‘Hy vọng giữa sa mạc’, các tín hữu Công giáo tại sự kiện ủng hộ Hồng Kông

Suy tư của Linh mục Carlos Cheung, một Tu sĩ Salêdiêng, trong buổi cầu nguyện trước cuộc biểu tình lớn tại Công viên Victoria. Một sự chỉ trích nặng nề đối với chính phủ: người dân “bị chính quyền ngược đãi, bị cảnh sát bắt giữ một cách sai trái, bị Bộ Tư pháp truy tố cách bất công, bị đe dọa khủng bố trắng”. Ký ức về sự kiện Thiên An Môn và lời kêu gọi tự tiết chế. “Với tư cách là những người Kitô hữu, những người đã trở nên quen thuộc với những lời lẽ của công lý, liệu chúng ta có chọn việc giữ im lặng khi thế giới cần chúng ta phải mạnh mẽ lên tiếng?”.

Hồng Kông (AsiaNews / SE) – Hàng trăm tín hữu Công giáo cũng tham gia cuộc biểu tình lớn hôm 18/8 tại Công viên Victoria, vốn quy tụ hơn 1,7 triệu người. Trước cuộc tụ biểu tình lớn, họ đã tham gia buổi cầu nguyện mà trong đó, sau một số bài đọc Kinh Thánh và hát Thánh Ca, Linh mục Carlos Cheung, một Tu sĩ Salêdiêng đến từ Hồng Kông đã chia sẻ với những người tham gia biểu tình. Dưới đây là chia sẻ của Linh mục Carlos Cheung:

Như chúng ta được nhắc nhở bởi bài đọc Kinh Thánh hôm nay, [Đnl 1, 29-31] Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta, và chúng ta đi đến vùng đất hứa mang theo niềm hy vọng do Thiên Chúa ban. Cho dù mọi thứ có vẻ khó khăn đến đâu, chúng ta cũng không dễ dàng từ bỏ.

Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không tìm kiếm những chiến thắng thiển cận trong chiến dịch này. Đây là một cuộc chiến kéo dài. Mặc dù hiện tại chính phủ không chú ý đến yêu cầu của chúng ta, chúng ta phải không ngừng chiến đấu trong Giáo xứ của chúng ta, trong cộng đồng của chúng ta, giữa bạn bè và giữa các thành viên gia đình của chúng ta, tất cả đều được coi như là những chiến trường trường kỳ đúng nghĩa. Mỗi một người trong chúng ta đều có trách nhiệm trong việc này – thức tỉnh những người xung quanh chúng ta.

Chúng ta đã bị đặt vào những vụ đổ máu chưa có hồi kết trong hơn hai tháng. Những người biểu tình đã bị đối xử bạo lực và bị bắt giữ. Bắt đầu từ tháng 6, cảnh sát đã sử dụng vũ lực và bạo lực quá mức trong việc đàn áp người dân, vi phạm các quy tắc an toàn, vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Vào ngày 21 tháng 7, cảnh sát thậm chí còn cho phép việc tấn công bừa bãi nhằm vào công dân bởi những kẻ côn đồ. Không chỉ là những công dân bình thường, các cư dân và thậm chí là những người qua đường cũng đã bị tấn công bằng bom hơi cay, họ cũng bị bắt giữ mà không có lý do chính đáng. Chính phủ giúp bao che những hành động trắng trợn của cảnh sát và đi đầu trong việc lan truyền những tin tức giả mạo và thông tin sai lệch cho công chúng. Giờ đây, chính phủ thậm chí còn ra sức nói xấu các đối thủ của mình và truyền bá tuyên truyền chính trị. Tệ hơn nữa, chính phủ thậm chí đã trở nên quá quen với việc nói dối không biết xấu hổ trong các cuộc họp báo với nỗ lực nhằm tẩy não những công dân vô tội. Chúng ta có sẵn sàng để cho mình bị thao túng bởi một chính phủ đang thực hiện những động thái chính trị xấu xí này nhân danh công lý? Phải chăng chúng ta chẳng hề có cảm giác gì với tất cả những điều này? Anh chị em thân mến, lương tâm của chúng ta ở đâu? Ý thức luân lý của chúng ta nằm ở đâu? Giáo hội cần phải làm thế nào để cung cấp hướng dẫn trong việc đưa ra một sự phán xét về mặt luân lý đối với việc này? Ngày nay, đây không chỉ đơn giản là vấn đề về những quan điểm chính trị khác nhau. Đây là về việc người dân đang bị chính quyền ngược đãi, những người dân bị cảnh sát bắt giữ một cách sai trái, những người bị Bộ Tư pháp truy tố cách bất công, những người bị đe dọa khủng bố trắng. Với tư cách là những người Kitô hữu, những người đã trở nên quen thuộc với những lời lẽ của công lý, liệu chúng ta có chọn việc giữ im lặng khi thế giới cần chúng ta phải mạnh mẽ lên tiếng?

