà Bình

Nhà Thờ Thái Hà, 30.06.2019

Kính thưa ông bà và anh chị em, một trong những sự kiện chính trị xã hội tại Châu Á trong tháng qua được mọi người chú ý, đó là các cuộc xuống đường của gần hai triệu người dân Hồng Kông, nhất là vào ngày Chúa Nhật, 16.06.2019 với yêu sách, huỷ bọ dự luật dẫn độ và trưởng đặc khu thân Bắc Kinh phải từ chức..

Trong cuộc xuống đường của cả triệu người ấy, có sự đóng góp của Giáo hội Công giáo Hồng Kong, khi mà hình ảnh thật gần gũi của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, các linh mục và giáo dân, nhất là các bạn trẻ hoà lẫn với dòng người khao khát gióng lên tiếng nói vì công lý và hoà bình trên lãnh thổ mình đang sinh sống. Bài hát “Sing Hallelujah to the Lord” – “Hát lên mừng Chúa” của các Kitô hữu đã bất ngờ nổi lên thành một bài hát chính thức trong các cuộc xuống đường này.

Dõi nhìn sang Châu Mỹ, những ngày qua, một số tờ báo Công giáo thuật lại câu chuyện của một linh mục tại Venezuela, cha Luis Antonio Salazar.

Cha Luis Antonio Salazar thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn đã rất nổi tiếng sau khi lập một tài khoản trên mạng xã hội để chia sẻ Kinh Thánh. Ngài còn nổi tiếng hơn sau khi tham gia vào các cuộc biểu tình chống nhà độc tài Nicolás Maduro và công khai ủng hộ cho lãnh tụ đối lập Juan Guaido. Ngài tham gia các cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền độc tài trong lớp áo dòng của mình. Người ta có thể thấy ngài ban phép lành cho những người biểu tình; và một lúc sau cũng có thể thấy cảnh ngài bị rượt chạy chung với người dân. Cha Luis Antonio Salazar chia sẻ: “Nếu mọi người ra đường, bạn cũng phải ra đường với họ. Như thế, mới gọi là đồng hành”.

Thưa anh chị em, bài Tin Mừng trong thánh lễ Chúa Nhật XIII Thường Niên hôm nay, Thánh Luca viết: “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết lên Giêrusalem” (Lc 9,51).

Chúa Giêsu đã nhất quyết lên Giêrusalem, dù bị môn đồ ngăn cản, vì hành trình lên Giêrusalem là hành trình gian khó, hành trình nơi đó “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Lc 9,22). Dầu vậy, vì ơn cứu độ, vì hạnh phúc và sự sống đời đời của nhân loại, Chúa Giêsu đã hoàn toàn tự do để chọn Thánh Ý Thiên Chúa Cha quyết lên Giêrusalem để đi vào con đường khổ giá.

Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu và các môn đồ phải qua xứ Samaria. Người xứ này thù ghét người Do Thái, nên họ cũng thù ghét Chúa Giêsu và các môn đồ. Các môn đồ nói với Chúa Giêsu: “Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông” (Lc 9,53–55).

Thưa ông bà và anh chị em, là môn đệ Đức Giêsu chúng ta cũng được mời gọi vì sự sống, hạnh phúc đích thực của chúng ta, của anh chị em đồng loại mà ‘nhất quyết lên Giêrusalem’-  nhất quyết đi vào con đường hẹp để làm chứng cho sự thật, công bằng, tự do và bác ái qua việc lên tiếng, hành động cách ôn hòa; lên án dùng bạo lực với anh chị em đồng loại.

Hình ảnh của các vị chủ chăn và anh chị em giáo dân tại Hồng Kong cũng như hình ảnh của cha Luis Antonio Salazar tại Venezuela không có gì xa lạ đối với các Kitô hữu vì nó đang họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu nhất quyết lên Giêrusalem vì hạnh phúc và sự sống đích thực của con người. Giáo hội cũng đã xác quyết con đường đó, nên đã khẳng định với nhân loại và nhắc nhở con cái mình rằng:Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. (CĐ Vaticanno II, Gaudium et Spes, số 1)

Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta đã đến nhân loại này trong thân phận của một con người, của người nghèo và Ngài mang lấy tất cả nỗi khó nhọc, sự thua thiệt, cảnh bị ruồng bỏ, bách hại mà người nghèo thường phải chịu. Trong tư cách là một vị Thiên Chúa Làm Người đó, Chúa Giêsu đã giải phóng con người cách toàn vẹn để con người được tự do trong tư cách là con cái Thiên Chúa.

Thưa ông bà và anh chị em, trong niềm xác tín và với tư cách là môn đệ Đức Giêsu hôm nay, chúng ta không được dạy phải cúi mình trong cảnh tủi nhục làm nô lệ, nhưng đứng lên làm con người tự do trong Thần Khí để làm điều lành, điều thiện (Gl 5,13).

Do vậy, làm sao chúng ta có thể thờ ơ với cảnh đồng bào, anh chị em đồng loại đang phải chịu cảnh áp bức bất công?

Trong lời giới thiệu cuốn sách Docat – Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các Kitô hữu, nhất là các Kitô hữu trẻ: “Không gì khác có thể thay đổi thế giới này mà chính những ai biết đồng hành với Chúa Giêsu dấn thân vào thế giới, cùng với Ngài đến với người bị gạt ra bên lề xã hội và đi vào giữa những ai bị coi là “bẩn thỉu” trong xã hội. Hơn nữa, chúng con còn phải biết đi vào đời sống chính trị và đấu tranh vì công lý và phẩm giá con người, đặc biệt cho những người nghèo khổ nhất. Tất cả chúng con là Giáo hội. Hãy chắc chắn rằng Giáo hội sẽ được biến đổi, hãy làm cho Giáo hội luôn sống động, bởi vì chính Giáo hội muốn đặt mình vào cuộc thử thách giữa những tiếng khóc than của người bị tước quyền làm chủ cuộc đời mình, giữa những tiếng van xin của người nghèo túng và bị bỏ rơi.” (Lời giới thiệu cuốn Docat)

Ông bà và anh chị em hãy nhìn sang phía đối diện với mặt tiền ngôi nhà thờ chúng ta đang ngồi đây: Phường Quang Trung đang làm gì? Họ đang xây ngôi nhà ba tầng kiên cố trên mảnh đất của nhà thờ với mục đích bảo vệ khu phố, sinh hoạt cộng đồng. Lấy đất của nhà thờ làm nhà sinh hoạt cộng đồng chỉ cách mặt tiền nhà thờ không quá 10 m ư? Chưa nói đến nguồn gốc đất đai, việc xây ngôi nhà sinh hoạt trước mặt tiền nhà thờ thôi cũng không thể chấp nhận. Nó đi ngược lại với truyền thống tôn trọng nơi thờ tự linh thiêng của dân tộc; đi ngược lại với truyền thống giáo dục nhân bản, tâm linh của cha ông chúng ta.

Anh không tôn trọng, làm những việc coi thường, xúc phạm nơi thờ tự linh thiêng – dù anh có tin hay không là lúc anh đang đưa chân đạp mũi nhọn. Anh không thể dạy con cháu anh nên người.

Chúng ta phải lên tiếng, bảo vệ quyền lợi chính đáng; nhưng cũng là lời nhắc nhở cho chính chúng ta, cho những ai đang liều mình mà có ý xúc phạm Thiên Chúa, thưa anh chị em.

Tình trạng quan chức, các nhóm lợi ích dùng bạo lực, cưỡng chế đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của người dân với giá đền bù rẻ mạt đã và vẫn đang xảy ra hàng ngày từ Bắc chí Nam. Điển hình, chỉ cách đây 3 ngày: Vào Sáng 27-6-2019, một số người dân ở xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã mang quan tài đặt trước cửa nhà mình để quyết tử bảo vệ đất. Chính quyền Đồng Nai đã lấy đất toàn xã Long Hưng để giao cho doanh nghiệp với mức giá đền bù 60.000 đồng/ m2, trong khi doanh nghiệp bán ra 29.000.000 đồng/ m2, chênh lệch mua bán lên đến 483 lần.

Tình trạng những tiếng nói bất đồng chính kiến, lên tiếng tố cáo tham nhũng, bất công bị đe dọa, bắt bớ, đánh đập, bỏ tù với những bản án mờ ám nặng nề. Như anh chị em đã nghe ý cầu nguyện đầu thánh lễ: Đó là thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, giáo dân giáo xứ Thuận Giang, Giáo phận Vinh; và hôm qua 29.06 một người dân tại Thanh Hóa cũng bị nhà cầm quyền bắt vì bày tỏ bất đồng chính kiến trên mạng xã hội.

Tình trạng các tù nhân lương tâm bị đối xử hà khắc trong các trại giam; tính mạng, nhân phẩm của người dân bị coi rẻ… Điển hình là các tù nhân lương tâm tại trại giam Thanh Chương, Nghệ An bị ngược đãi trong những phòng giam mái tôn chật chội, nắng nóng, không quạt.

Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta cần liên đới, cầu nguyện, lên tiếng và hành động hợp với Tin Mừng hầu bảo vệ lẽ công bằng, sự thật và thăng tiến những quyền căn bản của anh chị em chúng ta.

Thưa ông bà và anh chị em, tôi không muốn kéo dài bài chia sẻ hôm nay, xin được dừng lại với lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về sự liên đới trong việc quan tâm đến các vấn đề xã hội:“Liên đới không phải là một trong những tình cảm mơ hồ, hay xúc động hời hợt trước những đau khổ của các kẻ ở xa hay các kẻ ở gần. Ngược lại, đó là quyết tâm chắc chắn và bền vững dấn thân cho công ích, tức là lợi ích của mọi người và của từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm vè mọi người, và quyết tâm đó dựa trên xác tín vững chắc rằng, việc phát triển toàn diện đang bị cản trở bởi lòng ham muốn lợi nhuận và khoa khát quyền lực” (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp “Quan tâm đến các vấn đề xã hội”, số 38, năm 1987).

Xin Chúa ban phúc lành của Người cho chúng ta. Amen!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.