Ngoài việc cầu nguyện, chúng ta cần nói với chính phủ rằng việc nhấn mạnh vào cách tiếp cận như vậy là hoàn toàn sai lầm. Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta với phẩm giá và tự do. Như chúng ta có thể thấy trong Cựu Ước, ông Mordecai, cha nuôi của Esther, đã cầu nguyện với ThiênChúa với những lời này – “(b) Lạy Chúa, Chúa là Vua Toàn năng, Chúa nắm quyền điều khiển vũ trụ. Khi Chúa muốn cứu độ Ít-ra-en, nào ai đương đầu nổi với Ngài!… (d) Lạy Chúa, Ngài biết mọi sự, Ngài biết rõ: Không phải vì xấc xược, kiêu kỳ hoặc háo danh mà con làm thế: đã không bái lạy tên Ha-man ngạo mạn kiêu căng… (e) Nhưng con đã làm thế để khỏi đặt cái vinh của người phàm trên vinh quang Thiên Chúa. Con sẽ không bái lạy một ai, ngoại trừ Ngài, lạy Chúa, và con sẽ không làm thế vì kiêu ngạo” – Điều chúng ta đang bảo vệ một cách kiên trì đó chính là phẩm giá con người – phẩm giá của con cái của Thiên Chúa! Chúng ta hãy cầu nguyện với Thiên Chúa theo những lời của Esther – “Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài”.

Chúng ta cần phải chấm dứt mọi đau khổ gây ra bởi phán quyết vô lý và sự áp bức của chính quyền. Ngày nay, chúng ta vẫn phải bảo vệ những người trẻ tuổi của chúng ta, bảo vệ Hồng Kông của chúng ta, bảo vệ Chúa Giêsu khỏi mọi bản án bất công, để Ngài không bị đối xử một cách thậm tệ và tàn nhẫn cũng như một lần nữa bị buộc tội với sự oan sai.

Những người trẻ tuổi đã bị tàn sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 4 năm 1989. Sự việc tương tự có thể xảy ra một lần nữa ở Hồng Kông. Do đó, chúng ta phải thể hiện sự kiềm chế. Chúng ta không nên tự hy sinh bản thân vì chế độ độc ác này. Trong chiến dịch phản đối chính quyền, chúng ta, với tư cách là những thành viên của Hồng Kông, chẳng hề chứng kiến việc bạo lực thực sự được khởi xướng bởi những người trẻ tuổi của chúng ta. Ngược lại, bạo lực gây ra bởi lực lượng cảnh sát là điều rõ ràng. Hai triệu người đã xuống đường để yêu cầu việc rút lại Dự luật dẫn độ, thế nhưng chính quyền trung ương chỉ đơn giản là bịt tai trước tiếng gào thét kêu la của người dân và những người trẻ tuổi. Và nếu như chính phủ trung ương chọn cách phớt lờ tiếng nói của chúng ta, vậy tại sao chúng ta phải đổ lỗi cho những người bạn trẻ của mình?

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta, những người trẻ tuổi và đất nước Hồng Kông. Đây không phải là một trận chiến của sự sinh tồn. Đây chính là một trận chiến của luân lý. Với sự bình an, sự khôn ngoan và nhạy bén, chúng ta hãy thức tỉnh tất cả mọi người, chúng ta hãy thức tỉnh Giáo hội và Dân Chúa. Chúng ta hãy mạnh mẽ tiến nước – kiêu hãnh, hy vọng và không sợ hãi.

Minh Tuệ (theo Asia News)

https://dcctvn.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.